Tha thứ –
Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Trong thời
kỳ đầu của Phong Trào Nhân Quyền tại
Montgomery, Alabama, đây là điểm sáng đích thật.
Những người da đen tẩy chay dịch vụ xe búyt của thành phố, bởi vì có sự
kỳ thị chủng tộc. Những
người da trắng đã đáp lại bằng cách cho
nổ bom những khu nhà của người da đen.
Bầu khí sự thù hận bao trùm một cách
nặng nề và căng thẳng. Mục sư Martin
Luther King, Jr., đã giảng cho cộng đoàn người
da đen trong khu phố của ông rằng sự hòa bình và
sự tha thứ nằm trong tay của
họ. Mục sư tiếp tục trình bầy: Hành
động qúi báu của sự tha thứ luôn luôn
được bắt đầu với những
người bị lầm lạc.
Lời mời gọi sống
phúc âm giữa đời là một thách thức đòi
hỏi sự thắng vượt chính mình. Từ
thời xa xưa, những lời dạy bảo về
đức yêu thương và tha thứ đã
được ghi chép trong sách Luật: Đừng giữ
lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai,
để khỏi mang tội vì họ. (Lev 19,
17). Chữ ‘đừng’đã được tác
giả sách Lêvi dùng để khuyên răn đồng
loại là ngưng theo đuổi sự
dữ. Vì sự dữ sẽ sinh ra sự
dữ. Sự báo qua oán lại sẽ
không bao giờ được kết thúc. Chúng ta không thể dùng sự báo thù để tìm
đạt sự công bình. Nếu chúng ta
trả thù qua lại lẫn nhau mãi, thì chúng ta cũng
chẳng khác gì cách cư xử của dân ngoại, họ
không nhìn biết Thiên Chúa nhân lành. Trong kinh
nghiệm sống đời, ai trong chúng ta cũng có lúc
cảm thấy bực mình vì sự phản bội,
đặt điều nói xấu, ngang trái và gây hại.
Thái độ thù ghét là những phản
ứng rất tự nhiên của lòng người.
Nhưng sách Lêvi khuyên dậy chúng ta là đừng giữ
lòng thù ghét nhưng hãy tha thứ và công khai răn bảo.
Đừng tìm báo oán là điểm son trong
đời sống đạo: Đừng tìm báo oán,
đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của
kẻ đồng hương. Hãy yêu
thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa
(Lev 19, 18). Đừng báo oán, không phải vì
chúng ta sợ hãi, nhát đảm, yếu nhược hay
bị áp chế, nhưng đây là một thái độ
thực hành đạo bác ái yêu thương. Sự
nhún nhường là một thái độ bao dung và tự
chủ. Người ta vẫn thường nói rằng:
Thắng mình khó hơn thắng vạn quân. Không
phải ai cũng có thể dễ dàng thắng
được sự ghen tuông, thù óan và bất công. Chịu nhường một bước
để thắng hai bước, đó là thắng chính
mình và thắng người khác. Biết
tự kiềm hãm và làm chủ ý chí của mình là một
trong những thành công trong việc đối nhân xử
thế. Vì chúng ta biết rằng thái
độ nóng nảy và giận dữ bốc đồng
sẽ gây thiệt hại nhân cách và đổ vỡ
tương giao. Tự ái vặt là
đầu mối của nhiều phiền thức trong
giao tế nhân sự và phá đổ các mối liên hệ.
Chúa Giêsu đã rao giảng tin mừng giải
thoát vượt trên mọi lẽ thường tình: Còn
Thầy, Thầy bảo các con: Đừng chống cự
với kẻ hung ác, trái lại, nếu ai vả má bên
phải của con, thì hãy đưa má bên kia
cho nó nữa (Mt 5, 39). Sống theo lời
Chúa, xem ra chúng ta sẽ bị thua thiệt nhiều. Chính
Chúa Giêsu đã nêu gương chọn đi vào con
đường khiêm hạ này. Một Thiên Chúa có uy
quyền trên mọi loài đã cúi đầu chấp
nhận mọi xỉ vả của con người. Chúng ta không thể nào hiểu thấu mầu
nhiệm của sự đau khổ mà Chúa đã chịu.
Nhẫn nhục chịu đựng
để thắng vượt những bất công cần
có sức mạnh nội tâm nhiệt thành. Trong
đời sống thường ngày, chúng ta va
chạm biết bao những thứ bực mình chung quanh qua
lời nói và cách thế hành xử của những
người khác. Cần phải biết kiên
nhẫn cư xử và thắng vượt.
Một trải nghiệm gần gũi nhất là làm sao có thể đối
xử tốt với các thành viên trong gia đình. Thí dụ:
Chỉ cần một lời nói thiếu tế nhị,
một thái độ ơ hờ và một tranh luận
nhỏ nhoi cũng có thể gây nên sự. Người
nói qua, kẻ nói lại chẳng ai chịu ai sẽ dễ
gây bất hòa. Đôi khi có những câu
truyện vô cớ cũng làm ảnh hưởng tới
bầu khí êm ấm của gia đình. Thật là không
đáng! Chúa Giêsu khuyên chúng ta đừng chống cự
với kẻ hung ác. Vậy những người vợ và
người chồng hiền lương và những thành viên
nhiệt tình trong gia đình, nhóm hội hay một cộng
đoàn giáo xứ, có đáng để chúng ta phải
chống cự lẫn nhau hay không? Ca dao tục ngữ
dạy: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau. Đừng bao giờ dùng những lời
nói cộc cằn, thô lỗ và tục tĩu
đối với tha nhân, nhất là những người
trong gia đình thân tộc. Lời nói như con dao hai
lưỡi, có thể xây dựng hòa bình và cũng có thể
gây chiến tranh. Chúng ta biết chiến tranh
bao giờ cũng gây thiệt hại và chỉ phá
đổ.
Chúa Giêsu mở con đường yêu
thương ngược dòng: Còn Thầy, Thầy bảo
các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm
lành cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho
những kẻ bắt bớ và vu khống cho các con (Mt 5,
44). Lời của Chúa không chỉ để
suy gẫm và chiêm ngắm, nhưng phải đem ra thực
hành trong đời sống. Đây là
một thách thức cam go, vì nó đi ngược với bản
năng tự nhiên của con người. Trong tâm lòng
của con người có thất tình: Hỉ, nộ, ai,
cụ, ái, ố và dục. Gieo hạt
giống nào, chúng ta sẽ được gặt qủa
đó. Nếu chúng ta gieo sự yêu
thương tha thứ, chúng ta sẽ gặt
được hoa trái an lạc và bình yên. Nếu chúng ta
gieo hạt giận dữ và thù hằn, tim
chúng ta sẽ cháy lửa cuồng si. Để
thực hành các nhân đức, chúng ta hãy vun tưới
những hạt giống yêu thương, bác ái, từ bi và
khoan dung độ lượng. Con đường
nhẫn nhục và tha thứ là con đường giải
thoát. Tha thứ bỏ qua là cắt đứt
giây xích của sự báo thù. Giải thoát chúng ta
khỏi những ràng buộc của sự ăn
miếng trả miếng. Tâm hồn chúng ta sẽ
được tự do vui hưởng sự an vui tự tại.
Thánh Phaolô cảnh tỉnh: Đừng có ai
lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho
mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ
ấy nên điên dại để được khôn ngoan
(1Cor 3, 18). Thiên Chúa trao ban cho mỗi người
một khả năng riêng biệt. Mỗi người
đều có những khả năng để hỗ
tương làm giầu cho cuộc sống chung
xã hội. Ân huệ giống như các ly
chứa có dung tích khác nhau. Người
nhiều kẻ ít, ai cũng có một số vốn cần
được sinh lợi. Mỗi
người chúng ta đều có khả năng chuyên môn
để phát triển. Những khả
năng tiềm ẩn đã được phú bẩm cho
mỗi cá nhân, chỉ cần có cơ hội nó sẽ phát
triển. Chúng ta sẽ thỏa mãn với những khả
năng riêng đã nhận được. Biết
rằng dù một số người có khả năng
gọi là siêu việt như thần đồng, thì sự
khôn ngoan của họ vẫn có giới hạn. Con
người không phải là thần minh có thể hiểu
thấu mọi sự. So với sự
nhiệm mầu bao la của vũ trụ vạn vật,
sự khôn ngoan của con người chỉ là hạt
sương rơi.
Chẳng có ai hiểu thấu
được sự vận hành tiến tới trong
tương lai. Trong mọi cố gắng suy tư
đi tìm về Chân, Thiện, Mỹ của vũ trụ,
sự hiểu biết của con người vẫn
chỉ là như mới khởi đầu. Phaolô nói tư
tưởng của những kẻ khôn ngoan chỉ là hư
không: Lại có lời khác rằng: Chúa biết tư
tưởng của những người khôn ngoan là hão
huyền (1Cor 3, 20). Thiên Chúa cho tâm trí con người được
tham dự vào việc tìm kiếm sự cao siêu của
sự sống và vận hành của vũ trụ. Bao lâu con
người còn biết đặt niềm tin vào sự
hiện hữu của Thiên Chúa thì sự khôn ngoan học
hỏi của họ sẽ tìm tới ánh sáng. Quan sát
chiếc diều bay cao trên không trung là nhờ sợi dây
nối với cột trụ dưới đất. Nếu chúng ta cắt đứt sợi giây
nối, diều sẽ rơi xuống đất. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn
gốc của mọi sự khôn ngoan ở đời.
Sự khôn ngoan sẽ dẫn dắt chúng ta
đến cùng đích và chung cục, đó chính là tình yêu
nguồn ơn cứu độ.
Lạy Chúa, Chúa
dạy chúng con yêu thương, tha thứ và cầu
nguyện cho những kẻ bách hại, nguyền rủa và
vu khống. Khó qúa Chúa ơi. Mỗi
lần chúng con bị người ta hiểu lầm,
bịa truyện và gây hại, chúng con lại muốn tìm
cách báo thù. Xin cho chúng con biết nhẫn nhịn dõi theo từng bước chân của Chúa
để học hỏi và đem ra thực hành từng
ngày trong đời sống. Yêu thương là tất
cả!
|