THIÊN CHÚA CỦA ĐỨC GIÊSU
CN V PS A
Phúc Âm Thánh Gioan chương 14
là lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ. Nó có cấu trúc
xoay quanh cuộc trở về với Chúa Cha của Chúa Con
và vai trò độc nhất của Chúa Con trong việc
đưa dẫn các môn đệ về với Chúa Cha.
Tôma và Philipphê đã hỏi Chúa 2 câu và Chúa đã
mạc khải 2 chân lý thật quan trọng:
- Thầy là đường là sự thật và
là sự sống, không ai đến được với
Cha mà không qua Thầy.
- Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy
ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.
Chỉ có thể đạt tới Cha khi chúng ta
đi theo Đấng tự nhận là Đường, là
Sự Thật và là Sự Sống. Và cũng không ai có
thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà lại không do
Thánh Thần. Hiểu biết đích thực về Cha và
Con mang dấu ấn Thánh Thần. Chính trong Thánh Thần mà
Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Con ( x. Gm.
Bùi Văn Đọc, Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng
thương xót, trang 184 ). Thiên Chúa mà mọi tín hữu
tôn thờ và yêu mến hết
linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, chính là
Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô "Ai thấy Thầy là thấy Cha"
( Ga 14, 9 ) vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy"
( Ga 14, 10 ).
Toàn bộ Lịch Sử
Cứu Độ được xây dựng trên
tương quan Cha - Con "Chúa Cha yêu Chúa Con". Hai chữ Tình Yêu là cách
diễn tả sâu thẳm nhất tương qua Cha - Con.
Tình yêu đó được Chúa Giêsu thể hiện qua
đời sống nhân hậu, bao dung vô
bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là
lời nói việc làm của Chúa Cha ( Ga
14, 10 ). Toàn bộ cuộc đời của
Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như
tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn
mặt và trái tim Chúa Cha.
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết về Chúa Cha
bằng nhiều cách: bằng lời nói, bằng việc
làm, nhưng nhất là chính phận làm Con. Nhiều lần
và bằng nhiều cách khác nhau, Chúa Giêsu đã nói với con
người về Thiên Chúa là Cha, Đấng mà họ
phải tin tưởng phó thác ( Mt 6, 32 ), noi gương ( Mt
5, 45 - 48 ), nguyện cầu ( Lc 11, 2 ), phải tôn thờ vì
Ngài là Chúa trời đất ( Mt 10, 28 ), là Cha đầy
quan tâm ân cần ( Mt 6, 25 - 32 ) và đặc biệt gần
gũi với những kẻ tội lỗi ( x. sđd tr.
191 ).
Điều kỳ diệu và tuyệt vời là
chính Đấng Tuyệt Đối, Đấng Toàn
Năng, Cao Cả, Chí Thánh Chí Tôn và Hằng Hữu đã có
thể trở thành tương đối, thấp hèn, bạn
với quân thu thuế với phường tội lỗi,
cuối cùng phải chết khổ hình. Nơi
Đức Giêsu, sự uy nghi của Thiên Chúa tỏ hiện
trong khiêm tốn và yếu đuối cách nghịch
thường. Điều đó, sự khôn ngoan
của bậc hiền triết không lý giải
được, nhưng nói như Pascal, trái tim
lại hiểu được vì nó có lý lẽ riêng của
nó. Thiên Chúa của Đức Giêsu không
phải là Thiên Chúa ngự trên toà cao cho người ta
sấp mình thờ lạy mà không dám nhìn đến tôn nhan,
không dám gọi tên mà chỉ dám cầu xin với niềm
sợ hải. Thiên Chúa của
Đức Giêsu dễ gần, dễ thấy, dễ quen.
Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức
Giêsu khiêm hạ. Chính Ngôi Lời làm người đã
chọn máng cỏ làm tổ ấm lúc chào đời, đã
chọn xóm làng Nadarét làm nơi sinh sống, đã chọn
những kẻ thấp hèn trong xã hội làm bầu bạn,
đã quỳ gối rửa chân cho các Môn Đệ, rồi
chọn cây thập giá làm giường khi chết cùng
với hai kẻ cướp làm bạn đồng hành
đi vào thế giới bên kia. Thiên Chúa làm người
đã chọn nhà Dakêu để tạm trú, chọn
người thiếu phụ Samari để gặp gỡ
đối thoại, đã chấp nhận cử chỉ
biết ơn của người phụ nữ tội
lỗi Mađalêna, đã chọn kẻ trộm lành làm
ứng viên đầu tiên vào Thiên Đàng, đã chọn Phaolô
kẻ bắt bớ Giáo hội làm Tông Đồ Dân
Ngoại...
Quả thật Thiên Chúa
của Đức Giêsu chẳng giống tí nào với Thiên
Chúa các đạo binh của Ítraen. Người Do thái nghĩ
rằng Thiên Chúa chỉ về phe với dân Người chọn,
chỉ bênh vực những người Do thái ngoan
Đạo và lên án nguyền rủa,
trừng phạt các dân ngoại cùng người tội
lỗi. Thiên Chúa của Đức Giêsu không
về phe với kẻ cầm quyền độc ác,
người giàu có ích kỷ hay người đạo
đức giả. Vì thế các bậc
kinh sư, tư tế, kỳ lão trong dân không chấp
nhận Thiên Chúa ấy mà trái lại họ đã giết
Đức Giêsu để bảo vệ Thiên Chúa của
họ. Họ đã giết Đấng Thánh
để bảo vệ đền thờ, đã chà
đạp và xoá bỏ "hình
ảnh Thiên Chúa vô hình" ( Cl 1, 15 )
để bảo vệ Thiên Chúa của lề luật.
Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa của
chúng ta cũng không phải là Thiên Chúa của các triết
gia, không phải là Thiên Chúa của các nhà du hành vũ trụ
tìm kiếm mà là Người Cha nhân hậu, từ bi, đầy
lòng thương xót. Người chỉ
muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Người không phải là Người Cha nghiêm
khắc độc đoán, Người Cha dễ tính
xuề xoà mà là Người Cha yêu thương, tha thứ.
Một Người Cha chuẩn bị sẵn sàng quần
áo, giày dép, nhẫn đeo tay và vỗ béo con bê chờ
sẵn đứa con hoang đàng trở về và hơn
thế nữa còn ra ngoài ngóng trông rồi vui sướng
tiến về phía con đón nó vào lòng hôn lấy hôn
để ( Lc 15, 11 - 32 ). Lòng
nhân hậu được tỏ bày khi tha thứ.
Thánh Phaolô là người cảm nhận sâu xa lòng từ bi,
nhân hậu, thứ tha ấy ( 2 Cr 3, 7 -
11 ).
"Thiên Chúa không ai
thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung
lòng Cha, chính Người đã thông tri" (
Ga 1, 18 ). Con người có thể biết Thiên Chúa qua
công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ,
nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính
Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa
của Thiên Chúa "Ai thấy
Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và
lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân
loại thấy Chúa Cha, một Thiên Chúa là Cha nhân hậu
từ bi, đầy lòng xót thương, tha thứ và còn
hơn thế nữa Chúa Giêsu là con đường
độc nhất dẫn đến Cha "Không ai đến được
với Cha mà không qua Thầy" ( Ga 14, 6 ). Mọi con
đường cứu độ đều phải đi
vào Con Đường Giêsu: "Thiên
Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời,
để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn
cứu độ" ( Cv 4, 12 ). Nhân loại được cứu độ
nhờ Danh Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã về
với Chúa Cha trong vinh quang Phục Sinh, sau khi đã sống
một đời yêu thương tự hiến. Cuộc đời
Đức Giêsu trở thành con đường cho chúng ta
đi. Đọc và suy niệm Tin Mừng trong tin yêu, Chúa
sẽ dạy chúng ta nghĩ gì, nói gì, làm gì. Khi đi vào con
đường Chúa đã đi qua chúng ta cũng trở nên
nẻo đường cho anh chị em mình, nẻo
đường dẫn lối về Thiên Chúa là Cha yêu
thương.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|