Bão lòng – Lm. Giuse
Trần Việt Hùng
Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu
kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ
ngược đãi anh em
(Mt. 5,44).
Bạn
tôi lái xe xuống Phố Tầu ở
Mahattan kiếm được chỗ trống đậu
xe dọc theo đường lộ và đi bỏ tiền
vào máy tính giờ đậu xe gần bên. Chỉ chưa
đầy một phút sau, trong khi bạn trở lại
với biên nhận trong tay, thì đã
thấy một cảnh sát công lộ đang ghi giấy
phạt vì vi phạm luật đậu xe là 90 đô. Nói qua
nói lại, bạn vẫn phải nhận vé phạt.
Cảnh sát nói: Nếu muốn được giảm
phạt phải gởi kèm cả vé phạt và biên nhận
ghi giờ parking cho Sở Tài Chánh, thành phố Nữu
Ước. Vé phạt và biên nhận được gởi
đi, nhân viên Sở Tài Chánh trừ cho một nửa
số tiền và ghi rằng muốn được tha
phạt toàn bộ, bạn phải làm hẹn ra tòa. Câu
truyện nghe mà ứ máu, tuy số tiền không bao nhiêu
nhưng bị oan ức. Biết chia xẻ
cùng ai. Ra tòa lại mất toi một ngày
làm. Trả phạt cho xong, lòng không phục!
Hãy yêu kẻ thù. Chúa Giêsu mở rộng chân trời yêu thương
tới hết mọi người. Lời
khuyên dạy của Chúa cao siêu và tuyệt vời qúa. Chúng ta cảm nhận rằng tình yêu thương
của chúng ta đối với tha nhân và kẻ thù chỉ
mới là ở bước khởi đầu. Những người dưng nước lã,
những khách qua đường và những người xa
lạ không quen biết, chúng ta rất ít quan tâm nói chi
đến yêu thương. Chúng ta
chỉ dễ dàng yêu thương những người có
cảm tình và yêu thương chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu
lại dậy rằng: Vì nếu anh em yêu thương
kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? (Mt. 5,46).
Trong thực tế cuộc sống, tình
yêu vị tha thường rất giới hạn. Theo quan niệm chung,
yêu thương cũng phải có qua có lại chứ. Chúng
ta biết rằng ngay cả anh chị em hay những bà con
ruột thịt trong gia đình yêu nhau đã khó, yêu
thương những người hàng xóm lại khó hơn
và yêu thương kẻ thù thì khó gấp bội. Yêu
thương kẻ thù trên lý thuyết chung
chung hay trên môi miệng thì có thể được,
nhưng yêu thật trong lòng một kẻ thù thì khó lắm. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu thương
mọi người và yêu cả kẻ thù. Chúa đã nêu gương cho chúng ta qua chính cuộc
sống và cái chết của Ngài. Ngài
đã yêu hết mọi người, cả kẻ thù và
đã tha thứ tất cả lỗi lầm của
mọi người. Chúa đã chấp
nhận chịu mọi cực hình oan trái đến
chết để mang ơn cứu độ cho mọi
người. Với sức tự nhiên của con
người, chúng ta khó vượt qua những yếu
đuối của bản năng. Bản năng đòi
sự công bằng tự nhiên: Mắt đền mắt,
răng đền răng (Mt.5,38) là
lẽ thường. Vì trong bản năng của con
người có một động lực tiềm ẩn
của sự báo thù do tội nguyên tổ. Khi chúng ta
giận dữ thì cơn giông bão hận thù và ghen
tương nổi lên trong lòng như một khao khát
đốt cháy tâm can. Chúng ta rất khó cầm
lòng để có sự bình tĩnh mà xét xử hơn
thiệt. Người ta thường nói
giận mất khôn là đúng lắm. Đôi
khi trong cơn giận dữ lại có người còn thêm
dầu vào lửa nữa, thì cơn giận càng có cơ
hội bốc cháy. Những giận
hờn, thù ghét chua cay và những gian dối che phủ
mất lòng nhân ái. Hành động khi
giận dữ dễ đưa đến những hậu
qủa tác hại vô lường.
Truyện
kể: Một hôm, một vị Samurai đến thu nợ của người đánh cá.
Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm
vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào
để trả ngài”. Vị Samurai nổi nóng, rú kiếm
ra định giết người đánh cá ngay lập
tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi
cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên
đánh nhau khi đang tức giận”. Vị Samurai nhìn
người đánh cá một lúc, sau đó từ từ
hạ kiếm xuống. “Sư phụ của
ngươi rất khôn ngoan. Sư
phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi ta không kiểm soát được
nỗi giận dữ của mình. Ta
sẽ cho ngươi thêm một năm để trả
nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc
chắn ta sẽ giết ngươi”. Vị
Samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh
thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi
thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc
quần áo Samurai đang ngủ trên giường.
Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm
định giết cả hai, nhưng đột nhiên
lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Đừng hành động khi đang
giận dữ”. Vị Samurai ngừng lại, thở sâu,
sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn.
Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ
mặt cũng vậy, hóa ra đó chính là mẹ ông. Ông gào
lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết
cả hai người rồi!”. Vợ
ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên
thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng
để dọa chúng”.
Một
năm sau, người đánh cá gặp lại vị
Samurai. Người đánh cá phấn khởi nói: “Năm
vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến
để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi
nữa”. Vị Samurai trả lời: “Hãy cầm lấy
tiền của ngươi đi và ngươi đã
trả nợ rồi”.
Ai cũng thù ghét sự bất công, gian
tham và độc tài. Chúng
ta nhìn thấy hình ảnh những người biểu tình
ở các nước Tusinia, Ai Cập, Yemen đòi quyền sống cho công lý và tự
do. Sự đấu tranh, sự hận thù và
ghen ghét diễn tả trên những khuôn mặt giận
dữ la hét và bạo động của họ. Giận dữ vì bị đối xử bất
công và bị tước đoạt mất quyền
sống. Làm sao họ có thể yêu
thương những kẻ làm gây oan trái và ngỗ
nghịch. Sức chịu đựng của con
người có giới hạn. Chúng ta cũng
là những người đã từng bị đối
xử cách bất công trong cuộc sống. Chúng ta hiểu được phần nào những
áp bức trong cuộc sống dưới chế
độ những Phát-xít và độc tài. Trong tinh thần Kitô Giáo, Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta nên có những cách đối xử nhân từ và
rộng lượng hơn. Làm sao chúng ta có thể dung
hòa để mang lời Chúa áp dụng vào cuộc sống
thực tế đầy đau thương và bất công
này. Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương thù địch, hãy
làm lành cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho
những kẻ bắt bớ và vu khống các con. Chúng ta có
thể cầu nguyện cho họ nhưng làm lành hay yêu
thương kẻ thù thì chúng ta khó có thể. Nhiều
khi chỉ cần nhắc lại chuyện cũ không vui,
sự tức giận đã trào nghẹn lên tới cổ.
Có những sự kiện nhỏ nhặt thôi
nhưng chúng ta cũng khó lòng bỏ qua. Chỉ cần
nhìn thấy bản mặt của họ là thấy ghét, làm
sao chúng ta có thể dung hòa và tha thứ được
chứ?. Chúa Giêsu nhắc nhở dịu
dàng: Như vậy, anh em mới được trở nên
con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì
Người cho mặt trời của Người mọc
lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt,
và cho mưa xuống trên người công chính cũng như
kẻ bất chính (Mt. 5,45).Khi thực
hành được lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta
sẽ tìm thấy sự yêu thương hòa giải thật
tuyệt vời và đong đầy ý nghĩa. Khi
thương yêu tha thứ, chúng ta không mất mát gì cả,
mà còn được lợi gấp trăm. Ai
cũng hiểu biết yêu là như thế đấy,
nhưng đi vào thực hành tha thứ với con
người cụ thể thì còn một khoảng cách
cần lấp đầy.
Truyện
cổ Trung Hoa kể câu truyện về sự hòa giải
và kết hạn: Ngày xưa ở Trung Quốc, có một
người nông dân và một người thợ săn là
hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một
đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo, chúng
thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi
đàn cừu của người nông dân. Người nông
dân bảo người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn
chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó
đều bị bỏ ngoài tai. Một
ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng
đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong
đàn bị thương nặng. Lúc này,
người nông dân không thể chịu đựng thêm
nữa. Anh ta bèn lên phủ để báo
quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe
đầu đuôi câu chuyện rồi nói: “Ta có thể
phạt người thợ săn và bắt anh ta xích
hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh
sẽ mất đi một người bạn và có thêm
một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một
người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của
mình?” Người nông dân trả lời
rằng anh muốn có một người bạn hơn.
Vị quan phủ nghe vậy bèn phán:“Được,
vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa
bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ
được một người bạn”. Người
nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn
của vị quan phủ. Vừa về đến nhà,
người nông dân liền thử làm theo
những gì vị quan phủ đã bày cho anh ta. Anh ta bắt
ba con cừu tốt nhất của mình và đem tặng
chúng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm.
Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên
mấy con cừu. Để bảo vệ cho đồ
chơi mới của lũ trẻ,
người thợ săn đã làm một cái cũi
chắc chắn để nhốt đàn chó. Từ đó
trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy
đàn cừu của người nông dân nữa. Cảm
kích trước sự hào phóng của người nông dân
với những đứa con của mình, người
thợ săn thường mang chiến lợi phẩm mà
anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt
cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Chỉ trong một
thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở
thành bạn tốt của nhau.
Chúng ta biết rằng chiến tranh bao
giờ cũng có thiệt hại, đổ nát, chia cách và
mất mát. Cổ nhân có
dạy: "Một sự nhịn chín sự lành". Trong
Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: "Lấy oán báo
oán, oán nghiệp chập chùng. Lấy ơn báo
oán, oán nghiệp tiêu tan". Trong cuộc sống, chúng
ta va chạm nhau rất nhiều qua
lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện
bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân
của chuyện thù ghét oán hờn. Chúng ta
cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật
và tình yêu thương tha thứ. Thánh Phaolô khuyên
dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm
tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn
giận vẫn còn (Eph. 4,26).
|