Xin cho những
mục tử như ý Chúa
(Suy niệm của Lm. Thomas Túy)
Thật khủng
khiếp khi nghe một linh mục thuộc miền tây nam VN
trả lời phỏng vấn một đài ngọai
quốc. Ông giả làm khách "mua hoa" người Campuchia,
hoàn toàn không nói được tiếng Việt, để
thâm nhập các ổ nhện "nhí" ở biên giới
Việt - Campuchia. Các em tuổi từ 9 đến 16 bị
bán sang nước bạn để làm dịch vụ tình
dục cho các khách "mua hoa" người bản
địa và quốc tế. Cuộc sống của các em
rất bị hạn chế, gần như tù lỏng.
Một ngày phải "đi" khách không dưới 15
lần, bằng cả hai phương tiện, miệng và
cơ quan giới tính. Ăn uống thiếu thốn và ít
khi được phép ra khỏi "động".
Một hôm ông hối lộ chủ nhà để đưa
các em đi chơi, khi ngang qua nhà thờ, ông đề
nghị các em vô trong coi. Bất ngờ một em từ
chối. Các em khác hỏi tại sao? Ngần ngừ một
chút, em bảo mình là người Công giáo. Linh mục
thấy đau nhói trong tim, nhưng không tỏ ra bề
ngòai, vẫn giả vờ như không hiểu tiếng
Việt.
Điểm xót xa là các em kể về
việc đi khách của mình như một dịch vụ
bình thường tuy ngôn ngữ bẩn thỉu nhưng
như thể làm các việc hàng ngày cha mẹ sai bảo. Có
em chỉ 9 tuổi, cha mẹ quá nghèo nên bán em đi lấy
tiền nuôi các đứa nhỏ tuổi hơn.
Ông không có một giải pháp nào cả, các
giúp đỡ từ những hội từ thiện
quốc gia, quốc tế chỉ là hình thúc xoa dịu.
Vấn đề cần bàn tay cương quyết của
chính quyền, nhất là chính quyền địa
phương. Nhưng việc này khó thực hiện vì
đòi kinh phí. Mà kinh phí quốc gia chẳng có khỏan nào
như vậy. Lại còn vấn đề luật pháp?
Khi nghe qua chuyện này, tôi lại nhớ
đến cô dâu Việt nam tại Trung quốc, Đài loan,
Nam hàn,
Nhật bản. Số phận các cô xa xứ thật cô
đơn, thảm thương. Một phụ nữ
Mỹ mới đây báo động cho thế giới
biết nạn nhân buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Âu
châu quá tệ hại. Bà coi đó là một hình thức nô
lệ mới, nô lệ về tình dục và nhân phẩm:
Riêng tại nứơc Mỹ, nhân dịp tháng chống
lạm dụng tình dục trẻ em (April) người ta
đưa ra bản thống kê, cứ 4 trẻ gái, thì
một em bị lạm dụng. Tỷ lệ ở trẻ
nam là 1/7 trươc khi các em được 18 tuổi. Tính
tổng cộng tòan quốc là 60 triệu.
Trước tình hình này, Phúc âm hôm nay quả là
một nhức nhối. Chúa Giêsu tự nhận là "Chúa
chiên lành", hơn nữa, lại còn là cửa chuồng
chiên. Nhưng chiên của Ngài luôn tìm được của
ăn áo mặc, đồng cỏ xanh tươi. Ngày nay
thì các linh mục, hàng giáo phẩm thay thế Chúa chăn
dắt đàn chiên Thiên Chúa. Chúng ta suy nghĩ làm sao đây?
Chẳng lẽ giảng suông? hô hào rỗng tuếch? xưa
nay đã như vậy rồi, thì có lẽ từ nay
cũng "vũ như cẩn" thôi. Dao to búa lớn
chỉ đánh bẹp một con tép riu. Người ta
để bụng khinh chê cấp lãnh đạo Do thái là
giả hình và sai lầm. Nhưng xét cho cùng thì đúng như
câu ca dao VN:"Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ
mới trả lời cả họ mày thơm". Chúng ta
nên sống trung thực với Lời Chúa và ơn gọi
của mình, không nên nói một đàng, sống nẻo khác.
Vì bất cứ những ai đọc bài tin
Mừng hôm nay đều cảm nghiệm xúc động.
Chúa Giêsu không giảng bằng lời nói suông mà chính yếu
cuộc sống, cái chết và lên trời của mình vì
phần rỗi nhân lọai. Ngài làm điều ấy hòan
tòan tự nguyện. Chẳng ai có quyền phép ép buộc
Ngài, nhưng chỉ vì tình yêu chúng ta. Ngài là Chúa chiên lành trong
cả hai nghĩa đen và bóng và nghĩa nào cũng
đến tận cùng thực tại. Các học giả có
khuynh hướng cắt nghĩa bóng mà họ gọi là
"ẩn dụ" (allegory) nhưng như vậy
người ta "hạn hẹp" ý nghĩa bản
văn cho một số chức vụ. Thực ra bản
văn nói về hết mọi tín hữu, từng người
và từng thời đại của Giáo Hội. Một
khuynh hướng khác, khá phổ thông hôm nay là không ưa
"ẩn dụ" nữa mà cố gắng tìm xem
"đàn chiên, kẻ trộm, kẻ làm thuê, cửa
chuồng chiên" là gì trong thực tế và văn hóa Hy
lạp - Do thái? Họ cố gắng tránh né nhưng hệ
luận khó chịu nẩy sinh từ các hình ảnh Chúa Giêsu
đã sử dụng.
Tính xác thịt lòai người, luôn ngại
đối mặt với thực tế không am hợp
với sở thích chóng qua. Chúng ta nên học hỏi các thánh
tiến sĩ, hiểu thật, hiểu rõ và áp dụng
lời Chúa nghiêm ngặt, dầu có phải chấp nhân hy
sinh và cái chết. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, cửa ở
đây là Lời Chúa. Cửa ấy cho phép chúng ta vào
Nứơc Trời, tức các đường lối Chúa
muốn chúng ta đi. Các kẻ trộm, người làm thuê
là các thày rao giảng giả hình gian dối, chỉ biết
lừa đảo thiên hạ. Cửa sẽ lọai
trừ tất cả ra ngòai, không cho xâm nhập đàn chiên.
Nếu như chúng ta rời xa Kinh Thánh, mà trèo vào lối
khác, lúc ấy đàn chiên sẽ bị cứơp bóc
lương thực hằng sống. Thánh Gioan đưa ra
ý tưởng này từ thế kỷ thứ 5, khi ngài làm
Giám mục hành Antiokia. Nhưng vẫn đúng với tình
hình rao giảng hôm nay. Nhất là sau Công đồng Vat.II,
người ta tự tiện áp dụng lời Chúa theo ý
riêng, rồi đả kích Giáo hội là cổ hủ,
lỗi thời, hiểu sai lời Chúa. Các tín hữu
thực sự bị tước đọat ý nghĩa linh
thiêng để chạy theo thế tục. Phụng vụ
và đời sống thiêng liêng bị bóp méo theo sở thích
cá nhân của mấy thày gỉa hiệu. Liệu khó nghèo
Phúc Âm còn ý nghĩa gì không giữa tráo lưu vật chất
hiện thời? Liệu người ta còn đọc và
cầu nguyện Lời Chúa, hay lời của tiền tài?
Liệu lời rao giảng của chúng ta phản ánh
nội dung sách thánh hay phản ánh tư tưởng
trần tục? Nếu như thánh Gioan Kim Khẩu sống
lại lúc này, ngài sẽ có nhận xét thế nào về
việc chúng ta tìm vào Nứơc Trời qua cánh cửa
Lời Chúa? Ông cũng sẽ giúp tín hữu phân biệt
đâu là Chúa chiên thật, đâu giả hiệu, đâu là
lợi dụng chức thánh?
Có lẽ nên biết chút ít tập quán chăn
chiên thời Chúa Giêsu để rõ hơn dụ ngôn.
Chuồng chiên có khi được thiết lập giữa
cánh đồng với các bụi cây thấp và cành khô, có
thể chứa chung vài đòan chiên cừu. Hay có thể là
một lán rộng dựa lưng vào tường, mặt
khác là rào che tạm thời. Các chủ chăn nhỏ có
hể dùng chung một chuồng cho các đòan vật của
mình, để bảo đảm an ninh ban đêm. Một ai
đó có nhiệm vụ canh gác lối vào. Lối vào lán
nhỏ và đơn sơ, người canh gác có thể
đơn giản nằm chắn ngang như một
"cánh cửa". Phúc âm hôm nay gợi ý các chủ chăn
đến sớm và anh gác cửa cho phép vào. Mỗi người
gọi riêng đòan chiên của mình và khi nghe tiếng
chủ, các con chiên chạy theo anh ta. Anh ta đi
trước các con chiên theo sau. Lời Phúc âm phải
hiểu theo nghĩa đen như vậy.
Cho nên thánh Gioan tông đồ dùng hình ảnh
để mô tả liên hệ chặt chẽ giữa Chúa
Giêsu và các kẻ theo Ngài. Đồng thời gợi ý cánh
cửa "Người" ngăn cản các chủ
chăn giả đến quấy phá dân Thiên Chúa. Họ là
những "kẻ trộm, kẻ cướp"
đối lập với chúa Giêsu và các tín hữu Thiên chúa.
Họ vô tình dẫn đàn chiên đi lạc, đôi khi
nổi lọan vô lý khiến quân đội Rôma giết hàng
lọat dân đen vô tội. Ngày nay chúng ta có thể
tưởng tượng những tiếng nói giả
dối như sau:
Kẻ hô hào cực đoan giải quyết
mới cũ bằng chiến tranh, sát hại chứ không
bằng thương lượng hòa bình.
Lao động kiệt sức vì lợi
lộc riêng tư, bè phái.
Dẫn dắt thiên hạ thỏa mãn nhu
cầu vật chất làm cạn kiệt thiên nhiên.
Cô lập chúng ta khỏi những nhu cầu
khẩn thiết đòi hỏi dấn thân để xây
dựng hai chữ "bình an" giả tạo và ích
kỷ..
Lợi dụng nhiệt thành, lòng tốt
của thanh niên thiếu nữ cho danh thơm tiếng
tốt, ngay cả lợi lộc cho bản thân.
Gây chán nản trong đòan thể, cộng
đồng vì tư thù để đục nước béo
cò..v.v...
Hậu quả là chúng ta mất đòan
kết, không còn là cộng đòan duy nhất của Hội
Thánh mà là đủ mọi thứ phe phái đi theo những
chủ chăn khác nhau, những khuynh hướng ích
kỷ, hẹp hòi. Tệ hơn nữa, vào những
đồng cỏ xa lạ với những con
đường nguy hiểm cho phần rỗi. Chẳng
mấy tín hữu không gặp những lý thuyết này?
Họ nhan nản khắp các báo chí, các ý thức hệ tiên
tiến.
Vậy thì không lạ chi, Chúa nhật Phục
sinh này chúng ta được nghe bài đọc Chúa chiên nhân
lành và giáo thuyết của Ngài. Trong bài đọc 1 Phêrô
đã vạch rõ đâu là Thiên sai thật, đâu là lừa
dối đi lạc. Ông thẳng thắng tuyên bố:"
Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này". Bài đọc 2
khuyên nhủ:"Thật vậy, Đức Kitô đã
chịu đau khổ vì anh em, để lại một
gương mẫu cho anh em dõi bước theo
Người". Đức Kitô Phục sinh đang
hiện giữa các tín hữu, Người cũng làm
những chi mô tả trong Phúc âm. Cuộc sống và
phương hứơng của chúng ta được
Hội Thánh Ngài bảo vệ và chăm sóc chống lại
những kẻ chỉ biết trộm cứơp và
giết hại. Điều này khiến chúng ta
được yên ủi và an tâm. Đức Giêsu biết
trứơc thế giới mà các môn đệ Ngài đi rao
gỉang nên đã hứa ở với chúng ta luôn mãi như
một mục tử nhân lành.
Mục tử nhân lành không chỉ là
ngừơi lãnh đạo đòan chiên trên danh nghĩa,
nhưng biết rõ từng con chiên một:" Ngài gọi
tên từng con và dẫn chúng ra". Phúc âm không nói chung chung,
mà chi tiết nhu cầu từng con. Có những thời gian,
mục tử phải biết tên từng con chiên một, vì
đó là bổn phận cốt yếu của ông. Ngôn
ngữ Kinh thánh, biết tên là biết ngôi vị
ngừơi đó. Chẳng phải vô tình mà Chúa nhật 4
Phục sinh được dành riêng cầu nguyện cho
ơn gọi linh mục. Không những để Giáo
Hội thêm nhiều ơn gọi mới mà chủ yếu
nhắc nhở bổn phận của các cha xứ, linh
mục, chủng sinh. Ngày nay Giáo Hội cần nhiều
mục tử thánh thiện biết bao.
Chúng ta phải biết lắng nghe bài Phúc âm
và nhớ đến Đấng Phục sinh giữa Giáo
Hội. Xin Ngài hướng dẫn và kiên cường
đức tin cho mình. Vì Ngài chính là "cửa" mà thánh
Gioan Kim Khẩu giải thích. Có những lúc chúng ta cảm
thấy mệt mỏi, chán nản vì công việc, vì
tuổi già sức yếu, vì chống đối hiểu
lầm. Chúng ta cần nhìn lên Chúa, để nhận ra Ngài
đã thi hành nhiệm vụ mục tử ra sao, ngõ hầu
được khả năng bỏ đi những cám dỗ
hưởng thụ, an nhàn. Chúng ta biết mình đang ở
trong đường lối và phương hứơng
tốt, tại sao không cố gắng. Câu truyện
đầu bài suy gẫm hôm nay không cho phép chúng ta lơ là
chức vụ.
Cho nên phải biết tên từng con chiên và
nhu cầu của nó. Nghĩa là từng ngôi vị một.
Không phải chỉ những quen biết qua
đường hoặc vì lợi lộc. Chúng ta nên dành
thời gian, sức lực, tiền bạc để
đến với đàn chiên. Không có nghĩa cần thêm
nhiều bạn hữu nhưng là vì bổn phận
phải chu tòan. Nếu như đức tin dạy rằng
Đức Giêsu biết rõ tên chiên của Ngài từng con
một thì chúng ta, những mục tử, phải chu tòan
bổn phận ra sao. Xin cho các mục tử suy gẫm
lại vai trò của mình và giáo dân nên cầu nguyện
nhiều cho họ. Amen.
|