Thầy đến để kiện toàn lề luật
(Suy niệm của
Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Sau
khi đã mở đầu bài diễn từ trên núi bằng
8 mối phúc.
Đến phần thân bài Đức Giêsu tuyên bố:
"Ngài đến không để bãi bỏ, nhưng
để kiện toàn lề luật". Kiện
toàn thế nào? Phải chăng một
nét chấm, một nét phẩy trong sách luật không bỏ
qua? Phải chăng giữ luật
từng chi tiết, từng điều luật nhỏ
nhất? Đức Giêsu không kiện toàn luật theo
kiểu đó, bởi Ngài đã chẳng tuân giữ
luật ngày hưu lễ, chẳng quan tâm đến
luật tinh sạch (Mt 15,3; 19,17; 22,36). Đàng khác, những luật được Ngài
trưng ra trong đoạn Tin mừng hôm nay, đã
được Ngài sửa đổi. Sửa
đổi bằng cách đưa về thời nguyên sơ
của nó, nghĩa là vào thời kỳ Thiên Chúa đã ban nó
cho Maisen. Sửa đổi bằng cách thay đổi
não trạng nệ luật của con người, giữ
luật vì luật, bám sát từng chữ của luật và
tuân thủ một cách nô lệ từng chữ ấy,
biến luật thành chủ, con người là nô lệ,
quên tinh thần của luật, là để phục vụ
con người. Một khi luật đã được
Đức Giêsu sửa đổi, giải thích, gạn
lọc, vứt bỏ những thêm thắt của con
người, kiện toàn đúng tinh thần, phù hợp
với chủ ý của Thiên Chúa, sẽ có một uy
quyền tuyệt đối một nét phẩy, nét chấm
không bỏ qua, một sự trường tồn, trời
đất sẽ qua đi, nhưng thánh ý Thiên Chúa (lề
luật) sẽ không bao giờ qua. Một thứ luật
như thế, một điều răn nhỏ nhất
cũng quan trọng, ai thực thi sẽ là người công
chính hơn những Kinh sư và Pharisiêu. Để
cụ thể, Đức Giêsu đã trích dẫn sáu
điều luật và đưa ra các yêu sách mới của
Người. Tin mừng Chúa nhật hôm nay đề
cập bốn điều:
1. Giết người
Luật dậy
người xưa: "Chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa
ra toà". Đức Giêsu bảo: "Giận anh em
cũng đã bị kết án". Đây là kiểu
nói của người Dothái, Đức Giêsu đã dùng
để nói lên tầm quan trọng của vấn
đề. Giận anh em, đâu bị đưa ra
toà, mắng anh em là ngốc, đâu bị đưa ra
trước Hội đồng, chửi anh em là quân
phản đạo, đâu đến nỗi phải
xuống hoả ngục. Đàng khác, xét về mặt tâm lý,
giận là một trong "thất tình": hỷ
(mừng), nộ (giận), ai (thương xót), cụ
(sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ham muốn), nghĩa là
một trong bẩy thứ tình cảm tự nhiên mà
người lành mạnh nào cũng có. Nếu
ta biết yêu mình và tự trọng ta, ai đó đối
xử bất công với ta tự nhiên ta nổi giận.
Tuy nhiên, không nên giữ cơn giận mãi trong
lòng. Khoa tâm bệnh học cho biết: cứ đè nén
cơn giận mãi có thể hại cho tâm thần, không
lợi cho sức khoẻ dễ bị ung thư.
Thánh Phaolô nói: Đừng để cơn giận qua lúc
mặt trời lặn. Tự nó, giận không
có gì là xấu. Chính Đức Giêsu
cũng từng nổi giận, khi thấy người ta
buôn bán trong Đền thờ. Chỉ
xấu khi nổi giận với anh em mình, không còn coi
người anh em mình như anh em nữa, trái lại coi
họ là người dưng, thậm chí là kẻ thù. Giận như thế đồng nghĩa với
giết, không phải giết chết một mạng
sống, mà giết chết một mối tình. Anh em không còn là anh em, mà là kẻ thù. Giận như thế bị kết án.
2. Ngoại tình
Quả thực
ngoại tình là một lỗi nặng, nó phá vỡ tổ
ấm của người anh em, nó bị mọi nền
văn minh lên án cách nghiêm khắc. Một xã hội coi thường lâu dài vấn
đề này chắc chắn sẽ tự tiêu diệt.
Luật Dothái dậy ném đá những
người phạm tội ngoại tình. Đức
Giêsu chẳng những cấm ngoại tình bằng hành
động, bằng hành vi bên ngoài. Người còn cấm ngoại tình từ trong
lòng. Người nói: "Ai nhìn người phụ
nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với
người ấy rồi". Để nói lên tầm quan
trọng của vấn đề, Đức Giêsu bảo:
"Nếu mắt hoặc tay anh em làm cớ cho anh em
vấp phạm, thì hãy móc mắt hoặc chặt tay đó
đi, vì thà rằng mất phần thân thể, còn hơn là
toàn thân phải sa hoả ngục". Đây
là kiểu nói mạnh của người Dothái, Đức
Giêsu đã dùng. Bởi lẽ cho dù có móc một
mắt, chặt tay, cũng không làm cho
người ta khỏi sa ngã. Tội bởi trong lòng mà ra,
mắt, chân tay chỉ là khí cụ. Vả
lại, Đức Giêsu kết án tội
ngoại tình, nhưng Đức Giêsu không ném đá
người phụ nữ phạm tội.
3. Ly dị
Luật Maisen
cho phép người Dothái ly dị và dạy rằng: "Ai
rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly
dị". Đức Giêsu bảo: "Ai rẫy vợ
mình, trừ phi nố dâm bôn, và cưới vợ khác
tức là phạm tội ngoại tình". Chỉ
có Matthêu ghi lại nố trừ này. Trong Tin mừng
Maccô và Luca không có, và chỉ ghi rằng: Đức Giêsu
cấm tuyệt đối không được ly dị. Làm sao hai tác giả đó có thể quên một
điều quan trọng như thế? Có
lẽ đúng là một trong các người cuối cùng
soạn bản Tin mừng của Matthêu đã thêm
điều khoản ấy vào, để trả lời
vấn đề các tôn sư tranh luận với nhau
(những lý do cho phép rẫy vợ) và cũng là vấn
đề có thể làm bận tâm những tín hữu
gốc Dothái. Nếu thế thì ở đây có lẽ
là một quyết định của Hội thánh có giá
trị địa phương và tạm thời, như
sắc lệnh của Công đồng Giêrusalem về
vấn đề kiêng thịt cúng, vật chết ngạt
và tránh gian dâm cho giáo đoàn Antiôkia (Cv 15, 23-29).
Tuy nhiên, Giáo
hội chính thống và Tin lành cho rằng, "dâm bôn" có
nghĩa là ngoại tình, đây chính là lời của
Đức Giêsu, bởi thế các giáo hội đó chấp
nhận cho ly hôn, khi một trong hai người phối
ngẫu phạm tội ngoại tình.
Nhưng có
những người khác lại cho rằng từ "dâm
bôn" chỉ một hôn nhân bất hợp pháp, trái với
luật Thiên Chúa, như thứ hôn nhân loạn luân ngăn
trở họ máu. Luật cấm lấy nhau (Lv 18,6-18; Cv 15,28-29). Những thứ hôn nhân ấy
dù là hợp pháp giữa người ngoại giáo với
nhau, hay được người Do thái làm thinh nơi các
người theo Do thái giáo, hẳn là
đã gây rắc rối, khi những người ấy theo
Kitô giáo trong những môi trường thượng luật,
như môi trường Matthêu. Vì thế có
chỉ thị nên huỷ những hôn nhân bất hợp pháp
ấy, vì đó chỉ là hôn nhân giả tạo.
Một ý
kiến khác nữa cho rằng nố trừ "dâm bôn"
mà Đức Giêsu cho phép rẫy vợ đây, không phải
là ly dị, nhưng là ly thân. Chính Phaolô đã hiểu theo nghĩa đó, ông đã đề cập
đến trong thư thứ 1 gửi giáo hữu Côrintô (1
Cr 7-11). Giáo hội Công giáo từ xưa
đến nay đã hiểu như vậy, không cho ly hôn mà
chỉ ly thân khi người ta phạm tội ngoại
tình.
4. Thề thốt
Luật dạy
người xưa rằng: "Chớ bội thề,
nhưng hãy giữ trọn lời thề với Chúa".
Đức Giêsu bảo: "Đừng thề chi cả,
có thì nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều
gì là do ma quỷ".
Nhiều
giáo phụ cho rằng, đây là lệnh truyền nghiêm
cấm tuyệt đối của Chúa, không được
thề thốt chi cả, nhiều giáo phái Tin lành cũng
đồng quan điểm đó. Họ từ
chối không tuyên thệ bất cứ điều gì. Thực ra Đức Giêsu không nghiêm cấm cách
tuyệt đối như thế. Thánh Phaolô đã
thề với giáo hữu Rôma, Côrintô, Galata, (Rm 1,9; 2 Cr 1,23; 11,3; Gal 1,20). Giáo hội không
những cho phép thề trước các toà án
mà còn buộc phải thề trong một vài trường
hợp nữa (thề chống Duy Tân chủ nghĩa). Theo thánh Augustin, lời thề tự nó không
phải là điều tốt chỉ khi gặp
trường hợp đáng tiếc và nghiêm trọng
mới nên thề. Trong mọi
trường hợp "Có phải nói có, không phải nói
không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ".
Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã
ban lề luật cho chúng con, và đã cho Con Chúa sửa
đổi lại theo ý Chúa. Xin cho chúng
con được bước đi dưới ánh sáng
của lề luật để chúng con được
sống muôn đời. Chúng con cầu xin...
|