Suy
Niệm CHÚA NHẬT II PHỤC SINH 2017
Trong suốt tuần Bát Nhật Phục
Sinh, chúng ta đã nghe Tin Mừng tường thuật
lại nhiều lần Đức Giêsu Phục sinh hiện
ra. Hôm nay, ngày cuối cùng của tuần Bát Nhật, chúng ta
nghe Tin mừng Thánh Gioan tường thuật lại hai
lần Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn
đệ: Lần thứ nhất, vào buổi chiều ngày Phục
sinh; lần thứ hai, tám ngày sau đó. Chúng ta cùng nhau tìm
hiểu các chi tiết liên quan đến hai lần hiện
ra này.
1. Lần
Hiện Ra Thứ Nhất
Trong lần hiện ra lần thứ
nhất, chúng ta thấy có các chi tiết sau đây:
Chi
tiết thứ nhất:
Đức Giêsu Phục sinh vào nhà khi “các cửa còn đóng kín.” Điều này cho chúng ta
biết, Đức Giêsu Phục sinh không còn phụ thuộc
vào thời gian và không gian. Vì sự
Phục sinh của Ngài không phải là một cuộc trở
lại đời sống trần thế. Thân xác
Phục sinh của Ngài cũng chính là thân xác đã chịu
đóng đinh và mang vết thương của cuộc
khổ nạn, nhưng từ lúc
Phục sinh, thân xác này được tham dự vào
đời sống thần linh với những đặc
điểm của một thân xác vinh hiển: thân xác
này không bị định vị trong không gian và thời
gian, nhưng có thể tùy ý xuất hiện ở đâu và
lúc nào Ngài muốn. Vì thế, Ðức
Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do khi
hiện ra với các môn đệ Người, theo cách
thức và nơi chốn như Người muốn,
dưới nhiều hình dạng khác nhau. (x. GLHTCG số 645)
.
Chi
tiết thứ hai:
Đức Giêsu “đứng
giữa các ông” (x. Ga 20,19). Đây
là thái độ diễn tả sự gần gũi, thân
mật và yêu thương giữa thầy và trò. Điều
này cho chúng ta thấy, Ngài không còn nhớ tới tội
lỗi của các Tông đồ: Tội chối thầy
của Phêrô, tội bỏ trốn của các Tông đồ
khác, nhưng đã tha thứ tất cả cho các ông. Thái
độ này diễn tả một tình yêu tha thứ.
Chi
tiết thứ ba:
Đức Giêsu trao ban bình an. Chúng ta biết, sau khi Đức
Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, chịu đóng
đinh, chịu mai táng trong mồ, tâm trạng của các Tông
đồ hết sức lo lắng, sợ sệt,
thiếu sự bình an. Bằng chứng là các ông đã
bỏ trốn, vào phòng đóng kín cửa lại. Hiểu rõ
điều đó, nên sau khi Phục sinh, điều
đầu tiên Đức Giêsu muốn mang đến cho các
Tông đồ là sự bình an. Ngài nói: “Bình an cho anh em” (x. Ga 20,19). Đây là một hành
động nói lên sự quan tâm đặc biệt của Đức
Giêsu phục sinh đối với các Tông đồ.
Chi
tiết thứ tư:
Đức Giêsu cho các Tông đồ xem tay và cạnh
sườn Người (x. Ga 20,20). Đây là một
bằng chứng giúp các Tông đồ nhận ra Thầy
của mình đã sống lại thật, chính Thầy
chứ không phải ai khác. Cho nên, sau khi xem tay và cạnh
sườn của Thầy, Tin mừng cho biết “các Tông đồ rất
đỗi vui mừng” (x. Ga 20,20). Thật vậy, không
vui mừng sao được khi người thầy đã
chết nay sống lại. Giờ đây nơi các ông không
còn sự sợ hãi, lo lắng, buồn phiền nữa, mà
chỉ còn niềm tin yêu và hy vọng. Các ông sẽ vững
tin để thực hiện sứ mạng mà Thầy trao
phó.
Chi
tiết thứ năm:
Đức Giêsu trao ban sứ mạng. Ngài trao ban cho các ông
quyền tha và cầm buộc. Đây là sứ mạng cao
cả, để chu toàn sứ mạng này cần phải
có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì thế,
trước khi trao ban sứ mạng cao cả ấy,
Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các ông. Tin
mừng tường thuật: “Người
thổi hơi và phán bảo các ông: ‘Các con hãy nhận
lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội
người ấy được tha. Các con cầm tội
ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga
20,22-23).
Các chi
tiết liên quan đến lần hiện ra thứ
nhất trên đây hết sức quan trọng vì ảnh
hưởng rất lớn đến niềm tin và sứ
mạng của các Tông đồ sau này. Nhưng tiếc
thay, lần hiện ra này lại không có ông Tôma. Mặc
dầu các Tông đồ khác đã báo cho ông biết “chúng tôi đã thấy Chúa” nhưng
ông vẫn không tin. Ông còn tuyên bố rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy
vết đinh ở tay Người, nếu tôi không
thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn
tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”(Ga
20,25). Vì lời tuyên bố
này, nên ông được mệnh danh là kẻ “cứng lòng
tin.” Nhưng nếu như trong trường hợp của
Tôma có lẽ chúng ta vẫn chưa tin những gì các Tông
đồ khác nói. Vì, tôi cũng là Tông đồ, nhưng tại
sao Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ
khác mà lại không hiện ra với tôi? Hơn nữa, thiết
tưởng việc Tôma vắng mặt và chưa tin vào
sự Phục sinh của Đức Giêsu cũng không ngoài
sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì nhờ sự “cứng
tin” của ông Tôma mà chúng ta có lần hiện ra thứ hai
của Đức Giêsu phục sinh.
2. Lần
Hiện Ra Thứ Hai
Cách thức mà Đức Giêsu Phục sinh
hiện ra lần này cũng tương tự như
lần thứ nhất. Các môn đệ vẫn ở trong
phòng, cửa vẫn đóng kín. Đức Giêsu đến
và trao ban bình an. Nhưng lần này Đức Giêsu
để ý đặc biệt tới ông Tôma. Ngài nói
với ông Tôma rằng: “Hãy
xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy
đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn
Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27). Không
còn nghi ngờ gì nữa, Tôma vui mừng và tuyên xưng
niềm tin của mình vào Đức Giêsu phục sinh rằng:
“Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa
của con!”(Ga 20,28). Sau đó, Đức Giêsu nói với
Tôma: “Tôma, vì con đã xem
thấy Thầy, nên con đã tin”(Ga 20, 29). Và Ngài chúc phúc cho
niềm tin của các Kitô hữu qua mọi thế hệ
rằng: “Phúc cho những ai
đã không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Như vậy, nhờ hai lần hiện
ra của Đức Giêsu phục sinh mà Tin mừng hôm nay
tường thuật lại, niềm tin của các Tông
đồ được củng cố lại một cách
vững chức hơn. Không những thế, các ông còn
được Đức Giêsu phục sinh trao ban bình an,
trao ban Thánh thần và ban quyền tha tội. Ngoài ra, Đức
Giêsu còn chúc phúc cho mọi người tin vào Ngài qua mọi
thời đại. Điều đó nói lên tình thương
của Ngài đối với các Tông đồ và với
mọi người chúng ta hôm nay.
3. Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta luôn tin tưởng vào Đức Giêsu
đã Phục sinh. Chúng ta vui niềm vui của các Tông
đồ “vì đã trông
thấy Chúa.” Chúng ta tin tưởng vào tình thương
tha thứ của Ngài. Từ đó, chúng ta hãy sống tinh
thần tạ ơn như thánh vịnh 117 trong bài đáp ca
mời gọi: “Hãy cảm
tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của
Người muôn thuở”(Tv 117,1). Đồng thời, chúng ta hãy bắt
chước các Kitô hữu đầu tiên biết siêng
năng cầu nguyện, nhất là sống tinh thần liên
đới, chia sẻ với nhau trong cuộc sống: “Tất
cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp
với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2,42-47). Ngoài ra, chúng
ta hãy sống niềm hy vọng được sống
lại như tâm tình của Thánh Phêrô trong bài đọc
thứ II: “Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi
chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta
để chúng ta hy vọng được sống”(1Pr 1,3).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn suy
niệm Tin mừng tường thuật về những
lần hiện ra của Đức Giêsu Phục sinh để
chúng con thêm xác tín vào Sự Sống Lại, hầu chúng con
sống niềm tin đó và rao truyền cho những
người xung quanh. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|