Dừng chân.
Hôm nay chúng ta chú ý tới một sự kiện trong
đoạn Tin mừng, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh đã
dừng chân ở lại quán trọ làng Emmau với hai môn
đệ khi họ ngỏ ý mời Ngài.
Quả thực, đây không phải là lần
đầu Chúa Giêsu dừng lại. Ngài luôn luôn dừng
lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở
lại với những ai cần đến Ngài. Các sách Tin
mừng đã ghi lại cho chúng ta biết: Trong bất
kỳ hoàn cảnh nào, Chúa Giêsu luôn luôn dừng chân và ở
lại với tất cả những ai cần đến
Ngài, chẳng hạn: Ngài đã dừng chân và ở lại
với người phụ nữ mắc bệnh băng
huyết mười hai năm, đang theo Ngài trong đám
đông. Ngài đã dừng chân lại nhà ông Giakêu trong khi ông
chỉ mong muốn được nhìn thấy Ngài thôi
cũng đủ mãn nguyện rồi. Ngài đã dừng
chân lại với các trẻ em khi chúng đến với
Ngài, mặc dù các môn đệ xua đuổi chúng. Ngài
đã dừng chân và ngồi ăn uống với những
người tội lỗi và thu thuế. Trên
đường đi Giêrusalem nhận cái chết, Ngài
cũng đã dừng chân để cứu giúp một
người hành khất ngồi bên lề đường.
Cuối cùng, trên thập giá, trong lúc hấp hối, Ngài còn dừng
lại với một tử tội cũng đang hấp
hối bên Ngài để ban ơn tha thứ và hứa cho anh
được ở với Ngài trong nước trời…
Tóm lại, Chúa luôn luôn ở lại với những ai
cần đến Ngài. Chúa luôn luôn quan tâm và thương xót
tất cả mọi người.
Tuy nhiên, những chuyện xảy ra trong khi Chúa Giêsu
còn sống ở trần gian, thì cũng xảy ra như
vậy sau khi Ngài đã sống lại, cho đến chúng
ta hôm nay. Trong đời sống của chúng ta, đã
biết bao lần chúng ta cảm thấy bản thân mình
chẵng được ai để ý tới và cũng
chẳng ai thèm nghe mình khiến chúng ta cô đơn lại
càng cô đơn hơn, đã buồn chán lại càng
buồn chán hơn. Nhưng có một điều chắc
chắn là không có gì có thể ngăn cản được
Chúa đến với chúng ta, và cũng chẳng có gì làm cho
Ngài phải từ chối để rời xa chúng ta. Ngài
sẽ ở lại với chúng ta như Ngài đã ở
lại với hai môn đệ trên đường Emmau,
nếu chúng ta biết đến với Ngài và nhìn lên Ngài.
Nói rõ hơn, tâm sự chán nản và sầu buồn
của hai môn đệ ấy cũng là tâm sự sầu
buồn, chán nản mà chúng ta thường gặp trong
cuộc sống. Bởi vì nỗi buồn cuộc
đời nào ai thiếu: chúng ta buồn vì mục đích
đời mình không đạt hay chưa đạt
được như ý. Chúng ta buồn vì không ai hiểu tâm
tư của mình, chúng ta buồn vì người khác nghi
ngờ, ghen ghét, chơi xấu mình, chúng ta buồn vì không ai
nâng đỡ mình, không ai về phe với mình để
một mình cô đơn… Đó là chưa kể những
chuyện không may, thất bại, thua lỗ, bất hòa,
đắng cay… có khi lẻ tẻ, có khi dồn dập
xảy đến trong gia đình hay bản thân chúng ta… vào
những giờ phút đó, chúng ta rất dễ bị cám
dỗ nghi ngờ về sự có mặt của Chúa và nghi
ngờ về tình thương của Ngài.
Có lẽ chúng ta cho rằng Chúa biết thì biết
vậy thôi, chứ bóng dáng Ngài chả thấy đâu
cả, có thấy Ngài giúp đỡ được gì
đâu… nhưng suy nghĩ và lý luận như thế là chúng
ta đã mắc phải cái lỗi lầm thiếu lòng tin
của hai môn đệ Emmau mất rồi. Đáng lẽ
những lúc như thế, chúng ta phải vận dụng
đức tin để đổi buồn thành vui, thì chúng
ta đã không làm mà lại để tình cảm lấn át. Ai
phản ứng theo tình cảm thì sẽ bị tình cảm
chi phối, che khuất, quật đổ, vùi dập. Chúng
ta hãy nhớ rằng: Chúa đến với hai môn
đệ kia cách rất bình thường và nhẹ nhàng
như một người bạn đường tự
nhiên, thì Chúa cũng sẽ đến an ủi và ở bên
chúng ta cách nhẹ nhàng như thế. Có thể là một
lời Kinh thánh, một lời giáo huấn giảng dạy
ở nhà thờ, một lời khuyên răn của cha
mẹ, một lời an ủi, động viên của bè
bạn, hay cũng có thể là một sự bình an êm
dịu nào đó Chúa ban trong tâm hồn… chỉ cần chúng
ta mở rộng tâm hồn sẵn sàng đón nhận… Cho
nên, chúng ta cần phải bình tĩnh và tỉnh thức
để nhận diện ra Chúa, và đừng bao giờ
vì một nỗi buồn thường tình nào đó mà quên
Chúa, bỏ Chúa hay xa cách Chúa. Trái lại, càng buồn càng
cầu xin Chúa, càng buồn càng neo chặt lòng tin vào Chúa
hơn.
|