Niềm hy vọng
Biết trước
cái chết và cách thế phải chết, nhất là cái chết
mình không chấp nhận, quả là một tâm trạng khủng
khiếp nhất đối với con người. Đó là trường
hợp những người bị kết án
tử hình hay những người bị bức tử, tức
là bị bắt buộc phải tự kết thúc đời
mình. Chúa Giêsu cũng trải qua những giờ
phút kinh hoàng ấy. Ngài biết trước cái chết
của Ngài: Đã ba lần Ngài nói trước với các
môn đệ là Ngài sẽ bị tử hình. Và Ngài cũng
nói rõ cách thế Ngài bị giết chết:”Ai muốn theo
Ta, hãy vác thập giá mình mà theo”, “Như Mô-sê treo con rắn
lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ
phải bị treo lên như vậy”, “Khi nào Ta bị treo
lên, ta lôi kéo mọi sự lên với Ta”. Qua những lời
đó, Chúa Giêsu muốn nói đến một cực hình diễn
tả cảnh tượng những phạm nhân phải kéo
lê những khúc gỗ sẽ được dùng làm thập
giá để đóng họ vào và treo lên tại một
nơi gọi là núi Sọ. Nhưng có một điều
khác, đây là cái chết Ngài biết trước, nhưng
Ngài chấp nhận:”Lạy Cha, nếu có thể, xin cất
chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha”.
Hơn nữa, không những Ngài chấp nhận,
mà Ngài còn mong chờ nữa, vì không có máu đổ ra thì
không có ơn cứu chuộc.
Tất cả những
điều trên đã xảy ra đúng theo
từng chi tiết như Chúa Giêsu đã nói trước:
Ngài phải vác thập giá và bị đóng đinh chết
trên thập giá. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu chết
chưa phải là mục tiêu cuối cùng của sứ vụ
cứu độ. Ngài còn phải vượt
qua cõi chết để trở thành con người đầu
tiên trong nhân loại được phục sinh và tôn vinh.
Và đây cũng là điều Ngài nói trước luôn, mỗi
khi nói về cái chết, Ngài đều nói thêm: Ngày thứ
ba, Ngài sẽ sống lại. Và điều
này cũng xảy ra đúng như vậy vào ngày thứ ba
sau khi chết, Ngài đã sống lại.
Trước hết,
chúng ta cần hiểu cho đúng thế nào là phục sinh
hay sống lại. Sống lại không phải là lại sống
y như trước, giống như mấy người
được Chúa Giêsu làm phép lạ cho sống lại
như trước rồi sau cũng phải chết,
như con trai bà góa ở Na im hay ông Ladarô. Chúa Giêsu phục
sinh và được tôn vinh nghĩa là Ngài đã chết thật,
rồi được sống lại với một thân xác
đã được đổi mới, không còn lệ thuộc
các luật vật lý hay sinh lý nữa, không chết bao giờ
nữa. Ngài được tôn vinh là được về
trời, không phải là vào tầng mây xanh mà là vào một
tình trạng hoàn toàn mới, được ở bên hữu
Chúa Cha, nghĩa là hiệp thông trọn vẹn với Chúa
Cha và Chúa Thánh Thần trong hạnh phúc vĩnh hằng.
Việc Chúa Giêsu
vượt qua cõi chết để phục sinh và
được tôn vinh là một biến cố cực kỳ
quan trọng đối với chính Ngài, với giáo huấn
của Ngài, với các môn đệ, và với tất cả
mọi người. Vì là nền tảng cho
đức tin và sự cứu chuộc của mọi
người. Thực vậy, đối với Chúa
Giêsu, sự sống lại chứng tỏ Ngài vừa là
người thật (đã đau khổ và chết) vừa
là Thiên Chúa thật (đã phục sinh và được tôn
vinh) làm cho Ngài trở thành siêu việt trên tất cả mọi
nhân vật tôn giáo trên thế giới. Tiếp đến, sự
sống lại chứng tỏ giáo huấn của Ngài thật
là do Thiên Chúa mạc khải và dẫn đưa con người
chắc chắn đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.
Lại nữa, sự sống lại đã làm xoay chuyển
tầm nhìn của các môn đệ về Ngài, để lời
loan báo đầu tiên và cả việc soạn thảo Tin mừng
của các ông đều được coi là diễn tả
cái nhìn mới về con người Nagiarét, nhìn nhận
Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu thế,
là Đấng Kitô; đồng thời cũng làm xoay chuyển
cả sự lựa chọn và lối sống của các
ông khiến các ông sẵn sàng sống chết làm chứng
cho niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh.
Sau hết, sự sống
lại của Đức Giêsu phục sinh là nòng cốt cho
niềm tin của chúng ta. Niềm tin này kéo theo
nhiều niềm tin khác: chúng ta tin Chúa sống lại là
chúng ta tin chúng ta được cứu chuộc. Bởi vì Chúa sống lại Chúa mới cứu chuộc
được nhân loại. Nếu
như Ngài chết luôn như các giáo chủ khác, thì Ngài không
có quyền gì cứu chuộc được ai. Nhưng Ngài đã sống lại, để chứng
tỏ Ngài là Thiên Chúa và Ngài có quyền cứu chuộc
được tất cả chúng ta.
Đàng khác, Chúa sống
lại còn là niềm hy vọng cho chúng ta: tất cả
chúng ta sẽ sống lại. Thực vậy, thân xác chúng ta
sẽ sống lại, đúng như chúng ta tuyên xưng
trong kinh Tin kính:”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”.
Bởi vì thân xác sống lại là hiệu quả
của mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, như
Kinh thánh đã nói:”Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại
cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại với
Ngài”. Như vậy, Chúa Giêsu đã chiến
thắng sự chết và Ngài cũng cho hết thảy
chúng ta được chung hưởng chiến thắng
đó. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng: ai
cũng sống lại, mọi người đều sống
lại, người tội lỗi hay người công
chính, người có đạo hay không có đạo, người
tin Chúa Giêsu hay người không tin Chúa Giêsu… tất cả
đều sống lại. Nhưng sống lại để
được thưởng hay chịu phạt, được
lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục lại là một
chuyện khác. Sự khác biệt đó đều do cuộc
sống hôm nay. Vì thế, cuộc sống hiện
tại, tuy ngắn ngủi, nhưng lại là cái giá đảm
bảo cho cuộc sống hạnh phúc mai sau. Vì vậy, chúng ta cần sống cho thật tốt
đẹp, sống đúng tư cách người Kitô hữu
đã được cứu chuộc, để được
sống lại và sống mãi với Chúa Giêsu.
Tóm lại, việc
Chúa Giêsu phục sinh là một biến cố cực kỳ
quan trọng, nhưng lại là một sự việc mà lý
trí con người khó hiểu nổi, vì nó ở ngoài và
vượt trên lịch sử nhân loại, không một
người nào đã thấy hoặc có kinh nghiệm. Đối
với chúng ta, đây là một vấn đề thuộc
đức tin. Chúng ta không thấy, nhưng chúng ta tin, không
phải là tin nhảm nhí hay ảo tưởng, mà có bằng
chứng xác thực, đó là Kinh thánh đã nói về việc
Chúa Giêsu phục sinh, đó là lòng tin của Giáo Hội suốt
hai mươi thế kỷ qua. Chính niềm
tin này là động lực giúp chúng ta sống tốt đẹp,
thúc bách chúng ta sống tốt đẹp. Bởi vì
chúng ta biết: cuộc sống ở trần gian này chỉ
là tạm gởi, trước sau gì chúng ta cũng sẽ chết.
Nhưng cái chết không còn là một ngõ cụt hay tận
cùng, chết không phải là hết, nhưng là cửa ngõ dẫn
vào một cuộc sống mới, một cuộc sống
trong Đức Giêsu và cùng Đức Giêsu trong cõi vĩnh hằng.
|