Suy
Niệm CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM A
Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm
nay có thể chia thành hai phần: Phần thứ nhất là
nghi thức làm phép và rước lá; Phần thứ hai là
thánh lễ như thường lệ nhưng nội dung
các bài đọc mang vẻ trầm buồn, nhất là bài
thương khó kể lại cuộc khổ nạn
của Đức Giêsu.
Phần thứ nhất, nghi thứ làm
phép và rước lá. Trong phần này của chúa nhật
năm A, chúng ta nghe đọc đoạn Tin mừng theo
Thánh Mathêu, tường thuật lại việc Đức
Giêsu vào thành thánh Giêrusalem. Quang cảnh rất hoành tráng.
Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa. Dân chúng đón
tiếp một cách nồng hậu. Tin mừng cho biết: “Phần đông dân chúng trải
áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây
trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước,
người theo sau tung hô rằng: Hoan hô con vua Ðavit! Chúc
tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các
tầng trời!” (Mt 21,8-9). Có
thể nói, đây là một cuộc khải hoàn vào thành thánh
Giêrusalem của Đức Giêsu, toàn dân ủng hộ, không
thấy một sự chống đối nào.
Phần thứ hai, phụng vụ cho
chúng ta nghe ba bài đọc liên quan đến cuộc
khổ nạn của Đức Giêsu.
Bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia,
đây là bài ca thứ ba về người tôi tớ đau
khổ. Tác giả cho biết, người tôi tớ bị
bách hại, phỉ nhổ, tra tấn và bỏ rơi
nhưng vẫn nhịn nhục, chịu đựng, trung
thành và tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi,
đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che
giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo
cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì
Chúa nâng đỡ tôi…” (x. Is 50, 6-7).
Bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô cho
chúng ta biết Đức Giêsu chính là người tôi tớ
mà tiên tri Isaia tiên báo: “Người
đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh
Người.” (x. Pl 2, 6-11)
Bài Thương khó được Thánh
Mathêu tường thuật lại cuộc khổ nạn
của Đức Giêsu. Đây là một bằng chứng
hùng hồn về tình yêu của Ngài đối với nhân
loại. Qua cuộc khổ nạn này, Ngài đã để
lại cho chúng ta nhiều bài học cao quý, xin được đơn cử
một số bài học sau đây:
Bài học thứ nhất: Sự can
đảm, quảng đại, hy sinh vì người khác.
Ngài đã chấp nhận muôn vàn đau khổ vì yêu
thương nhân loại chúng ta. Đây là bằng chứng
của một tình yêu cao quý. Vì,“không
có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).
Bài học thứ hai: Sự tha thứ. Ngài
tha thứ cho Giuđa là kẻ nộp Ngài. Ngài tha thứ cho
Phêrô là kẻ chối Ngài. Ngài tha thứ cho các môn đệ
là những người thân tín nhưng đã bỏ trốn
khi Ngài gặp nạn. Ngài tha thứ cho kẻ đóng
đinh Ngài vào thập giá. Ngài tha thứ cho kẻ trộm
cướp bên phải và cho anh ta được vào Thiên
đàng với Ngài ngay ngày hôm ấy.
Bài học thứ ba: Sự vâng phục
Thánh ý Thiên Chúa Cha. Khi cảm thấy khó có thể
vượt qua nỗi cô đơn, đau khổ,
Đức Giêsu không tránh né nhưng phó thác và vâng theo ý Chúa
Cha: “Lạy Cha, nếu có thể
được, xin cho con khỏi phải uống chén này.
Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Lạy
Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh
khỏi thì xin vâng Ý Cha.” (Mt 26,39 và 42). Đúng như Thánh Phaolô khẳng
định trong bài đọc II: “Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập
tự.” (Pl 2,8)
Ngoài ra, khi suy niệm
cuộc thương khó của Đức Giêsu còn giúp chúng
ta hiểu hơn về ý nghĩa của đau khổ,
từ đó chúng ta biết can đảm hơn để vác
thập giá của mình và sẵn sàng nâng đỡ thập
giá của tha nhân.
Ở Bỉ,
trong trận thế chiến thứ nhất, một
trận đánh khốc liệt vừa xảy ra. Trong
một nhà thờ đã được biến thành nhà
thương, hàng trăm thương binh nằm la liệt.
Bàn thờ được biến thành bàn mổ. Thiếu
thốn thuốc men, người ta phải giải
phẫu các thương binh mà không có thuốc tê hay gây mê.
Một thương binh đang được giải
phẫu, trong một khắc đồng hồ, anh ta
phải chịu “tử đạo”, tay nắm
chặt, mồ hôi đầm đìa, nhưng không một
lời than trách hay rên la.
Sau khi hoàn
tất ca phẫu thuật, bác sĩ hỏi anh : “Tại sao anh có thể chịu
đựng được như thế ? ”
Anh trả lời: “chính vì tôi đã nhìn lên
Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài đã chết
không một tiếng rên la vì tội lỗi nhân loại. Cho
nên, tôi cũng không thể than khóc vì những đau khổ
mà tôi có thể chịu để đem lại hạnh phúc
tự do cho
người khác. ”
Lạy Chúa
Giêsu, Chúa đã chấp nhận bước vào cuộc
khổ nạn để chịu chết trên cây thánh giá vì
yêu thương nhân loại chúng con. Xin cho mỗi
người chúng con cũng biết chấp nhận
những đau khổ trong cuộc sống để cộng
tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|