Đấng
Phục Sinh đang ở giữa chúng ta
(Suy niệm của ĐGM.
Giuse Vũ Văn Thiên)
Chúng ta đã long trọng mừng lễ
Phục Sinh. Mọi ồn ào của những
cuộc kiệu rước đã lắng xuống. Những bận rộn của Tuần Thánh
cũng đã đi qua. Đối
với nhiều người, Tuần Thánh và lễ Phục
Sinh giống như những ngày lễ hội mỗi
năm tổ chức một lần, lễ xong là hết.
Điều còn lại có thể chỉ là những lời
bình phẩm về cách tổ chức lễ năm nay có gì
hơn hay kém năm ngoái. Để tránh
lối suy nghĩ lệch lạc đó nơi các tín
hữu, Phụng vụ hôm nay khẳng định với
chúng ta rằng Chúa phục sinh đang hiện diện trong
cộng đoàn các tín hữu. Người
hiện diện như mối dây liên kết chúng ta nên
một trong tình bác ái và sự chia sẻ nâng đỡ
lẫn nhau. Hình ảnh cộng đoàn
tiên khởi ở Giêrusalem là lời mời gọi chúng ta
hãy noi gương mà sống xứng đáng với danh
nghĩa những môn đệ Chúa Kitô (Bài đọc I).
Nếu các tín hữu có thể coi mọi sự là của chung và chuyên cần tham dự bẻ bánh, siêng
năng cầu nguyện và nhiệt thành thực thi bác ái là
vì họ tin Chúa Giêsu phục sinh đang ở giữa
họ và chứng kiến những điều tốt lành
họ đang làm.
Tuy vậy, vấn đề
người chết sống lại, xưa cũng như
nay, được coi là một câu chuyện hoang
đường, không thể chấp nhận. Ngay như các môn đệ là những người
đã cùng sống với Chúa và đã được nghe
Người tiên báo về sự phục sinh, mà các ông còn
chưa dễ dàng tin vào sự kiện này. Thánh Máccô ghi
lại sự nghi ngờ đến mức cứng lòng
của các ông: Khi bà Maria Mácđala kể với các ông là bà
đã gặp Chúa phục sinh, các ông cũng không tin. Các ông cũng không tin khi hai môn đệ từ
Emmau trở về quả quyết đã gặp Chúa (x. Mc
16, 9-13).
Lời Chúa hôm nay dẫn
chứng một nhân vật cụ thể nữa, đó là
Tôma. Ông không có mặt khi Chúa hiện ra
với các môn đệ. Điều các
bạn kể lại không thể thuyết phục ông
chấp nhận một điều “ngược
đời”. Dấu đinh ở tay,
vết thương ở cạnh sườn Chúa… là
những điều ông đã chứng kiến như
bằng cớ của việc Chúa Giêsu đã chết.
Đối với ông, việc được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào
cạnh sườn bị đâm thủng là bằng chúng
xác thực về việc Chúa sống lại. Thực ra, Tôma không thách thức Chúa, ông chỉ
cần bằng chứng thiết thực để ông tin.
Chúa Giêsu đã đáp trả
những điều kiện Tôma đã đưa ra. Tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong
tuần, Chúa đã hiện đến với các ông với
những thương tích trên thân thể Người. Nếu trước đây Tôma đã ra điều
kiện để tin, thì nay Chúa mời ông thực hiện
những điều ấy. Ông chẳng còn lòng dạ
nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh,
đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn,
ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa
đang ở trước mặt ông bằng xương
bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Qua lời nói với
Tôma, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng
ta một thông điệp: “Phúc thay những người
không thấy mà tin.” Thông điệp ấy
vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta
được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta
chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang
hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ
không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa của con!” Đó là lời
tuyên xưng Đức tin của một người đã
hoàn toàn bị chinh phục. Đó cũng
là tâm tình sám hối của một người đã
chậm tin những chứng từ của anh em mình.
Trong trình thuật của mình, thánh sử Gioan
hai lần nói đến chi tiết “các cửa đều
đóng kín,” để diễn tả Đức Giêsu
phục sinh không còn bị giới hạn bởi không gian,
nghĩa là Người trở nên thiêng liêng giữa thế
giới của chúng ta. Cũng như
Người có thể vào trong phòng khi các cửa đều
đóng kín, hôm nay Người đang hiện diện
nơi dung mạo và cuộc đời của những ai
mang tên Người, tức là các Kitô hữu. Thánh Phêrô
đã khuyên chúng ta: “Tuy không thấy Người, anh em
vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà
lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan
chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh
quang, bởi đã nhận được thành quả
của Đức tin là ơn cứu độ con
người” (Bài đọc II)
Chúa Giêsu phục sinh hôm nay
đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi
cuộc đời này. Sự hiện
diện của Chúa có thể được chứng
tỏ qua đời sống đạo đức yêu
thương của các tín hữu. Xin cho mỗi chúng ta
biết nhận ra Người đang sống giữa chúng
ta để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho
Người. “Đức tin là sự tin
tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa,
chắc chắn và vững bền tới mức một
người có thể cược cả đời mình cho
nó hàng nghìn lần” (Sưu tầm).
|