Gặp gỡ Chúa Phục Sinh
(Suy niệm
của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Trang Tin Mừng
Chúa Nhật hôm nay được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Mane Nobiscum
Domine”: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.
Từ nay,
mỗi lần đọc đến câu chuyện “Hai môn
đệ trên đường Emmau”, chúng ta thật xúc
động và cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II.
Trong năm cuối cùng của triều đại Giáo hoàng,
Ngài đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng
đoàn Dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa
Giêsu hiện diện thường trực và sống
động.
Khi để
lại cho Dân Chúa lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, Thánh Gioan
Phaolô II muốn công bố và nhắc nhớ về
Đức Giêsu Phục Sinh. Bởi vì có phục sinh
thật, Đức Giêsu mới đang thật sự
hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, như thánh Phêrô công
bố sự kiện Phục Sinh cho người Do thái sau
khi Chúa sống lại (theo bài đọc 1). Ngài xác tín là,
chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh khi mộ
mến Bí Tích Thánh Thể. Ngài mời gọi, hãy nhớ
đến Đấng đã cứu độ nhân loại,
nhớ đến thân phận con người và diễm
phúc là đã được cứu nhờ Đức Giêsu
hy sinh mạng sống và đổ máu vì chúng ta; hay nói
như thánh Phêrô trong bài đọc 2, được cứu
khỏi nếp sống phù phiếm và sự chết
đời đời, không phải nhờ vàng bạc hay
hư nát mà nhờ Máu châu báu của Đức Giêsu.
Câu chuyện
“Hai môn đệ trên đường Emmau” là một trong những
câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của
thánh sử Luca.
Kể từ
khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì
đối với các môn đệ, tất cả đã
hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát.
Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu
lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã
bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở
lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã
đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng
giải thoát dân tộc.Thập giá được
giương cao và vị cứu tinh được chờ
đợi với biết bao kỳ vọng đã kết
thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô
nhục. Hai môn đệ quyết định trở
về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán
chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc
lữ hành. Nỗi buồn mất mát và nỗi đau
tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm
với những thực tại xung quanh.
Các ông có
biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn
đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng
bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của
các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò
chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay
biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người
vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ
với các ông. Các ông còn được vị khách này
giải thích tường tận những gì đã nói về
Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn
bộ Kinh thánh đã loan báo.
Cho đến
khi được đồng bàn với Người,
tận mắt chứng kiến Người cầm bánh,
dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho,
mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng.
Tâm hồn các ông được Đấng Phục Sinh
chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người
khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã
thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa,
vị khách bộ hành, người đã giảng dạy
Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh
chính là Đức Kitô Phục Sinh.
Niềm vui vì
được gặp Chúa Phục Sinh, được
Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh,
khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc
nhằn. Các ông lập tức lên đường với
niềm vui trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các
môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh.
Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân
của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.
Đường
Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn
đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao
xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về
lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con
đường, cùng một buổi chiều mà hai môn
đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại
mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì
đường xa vời vợi, đi mãi không đến.
Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã
đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về
phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm
chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều
kỳ diệu của đường về là hai môn
đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh.
Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi
về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay
đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý
nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.
Sứ
điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể
được tóm kết trong ba chữ T: Thánh Kinh, Thánh
Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con
đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ
Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin
của mình trong đời sống.
1. Gặp gỡ Chúa
Phục Sinh nhờ Thánh Kinh
Chúa Giêsu
Phục Sinh đến như người bạn
đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ
kể nỗi đau buồn. Người đốt lên
ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích
Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua
hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan
đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”.
Người đã giải thích cho các ông: “Khi còn ở
với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng
tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn
Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy
đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,
44).Vậy thì cả lịch sử cứu độ
hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì
Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử
nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử
cứu độ, lịch sử của “Đức Kitô hôm
qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng
họ bừng lên, nội tâm được biến
đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các
môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người
giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh
loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người
cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần
của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi
mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân
nước. Bài đọc 1, sách Công vụ kể lại
diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám
đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố
sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng
Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo
những đau khổ của Đấng Mêsia.
Thánh Giêrônimô
đã nói: Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. Thánh
Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân
được tuyển chọn.Cần có đức tin và
lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn
của CĐVTC II đã dạy: “Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên
trời bằng tất cả lòng trìu mến đến
gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với
họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa
đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ
trở thành điểm tựa đầy năng lực
cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức
tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống
thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái
của Hội Thánh”(MK21).
Học hỏi
Thánh Kinh để tìm được nguồn năng
lực cho sức mạnh đức tin, lương
thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng
liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi
và phát triển kiến thức thần học, nhưng
điều căn bản vẫn là để giúp biết
rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể,
Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao
ước đều nhắm đến: Cựu
ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước
nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời
hứa cứu độ, cả hai đều đặt
Người như trung tâm. Việc đọc và suy
niệm Lời Chúa mang lại nguồn sáng, soi dẫn
cuộc đời và lương thực thần thiêng cho
cuộc sống, sau nữa là để “khi phải
truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai
trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi
miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng” (MK 26).
2. Gặp gỡ Chúa Phục
Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.
Trên
đường Emmau, có một khách bộ hành đi cùng, hai
môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi
đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh,
tạ ơn, bẻ ra trao ban, hai ông mới nhận ra. Chính
qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra
Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa bẻ bánh, nhắc lại cử
chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể
toàn bộ con người các ông được đổi
mới.
Chúng ta không
thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng
có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.
Thánh Thể là
trung tâm của cộng đoàn phụng vụ cử hành
biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thánh Thể
quy tụ các tín hữu hiệp thông trong đức ái.
Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông
truyền” biểu lộ căn tính của mình rõ nét
nhất lúc cử hành Thánh Thể. Thánh Thể làm nên thân
thể Chúa Kitô. Thánh Thể là thần lương nuôi
dưỡng con cái Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể,
mọi tín hữu không những được hiệp
nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một
với nhau trong Hội Thánh.Thánh Thể là bài học yêu
thương tuyệt hảo nhất, yêu thương
đến tột cùng, trao ban đến tận cùng.
Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng
đoàn tín hữu trở thành một thực thể
sống động, hiệp thông, liên kết trong
đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm.
(x.Tông Huấn “Mane Nobiscum Domine", số 11-18, Đức
Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004).
Chúng ta gặp
Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh,
tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan
trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như
một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là
một nghi thức.
Chúng ta vẫn
gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau
cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin
và có một cảm thức nhạy bén trước mầu
nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón
nhận sự hiện diện sống động của
Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực
sự với Người.
3. Gặp gỡ Chúa
Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh
Hai môn
đệ hân hoan trở về gặp các Tông đồ và
kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với
Đấng Phục Sinh. Tin vui phải được loan
đi. Tin Mừng Phục Sinh phải được công
bố. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho
Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẻ vui
buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin,
đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ
đồng bàn và trao sự sống mới trong cử
chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo
Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng
chứng từ của một đời sống dấn
thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn
được bước chân của các ngài nữa vì
Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên
khắp mọi nẻo đường trần thế.
Chính Đức
Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông
Đồ. Thành thánh Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu hoàn tất
sứ mạng và cũng là nơi Hội Thánh khởi
sự thi hành sứ mạng của mình.
Tất cả
những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh giữa
lòng Hội Thánh đều trở thành những sứ
giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn
đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho
lời rao giảng. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin
Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi
của Chúa Kitô là một lệnh truyền không thể
chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói:
"Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin
Mừng".
Mỗi Thánh
Lễ, chúng ta được diễm phúc cử hành cao
điểm của niềm tin, mầu nhiệm cái chết
thập giá và sự sống lại của Đức Kitô
Giêsu. Người đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh
Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia
sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng giúp chúng ta
trở thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp
nhất (Hội Thánh).
Mỗi Thánh
Lễ, chúng ta được đồng hành bên nhau trong
tình hiệp nhất, được chia sẻ Lời Chúa
và được rước Thánh Thể. Chúa Giêsu luôn đồng
hành với chúng ta trên mọi nẻo đường loan báo
Tin Mừng Phục Sinh.
|