Suy
Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A
Có nhiều câu chuyện kể lại
việc Đức Giêsu hiện ra sau khi Ngài từ cõi
chết sống lại, nhưng có lẽ câu chuyện Tin
mừng hôm nay do Thánh Luca tường thuật lại là câu
chuyện đẹp nhất. Đẹp không chỉ vì hành
văn và cách kể chuyện của tác giả mà còn
đẹp về nội dung diễn tả tình nghĩa
thầy trò và đặc biệt là đẹp vì cái kết
có hậu.
Câu chuyện bắt đầu bằng
sự thất vọng của hai môn đệ của
Đức Giêsu. Đây là hai trong số bảy mươi
hai môn đệ. Họ theo Đức Giêsu vì hy vọng
một tương lai tươi sáng: Một Giêsu đánh
đông dẹp bắc; một Giêsu giải phóng dân tộc Israel đang bị giặc ngoại bang đô
hộ; một Giêsu tràn đầy quyền lực chính
trị mà chính họ cũng hy vọng được tham
dự vào. Thế rồi, một thời gian ngắn sau khi
Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của
mình: Ngài đã bị bắt, bị đánh đập, vác
thập giá, chịu đóng đinh và chết trên thánh giá. Cuối
cùng, Ngài chịu mai táng trong mồ như bao con người
khác. Đối với họ, giờ chỉ còn một
Đức Giêsu đã chết, một Đức Giêsu đã
thất bại hoàn toàn. Chính vì thế, họ thất
vọng chán nản. Họ từ bỏ Giêrusalem với
biết bao mộng ước giờ chỉ còn là quá
khứ để trở về quê hương tiếp
tục sinh sống với nghề cũ.
Rời Giêrusalem như những kẻ
thua cuộc. Quảng đường từ Giêrusalem tới
Emmau độ 11km. Hai ông buồn bã
lê bước, vừa đi vừa trò chuyện với nhau
cho vơi đi nỗi buồn. Thế rồi, trong khi
đang buồn bã lê bước, Đức Giêsu đã hiện
đến như một khách bộ hành vừa đi
vừa đàm đạo với hai ông. Ngài gợi ý bằng
một câu hỏi tế nhị để nhằm bắt
chuyện với hai ông: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao
đổi với nhau mà buồn bã vậy?” (Lc 24,17). Cơ hội để các ông
dốc bầu tâm sự. Một trong hai ông đã kể
lại đầu đuôi câu chuyện, về một
Đức Giêsu đã có nhiều thành công nhưng cũng
không thiếu những thất bại: Người
là một vị tiên tri có quyền lực trong hành
động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và
toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và
thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để
xử tử và đóng đinh Người vào thập giá.
Rồi việc Người chịu mai táng trong mồ và việc
các phụ nữ loan tin ngài đã sống lại như
thế nào? (x. Lc 24, 19-24).
Chờ chỉ có thế, Đức Giêsu
mới bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các
điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng
phải chịu đau khổ như vậy rồi mới
được vinh quang sao?” (Lc 24,25-26). Rồi Ngài lần
lượt dẫn những đoạn Kinh thánh có liên quan
đến Ngài để giải thích cho họ “bắt
đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri…”(x. Lc 24,27). Lòng các ông được hâm nóng
lên, mặc dầu chưa nhận ra người đang
đi cùng, đang giải thích Kinh thánh cho mình là ai. Thế
rồi, trời đã về chiều, đường
đi cũng gần tới đích. Trước khi rẽ
vào làng, với lòng hiếu khách, hai ông mời Đức
Giêsu ở lại với họ. Ngài đồng ý. Và khi
ngồi đồng bàn, họ đã nhận ra Đức
Giêsu khi Ngài bẻ bánh. Ôi, niềm vui mừng không gì có
thể diễn tả nổi. Hai ông mới nhớ lại
những diễn biến xảy ra với mình khi Ngài
giải thích Kinh thánh cho họ trên đường đi.
Các ông không muốn giữ riêng niềm vui cho mình. Bởi vì,
“niềm vui chia sẻ niềm
vui lớn.” Bấy giờ, hai ông vội vả trở
lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui đó
với các Tông đồ. Khi họ trở lại Giêrusalem,
không những họ chia sẻ niềm vui được
gặp Chúa Phục sinh mà họ còn nhận được
niềm vui từ các Tông đồ, vì Đức Giêsu
cũng vừa mới hiện ra với các Tông đồ.
Cũng như tâm trạng của hai môn
đệ đi làng Emmau, trong cuộc sống của
mỗi người chúng ta không tránh được lo âu,
phiền muộn, có khi cả thất vọng. Lo âu
phiền muộn vì chuyện gia đình, vợ chồng, con
cái. Lo âu phiền muộn vì chuyện cơm áo, gạo
tiền. Lo âu phiền muộn vì biết bao vấn
đề trong cuộc sống. Thất vọng về
người thân, thất vọng về Giáo hội, về
xã hội…Trong thực tế, khi gặp những lo âu
phiền muộn và thất vọng trong cuộc sống, có
người đi tìm sự an ủi nơi những
niềm vui bất chính như cờ bạc, rượu
chè, trai gái. Có người tìm sự an ủi nơi ma
thuật, bói toán. Thậm chí, có người đã làm
liều bằng cách giải thoát mình bằng cái chết.
Chúng ta cần phải tránh xa những
hình thức an ủi phù phiếm trên. Là kitô hữu, chúng ta
được mời gọi tin vào Đức Giêsu Phục
sinh. Vì chính Ngài đã cứu chuộc chúng ta bằng giá máu
của Ngài (x.1Pr 1,19). Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết
đường lối trường sinh (x. Tv 15,11a). Ngài
sẽ cho chúng ta biết con
đường sự sống và cho chúng ta đầy hân
hoan tận hưởng nhan thánh Chúa (x. Cv 2,28).
Câu chuyện Tin mừng hôm nay
giống như diễn biến của một thánh lễ: Có
phần phụng vụ Lời Chúa, có phần phụng
vụ Thánh Thể, có phần mời gọi ra đi
để chia sẻ niềm vui cho những người
xung quanh.
Ngày hôm nay, chúng ta không được vinh
dự gặp Đức Giêsu Phục sinh như hai môn
đệ Emmau và các Tông đồ ngày xưa, nhưng
chắc chắn Đức Giêsu Phục sinh vẫn luôn
đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo
đường của cuộc sống. Đặc
biệt, Ngài đang hiện diện với chúng ta nơi
Lời của Ngài, nơi Bí tích Thánh Thể và nơi
cộng đoàn phụng vụ, vì “ở đâu hai ba người họp lại vì danh
Thầy thì có Thầy ở giữa họ”(Mt 18,20).
Thật vậy, Lời Chúa là chính Chúa.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng
chỉ đường con đi. Lời Chúa đã biến
đổi biết bao nhiêu tâm hồn. Lời Chúa làm kim
chỉ nam hướng dẫn đường đi
nước bước của con cái Chúa qua mọi thời
đại. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng đọc, suy
niệm và đem Lời Chúa ra thực hành trong đời
sống của mình và giúp cho đời sống của tha
nhân.
Cũng vậy, Thánh Thể chính là
Đức Giêsu. Thánh thể là của ăn chính nuôi
sống linh hồn các kitô hữu. Trong bảy Bí tích, Bí tích
Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất. Vì thế, chúng ta
hãy siêng năng đến với Thánh Thể. Chúng ta hãy
siêng năng tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể,
viếng Thánh Thể, nhất là dọn mình sốt sắng
để rước lễ hằng ngày.
Ngoài ra, mỗi kitô hữu chúng ta phải
luôn sống liên kết với cộng đoàn. Vì, sống
là sống với sống cùng. Cũng như hai môn
đệ sau khi gặp Chúa Phục sinh đã biết nhanh
chóng quay trở lại chia sẻ với các Tông đồ,
mỗi thành viên trong cộng đoàn chúng ta phải biết
chia vui sẻ buồn với nhau. Nếu chúng ta biết
gắn bó với cộng đoàn, chắc chắn khi vui khi
buồn đều được cộng đoàn giúp
đỡ, chở che. Bằng không, chúng ta sẽ bị cô
đơn lạc lọng trong cuộc sống.
Lạy
Chúa, xin cho mỗi người chúng con siêng năng tham
dự thánh lễ để có cơ hội suy niệm
Lời Chúa, rước Mình Máu Thánh Người, sống
tinh thần liên kết với cộng đoàn hầu
niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh của chúng con
luôn được vững mạnh. Amen.
Lm. Anthony
Trung Thành
|