Niềm tin
Có một cuốn phim,
tựa đề là “Đức Giêsu Kitô”, đây là một
cuốn phim nhạc nổi tiếng về cuộc đời
Chúa Giêsu. Bằng ngôn ngữ của âm nhạc, tác giả cuốn
phim đã cố gắng diễn tả cuộc đời
Chúa Giêsu theo tâm thức của con người thời nay,
giúp cho người xem có thể học hỏi và hiểu biết
thêm về Chúa Giêsu. Nhưng có một thiếu
sót lớn nhất của cuốn phim nhạc này là đã
không đề cập đến việc Chúa Giêsu sống lại.
Cuốn phim kết thúc cuộc đời của
Chúa bằng cái chết treo trên thập giá.
Cuộc đời
Chúa Giêsu chết là hết chăng? Những
người không có niềm tin Kitô giáo xem cuốn phim này sẽ
kết luận như thế. Bởi vì “chết là hết”,
đó là ý nghĩa thông thường của con người.
Đó cũng là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu
sau cái chết nhục nhã của Ngài: tất cả mọi
hy vọng của họ đều tan thành mây khói. Thế
nhưng, một biến cố bất ngờ đã xảy
ra: Ngày thứ ba sau khi tử nạn, Chúa Giêsu đã sống
lại. Đây là một biến cố vĩ
đại, một sự kiện vô tiền khoáng hậu,
độc nhất vô nhị, có một không hai trong lịch
sử, một biến cố đã làm phát sinh một tổ
chức lan rộng khắp thế giới mà chúng ta gọi
là Kitô giáo.
Việc Chúa Giêsu Kitô
sống lại là một biến cố cực kỳ quan
trọng, nhưng lại là sự việc mà lý trí con người
khó hiểu nổi, vì nó ở ngoài và vượt trên lịch
sử nhân loại, không một người nào đã thấy
và có kinh nghiệm. Ngay các môn đệ đi theo
Ngài và được Ngài báo trước cho biết việc
đó, thế mà khi Ngài sống lại họ cũng
chưa tin, huống chi những người khác. Phục
sinh là một chân lý mà người ta chỉ có thể chấp
nhận được nhờ đức tin.
Tuy nhiên, biến cố
Phục sinh cũng có những dấu hiệu bề ngoài chứng
thực, như ngôi mộ trống, không có xác Chúa Giêsu ở
đó.
Ngài hiện ra cho mấy phụ nữ đến thăm mộ
và nhất là một số môn đệ, họ nhận ra
Ngài khi thấy những thương tích của cuộc khổ
nạn trên thân thể Ngài và trò chuyện ăn
uống với Ngài. Rồi Ngài đã làm cho các môn đệ
sau khi gặp gỡ, truyện trò, ăn uống với Ngài
phải tin và xoay chuyển tầm nhìn của họ về
Ngài: từ hồ nghi không tin đến tuyên xưng Ngài
chính là Đức Kitô, đồng thời xoay chuyển cả
lối sống của họ: từ thất vọng sợ
hãi trở thành tin tưởng, can trường, rồi
đồng loạt đi khắp nơi loan báo và minh chứng
Ngài đã Phục sinh. Minh chứng cách trung thành và can đảm,
không sợ bị đánh đòn, chế nhạo, cầm tù,
mà còn sẵn sàng chịu tử hình nữa. Việc ngôi mộ
trống, việc Ngài hiện ra nhiều lần, việc
các môn đệ có niềm tin và lối sống mới sau
khi gặp gỡ Chúa Phục sinh, tất cả đều
có thật.
Quả thực, việc
Chúa Giêsu sống lại là một biến cố cực kỳ
quan trọng đối với chính Ngài, với giáo huấn
của Ngài, với các môn đệ cũng như với tất
cả mọi người, vì là nền tảng cho niềm
tin và sự cứu độ của mọi người.
Đối với Chúa Giêsu, sự sống lại chứng
tỏ Ngài vừa là người thật (đã đau khổ
và chết) vừa là Thiên Chúa thật (đã sống lại
và được tôn vinh) làm cho Ngài trở thành siêu việt
trên tất cả mọi nhân vật tôn giáo trên thế giới,
vì Ngài là hoa quả đầu mùa của nhân loại mở
đường vào hạnh phúc thật vĩnh hằng. Sự
sống lại chứng tỏ giáo huấn của Ngài là do
Thiên Chúa mạc khải và dẫn đưa con người
chắc chắn đạt tới hạnh phúc ấy. Sự sống lại đã làm xoay chuyển tầm
nhìn của các môn đệ về Ngài và xoay chuyển cả
lối sống của các ông. Sau hết,
sự sống lại là bảo đảm cho mọi
người được sống lại thật và có thể
được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng
như Ngài.
Trải qua hai ngàn
năm, niềm tin của các tông đồ và của các tín
hữu tiên khởi vẫn còn được tiếp tục
tuyên xưng. Mãi mãi vẫn còn có người
tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng
Cứu Thế, là Chúa. Ngài đã chết
để cứu chuộc chúng ta và Ngài đã sống lại
để bảo đảm chúng ta cũng sẽ sống lại.
Và hiện Chúa Kitô Phục sinh vẫn đang
đồng hành với chúng ta trong cuộc sống trần
gian. Chúng ta vẫn gặp Ngài trong Giáo Hội, trong các
bí tích, trong cầu nguyện, trong lời Chúa và trong khi thi
hành điều răn mới của Ngài.
|