Thiên đàng
Hôm nay chúng ta hân
hoan long trọng mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Nhưng
Chúa Giêsu lên trời có ý nghĩa gì? Trước hết, chúng
ta cần xác tín kiểu nói “lên trời, xuống thế” là thế nào.
Nếu hiểu “trời” là nơi Chúa ngự, còn “thế” là cõi trần
của chúng ta. Và “lên, xuống” theo nghĩa kính Chúa thì
đặt Chúa ở trên, còn loài người chúng ta tầm
thường thì đặt ở dưới. Hiểu
như vậy, thì kiểu nói”lên trời, xuống thế” chả còn
đặt thành vấn đề nữa.
Nhưng
điều làm cho một số người ngày nay thắc
mắc là cách hiểu theo nghĩa đen:”Trời” là
trời xanh, là không trung, có tinh tú, có mặt trời, mặt
trăng… và đem quan niệm tiến bộ về thiên
văn của thế kỷ XX, bây giờ là thế kỷ
XXI, áp dụng vào những kiểu nói thời xưa, thì
không đúng. Chắc chắn không thể hiểu theo
nghĩa đen và đem áp dụng như thế
được. Sự kiện Chúa Giêsu “bay lên khỏi
đất” hoặc “bay lên trời” là để nói
rằng: Chúa về nơi Ngài ở trước. Ngài không
còn ở dưới trần thế như từ ngày giáng
sinh đến hôm đó nữa. Ngài lên trời, đó là
một cuộc tôn vinh sau khi đã hoàn tất chương
trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Như vậy,
việc Chúa Giêsu lên trời là một sự kiện tất
yếu của quá trình nhập thể và cứu chuộc
của Ngài. Như chương trình phát triển của một
hạt lúa: phải tự mục nát trong đất mới
đâm mầm và tăng trưởng dần cho đến
thời kỳ trổ bông, sinh hạt. Cũng vậy, Chúa
Giêsu sau thời gian đi gieo lời hằng sống,
thiết lập và xây dựng một nền móng đạo
đức đặt căn bản trên tình thương và
công bằng trong xã hội Do thái thời đó, mảnh
đất thí điểm và khởi điểm. Ngài đã
chịu chết, sống lại và vinh hiển về
trời.
Nói rõ hơn,
Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, đã từ trời xuống trần
gian này, để thực hiện chương trình cứu
chuộc của Chúa Cha. Ngài đã giảng dạy, phục
vụ và cống hiến cả mạng sống. Nên sau khi
sống lại từ cõi chết, Ngài đã được
Thiên Chúa Cha tôn vinh, đặt bên hữu Thiên Chúa, và ban cho
quyền xét xử vũ trụ. Đây cũng là một câu
trả lời vô cùng phấn khởi cho chúng ta, nếu chúng
ta trung thành đi theo Chúa, sống theo lời Ngài, chúng ta
cũng sẽ được về trời, chúng ta sẽ
được Chúa Giêsu đón vào trong nhà Cha cùng với Ngài
hưởng hạnh phúc vinh quang muôn đời.
Vì vậy,
mầu nhiệm lên trời dạy cho chúng ta biết:
Nước trời, tức là thiên đàng, có thực
sự, là nơi Thiên Chúa ngự, là nơi tập họp
những người con thảo của Thiên Chúa. Nhưng
thiên đàng ở đâu? Ở trên không trung, trên trời,
bên trên những đám mây ư? Chỉ những ai ngây
thơ mới nghĩ như thế. Thiên đàng mà Chúa Giêsu
đã hứa, Nước trời như Chúa đã nói,
chẳng dính dáng gì tới bầu trời của những
nhà du hành vũ trụ.
Trước
đây, người ta kể rằng: Sau những lần
đáp tên lửa vòng quanh trái đất, có những nhà du
hành để thám hiểm vũ trụ, đã tuyên bố
rằng: Họ chẳng thấy gì bên trên những đám
mây, chẳng thấy Thiên Chúa, thiên đàng, các thánh, chẳng
thấy gì hết. Thế là nhiều người ngây
thơ, nông cạn tin rằng: Từ nay trở đi,
niềm tin có thiên đàng sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Những điều đó có đúng không? Thưa không, con
người đã lên cung trăng, sẽ đáp xuống sao
hỏa, sao kim, rồi tuần tự sẽ thám hiểm
thế giới các vì sao. Nhưng con người không
thể và không bao giờ đến gần được
thiên đàng, dù chỉ cách vài cây số thôi. Thiên đàng
của Thiên Chúa ở trong chiều kích khác với thời
gian và không gian của chúng ta. Thiên đàng là nơi Thiên Chúa
ngự. Ngài hiện diện khắp vũ trụ. Suy
đoán thiên đàng ở đâu đó, trên các hành tinh
hoặc trên các thiên hà xa lắc, là làm một công việc vô
ích. Thiên Chúa ở đâu, thiên đàng ở đó.
Câu chuyện sau đây minh họa
cho chúng ta: Có một tu sĩ kia, sau khi đã dày công tu
luyện và suy nghĩ về niềm hạnh phúc của
một thiên đàng hạ giới, đã lên
đường đi tìm. Ngày tháng trôi qua, vị tu sĩ
đã lên đường năm mươi năm, nhưng
vẫn chưa tìm ra được một nơi nào
để có thể hưởng trọn hạnh phúc
xứng đáng được gọi là thiên đàng. Khi
đã mệt mỏi mà chưa đạt đích, vị tu
sĩ này đã đi lại con đường cũ
dẫn tới tu viện nơi ông đã bỏ đó
để đi tìm thiên đàng hạ giới. Khi ông vào tu
viện gõ cửa để xin tá túc, thì không ai trong tu
viện nhận ra ông nữa. Vị tu viện
trưởng bằng lòng cho ông tá túc. Ông được
dẫn đến căn phòng, đó chính là căn phòng ông
đã ở trước kia. Một tư tưởng
bỗng lóe lên trong tâm trí của người tu sĩ già này
đã trả lời cho câu hỏi mà ông đã tìm câu giải
đáp mấy chục năm qua, là thiên đàng ở
đâu? Thiên đàng chính là nơi bạn đang sống.
Thiên đàng không tùy thuộc nơi chốn nhưng tùy
thuộc ở lòng người.
Đây chính là
điều Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thiên đàng
ở giữa các ngươi”. Thiên đàng hiện ra trong
từng giây phút chúng ta đang sống, thiên đàng là xã
hội chúng ta đang sống, nếu xã hội là nơi mà
quan niệm về hạnh phúc được thực
hiện và thỏa mãn. Nếu xã hội là nơi mà sự
hòa bình, sự bình an, sự hiệp nhất, tình liên
đới, nghĩa huynh đệ được thực
hiện thật sự và đích thực.
Hoặc chúng ta
có thể nói rằng: ở đâu có bác ái, yêu thương,
thì thiên đàng ở đó, câu chuyện sau đây cho chúng ta
hiểu rõ điều đó: Có
một chàng hiệp sĩ kia. Là hiệp sĩ nhưng
rất sống thô lỗ, hung bạo. Một hôm, anh
đến gặp một vị thiền sư và
hỏi:”Xin ngài chỉ dạy cho tôi biết thiên đàng và
hỏa ngục là gì? Vị thiền sư nhìn anh ta một
hồi rồi nói:”Tôi không thể dạy cho anh bất
cứ điều gì. Anh là nỗi tủi nhục cho hàng
ngũ hiệp sĩ. Anh hãy đi đi”. Tức giận,
chàng hiệp sĩ rút gươm sát hại vị thiền
sư. Nhưng vị thiền sư giơ tay cản
lại và nói: “Hỏa ngục là thế đó”. Chàng hiệp
sĩ dừng tay lại, anh hối hận và nhận ra bài
học thực tiễn. Anh xỏ gươm vào bao và quì
xuống trước mặt vị thiền sư. Anh không
nói gì, chỉ cúi đầu tỏ vẻ thành tâm sám hối.
Vị thiền sư đỡ anh dậy, nhìn vào đôi mắt
anh và nói: “Thiên đàng là thế đó”. Quả thực,
nơi nào có hận thù, chém giết, thì nơi đó là
hỏa ngục. Hỏa ngục không hẳn là một
nơi chốn như chúng ta thường tưởng
tượng mà là một tình trạng vắng bóng yêu
thương, nơi nào ích kỷ, và hận thù ngự
trị, thì nơi đó là hỏa ngục; hỏa ngục
không chờ đợi ở đời sau mà xuất
hiện ngay trong tâm hồn mỗi người chúng ta khi nào
chúng ta để cho hận thù ngự trị và điều
khiển mọi suy tư và hành động của chúng ta.
Nếu hận thù là hỏa ngục, thì thiên đàng chính là
tình yêu. Thánh Phaolô đã nói: “Ở đâu có bác ái yêu
thương thì ở đấy có Thiên Chúa”. Mà Thiên Chúa là
thiên đàng. Như vậy, thiên đàng là điều con
người có thể xây dựng và thụ hưởng ngay
ở trần gian này. Và không có thiên đàng trần gian thì
cũng không có thiên đàng đời sau, vì Thiên Chúa căn
cứ vào đời sống hôm nay để thưởng
phạt chúng ta.
|