Dấu chân của Thiên Chúa – R. Veritas
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia
Sẻ’)
Nhiều năm trước đây có một
nhà bác học vượt qua sa mạc
với mấy người Ả Rập thông thạo
dẫn đường. Nhà bác học để ý thấy
cứ chiều đến, khi hoàng hôn sắp lặn sau bãi
cát mênh mông vô tận, thì những người Ả Rập
cùng đi đường đều dừng lại
trải chiếu trên cát, mặt hướng về mặt
trời chắp tay cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:
-
Các ông làm gì vậy?
Họ thản nhiên trả lời không chút do
dự: Chúng tôi sấp mình thờ lạy và cầu
nguyện cùng Allah là Thiên Chúa của chúng tôi.
Nhà bác học hỏi lại một cách
mỉa mai:
-
Vậy chứ các ông đã thấy Chúa
bao giờ chưa? Có sờ tay
đụng tới Ngài chưa? Hoặc đã nghe thấy
tiếng của Ngài khi nào chưa?
Hướng dẫn viên Ả Rập mỉm
cười đáp lại:
-
Chưa, thực ra chúng tôi chưa hề
mắt thấy tai nghe tiếng Chúa bao
giờ cả?
Nhà bác học sửng sốt lên giọng:
-
Các ông thực là những người
điên, các ông mù quáng sấp mình thờ lạy một Chúa
mà các ông chưa hề xem thấy hoặc tai
chưa hề nghe tiếng Ngài.
Hướng dẫn
viên Ả Rập giữ im lặng không đáp lại
lời nào hết.
Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló dạng,
nhà bác họ đã thức dậy, bước ra khỏi
lều và nói với hướng dẫn viên:
-
Ông hãy nhìn xem, chắc chắn là tối
hôm qua có con lạc đà nào đã đi qua đây rồi.
Một tia sáng đầy
hy vọng và vui mừng loé lên trong ánh mắt hướng
dẫn viên. Ông cất tiếng hỏi nhà bác học
những câu hỏi liên tiếp:
-
Vậy thì chắc là ông đã thấy
lạc đà đi ngang qua đây tối hôm qua chứ?
Hoặc là tay ông đã sờ tới lông
nó đang lúc ông ngủ chăng?
Nhà bác học thật thà đáp lại:
-
Không, tối hôm qua tôi ngủ ngon, đâu
có thấy lạc đà và cũng không sờ tới lông nó.
Hướng dẫn viên nói:
-
Vậy thì ông cũng chẳng khác gì
người điên. Ông quả quyết là lạc đà
đã đi ngang qua đây tối hôm qua, trong khi ông lại
nói là mắt ông không thấy, tai ông
cũng không nghe tiếng chân lạc đà.
Nhà bác học cương quyết cãi lại:
-
Nhưng đây là bằng chứng rõ
ràng: Ông không trông thấy dấu chân lạc đà còn y nguyên
trên mặt cát hay sao?
Cùng lúc đó, mặt trời từ từ ló
rạng kéo dài những tia sáng rực
rỡ trên mặt cát bao la. Hướng dẫn viên Ả
Rập giang tay trịnh trọng tuyên
bố:
-
Này ông bạn của tôi ơi! Ông hãy nhìn
xem mặt trời và những tia sáng
rực rỡ huy hoàng kia, đó chính là dấu chân huy hoàng
của Thiên Chúa, Chúa mà chúng tôi tôn thờ.
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói với ông Tôma:
“Phúc cho ai không thấy mà tin”. Thời
đại chúng ta đang sống là thời đại khoa
học. Đời sống
được xây dựng trên khoa học, được
hướng dẫn bởi khoa học, được
đánh giá bằng khoa học. Cái gì
cũng phải có khoa học. Mà khoa học thì phải
chính xác, rõ ràng, có thể phân tích, mổ xẻ và kiểm
nghiệm được. Tinh thần khoa
học thực nghiệm được áp dụng vào
mọi lãnh vực, kể cả tôn giáo. Người
ta nhân danh khoa học mà phê phán tôn giáo. Cái gì có tính khoa
học, kiểm nghiệm được mới đáng
tin, ngoài ra là vấn đề tình cảm, cuồng tín, mê
tín. Thái độ phê phán và não trạng
thực nghiệm của con người thời nay không
khác bao nhiêu so với tâm tính thực nghiệm và cứng
rắn của Tông đồ Tôma thời xưa trong câu
truyện Tin Mừng hôm nay.
Nghe các bạn kể lại: “Chúng tôi đã
xem thấy Chúa Phục Sinh”, ông Tôma vẫn không tin. Ông muốn dựa vào kinh nghiệm giác quan, chứ
không phải dựa trên các chứng từ. Chúa Giêsu
đã sẵn sàng đáp ứng và thoả mạn nguyện
vọng của ông. Ngài đã hiện ra và bảo ông: “Tôma,
hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn
xem tay Thầy… Hãy đưa bàn tay ra mà
đặt vào cạnh sườn Thầy”.
Đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi ông:
“Đứng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin…”. Không những tin vì đã
thấy mà còn phải tiến đến chỗ tin cho dù
không được thấy. Dựa vào
Lời Chúa, ông Tôma đã tin mà không cần kiểm chứng
nữa. Lúc ấy, Chúa Giêsu mới mạc khải chân
lý này: “Ai không thấy mà tin mới là người có phúc”.
Thưa anh chị em,
“Ai không thấy mà tin
mới là người có phúc”. Lời này như được
ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô
hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông
đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan:
sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh gần 2000
năm, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội, những
bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác.
Với ơn đức tin, chúng ta có thể
gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Đó là một hạnh phúc thật sự.
Theo ý hướng đó, lời tuyên xưng của ông Tôma
cũng phải là lời tuyên xưng đức tin của
Hội Thánh, của mỗi người ca vào Đức
Kitô ”Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.
Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh
thực sự đem lại cho người Kitô hữu
một niềm hân hoan khôn tả, như Thánh Phêrô đã xác
quyết: “Dù bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng anh em
tin, nên anh em sẽ được vui mừng khôn tả, vì
đã nắm chắc thành quả của đức tin anh
em, là ơn cứu độ” (1Pr 1,9). Niềm hân hoan đó không chỉ lắng sâu trong
tâm hồn, mà còn tràn ra bên ngoài trong cuộc đời các
Kitô hữu. Điển hình là niềm vui trong cuộc
sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi:
“Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,
luôn luôn sống với nhau trong tình huynh đệ, siêng
năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không
ngừng… Tất cả các tín hữu, đều một
lòng đoàn kết và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa
và được toàn thể dân chúng mến thương.
Và số người cứu độ gia nhập cộng
đoàn ngày càng thêm đông” (Cv 2,42-47).
Anh chị em thân
mến, nếu Giáo Hội hôm nay có được cuộc
sống như các tín hữu tiên khởi thì Giáo Hội lo
sợ gì trước những tra vấn của khoa
học. Chẳng những thế, Giáo Hội còn có khả
năng cống hiến cho thời đại khoa học
một lời chứng sống động, hùng hồn
về hoạt động của Đấng Phục Sinh
trong lịch sử, ngang qua cuộc sống dấn thân
của các Kitô hữu để đem lại tình yêu và
sự sống cho anh em đồng loại.
Con đường của lòng tin chúng ta hôm
nay là con đường của lòng mến. Càng
yêu mến nhiều, càng tin vững chắc. Và những người có lòng mến Chúa
thường không cần phải tin, mà họ thấy.
Thánh Tôma tiến sĩ cầu nguyện: “Chúa ơi, con không
xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma,
nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn
tin vào Chúa, cậy trông Chúa và yêu mến Chúa hơn nữa”. Và có lẽ đó cũng là lời cầu xin
của mỗi người tín hữu chúng ta, trong cuộc
hành trình đức tin trên trần thế này cho đến
ngày được xuất hiện trong vinh quang với
Đấng Phục Sinh.
|