Lễ
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm A
Có thể nói, đa số các Tông đồ
bắt đầu đi theo Đức Giêsu đều
nhằm mục đích trần thế: Mong muốn
Đức Giêsu làm vua thế gian để được
làm ông nọ bà kia trong nước của Ngài. Bằng
chứng là việc bà mẹ của Gioan và Giacôbê đã có
lần xin cho hai con được ngồi một
đứa bên hữu một đứa bên tả trong
nước của Ngài (x. Mt 20, 20-21). Còn các Tông đồ
khác thì lại tranh dành xem ai lớn ai bé? (x. Mc 9,34).
Trong suốt ba năm theo Đức
Giêsu, các Tông đồ chưa hiểu thấu những giáo
huấn và những phép lạ Ngài làm. Chẳng hạn, khi
Đức Giêsu nói với những người Do thái hãy phá
hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi
sẽ xâu dựng lại (x. Ga 2,19). Những người Do
thái và chính các Tông đồ không hiểu điều
Đức Giêsu nói. Thánh Gioan cho biết: “Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn
nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy,
khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn
đệ nhớ lại Người đã nói điều
đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã
nói”(Ga 2,21-22). Khi Đức
Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của mình, các môn
đệ chẳng hiểu điều Ngài muốn nói và
họ sợ hãi không dám hỏi Ngài (x. Mc 9,31-32).
Chính vì không hiểu hết về giáo
huấn của Đức Giêsu nên các môn đệ khó
chấp nhận, đặc biệt là những giáo huấn
đó đòi hỏi sự hy sinh, từ bỏ. Cụ
thể, Thánh Phêrô đã bị Đức Giêsu mắng cho
một trận “đồ
Sa-tan,” vì ông dám ngăn cản Ngài bước vào cuộc
khổ nạn (x. Mc 8,32-33). Cũng vì không hiểu
được ý nghĩa của cuộc khổ nạn
Thầy mình phải chịu nên Phê-rô đã chối Thầy
ba lần trước một tớ gái (x. Mt 26,69-75). Các Tông
đồ còn lại thì bỏ trốn hết. Vì chưa
hiểu hết giáo huấn của Đức Giêsu nên khi
Đức Giêsu chịu chết, các ông đã vào phòng đóng
kín cửa lại vì sợ người Do Thái, sợ mình
cũng chung với số phận của Thầy.
Tại sao các Tông đồ lại mê
muội, không thấu hiểu hết giáo huấn và phép
lạ Đức Giêsu? Vì các ông chưa được ban
Chúa Thánh Thần. Chính Đức Giêsu đã nói: “Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây
giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần
Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh
em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ
không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả
những gì Người nghe, Người sẽ nói lại,
và loan báo cho anh em biết những điều sẽ
xảy đến” (Ga 16, 12-14).
Ngài còn cho biết thêm: “Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ
sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con
mọi sự và sẽ nhắc nhở cho các con mọi
điều Thầy đã nói với các con”(Ga 14,26).
Nhưng khi được ban Chúa Thánh
Thần, các Tông đồ được biến
đổi, trở thành những con người mới,
những con người của Tin mừng. Thật
vậy, sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra
với các môn đệ và ban Thánh Thần cho các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh
Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy
được tha, các con cầm giữ ai, thì người
ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Đặc
biệt, hôm nay trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi mà các môn
đệ đang tề tựu một nơi, có cả những
người Do thái từ khắp nơi tụ về, một
hiện tượng kỳ lạ đã xảy đến
như chúng ta vừa nghe sách Công Vụ Tông đồ kể
lại: “Bỗng từ
trời phát ra tiếng động như tiếng gió
mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi
họ đang sum họp. Lại có những lưỡi
như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác
đậu trên từng người. Hết thảy mọi
người đều được tràn đầy Chúa
Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ
theo Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2,2-4). Đây là một
đặc sủng ngôn ngữ: Chúa Thánh Thần tác
động trực tiếp trên các Tông đồ để
các ông nói được các ngôn ngữ. Bởi vì, chính các thính
giả hôm đó làm chứng rằng họ hiểu
những gì các Tông đồ nói: “Chúng
tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca
tụng những kỳ công của Chúa” (Cv 2,11).
Từ khi được ban Chúa Thánh
Thần, các Tông đồ hiểu thấu đáo về giáo
huấn và phép lạ của Đức Giêsu, nên họ có
một cái nhìn khác về Đức Giêsu và về sứ
mạng của Ngài. Vì thế, các Tông đồ can
đảm thực hành những gì mà Đức Giêsu đã
trao phó. Thánh Phê-rô công khai rao giảng Tin mừng Đức
Giêsu đã chết và phục sinh. Bài giảng đầu
tiên của Ngài đã có khoảng 3000 người xin lãnh
nhận Bí tích Rửa Tội (Cv 2,41). Sau đó, các ngài phân chia
nhau đi khắp mọi nơi rao giảng Tin mừng và
làm chứng về Đức Giêsu. Đi liền với
lời rao giảng và làm chứng đó là sự bắt
bớ, tù đày. Dẫu bị cấm cách, bắt bớ,
tù đày, nhưng các Ngài không sợ hãi. Trái lại, lòng
họ còn cảm thấy hân hoan bởi được coi
là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức
Giê-su (x. Cv 5, 41). Cuối cùng, các Tông đồ đã can
đảm chấp nhận cái chết để làm
chứng cho lời mình rao giảng.
Nhờ đâu, các Tông đồ làm
được như vậy? Đó là nhờ sự tác
động của Chúa Thánh Thần. Đúng như lời Đức
Giêsu đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật
đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự
thật toàn vẹn”(Ga 16,13). Chúa Thánh Thần “sẽ tố cáo thế
gian về tội lỗi, về sự công chính và về án
phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào
Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và
các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì
thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”(Ga 16,8-11). Chúa
Thánh Thần còn nói thay cho các Tông đồ, nhất là
những khi bị bắt bớ tù đày: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng
lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó,
Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật
vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của
Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).
Tóm lại, Chúa Thánh Thần
đã làm thay đổi đời sống nơi các Tông
đồ. Chúa Thánh Thần giúp các Tông đồ hiểu
thấu những giáo huấn và phép lạ của
Đức Giêsu đã làm. Chúa Thánh Thần tiếp tục
thực hiện vai trò đó nơi Giáo hội cho
đến tận thế.
Mỗi người chúng ta
được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu Phép
rửa tội. Đặc biệt, chúng ta được
lãnh nhận một cách sung mãn với bảy ơn cả
Chúa Thánh Thần trong ngày chịu Phép Thêm Sức. Chắc
chắn Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ giúp chúng ta
như xưa Ngài đã giúp các Tông đồ. Vì vậy, chúng
ta hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần, nghe theo sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi suy
nghĩ, lời nói và việc làm để Ngài cũng biến
đổi chúng ta trở thành những người của
Tin mừng giống như khi xưa Ngài đã biến
đổi các Tông đồ.
Lạy
Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và canh tân đời
sống chúng con. Amen.
Lm. Anthony
Trung Thành
|