Quê hương
Bài đọc sách
Công vụ Tông đồ hôm nay cho biết: Chúa Giêsu lên
trời trước mặt nhiều môn đệ vào ngày
thứ 40 sau Phục sinh, tức là lần hiện ra
cuối cùng với họ, và trong khoảng thời gian 40
ngày, kể từ ngày Phục sinh, Chúa Giêsu không ở
liền với các môn đệ mọi giây phút, nhưng
chỉ thỉnh thoảng mới hiện ra thôi. Như thế, những lúc không hiện ra với
các môn đệ thì Chúa ở đâu? Thực ra,
vấn đề thăng thiên của Chúa có thể ghi
lại những điểm chính như sau:
Sau khi Phục sinh,
Chúa Giêsu đã được tôn vinh nơi Chúa Cha ngay
lập tức rồi. Nói cách khác, Chúa Giêsu
Phục sinh rồi lên trời ngay để ngự bên
hữu Chúa Cha. Tuy nhiên, trong quãng thời gian 40 ngày,
kể từ ngày Phục sinh, Chúa đã hiện ra nhiều
lần với các môn đệ, và vào lần cuối cùng,
ngày thứ 40, Chúa hiện ra đàm đạo với các môn
đệ, nhắn nhủ họ nhiều điều,
rồi Ngài lên trời trước mắt họ. Từ đấy Ngài không còn hiện ra với
họ như trước đó nữa cho tới ngày
tận thế. Dẫu sao ngày lễ
thăng thiên hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta lưu ý
đến ý nghĩa của mầu nhiệm thăng thiên
hơn là đến ngày giờ mầu nhiệm ấy
xảy ra.
Mầu nhiệm
thăng thiên nhắc nhở ít nhất hai điều:
Thứ nhất, Chúa Giêsu về trời, nhưng
Ngài vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Là
những con người tại thế, bị ảnh
hưởng và chi phối bởi giác quan, chỉ quen
chấp nhận những gì giác quan kiểm chứng
được, nên chúng ta dễ cảm thấy rằng: ra
đi là mất mát, chia lìa là đau đớn kinh khủng,
là chết đi một chút. Do đấy chúng ta cũng
thường nghĩ rằng: Chúa Giêsu đã về trời,
thế là mọi sự mất hết rồi. Nhưng sự thật không phải thế. Chúa Giêsu Phục sinh đã lên trời ngự bên
hữu Chúa Cha, nhưng Ngài lại vẫn còn hiện
diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận
thế. Thăng thiên chính là một cuộc chuyển
tiếp từ hiện diện hữu hình sang hiện
diện thiêng liêng. Nghĩa là từ đây Chúa
Giêsu Phục sinh chấm dứt cách hiện diện với
các môn đệ khiến cho giác quan của họ kiểm
nhận được, mà hiện diện một cách thiêng
liêng. Dấu hiệu của sự hiện diện này
là Ngài ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ. Đúng
vậy, Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, trong chúng ta
qua Chúa Thánh Thần. Đó cũng là ý nghĩa của câu Chúa
khẳng định với các tông đồ: “Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Điểm thứ
hai nhắc nhở chúng ta: Chúng ta đang sống ở
trần gian, nhưng phải luôn hướng về
trời. Những du khách có dịp đi
du ngoạn ở miền bắc nước Tô Cách Lan,
thường gặp thấy những đống đá
chồng chất lên nhau. Những
đống đá này hàm chứa một ý nghĩa lịch
sử cho dân chúng miền đó. Đây là
kỷ niệm của những người dân đã di
cư đi nơi khác làm ăn. Người ta kể
lại rằng: vì thiếu công ăn việc làm, dân chúng
miền này phải tìm đến những nước công
nghiệp như Canada, Úc hay Mỹ để tìm kế sinh
nhai. Khi ra đi, họ thường nhặt một hòn
đá của làng mình và đem theo cho
đến khi bóng xóm làng chỉ còn một chấm mờ
ở đàng sau, họ dừng lại, đặt hòn
đá xuống như một kỷ niệm yêu thương
cuối cùng để lại cho quê hương của
họ. Rồi hằng năm, vào dịp lễ thánh Andrê,
bổn mạng nước Tô Cách Lan, người dân Tô Cách
Lan trên khắp thế giới thường họp nhau
lại để tưởng nhớ tới quê
hương mình đã cách xa, và cũng để nhớ
đến họ hàng thân thuộc còn ở lại quê nhà.
Bất cứ
một người dân di cư nào cũng đã gói ghém trong
hành trang của mình ít nhiều tình yêu quê hương sâu
đậm. Người ta tìm ra hai nguyên nhân chính yếu đã là
những động lực thúc đẩy các cuộc ra
đi này, đó là một đời sống nghèo nàn, cơ
cực, đói khát, với những điều kiện quá
khắc khổ, không công ăn việc làm, không bảo
đảm tương lai. Và một hấp
lực lôi cuốn từ đàng trước, đó là
một đời sống no đủ, sung túc hơn,
với những hứa hẹn của một tương
lai tươi sáng, bảo đảm và vững chắc
hơn.
Người Kitô
hữu cũng có thể được ví như những
người dân di cư đó. Và cuộc ra đi của
chúng ta là một cuộc hành hương về nước
trời. Chúng ta cũng có một
động lực thúc đẩy từ cuộc sống
trần gian đầy vất vả này, và một hấp
lực lôi cuốn của một quê hương hạnh
phúc.
Sống ở
đời này, ai ai cũng có những hy vọng. Chúng ta hy vọng
về nước trời như là cái đích cuối cùng
ở cuối con đường trần gian. Cuộc sống hôm nay nơi trần gian phải
có một mục đích. Nếu sống hết ngày
này qua ngày khác, phấn đấu, lam lũ làm ăn,
vất vả, cực khổ… chỉ để sống
vậy thôi, chứ không biết mình sống để làm gì
thì đời chúng ta thật là vô nghĩa và phi lý. Vậy chúng ta đã có mục đích sống cho
đời mình chăng? Mục đích
đó là mục đích nào? Thưa đó
là nước trời. Vì vậy cuộc
đời này là một cuộc hành hương về
nước trời.
Ước gì
từng hành động, từng suy nghĩ, từng gặp
gỡ, từng hơi thở của chúng ta cũng
đều là một đáp trả tích cực của chúng
ta với lời mời gọi vào sự sống bất
diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi
sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi
phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành
về cõi phúc ấy, chúng ta đã có thể nếm
được niềm vui và hạnh phúc đích thực
ngay trong cuộc sống này.
|