Tình yêu biến
kẻ thù thành
bạn hữu
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu
An)
Tin Mừng các Chúa Nhật liên
tiếp trình bày những giáo huấn mới mẻ của
Chúa Giêsu so với luật cũ của Cựu ước.
Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu là Môisen mới,
đứng trên núi Sinai mới (núi Bát Phúc) công bố
luật mới của Nước Trời (Tám mối Phúc
thật).
Chúa Nhật V, sau khi công bố Hiến
Chương Nước Trời, Chúa Giêsu khuyến khích các
môn đệ, những công dân mới của Nước
Trời, hãy đem những giáo huấn của Người
ra thi hành. Sứ mạng cao cả của người công
dân Nước Trời là muối cho đời, ánh sáng
thế gian.
Chúa Nhật VI, Chúa Giêsu so sánh
luật mới của Người với luật cũ
của Môisen. Luật mới kiện toàn
luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường
hợp cụ thể:
· Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người
khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu
có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.
· Luật cũ cấm hành vi
ngoại tình. Luật mới ngăn chặn
ngoại tình từ ước muốn. Cần
chặn đứng những gì gây nên ước muốn
xấu xa như con mắt, cái tay, cái
chân…
· Luật cũ quy định thủ tục
li dị. Luật mới triệt để
cấm li dị.
· Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không
cần thề nữa.
Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo
huấn hoàn thiện luật cũ.
· Luật cũ dạy yêu thương,
nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn
trong những người Israel
với nhau. Luật mới dạy phải
mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.
· Tinh thần luật cũ “mắt
đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ.
Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng
ác, tình yêu thắng hận thù.
· Tinh thần luật cũ là chỉ yêu
thương người đồng bào. Giáo
huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm
ơn để báo oán.
1. “Hãy yêu kẻ thù”
“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn
độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ
thể. Yêu thương kẻ thù là:
· Làm ơn cho kẻ ghét mình.
· Chúc phúc cho người nguyền rủa
mình.
· Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
· Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.
· Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.
· Ai lấy gì thì đừng đòi lại…
Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu
thương bao la ấy là con cái phải noi gương
Thiên Chúa là Cha ngự trên trời "Người làm cho
mặt trời mọc lên trên người lành cũng
như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành
cũng như người bất lương…".
“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa
cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng
tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng
thường tình của con người. “Yêu thương
kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của
con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên
trời.
Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa
Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm
nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền
từ quãng đại tha thứ.
“Hãy yêu kẻ thù”, đó là
lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh
truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng
không phải là không có thể. Chính Chúa
đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những
kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá.
Chính hành vi cao cả này đã thể
hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó
cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng
Cứu Thế. Người đến để yêu thương
và cứu chuộc con người. Người đến
để tha thứ và đem lại cho con người
cơ may để sám hối và canh tân.
Như vậy Chúa Giêsu mở ra con
đường mới cho nhân loại. Con đường
lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt
thắng hận thù. Chỉ có yêu thương
mới làm cho thù hận tiêu tan.
2. Tại sao phải yêu kẻ thù?
Yêu người yêu mình thì
dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao!
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: “Lấy oán báo
oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán,
oán tiêu tan”. Lấy oán báo oán chỉ thêm
hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện
tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch
sử nhân loại. Nhiều thi sĩ,
nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình
yêu. Những vỡ kịch những
cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng
mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu
câu chuyện tình của họ được kết thúc
một cách tốt đẹp và bình thường, chắc
sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng
Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa
hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách
để giải hòa được sự thù hận
ấy. Sự thù hận dẫn
đến mất mát cho cả hai bên. Sự
thù hận đã cướp đi mạng sống của
đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối
tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối
tiếc. Sự thù hận khởi đi
từ tâm hồn ích kỷ. Bảo
vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát
hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một
ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai?
Đã là người thì ai cũng có những
sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có
những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh.
Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng
ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm,
những bực bội và những buồn phiền.
Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ
phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen,
kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia
đình, kẻ bên trái cũng như những người
bên phải, kẻ đàng trước cũng như
người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay,
phải thanh toán hết mọi thứ người trên
mặt đất này. Phạm Duy khuyên
đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng
họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.
3. Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu.
Trong cuộc sống, chúng ta va
chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử
chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm
nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét
oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng
sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh
Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng
phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà
cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).
Thiên Chúa tạo dựng nên con người
giống hình ảnh Chúa, lẽ nào Người lại tiêu
diệt nó chứ? Chúa Giêsu đến
để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi.
Chúa không đến để tiêu diệt
người tội lỗi mà để cứu vớt.
Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui
tội lỗi nơi con người, làm thay đổi
một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan
được bóng tối. Chỉ có tình
thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn
hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu
độ. Đối với người Kitô hữu, lý do
căn bản để yêu thương kẻ thù chính là
Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như
vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao
và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).
Câu chuyện ngụ
ngôn kể rằng:Sư tử ốm
đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy
được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm
mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang
cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào
cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay
lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh
dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có
bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể
sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta
cả?
Hoa hồng
trả lời: Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc
tươi đẹp và hương thơm
ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là
chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho
những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái
gì đâu?
Hoa hồng là hình ảnh của con
người biết yêu thương.
Lạy Chúa, trên
thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những
kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình
thương của Chúa trong trái tim con,
để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên
trì đi trên con đường yêu thương của Chúa
cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết
yêu mến mọi người. Amen.
|