BÀI
LỜI CHÚA 105
NHỮNG
HIỆU QUẢ CỦA ƠN TÁi sinh
Trích tiếp
thư Rôma, 6.5-11
Nếu
ta đã được giống Đức Giêsu mà cùng
chết với Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được
giống Ngài mà sống lại. Chúng ta biết điều
này là con người cũ của ta, cội rễ mọi
tội lỗi, đã cùng bị đóng đinh thập giá
với Đức Kitô, như vậy, con người cũ
bị tội lỗi thống trị ấy nay đã
bị hủy diệt, thế là từ nay chúng ta không còn
phải làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì ai đã chết,
thì hết tội, thoát khỏi quyền hành thống
trị của tội lỗi.
Cũng như Đức Kitô, sau khi dâng
mình chịu chết có một lần thôi, thì không bao giờ
Ngài phải chết nữa, quyền hành sự chết
không còn thống trị được Ngài nữa ; nay Ngài
đang sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy kể
mình là đã chết rồi đối với tội
lỗi, không còn lân la bén mảng gì với chúng nó nữa, nay
anh em chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi.
* Đó là
Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Tiếp nối bài trước, ta
khai triển thêm ở bài này những hiệu quả do Ơn
Tái sinh đem lại. Anh chị em biết không : khi anh
chị em chấp nhận chịu Phép Rửa, không phải
chuyện chơi đâu. Không phải chấp nhận làm
một thủ tục để đạt được
mục đích gì đó, chẳng hạn như để có
thể lấy vợ lấy chồng…Không đơn
giản thế đâu. Nghiêm trọng lắm đấy. Chịu
phép Rửa, đó là anh chị em chấp nhận được
dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu mà cùng chết với
Ngài. Anh chị em có ý thức chuyện quan trọng
đó không ? Chính Kinh Thánh đã dạy như vậy,
chứ không phải Giáo Hội bày đặt ra :
“Khi chúng ta
được thanh tẩy trong Đức Kitô Giêsu; thì
chính trong sự chết của Ngài mà ta đã
được dìm vào ? 4Thế
là … ta đã được mai táng làm một với Ngài … 6Nên
biết điều này: là con người cũ
của ta đã cùng bị đóng đinh thập giá,
để thân xác tội lỗi bị phế hủy, ngõ
hầu ta khỏi còn làm nô lệ cho tội nữa.”
(Rm 6.3-6)
Đấy anh chị em thấy
chưa ? Là chuyện sống chết, chứ không phải
chuyện chơi. Nếu chúng ta sống đúng như Kinh
Thánh nói, thì sẽ cảm thấy con người cũ
bị tội lỗi thống trị của ta nay đã
chết, đã bị hủy diệt, và ta thoát khỏi
quyền thống trị của tội lỗi. Anh chị
em có muốn biết cụ thể chuyện đó
xảy ra thế nào không ? Đây, khi sống dưới
quyền thống trị của tội lỗi, ta đã
thường gục ngã trong dục vọng, trong đam mê,
trong tội lỗi, và thấy rất đau khổ, không
những đã xúc phạm đến vị Thiên Chúa đã
yêu thương chúng ta dường ấy, lại còn
cảm thấy con người mình đâm ra hèn hạ,
tồi tàn, xấu xa…Nhiều khi nghĩ đến mình,
chính mình cũng thấy xấu hổ, chính mình cũng phát
chán về mình… Nay sau khi chịu phép Thánh Tẩy, sự
thống trị đen tối ấy đã bị
đập tan. Ta được giải phóng ! Đó !
Chưa hết, còn điều
nhiệm mầu nữa, khi đã cùng chết với Chúa
Giêsu như thế, thì khi Ngài sống lại, ta cũng
sẽ được sống lại cùng với Ngài. Nay
Ngài đang sống cho Thiên Chúa, thì ta cũng vậy, ta
cũng sẽ chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi : đời
sống ta lúc này thật thanh thản, bình an, hạnh phúc,
trước mắt ta thấy mọi sự đều
tốt đẹp, mọi người đều đáng
yêu, nếu có ai ghét hoặc làm hại ta, ta tha thứ
dễ dàng ; những lúc rảnh rỗi, ta còn đi làm
những việc từ thiện, giúp những người
nghèo khó, neo đơn hay tật bệnh… Cuộc đời của ta lúc
ấy, chẳng khác gì như Thiên Đàng dưới
thế, đang khi chờ ngày Chúa rước chúng ta về
Cõi Trường Sinh, mà sống với Chúa muôn đời :
“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở
; Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Và Thầy sẽ
đến lại và đem anh em theo Thầy, để Thầy
ở đâu, anh em cũng ở đó (với Thầy).”(Ga
14.2-3).
Chắc có người sẽ nói :
những điều vừa nói là chuyện tưởng
tượng, đẹp đẽ lắm, song để ru
ngủ người ta chứ làm gì có thật ! Để
đáp trả, chỉ xin nói : Chính Thánh Kinh lời Thiên Chúa
là Đấng chân thật đã phán hứa như vậy.
Tin hay không là tùy.
Xin tạm gác
chuyện đó, ta học hỏi tiếp về công việc tẩy luyện trong Thân Mình Phục Sinh của Chúa
Kitô. Việc ấy đưa ta đến một
hiệu quả nữa : “Máu
Đức Giêsu tẩy sạch
lương tâm ta … khỏi các việc chết (để) mà phụng sự
Thiên Chúa hằng sống!” (Hr 9.14).
Cũng như xưa, Thiên Chúa giải phóng dân
Israen khỏi nô lệ Ai Cập là để họ đi
vào hoang địa mà thờ phượng Người:
“ĐỨC CHÚA phán
(với ông Môsê) : “Bây giờ, Ta sai ngươi đến
với vua Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en
ra khỏi Ai-cập…. Ta sẽ ở với ngươi. Và
đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai
ngươi : khi ngươi đưa dân ra khỏi
Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên
Chúa trên núi này.” (Xh 3.7-12)
Việc
phụng sự Thiên Chúa hằng sống ấy có hai phương diện : Một là bằng
đời sống tốt lành, thánh thiện của ta ;
Hai là bằng việc
phụng thờ công khai bên ngoài.
+ Ta đề cập trước
tiên đến phương diện đời sống
tốt lành; còn
việc phụng thờ công khai dành lại cho mấy bài
sau.
Như
đã biết, khi ta được nhập vào lò tẩy
luyện là thân mình Chúa Giêsu, tội được tẩy
sạch, ta được nên công chính. Nếu giả
sử ta chết ngay, thì ta lên thẳng Thiên Đàng. Nhưng
khổ một nỗi là vì ta còn tiếp tục sống...,
thì dù đã được “tái sinh”, được sống
lại rồi, “cái Tôi” của ta (thánh Phaolô gọi là: con
người cũ) nó chưa chết hẳn. Bao lâu ta còn
sống ở trần gian, sẽ còn gặp bao nhiêu cám
dỗ, bao nhiêu thử thách, ta muốn “từ nay chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi” (Rm 6.11),
nhưng đang khi đó ma quỉ, thế gian ra công xúi
giục, bầy ra nhiều món hấp dẫn, lôi kéo, quyến
rũ “cái Tôi” của ta và muốn lôi nó ra khỏi
Đức Giêsu, khỏi Thiên Chúa !
Chỉ
những Kitô hữu nào, một khi nhập vào thân mình
Đức Giêsu, mà “để
cho Thần Khí Chúa dẫn dắt”, mà “bước đi theo Thần khí thì họ sẽ
không còn làm thỏa đam mê xác thịt” (Ga 5.18,16), vì họ
sẽ luôn luôn làm theo Ý Chúa, họ bắt “Cái Tôi” của
họ đầu phục Chúa, để được
Đức Giêsu chiếm lấy và làm chủ trọn
vẹn. Họ vẫn sống trên đời, vẫn làm
việc, ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ như
mọi người v.v…, nhưng xem ra như có một Người
khác đang sống trong họ, điều khiển
họ, chi phối mọi hoạt động và sinh
hoạt hằng ngày của họ. Thánh Phaolô đã diễn
tả thế này : “Nay tôi
sống nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô
sống trong tôi. Đời sống của tôi hiện
tại trong xác phàm này, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên
Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi”
(Galát 2.19-20).
Chúng
ta vẽ hình một cái nhà để biểu tượng tình
trạng đó :
Cái nhà
ấy tượng trưng tất cả đời
sống của ta, trong đó diễn ra các hoạt
động : nấu nướng và ăn uống (hình
chữ nhật lớn), đọc sách, giải trí, vui
chơi (hình vuông nhỏ), ngủ nghỉ (hình bầu
dục nhỏ), tiếp khách, liên lạc với
người ngoài, làm dịch vụ hay buôn bán v.v… (hình
bầu dục lớn),... Trong căn nhà ấy, ở chính giữa
có một ngai, trên ngai
ấy, Chúa Giêsu ngự trị, làm Chủ.
Khi Chúa Giêsu làm Chủ trong họ thì Ngài không phải là
bù nhìn, nhưng là Đấng sống động và hoạt
động ! Ngài sẽ từ từ nhờ Thần khí tác
động để biến
đổi họ mỗi ngày một nên giống Ngài
hơn. Ta hãy nghe Thư 2 Corintô mô tả sự biến
đổi ấy :
“Tất cả chúng ta… phản
chiếu vinh quang của Chúa (Giêsu) như một bức
gương ; nhờ vậy, chúng ta được
biến đổi nên giống hình ảnh (Chúa) đó, ngày
càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi
tác động của Chúa là Thần Khí.”(2 Cr 3.18)
Hiện nay, sự biến đổi ấy âm thầm
không thấy lộ ra ngoài, vì Thánh Phaolô cho biết : “Sự sống mới của anh
em hiện đang tàng ẩn cùng với Đức Ki-tô
nơi Thiên Chúa” (Cl 3.3), nhưng việc biến
đổi ấy là một sự thật mà Kinh Thánh
bảo đảm. Rồi cứ như thế, từ
từ qua năm tháng suốt cuộc đời,…cho
đến “khi Chúa tỏ
hiện (ngày Quang Lâm tận thế) thì ta sẽ nên giống
như Ngài (hoàn toàn), vì Ngài thế nào, ta sẽ thấy
Ngài như vậy” (1 Ga 3.2).
Chắc anh chị em chưa để ý đến
sự tuyệt vời của câu Kinh Thánh vừa rồi, nó
bảo rằng : “loài phàm hèn chúng ta đây sẽ được
nên giống như Chúa Giêsu vinh hiển ! Ngài thế nào, ta
sẽ nên giống như vậy”. Thử hỏi : Lúc Quang
Lâm ấy Ngài như thế nào ? Ngài đẹp đẽ
rực rỡ vinh quang chói lọi vô cùng, còn hơn ngày Ngài
biến hình sáng chói trên núi Tabo. Thế mà chúng ta cũng
được nên vinh quang rực rỡ, chói lọi giống
như Ngài vậy đó. Chính Đức Giêsu cũng xác
nhận : “Bấy giờ
kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong
Nước Cha của họ.” (Mt 13.43)
Sự biến đổi
lúc ấy sẽ trọn vẹn và toàn diện, con
người của ta trở nên thần thiêng giống
như Chúa, không những phần linh hồn mà cả
phần thân xác nữa :
“Quê hương (Thiên
Đàng) chúng ta là trời cao, từ đó Chúa Giêsu Kitô
vị Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, sẽ đến.
Ngài sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của
ta, sao cho nên đồng hình đồng dạng với
thân xác vinh hiển của Ngài, chiếu theo phép mầu
làm Ngài có thể bắt cả vạn vật hàng phục
Ngài.” (Pl 3.20-21).
Tương lai chúng ta quá đẹp ! Sướng quá
đi mất thôi !
Chẳng may có những Kitô hữu bị ma quỉ và
thế gian cám dỗ và lôi ra khỏi Đức Giêsu, thì xin
đừng nản lòng về việc ăn năn quay
trở lại, quả đây là việc khó khăn : “Nơi loài người là
điều không thể được, nhưng nơi Thiên
Chúa mọi sự đều là có thể” (Mt 19.26). Anh
chị em không chỉ có một mình mà còn có Thánh Thần, là quyền năng Thiên
Chúa giúp sức. Thánh Phaolô nói kinh nghiệm của ông : “Tôi có thể làm được
mọi sự trong (Thiên Chúa,) Đấng ban sức mạnh
cho tôi” (Pl 4.13). Vì Chúa hứa : “Ơn
Ta là đủ cho ngươi ! Vì chưng trong yếu
đuối, quyền năng Thiên Chúa mới biểu lộ
hết sức mạnh” (2 Cr 12.9). Chỉ cần anh
chị em tín thác vào Lòng Thương xót Chúa, với một
niềm tin cậy trọn vẹn, rồi sẽ thấy
Chúa ra tay, phép lạ xảy ra : cuộc đời anh chị
em sẽ biến đổi, sẽ sống vui mừng,
sẽ thấy bình an, hoan lạc, sẽ hạnh phúc ngay
từ đời này.
Tích
truyện
Thánh Gioan Vi-a-nê, là cha sở
một họ đạo nhà quê, nghèo và nhỏ bé bên Pháp. Ngài
giảng rất vụng về, nhiều khi lúng túng quên
đầu quên đuôi, có lúc không biết nói gì, đứng đực
ra trên tòa giảng rồi khóc. Các bổn đạo có
chế nhạo hoặc bỏ đi không ? Không đâu !
Bởi sự thánh thiện của ngài, bài giảng vụng
về, song lại có một sức siêu nhiên đâm thấu
lòng họ, làm họ cũng chảy nước mắt
ra... Cứ từ từ, làng quê ấy, trước khi ngài
đến làm Cha sở, thì tiền và ăn chơi nhậu
nhẹt, chơi bời, nhảy nhót, say sưa... là chúa
của đời họ; dần dần, họ đã thay
đổi hẳn và trở thành một họ đạo
gương mẫu và thánh thiện, một lòng yêu mến
Chúa trên hết mọi sự. Một hôm, có một sĩ
quan cao cấp đến nghe ngài giảng. Người ta
hỏi ông :
- Ông cảm nghĩ
về bài giảng làm sao ?
Ông đáp :
- Thường
thường, tôi không mấy bằng lòng về cha
giảng, nhưng lần này, nghe cha Vianê giảng, tôi không
mấy bằng lòng về chính tôi.
Ông sám hối tội
lỗi và ăn năn trở lại.
[Hôm nay, thay vì kinh Đền
tạ, xin mọi người quì xuống, thành khẩn
đọc lại lời nguyện viết ở trên].
------
|