Chúa Giêsu không để các
đồ đệ mồ côi
(Suy niệm
của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài
Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước (Ga 14, 1-12) nói
về cộng đoàn các đồ đệ của
Đức Giêsu trong hành trình đi đến cùng Chúa Cha. Bài
Tin Mừng hôm nay (Ga 14, 15-21) sẽ nói về sự gắn
bó nên một của cộng đoàn và của từng thành
viên trong cộng đoàn với Thiên Chúa.
1.
Thần Khí sự thật luôn ở giữa cộng đoàn
(cc.15-17)
Sự
hiện diện thể lý và thế tạm của
Đức Giêsu giữa cộng đoàn các đồ
đệ sẽ chấm dứt. Nhưng Thần Khí sự
thật sẽ được Chúa Cha sai đến,
để Người ở mãi với các đồ
đệ, ở bên cạnh và ở trong các đồ
đệ.
Trước
khi nói đến việc Thần Khí sự thật
đến, Đức Giêsu nói đến tình yêu của các
đồ đệ đối với Người, và
về sự cần thiết phải tuân giữ các
điều răn của Người: “Nếu anh em yêu
mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn
của Thầy” (c.15). Tình yêu đối với Đức
Giêsu là điều kiện để giữ các điều
răn của Người (nếu A thì B), và đàng khác,
việc thực hiện những lệnh truyền của
Đức Giêsu sẽ là bằng chứng của tình yêu
đối với Người (c. 21: Ai có và giữ các
điều răn của Thầy, người ấy
mới là kẻ yêu mến Thầy). Đây là lần
đầu tiên Đức Giêsu nói về tình yêu của các
đồ đệ đối với Người. Lòng tin
vào Chúa Giêsu đạt đến đỉnh cao trong sự
gắn bó thiết thân và đầy tình yêu mến
đối với Người. Sự gắn bó ấy
được thể hiện trong việc thực
hiện những điều răn của Người.
Ở 13,34 Đức Giêsu nói về điều răn
mới của Người, và bây giờ, Người nói
về “các điều răn” của Người (14,15.21;
15,10). Điều răn mới (“Anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em”) là mẫu
gộp tóm tất cả mọi điều răn khác. Và
tuân giữ các điều răn là đón nhận trong lòng
tin toàn bộ Lời của Đức Giêsu và ký thác bản
thân cho Người (x. 14, 23-24).
Với
các đồ đệ yêu mến Đức Giêsu như
thế, Người hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và
Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo
Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là
Thần Khí sự thật” (cc.16-17a). Đức Giêsu
thực hiện vai trò trung gian bên Chúa Cha để Chúa Cha
ban Thánh Thần cho những kẻ thuộc về
Người, và cộng đoàn những kẻ thuộc
về Đức Giêsu sẽ lãnh nhận được
Thánh Thần nhờ Người.
Thánh
Thần được gọi là Đấng Bảo
Trợ. Người sẽ thực hiện một vai trò
kép: trong cộng đoàn đồ đệ và trong cuộc
đối diện của cộng đoàn với thế
gian. Bên trong cộng đoàn, Người dạy dỗ các
đồ đệ mọi điều và làm cho các
đồ đệ nhớ lại mọi điều
Đức Giêsu đã truyền dạy (14,26). Người
dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (16,13).
Người làm chứng về Đức Giêsu trước
các đồ đệ (15,26). Người tôn vinh
Đức Giêsu và loan báo cho các đồ đệ
những gì là của Đức Giêsu (16,14). Còn trong cuộc
đối diện của cộng đoàn với thế
gian, Người soi sáng hướng dẫn các đồ
đệ và làm cho các đồ đệ biết rằng
thế gian sai lầm (16,9-11). Thánh Thần là Đấng
Bảo Trợ khác. Khi còn ở với các đồ
đệ, Đức Giêsu gìn giữ, bảo vệ và
dạy dỗ họ (17,12). Từ nay, Thánh Thần sẽ
đảm nhận vai trò đó.
Người
là Thần Khí sự thật. Có hai cách hiểu danh ngữ
“Thần Khí sự thật” (to pneuma tês alêtheias): (1) Thần
Khí là sự thật; và (2) Thần Khí thông ban sự
thật. Cũng có thể hiểu theo nghĩa Thần Khí là
sự thật, thông ban sự thật và làm cho sống trong
sự thật. Trong tư cách là Thần Khí sự thật,
Người cũng là Thần Khí giải thoát, vì sự
thật đem đến sự giải thoát (8,31-32). Thế
gian không biết Thần Khí sự thật. Người là
“Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì
thế gian không thấy và cũng chẳng biết
Người” (c.17b). Hạn từ “thế gian” ở đây
được sử dụng theo nghĩa xấu, chỉ
trật tự bất chính, đối nghịch với
Thiên Chúa. Thế gian này tin tưởng vào sự dối trá
và kềm hãm con người trong bóng tối của sự
dối trá. Nó phục tùng ma quỷ. “Ngay từ đầu,
ma quỷ đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về
phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó
nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là
kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (8,44). Vì
vậy, thế gian không thể biết Thần Khí sự
thật và càng không thể đón nhận Thần Khí sự
thật.
“Còn
anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa
anh em và ở trong anh em” (c.17c). Các đồ đệ
biết Thần Khí sự thật là nhờ sự hiện
diện của Đức Giêsu, Đấng ở trong Chúa
Cha (14,10). Một khi được Đức Giêsu sai
đến (7,39), Thần Khí sẽ luôn ở giữa các
đồ đệ và ở trong mỗi đồ
đệ.
2. Chúa
Giêsu trở lại và cộng đoàn được Chúa Cha
yêu mến (cc.18-21)
Đứng
trước sự ra đi của Đức Giêsu, các
đồ đệ xao xuyến (x. 14,1). Vì thế, khi
chuẩn bị cho các đồ đệ đối
diện với thực tại là sự vắng mặt
của Người, Đức Giêsu muốn giúp các ông tránh
khỏi sự xao xuyến ấy. Người tuyên bố:
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy
đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian
sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ
được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em
cũng sẽ được sống” (cc.18-19). Đức
Giêsu sẽ không bỏ các đồ đệ mồ côi.
Hạn từ “mồ côi” mang một sắc thái nghĩa khá
đặc biệt trong Cựu Ước. Kẻ mồ côi
được hình dung như là một dạng điển
hình cho những người không có ai bảo vệ và luôn
phải đối diện với nguy cơ bị
đối xử một cách bất công (x. Is 1,17-23; 10,2; Gr
5,28; 7,6; 22,3; Ed 22,7; Hs 14,4). Đức Giêsu hứa rằng
Người sẽ không để các đồ đệ
rơi vào tình trạng bi đát đó.
Đức
Giêsu đang đi đến cái chết. Nhưng sự
vắng mặt của Người sẽ không phải là
một tình trạng vĩnh viễn. Người hứa
sẽ đến cùng các đồ đệ. Có lẽ nên
hiểu cặp đối lập “thấy – không thấy”
ở đây trong liên kết với cắp “tỏ mình ra –
không tỏ mình ra” trong 14, 21-22. Thế gian sẽ không còn
được thấy Đức Giêsu sau khi Người
đi vào cõi chết là bởi vì Người không tỏ mình
ra cho thế gian. Nhưng các đồ đệ sẽ
được thấy Người, vì Người yêu
mến họ và tỏ mình cho họ, như lời
Người sẽ nói ở cuối bài Tin MỪng:
“Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ
tỏ mình ra cho người ấy” (c.21c). Thực tại
“thấy” Đức Giêsu lại được miêu tả
như là sự hiệp thông sự sống với
Người. “Anh em sẽ được thấy Thầy,
vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được
sống” (c.19). “Thấy” ở đây, như thế, là tham
dự vào sự sống của chính Đức Giêsu. “Ngày
đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha
của Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở
trong anh em” (c.20). Đó là kết quả của sự tình
các độ đệ được tham dự vào sự
sống của Đức Giêsu. Đó cũng chính là hiệu
quả của việc Đức Giêsu ban Thần Khí cho các
đồ đệ. Thần Khí, Đấng phát xuất
từ Chúa Cha và làm chứng về Chúa Giêsu (15,26) sẽ làm
cho các đồ đệ biết rằng Đức Giêsu
và Chúa Cha là một (10,30), tức là biết rằng
“Thầy ở trong Cha của Thầy”. Và các đồ
đệ, trong Thần Khí sự thật, sẽ nên một
với Đức Giêsu. Khi ấy, “anh em ở trong Thầy,
và Thầy ở trong anh em”.
Sự
gắn bó nên một như thế với Chúa Giêsu chính là
điều kiện để các đồ đệ tuân
giữ các điều răn của Người, như
đã được khẳng định từ câu
đầu tiên của bài Tin Mừng: “Nếu anh em yêu
mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn
của Thầy” (c.15). Và đàng khác, “Ai có và giữ các
điều răn của Thầy, người ấy
mới là kẻ yêu mến Thầy” (c.21a). Tình yêu
đối với Đức Giêsu hệ tại ở
chỗ người đồ đệ sống chính những
giá trị của Đức Giêsu và hành xử như chính
Người đã hành xử.
Khi
ấy, chính người đồ đệ sẽ
được Chúa Cha yêu mến: “Mà ai yêu mến Thầy,
thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”
(c.21b). Chúa Cha yêu mến họ bằng chính tình yêu mà Ngài yêu
mến Đức Giêsu. Trong lời cầu nguyện ở
Ga 17, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha như sau về
các đồ đệ của Người: “Con ở trong
họ và Cha ở trong con, để họ được
hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận
biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương
họ như đã yêu thương con” (17,23).
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Tình yêu đích thực
đối với Đức Giêsu hệ tại ở
sự thi hành ý muốn của Đức Giêsu. Ý muốn
ấy được thể hiện trong Lời của
Người và trong các điều răn của
Người. Ai yêu mến Đức Giêsu thì thực
hiện các lệnh truyền của Người (x. c.21). Và
đàng khác, chính trong lòng yêu mến đối với
Đức Giêsu mà chúng ta mới có thể sống chính
những giá trị của Đức Giêsu và hành xử
như chính Người đã hành xử (x.c.15). Hai yếu
tố “yêu mến Đức Giêsu” và “tuân giữ lời
Đức Giêsu” có mối tương quan biện chứng.
2. Thần Khí sự thật
được Chúa Cha ban cho các đồ đệ yêu
mến Chúa Giêsu. Người là sự thật và
Người thông ban sự thật, giúp các đồ đệ
sống trong sự thật của Chúa Giêsu. Người là
Đấng Bảo Trợ, sẽ dạy dỗ, bảo
vệ, hướng dẫn… các đồ đệ của
Chúa Giêsu.
3. Chúa Giêsu hứa không
để các đồ đệ mồ côi. Ở giữa
thế gian, họ có thể sẽ phải hiện diện
như là đối tượng của những cách hành
xử bất công, bạo tàn. Nhưng Chúa Giêsu luôn
đến với họ và cho họ được
hiệp thông với chính sự sống thần linh của
Người. Chính nhờ đức tin mà các đồ
đệ sẽ cảm nghiệm sâu xa sự hiện
diện của Chúa Kitô Phục Sinh và sẽ được
hưởng sự sống của Người.
|