Ta ở với các ngươi mãi mãi
(Trích trong
‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúng ta không có một
chỉ dẫn nào về vị trí ngọn núi xứ Galilêa,
nơi Chúa Giêsu hẹn các môn đệ. Bài tường
thuật của thánh Matthêu được viết theo dàn bài thông thường của các
cuộc hiện ra. Chúa Giêsu tỏ mình, Ngài
đánh tan sự nghi ngờ, Ngài ban một sứ mạng
cho các môn đệ. Bài Phúc Âm hôm nay bao
phủ một sự phong phú ý nghĩa đặc biệt.
Chúa Giêsu trao cho các môn đệ mệnh
lệnh rao giảng Phúc Âm, uỷ thác cho các ông quyền làm
phép rửa tội, Ngài hứa tiếp tục có mặt bên
các ông. Chúa Giêsu còn hiện diện
với Giáo Hội, thay mặt ở đây bởi
mười một tông đồ, đặc biệt trong
bí tích rửa tội và trong công cuộc truyền bá Phúc Âm.
1) Chúa Giêsu hiện
diện trong phép Rửa tội.
Ta biết rằng
người chịu phép rửa tội được tham
dự vào mầu nhiệm hiệp thông với sự
chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Phép rửa tội đặc biệt là bí tích
của sự kết hợp vượt qua với
Đức Kitô, vì phép ấy cho ta đạt tới sự
sống qua khỏi sự chết. Điều
ấy chỉ thành sự thật nhờ tin vào Chúa Giêsu.
Chúng ta sẽ không biết gì cả về Ba
Ngôi Thiên Chúa nếu không có Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta.
Đối với các tông đồ đã
như thế, đối với chúng ta cũng như
vậy. Chúa Giêsu còn hiện diện
để dạy dỗ chúng ta bằng cách nào? Người hướng dẫn chúng ta đến
phép rửa tội ra sao? Và sự hiện diện
của Ngài tỏ ra đặc biệt gần gũi và tác động nơi linh hồn
người chịu phép rửa tội như thế nào? Để trả lời những câu hỏi
ấy cần viện đến sự kiện Giáo Hội
và đến mầu nhiệm bên trong của đời
sống Kitô hữu. Chúa Giêsu hiện
diện để dạy dỗ người ta bởi Giáo
Hội của Ngài. Chính Giáo Hội là
điểm gặp gỡ giữa Đức Kitô và loài
người và chính ở điểm gặp gỡ ấy
nảy sinh đức tin. Do đó ta thấy tầm
quan trọng của việc theo sát
những vị có sứ mạng uỷ quyền giảng
dạy trong Giáo Hội, những vị thừa kế các
tông đồ. Mặt khác, qua ân sủng bí tích rửa
tội, Đức Kitô tiếp tục nơi chúng ta công
cuộc mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Ngược lại, lòng sẵn sàng tuân theo Chúa Thánh Thần
và đón nhận Chúa Cha giúp ta tiến tới trong việc
hiểu biết Chúa Con. Đây là một cái gì sống
động không thể diễn tả bằng lời nói
được. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta
cảm nhận được thực tại sống
động của bí tích rửa tội.
2) Đức Kitô
hiện diện trong công việc truyền bá Phúc Âm.
Trước hết
cần nhớ rằng, bổn phận truyền bá Phúc Âm
thuộc mọi môn đệ của Đức Kitô,
nghĩa là thuộc mọi người chịu phép rửa tội
với những phương tiện riêng (bắt
đầu bằng kinh nguyện). Chúa
hiện diện nơi công việc của các tông đồ
Ngài bằng hai cách chính. Trước
hết Ngài hiện diện nơi công việc của
người chiến sĩ Phúc Âm bằng sự hiện
diện nơi chính người chiến sĩ. Như vậy có nghĩa là người chiến
sĩ cần phải để tâm gặp gỡ riêng Chúa
mình. Người môn đệ chỉ
loan báo Đức Kitô cách hữu hiệu trong mức
độ chính mình sống thân thiết bên trong và riêng
biệt với Chúa. Sau đó hãy nhớ lời dạy
quan trọng: nơi nào nhiều người tụ họp
lại nhân danh Ta, có Ta ở giữa họ. Chúa
hiện diện với các môn đệ khi họ đoàn
kết. Thiếu đoàn kết giữa các Kitô hữu
là nguyên do chính của việc thiếu hữu hiệu trong
công việc truyền bá Phúc Âm. Đừng nói
chi đến sự chia rẽ bi đát giữa các Giáo
Hội. Hãy nghĩ đến mức độ chúng ta
trong cách suy nghĩ, trong lời nói, trong các quyết
định, trong cách hành động, chúng ta có lo lắng
liên kết và hiệp nhất với các anh em tín hữu
gần gũi nhất với chúng ta
không? (xứ đạo, khu xóm,
xưởng làm, phong trào Công Giáo Tiến Hành…). Nếu có, Đức Kitô hiện diện nơi
công việc tông đồ của chúng ta.
|