Hy vọng mạnh hơn thất
bại – Achille Degeest.
(Trích trong
‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Điều gì người
ta sống cách sâu đậm nhất là điều khó diễn
tả nhất. Đó là trường hợp của
kinh nghiệm về đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô Phục
Sinh. Đối với người vô thần,
sự sống lại của Đức Kitô là cái gì chỉ
có trong lòng tin của người Kitô hữu. Đối với người Kitô hữu, đó
là một thực tại còn chắc chắn hơn sự
kiện lịch sử được chứng minh cách vững
vàng nhất. Họ có thể diễn tả thế nào
lòng tin của mình trước người không tin, hoặc
ngay trước những đòi hỏi hợp lý của
chính lý trí mình?
Ai tin Đức Kitô
sống lại, chỉ còn cách có thái độ như các
Tông đồ. Với ngôn ngữ và cách suy nghĩ của riêng
mình, các ngài làm chứng rằng đã biết Chúa Giêsu
trước khi Người chết, và đã gặp lại
Người sau khi sống lại. Làm chứng,
nghĩa là quả quyết đã sống và đã thấy.
Các ngài không hiểu bằng cách nào Chúa Giêsu
đã từ cõi chết đi vào cõi sống, đã hiện
ra trong những điều kiện khác với điều
kiện trước khi chết. Các ngài
không nói gì về điểm này. Nhưng
quả quyết một cách vô cùng chắc chắn là sự
việc đã xảy ra.
Người Kitô hữu
ngày nay cũng thế, họ tin Chúa chịu chết và phục
sinh nhưng không thể trả lời cho những ai chất
vấn họ, xin họ giải thích. Vậy mà sự hiện
diện và hoạt động của Chúa Phục Sinh trong
cuộc sống họ là một kinh nghiệm biến đổi
cả con người họ. Họ có thể
làm chứng mà không thể cắt nghĩa việc ấy.
Chúng ta có thể rút từ
bài đọc của thánh Gioan hai đề tài suy niệm:
1) Hai người đều chạy.
Phêrô và Gioan khi nghe
Maria Madalêna báo tin liền vội vàng chạy tới mồ. Trong sự
vội vàng và sự ‘hướng về’ này, chúng ta nhìn thấy
một ý nghĩa tượng trưng. Ta có hướng
về Chúa Giêsu sống lại và đang sống không? Đối với Phêrô và Gioan, ngôi mộ tượng
trưng cho thất bại ê chề, kể từ chiều
thứ sáu (sau khi Chúa tắt thở). Bây giờ thì họ
lại hướng về một hy vọng tuy còn mập mờ,
bí ẩn, nhưng họ vẫn lao mình chạy.
Trong đời ta phải chăng cũng có những
thất bại mà ta tưởng là nhất định rồi.
Chẳng hạn một ước muốn không thành, một
công việc tông đồ không kết quả, một hạnh
phúc hợp lý rơi vào thất bại… Ta có hay chăng một
niềm hy vọng biết nhìn thấy quyền năng Phục
Sinh Chúa dành cho ta qua thử thách, dù lớn lao
thế nào đi nữa? Ta là môn đệ của Chúa sống
lại. Người kêu mời ta đừng
bao giờ đặt một viên đá tuyệt vọng trên
cái gì hết, song hãy hy vọng. Cái được phục
sinh có thể sẽ khác với ta chờ đợi
nhưng ‘khác’ hơn theo nghĩa ‘tốt’
hơn.
2) Ông thấy và tin.
Điều này nói về
tông đồ Gioan. Bản văn thêm rằng lúc đó ông hiểu
rõ Kinh Thánh, tức Cựu Ước. Quả thật con
người và lịch sử của Chúa Giêsu là ánh sáng soi
chiếu toàn bộ Cựu Ước, cũng như Tân
Ước. Phải đọc Thánh Kinh thế nào? Thưa bằng cách tìm gặp ở đó Chúa Giêsu
Kitô là chân lý ta, là sức mạnh ta, là sự chỉ giáo,
luân lý, đời sống của ta.
|