BÀI LỜI CHÚA 126
ĐỨc
Giêsu, đẤng GIẢI PHÓNG
Một
trong những cái khó nhất để anh chị em chấp
nhận loạt bài kỳ trước trình bày Nước
Thiên Chúa như là một nước cụ thể, một
xã hội mới, một trật tự xã hội mới
công bằng, bác ái và không còn áp bức..., đó là vì từ
bao nhiêu năm nay, chúng ta đã quen tai nghe dạy về
Đức Giêsu là một
vị Cứu chuộc hoàn toàn
thiêng liêng : là Đấng Cứu
chuộc linh hồn ta để đem ta về
nước Thiên đàng trên trời. Cách hiểu như
thế tỏ ra còn khiếm khuyết hay đúng hơn
phiến diện, nghĩa là mới nhấn về một
mặt thôi : Thiên Chúa dựng nên con
người có hồn, có xác, sao lại nói Ngài chỉ
cứu có phần hồn thôi ? Ngày nay, nhờ khảo sát
lại các sách Tin Mừng, có những tác giả chẳng
hạn như André Nolan (“Đức Giêsu trước
khi có Kitô giáo”), Leonardo Boff (“Đức Giêsu Đấng
giải phóng”)…, đã vạch
ra cho thấy Đức Giêsu không phải chỉ là
Đấng Cứu chuộc phần linh hồn mà thôi, mà còn
cứu cả phần xác nữa, không chỉ cứu cá nhân
mỗi người tin vào Ngài, mà còn muốn lập cả
một trật tự xã hội mới nữa. Sau đây,
để xem Chúa hành động làm sao, ta hãy nghe đọc
lại một đoạn Tin Mừng tiêu biểu nhất :
Trích
Tin Mừng Thánh Luca 4.16-22
Sau
khi ăn chay trong hoang địa và thắng các cơn cám
dỗ của Satan rồi, Đức Giêsu đến Galilê,
trong quyền năng của Thần Khí, và Ngài bắt
đầu rao giảng, trước hết trong các Hội
Đường (tức nơi tụ họp cầu
nguyện của người Do thái). Mọi người ca
tụng Ngài, tiếng tăm Ngài bắt đầu lan ra mọi vùng xung quanh.
Một
hôm, Ngài về làng Nadarét, nơi Ngài được
dưỡng dục suốt thời niên thiếu, và ngày
Sabát (tức là ngày Hưu lễ) Ngài vào Hội
đường. Theo thói tục thời đó, ai có uy tín
và hiểu Kinh Thánh, đều được mời
đọc sách Thánh và giảng giải lời Chúa.
Người cán sự đưa cho Ngài sách tiên tri Ysaia. Ngài
mở ra và đọc đoạn này :
“Thần Khí Chúa
ngự trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho
tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho
người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy,
cho người mù được thấy, cho kẻ bị
áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa”.
Rồi
Đức Giêsu bắt đầu giải nghĩa
đoạn sách Kinh Thánh :
- Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn sách này
mà các ông vừa nghe...
Và từ câu
chấm phá quan trọng đó, Ngài cắt nghĩa cho họ
hiểu sứ mệnh Ngài đang làm là như thế nào : đem Tin Mừng cho người nghèo khó
là cho những người nghèo khổ ngu dốt, ít
học, không thông lề luật. Rồi khai sáng cho
người mù được thấy, được biết
Thiên Chúa Cha là ai, đồng thời chữa cả bệnh
mù phần xác cho họ được thấy; giải oan
cho kẻ bị áp bức là những người bị chà
đạp, thấp cổ, bé miệng, không biết kêu ai,
mà trong xã hội thời đó, thường là những người
nghèo, phụ nữ, trẻ em, góa phụ, cô nhi...Và loan báo
thời kỳ Thiên Chúa đại xá và tha thứ tội
lỗi.
Ngài
giảng xong, thì mọi người nghe đều thán
phục về các lời nói đầy ân
sủng xuất từ miệng Ngài.
* Đó là Lời Chúa !
- Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Ai đã đọc Tin
Mừng đều thấy : Đức
Giêsu luôn thực hiện song song hai chương trình cứu
thế của Ngài : cứu nhân độ thế, cứu
khổ cứu nạn phần hồn cũng như
phần xác.
Bài Kinh Thánh trên đây nói
: Đức Giêsu đem Tin Mừng cho người nghèo khó, không
chỉ là người nghèo theo nghĩa thiêng liêng thiếu
ơn Chúa, mà còn là nghèo đói, túng bấn thực sự ;
còn người bị cầm tù nói đây không chỉ là
bị cầm tù phần linh hồn bởi phạm tội,
rơi vào quyền lực khống chế của ma quỉ,
mà còn là người ngồi tù thật sự; kẻ đui mù không chỉ là kẻ
mù mắt linh hồn mà còn là kẻ không thấy; kẻ bị
áp bức không chỉ là những kẻ bị tội
lỗi, đam mê, dục vọng áp bức phần linh
hồn... mà còn là các kẻ bị người ta dùng
quyền lực, tiền tài đàn áp, áp chế, không kêu oan
vào đâu, v.v…
Khi ông Gioan Tẩy Giả
từ trong ngục sai hai môn đệ đến hỏi
Đức Giêsu rằng : “Ngài có phải
là Đấng Thiên Chúa xức dầu và sai đến
cứu thế gian không ?”, Đức Giêsu lấy việc
làm minh chứng chức vụ Cứu thế của Ngài,
nên Ngài đáp :
“Các ông đã thấy Ta
làm cho người mù được sáng mắt,
người què đi được, người câm nói
được, kẻ chết sống lại, ma quỉ
bị trục xuất. Các ông cứ về kể các
điều mắt thấy tai nghe đó
cho Thầy các ông. Ta làm các việc đó đúng như
lời tiên tri Ysaia đã báo trước”.
Thực thế, Thiên Chúa muốn
cứu con người trần gian đầy đau
khổ, áp bức, bất công, thì Người đã cho các
tiên tri báo trước là một ngày kia, Người sẽ
sai xuống thế Người Con một, để giải
thoát. Vào đúng thời đã định,
Người Con ấy - tức Đức Giêsu - xuống
thế và Ngài đã làm đúng như những lời tiên
báo. Những việc Đức Giêsu làm đó, đã
đành là vì lòng Chúa thương xót người ta khổ
sở, song thực ra có mang tính chất giải phóng và cách
mạng!
Thật vậy, theo cái
nhìn của Thiên Chúa, thì tất cả mọi đau khổ,
xác hồn của nhân loại và cả sự chết
nữa là do họ phạm tội: “…Chỉ vì một người (lỗi phạm), mà
sự tội đã đột nhập trần gian; và vì
tội, thì sự chết nữa; và như vậy sự
chết đã lan qua hết mọi người, một khi
mọi người đều đã phạm tội…” (Rm 5.12). Và tội lỗi kéo theo
nó cả một bầy đàn những đau khổ, bệnh
tật và chết chóc cho hồn xác mình và người khác,
và thường khi còn gây tác hại cho cả xã hội. Mà
theo lời Thánh Kinh dạy, thì tội lỗi không phải
như người ta thường nghĩ :
chỉ là khuyết điểm tâm sinh lý tự nhiên của
con người, mà là “Ai
phạm tội thì thuộc về ma quỉ, vì ma quỉ
phạm tội ngay từ thuở ban đầu.” (1 Ga 3.8). Satan quỉ dữ
và đồng bọn của nó luôn hành động giấu
mặt. Chúng là loài không có thân xác (thuần
túy vô hình), nên ta không thấy. Hoạt
động của chúng không chỉ ảnh hưởng trên
tâm trí tâm, hồn người ta, xúi giục, cám dỗ làm
những điều xấu, độc ác… mà có khi còn nhập
vào người ta. Nhập cách tàn bạo thì gọi là
ma nhập, là quỉ ám…
Vậy, trước
mắt Thiên Chúa, người làm tội ác, là những
kẻ nô lệ ma vương quỉ dữ, bị chúng khống
chế, điều khiển, xúi giục nghe theo và hành
động theo ý ác độc phá hoại, tàn ác của
chúng.
Nay,
Đức Giêsu đến tha tội và chữa lành,
chẳng phải là Ngài
giải phóng họ khỏi quyền lực quỉ
ma, khỏi áp chế của tội lỗi hay sao? Thánh Thư Gioan xác quyết :
“(Đức Giêsu) Con Thiên Chúa đã tỏ hiện:
để phá tan các việc của ma quỉ.” (1 Ga 3.8);
Thư gửi tín hữu Hip-ri
phụ họa : “Nhờ hy sinh
chịu chết, Ngài tiêu diệt kẻ có quyền trên
sự chết, tức là quỉ ma, và giải thoát những
kẻ vì sợ chết mà suốt cả bình sinh sa vòng nô
lệ.” (Hr 2.14-15).
Đặc biệt, chính
Đức Giêsu xác nhận việc ấy : “Khi một người mạnh (ý nói Satan), võ trang
đầy đủ canh giữ đền đài của
mình, của cải nó tất được an toàn. Nhưng
khi có một người mạnh hơn nó (ám chỉ
Đức Giêsu) đến thắng được nó, thì
người ấy tước lấy vũ trang nó cậy
nhờ; và phân phát chiến phẩm của nó." (Lc
11.21-22).
Có một đoạn Tin Mừng theo
Thánh Luca cho thấy rõ quyền lực giải phóng của Đức
Giêsu hơn cả : việc Ngài chữa lành một phụ
nữ bị còng lưng đã 18 năm. Chữa xong,
Đức Giêsu tuyên bố: “Người
đàn bà này …, Satan đã cột trói nay là 18 năm, thì sao lại
không được cởi trói cho bà … ?” (Lc 13.14-16)
Người bị
bệnh còng lưng, mà Ngài lại nhìn thấy là bị Satan
cột trói suốt 18 năm. Nay Ngài chữa lành là cởi
trói, cởi xiềng xích cho bà, là một việc giải phóng khỏi áp
bức của Satan !
Tiếc
rằng ngày nay chúng ta quen nghĩ đến Satan chỉ
như là một ác quỉ cám dỗ linh hồn ta mà thôi,
chứ không biết nhìn như Chúa, thấy nó là kẻ làm
khổ ta cả hồn cả xác, cá nhân cũng như xã
hội. Đức Mẹ Nữ Vương Hòa bình có nói :
“Satan rất mạnh. Nó muốn phá tan hạnh phúc của
nhân loại, … và nếu có thể được, nó
muốn phá tan cả hành tinh các con đang sống”. Ta
chỉ nhìn cái gì trước mắt, bề nổi, chứ
không thấy bề sâu. Đau khổ, bệnh tật, ta
chỉ coi nó là do trời đất, gió mưa, tai nạn
hay do người khác làm..., ta không nhìn sâu đến cội
rễ cuối cùng là ma quỉ và tội lỗi đã gây nên,
như những đoạn Kinh Thánh trích dẫn trên kia cho
thấy. Nhưng Đức Giêsu thấu bề sâu ấy !
Nên Ngài phải trục xuất nó, để giải phóng
người ta, để làm Nước Chúa hiển
trị được thiết lập : “Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì
quả là Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông”.
(Lc 11.20).
Tích Truyện
Đức Giêsu
là kẻ vô thần !
Đức Giêsu chưa bao giờ xem đá bóng.
Vì thế, bạn tôi và tôi rủ Ngài đi xem một
trận. Đó là trận đấu giữa người
Tin lành và người Công giáo.
Người Công giáo ghi bàn thắng trước.
Đức Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến
người Tin lành ghi bàn thắng, Ngài cũng reo hò và tung
mũ. Điều này gây khó chịu cho anh thanh niên ngồi
sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Đức Giêsu và hỏi
:
“Này anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào ?”
Đang hứng thú vì trận đấu,
Đức Giêsu trả lời :
“Tôi hả ? Ồ, Tôi không đứng về bên
nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu”.
Anh thanh niên quay sang người bạn bên
cạnh, nhếch mép cười và nói :
“Hừ, đúng là một kẻ vô thần !”.
Trên đường về, chúng tôi nói với
Đức Giêsu :
“Ngài ơi ! Ngài có biết không ? Những
người trong các tôn giáo dường như họ luôn
nghĩ rằng : Chúa chỉ đứng về phía họ và
chống lại những người khác”.
Đức Giêsu đồng ý :
“Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các
tôn giáo. Ta ủng hộ con người. Con người quan
trọng hơn tôn giáo. Cũng như con người quan
trọng hơn ngày Sabat”.
Một trong chúng tôi nói với Ngài vẻ lo
lắng :
“Ấy ! Ngài phải thận trọng. Ngài
biết, Ngài đã một lần bị đóng đinh vì
nói như thế”.
YYY
|