LTHN Chúa Nhật VIII Thường Niên A
Chỉ khi nào "không làm tôi hai chủ", mới có thể "tìm kiếm nước Thiên Chúa trước"
hay ngược lại
Muốn "tìm kiếm nước Thiên Chúa trước" thì "không làm tôi hai chủ"
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VIII Thường Niên Năm A tiếp tục Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu, một bài giảng về Phúc Đức Trọn Lành liên quan đến ơn gọi và sứ vụ tông đồ của thành phầhn môn đệ chứng nhân của Người, một bài giảng dài (đến 3 đoạn 5-7 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu) được Phụng Vụ Giáo Hội cố ý chọn đọc cho những Chúa Nhật Thường Niên Năm A hậu Giáng Sinh, từ Chúa Nhật thứ IV cho đến Mùa Chay, tức cho tới Chúa Nhật IX Thường Niên, vì Chúa Nhật X là thời điểm phụng vụ tiến sang Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, với bài Phúc Âm tông đồ Mathêu được kêu gọi.
Theo chiều hướng Phúc Đức Trọn Lành, một giáo huấn được Chúa Kitô cố ý giảng dạy ở Trên Núi, tiêu biểu cho những gì là trổi vượt trên thế gian tầm thường là nơi thành phần môn đệ được Người huấn luyện để "hạ sơn hành hiệp", nội dung của bài Phúc Âm hôm nay nhắm đến đời sống nội tâm của riêng thành phần môn đệ của Người, sau khi Thày của các vị đã hướng các vị về một đức ái trọn hảo đối với tha nhân theo mô phạm "trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48) ở bài Phúc Âm tuần trước.
Thật vậy, chiều kích sống nội tâm của thành phần môn đệ Chúa Kitô theo giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay bao gồm hai yếu tố chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly, đó là, về tiêu cực, "không làm tôi hai chủ", nhờ đó, về tích cực mới có thể chỉ biết "tìm kiếm nước Thiên Chúa trước", bằng một tinh thần hoàn toàn tin yêu phó thác: "chớ áy náy lo lắng về ngày mai", phó thác cho sự quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng "vẫn nuôi" "chim trời" là loài "không gieo, không gặt, không thu vào lẫm", và vẫn "mặc cho" "hoa huệ ngoài đồng... không làm lụng, không canh cửi... nay còn, mai bị ném vào lò lửa" còn đẹp hơn "cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông".
Về Vị Thiên Chúa quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan đầy yêu thương, "Đấng hiện hữu" (Xuất Hành 3:14), bởi thế danh xưng bất diệt của Thiên Chúa đối với loài người theo đúng thực tại thần linh "hiện hữu" của Ngài là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp" (Xuất Hành 3:15), Đấng không bao giờ bất trung với những gì Ngài đã hứa, cho dù con người có qua đi hay phản bội Ngài, Đấng không bao giờ bỏ rơi dân của Ngài, bỏ rơi sự nghiệp của Ngài, đúng như Ngài khẳng định qua miệng tiên tri Isaia ở Bài Đọc 1 hôm nay: "Sion nói: 'Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi'. Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu".
Chính vì Thiên Chúa không bao giờ quên con người, thậm chí họ càng khốn khổ càng được Ngài thương và càng được Ngài tỏ mình ra cho họ, mà Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay mới có một cảm nhận đầy xác tín rằng: "Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui" (Thánh Vịnh 61:2a), một cảm nhận đầy xác tín được bày tỏ bằng tâm tình tràn đầy tin tưởng an vui trong cùng Bài Đáp Ca như sau:
1) Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến lũy của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
2) Duy nơi Thiên Chúa linh hồn tôi hãy nghỉ an, vì do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến lũy của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
3) Vinh dự và an toàn của tôi ở nơi Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa, tôi có Ðá Tảng kiên cố và chỗ dung thân. Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ dốc niềm tâm sự trước nhan Người.
Chính vì Thiên Chúa là "Đấng Hiện Hữu", trung thành và bao giờ cũng muốn cho con người sống, một sự sống thần linh viên mãn vĩnh hằng chứ không phải chỉ là một cuộc sống tạm bợ trên đời tạm gửi mau qua này mà, giữa nhu cầu trần thế, cho dù là những nhu cầu căn bản nhất và thiết yếu nhất cho sự sống thể lý của con người trên trần gian này: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?", so với "nước Thiên Chúa và sự công chính của Người" chỉ là những gì tầm thường, không quan trọng nhất bằng những gì thuộc về Thiên Chúa và hoàn toàn phụ thuộc vào những gì thuộc về Thần Linh: "còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con".
Đó là lý do chính Chúa Kitô đã trả lời cho các tông đồ về lương thực hằng ngày của Người, khi các vị dường như vào một khu làng gần đó ăn uống và đồng thời để mua lương thực cho Người, Đấng cố ý ngồi lại như thế chờ các vị ở Giếng Giacóp nhưng với ẩn ý là để câu một con cá thật bự là người phụ nữ Samaritano đáng thương (xem Gioan 4:6-26).
Việc Chúa Giêsu cần phải câu cho bằng được con cá sộp vào trường hợp hiếm quí này mới quan trọng hơn là vấn đề ăn uống thường tình của Người, Đấng đã dạy các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?", cũng là Đấng đã truyền cho các tông đồ khi đi rao giảng rằng: "Các con đừng mang đi đường áo khoác hay giầy dép hoặc gậy gộc" (Mathêu 10:10), và vì thế Người đã khẳng định với các tông đồ mời Người "ăn một chút" (Gioan 4:31) rằng: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Gioan 4:34), để rồi ngay sau khi nói câu này Người đã hướng các vị về sứ vụ truyền giáo: "Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!" (Gioan 4:35).
Một trong các vị tông đồ tiêu biểu đã ý thức được những gì là ưu tiên đệ nhất trong cuộc đời của mình cần phải dấn thân cho đến cùng bất chấp mọi giá, và những gì là thứ yếu, tùy thuộc và phụ thuộc, không cần phải bận tâm và bị chi phối làm hỏng đại cuộc, nên ngài đã sống đúng như vậy, đó là Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, vị mà trong Thư 1 gửi giáo đoàn Corinto ở Bài Đọc 1 hôm nay, đã cho biết về mình như thế này:
Trước hết là ưu tiên đệ nhất trong cuộc đời của ngài là một trong "những thừa tác viên của Ðức Kitô, và là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa", thành phần mà "do đó, người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín"; sau nữa là những gì thứ yếu, phụ thuộc, tùy thuộc, không cần phải bận tâm lo lắng cho bằng hay giống như ưu tiên đệ nhất ấy: "Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Ðấng đoán xét tôi chính là Chúa".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|