KIỆN
TOÀN LỀ LUẬT VÀ ĐỨC CÔNG CHÍNH MỚI
Chú giải
của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
CÂU HỎI GỢI Ý
1.
“Làm trọn Lề
luật" (5, 17) có nghĩa là gì? Phải hiểu thế
nào các "tương phản" (5, 21. 27. 31. 33. 38. 43) sau khi đọc đoạn khai triển
về việc làm trọn Lề luật (5, 17- 20)? Chúa Giêsu
kiện toàn “điều đã được nói cho
người xư'a "ở điểm nào? Đâu là
sự “dư dật" của đức công chính
được đề ra (c. 20)?
2.
Hãy nêu lên trong Tin Mừng
những cử chỉ Chúa Giêsu tỏ cho thấy
Người không đến bãi bỏ Lề luật: ví
dụ đối với Đền Thờ, việc
nộp thuế, lễ Vượt Qua, việc chúc lành các
bữa ăn, kinh nguyện hằng ngày, chính quyền,
việc hành hương Giêrusalem v.v...
3.
Theo nghĩa nào Chúa Giêsu
đã giải phóng Lề luật khỏi các khoản thêm
thắt của Biệt phái đã khiến mục đích
chân chính của Lề luật bị đổi
hướng?
4.
Có thể ly dị vợ
trong trường hợp gian dâm không? Khoản luật này có
nghĩa gì? Phải chăng đây là một luật
trừ?
uuu
1. Sau khi kêu gọi môn đồ và dân chúng, trong các
câu dẫn nhập vào Diễn từ, bằng cách phác
họa cho họ thấy dung mạo con cái Nước
Trời, Chúa Giêsu lập tức đề phòng một
ngộ nhận: điều Người loan báo có thể
xem như bãi bỏ Cựu ước (được
gọi dưới cái tên Lề luật - tức bộ
Ngũ Thư - và các Ngôn sứ tức là toàn thể các sách
linh ứng khác), nhưng kỳ thực là không: Người
không đến bãi bỏ, song để làm trọn,
kiện toàn. Việc hoàn tất ấy nhắm lới Thánh
Kinh xét như là tuyển tập các sấm ngôn mà Chúa Kitô
đến thực hiện, và xét như là tuyển tập
các luật lệ diễn tả thánh ý Thiên Chúa, mà Chúa Kitô
đến kiện toàn.
2. Một trong các bản tuyên tín cổ xưa
nhất, có lẽ từ khoảng năm 35- 40, quả
quyết như sau: "Chúa Kitô đã chết vì tội
lỗi ta, theo lời Thánh Kinh. Người đã bị chôn cất, đã
sống lại ngày thứ ba, theo lời Thánh kinh" (1Cr
15, 3- 5). Niềm xác tín Chúa Kitô hoàn tất
Thánh Kinh như vậy đã ăn sâu vào tâm thức Kitô
hữu. Nó cấu thành niềm tin của
cộng đoàn nguyên thủy, và là trọng tâm của
việc họ hiểu Lời Chúa. Nhờ việc hoàn
tất này, Giáo Hội xuất hiện như là đích
điểm của chuyển động lịch sử mà
Thiên Chúa đã lèo lái, và Chúa Kitô tỏ ra như là trung tâm
bảo đảm sự duy nhất của Thánh Kinh.
Người là Đấng "đã được nói
đến trong Lề luật Môisen và các ngôn sứ
” (Ga 1, 45): Tin lời Thánh Kinh tức là tin và
Người: Vì chính về Ta mà Môisen đã viết" (Ga
5, 45). Và suốt cuốn Tin Mừng, Mt đã
chú tâm làm nổi bật việc Chúa Kitô hoàn tất Thánh Kinh
như vậy.
3. Nhưng nếu Chúa Giêsu
đến hoàn tất các sấm ngôn, thì Người
cũng đến trình bày một cái nhìn đúng đắn
hơn về tinh thần được tiềm ẩn
dưới các giới lệnh chính thức của Lề
luật. Ngoài ra, công cuộc kiện toàn này còn có đặc
điểm là tinh thần Tin Mừng nay thấm nhập vào
pháp chế cổ xưa, là cái có mục đích chuẩn
bị sự nẩy nở của Tin Mừng. Như
nụ hoa kết liễu và biến mất trong đóa hoa,
Cựu ước cũng nở ra trong Tân ước. Thay cho văn tự ngột ngạt đè nén, này
đây tinh thần đến giải phóng con người.
Các kiểu so
sánh Chúa Giêsu dùng - không một chấm một phết
của Lề luật sẽ bị biến mất -
thoạt nhìn tưởng là có nghĩa duy trì hoàn toàn bộ
luật Cựu ước bao lâu còn vũ trụ (“trời
và đất", thành ngữ cổ điển). Nhưng các ví dụ đưa ra đi
ngược lại và cho thấy Người không nhằn
bảo tồn chất thể tính của các giới
lệnh. Người chỉ duy trì chúng
bằng cách vượt trên chúng. Không phải bằng
cách chồng chất thêm điều khoản, như nhóm
Biệt phái và tiến sĩ luật đã làm, song là
đưa vào một não trạng có tính cách tôn giáo hơn,
khả dĩ làm nổ tung các khuôn
khổ cũ (9, 16- 17) mà vẫn không hủy diệt các
giới răn. Đây chẳng phải là
việc phá hủy, song là đổi mới canh tân. Toàn bộ đóng góp tích cực về tôn giáo
của Cựu ước đều được duy trì,
gạn lọc khỏi các thể chế lỗi thời và
thối nát.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Không
một chấm một phết": Phải giải
thích câu này trong cái nhìn toàn bộ Tin Mừng Mt. Nếu Chúa
Giêsu muốn đề nghị ở đây một sự
tuân hành mặt chữ Lề luật, Người sẽ
trực tiếp mâu thuẫn với thái độ của
chính mình, vì xem ra Người đã chẳng giữ đúng
các khoản luật nhỏ nhặt của Cựu
ước, nhất là khoản về thu nhập và tinh
sạch theo lễ nghi (15,3; 19,17; 22, 36.
38. 40 v.v...), hơn nữa Người sẽ mâu thuẫn
với lời giảng huấn của mình, vì trong các ví
dụ sau đó, Người sửa đổi Lề
luật trên nhiều điểm quan trọng như
khoản luật về ly dị của Đnl 24,1. Do
đấy phải xem thành ngữ của Chúa Giêsu là một
kiểu nói Do thái, đặc biệt của các giáo sĩ,
nhằm làm nổi bật uy quyền tuyệt đối và
trường tồn của Lề luật, nhưng là
một Lề luật đã được giải thích
lại, được gạn lọc khỏi các yếu
tố lỗi thời, được kiện toàn nhờ
tinh thần tình yêu sinh dộng nó. Thứ Lề luật
đã được chú giải lại như thế phù
hợp với chủ ý nguyên thủy của Thiên Chúa, là
Đấng đã ban nó cho Môisen đầu tiên. Chính trong
chiều hướng ấy mà ta có thể xác quyết tính
cách bền vững của Lề luật: trời
đất sẽ qua đi nhưng thánh ý Thiên Chúa sẽ
không qua bao giờ.
"Một
trong những điều răn nhỏ hèn nhất": Một
lần nữa, đây không phải là bắt chước
việc giữ luật theo mặt
chữ của Biệt phái. Khi đã lưu ý đến
văn mạch của Diễn từ, chớ quên rằng
từ đây Luật chẳng phải là luật Môisen
đối nghịch với tinh thần mới, nhưng là
Luật Thiên Chúa với sự viên mãn mà Chúa Giêsu đã
thực hiện. Nên so với Lề luật diễn tả
thánh ý Chúa Cha và được Chúa Giêsu giải thích lại
như thế, thì các điều răn phụ tùy cũng có
giá trị riêng của chúng. Ở đây
nhấn mạnh đến việc thực hành Luật Tin
Mừng, có lẽ vì muốn ám chỉ tới nhóm Biệt
phái "nói mà không làm" (23, 3). Lối giải thích
này được xác nhận bởi cách đặt
tiếp liên các động từ ("phạm - dạy...
làm- dạy"); đặt việc vi
phạm hay thi hành điều luật trước, và
việc dạy dỗ ra sau trong cả hai lần.
Câu 20 phát biểu chủ
đề của những điều sẽ nói: "Nếu đức công chính
của các ngươi không dư dật hơn ký lục và
Biệt phái...". Lời
tuyên bố long trọng này sau đấy được
minh giải qua 6 ví dụ cụ thể, trong đó Chúa Giêsu
đối chiếu lời Người tái giải thích
Lề luật với giáo huấn chính thức của Do
thái giáo. Tất cả các ví dụ đều
được kết cấu theo
một kiểu như nhau: trích dẫn một điều
luật đoạn đề ra các yêu sách mới ("Ta
bảo các ngươi..."). Sáu ví dụ này là: giết
người (cc.21- 26), ngoại tình (cc. 27- 30), ly dị cùng
tính cách bất khả phân ly của hôn nhân (cc.31- 32), thề
thốt (cc.33- 37), báo thù (cc.38- 42) và yêu kẻ thù nghịch
(cc.43-47). Trong cả 6, sự công chính mà Chúa
Giêsu rao giảng tỏ bày ra một cách sâu xa và hiện
thực.
Từ luật cấm
giết người (c. 21), Chúa Giêsu đi qua các yêu sách của
bác ái: không nhục mạ tha nhân (c.22), song hãy làm hòa với
họ. Đối với Mt, tính cách mới mẻ của
Kitô giáo phát xuất từ trực giác căn bản Chúa
Giêsu đã mặc khải cho môn đồ: đó là sự
kiện tất cả chúng ta đều là con cái của Cha
trên trời. Và sự kiện chủ yếu này đưa
tới một hệ luận quan trọng: mọi
người là anh em. Trước đó Chúa
Giêsu đã nhấn mạnh đến điểm thứ
nhất, đã luôn luôn quy chiếu về Thiên Chúa như là
Cha từ đầu đến cuối Diễn từ.
Ở đây Người chạm tới
điểm 2, khi dùng chữ anh em 4 lần trong các câu 22- 24.
Trong mấy câu 22-24,
chở đi tìm các phân biệt theo
kiểu giải nghi học xa lạ với não trạng
của Chúa Giêsu. Thực ra, Người chỉ muốn
sử dụng những phạm trù pháp lý của môi
trường mình và kiểu nói của các giáo sĩ,
để kết án sự giận hờn như là một
hành động giết người, dù nó xuất hiện
dưới hình thức nào đi nữa. (Về ý nghĩa
các chữ "đồ ngốc", "đồ
khùng", "tòa án", "công nghị", xin xem chú thích
của BJ)
"Khi
ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ": Câu
này không rõ ràng mấy về chi tiết. Có
thể là người sắp dâng hy lễ đã làm phật
lòng tha nhân, hay tha nhân đã tức giận người dâng
lễ (có duyên cớ hay không, bản văn chẳng xác
định gì). Giả thuyết thứ hai có vẻ
đúng hơn, vì người dâng lễ đã ở bên bàn
thờ khi sực nhớ lại: điều này minh
chứng cơn giận không ở trong lòng anh ta nhưng cái
đó chẳng quan trọng; điều đáng kể là
trong hai trường hợp, thiện ích của sự bình
an đòi hỏi ta phải tìm cách giải hòa với nhau, trước
khi trình diện trước mặt Thiên Chúa. Đó
là sự tế nhị của lòng bác ái Chúa Giêsu mà ta không
mấy thích, vì nhiều khi mình là đối tượng
của một sự hờn oán bất công. Câu
tiếp theo (c. 25) trình bày một dụ
ngôn tiềm ẩn nhằm cụ thể hóa lời
giảng huấn đi trước: cũng như
người ta tìm cách thỏa thuận với chủ nợ
để khỏi gặp cảnh khốn khổ hơn,
thì cũng vậy phải tìm cách giải hòa gấp với
nhau để tránh thoát hình phạt của Thiên Chúa. Ý tưởng sau chỉ được hiểu
ngầm thôi, tuy nhiên cung cách long trọng của c. 26 gợi
lên điều đó.
Về
vấn đề ngoại tình (cc. 27- 30), tính cách
triệt để của Lề luật được
đặc biệt nhấn mạnh: người Kitô
hữu chẳng những sẽ không phá vỡ tổ ấm
của anh em mình qua việc lấy vợ anh em, mà còn không
được để phát sinh trong lòng mình ý muốn phá
vỡ đó. Sự toàn vẹn của tổ ấm gia
đình phải vượt lên ngay cả trên sự toàn
vẹn thể lý, là cái gì rất quý đối với con
người, vì con mắt giúp đi đứng, còn tay chân lại giúp hành động. Đây là kiểu nói đại ngôn cho thấy
phải coi trọng đến độ nào yêu sách
tuyệt đối của Lề luật. Truyền
thống giáo sĩ cũng đi theo
chiều hướng ấy.
"Trừ
phi là nố dâm bôn": Câu này (được Mt 19, 9; Mc
10, 11-12; Lc 16,18 bổ túc) không phải là dễ hiểu, vì
nó nại đến nhiều ý niệm pháp lý mà ta chẳng
còn quán triệt được ý nghĩa đích xác. Dù sao
đại ý vẫn rõ ràng: sự bao che của luật
Môisen, được bảo đảm nhờ ly thư, trở nên thất liệu trong
lời Chúa Giêsu tái giải thích Lề luật. Kết
luận tổng quát này dựa trên các lý chứng sau đây:
1. Toàn bộ Diễn từ cho thấy Chúa Giêsu
muốn vượt quá Lề luật cho đến bây
giờ hãy còn hiệu lực. Thế mà trong
trường hợp hôn nhân, dù công nhận sự vô hạnh
(gian dâm) như là luật trừ, Người vẫn không
đi xa hơn mấy lập trường của Shammai,
một giáo sĩ Do thái đương thời.
2. Trong Mt 5-7, cũng như các chỗ khác, ta
chẳng hề thấy Mt phát biểu một sự chế
hạn nào đó khi ghi lại một huấn thị luân lý
của Chúa Giêsu; thực vậy, các bản văn ấy cho
thấy Người rõ ràng không muốn sa vào lối phân
biệt các nố đặc biệt như các giáo sĩ
thường làm, mà chỉ nhắc lại cách đại
cương trật tự sáng tạo Thiên Chúa đã
thiết lập.
3. Mc và Lc không nói đến điều khoản
này. Khó mà nghĩ rằng hai ông đâ bỏ qua
một lời tuyên bố thật sự biến
đổi nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân.
4. 1Cr 7, 10-11, lời giải thích xưa nhất
về câu nói của Chúa mà Phaolô cũng biết, xác nhận
luật cấm tuyệt đối không được ly
dị (tuy nhiên câu 11 nói đến trường hợp ly
thân mà không tái giá).
Do đó không thể
chủ trương rằng trong tâm trí Chúa Giêsu, việc
ngoại tình làm thành một luật trừ, như
người Tin lành và Chính thống giáo vẫn kết
luận từ điều khoản đó (tuy nhiên có
nhiều thần học gia Tin lành mới đây đã
chấp nhận cách đại cương lời kết
luận của chúng tôi). Thế nhưng các nhận xét trên
đây không phải là lời chú giải điều
khoản của Mt. Muốn tìm hiểu, xin khảo cứu
các sách chú giải chuyên môn và các bài đăng trong tạp
chí.
"Ta
bảo các ngươi đừng thề thốt chi
cả": Lời nghiêm cấm này xem ra tuyệt
đối đến nỗi nhiều giáo phụ đã lên án mọi sự thề hứa, cũng
như có nhiều giáo phái Tin lành từ chối không tuyên
thệ bất cứ điều gì. Để không lại
ý kiến họ, ta có thể trưng ra sự kiện thánh
Phaolô (Rm 1, 9; 2 Cr 1, 23; 11,31; Ga 11, 20; Pl 1,8
) và việc thực hành trong Giáo Hội: Giáo Hội không
những cho phép thề trước các tòa án, mà còn buộc
phải thề trong một vài trường hợp nữa
(vd thề chống Duy tân chủ nghĩa). Điều
đó giả thiết lời nghiêm cấm của Chúa Giêsu
không có tính cách tuyệt đối. Người
muốn nói (thánh Agustinô) trong lời thề tự nó không
phải là một điều tốt. Nó phải
biến mất khỏi một cộng đoàn xã hội
được tổ chức theo tư
tưởng của Chúa Giêsu. Chỉ khi
gặp trường hợp đáng tiếc và nghiêm
trọng mới nên thề. Để
quán triệt tư tưởng của Chúa Giêsu, ta phải
xét nó trong hoàn cảnh cụ thể của nó. Các thính
giả của Chúa Giêsu là những người không phải
bận tâm về tính cách chính đáng trên lý thuyết của
một lời thề quy định bới quyền bính
dân sự hay tôn giáo. Họ sống trong một môi
trường mà văn từ của Lề luật, theo
lối chú giải của Biệt phái, coi như đi
đôi với một sự lạm dụng quá trắng
trợn, với một sự biến đổi rõ ràng tâm
tình đạo đức. Chúa Giêsu đưa ra một
hướng đi quyết liệt, Người trình bày
điều duy nhất phù hợp với danh dự của
Thiên Chúa và phẩm giá con người, làm quy luật mà các
môn đồ Người phải theo trong các hoàn cảnh
sống thông thường. Nền tảng của quy
luật thực tiễn này là: con người không
được dùng lời mình để cam kết cái
điều thuộc về Thiên Chúa; đó sẽ là một
toan tính bắt Thiên Chúa phục vụ mình, một toan tính rõ
ràng là vô ích phù phiếm, vì con người không thể thay
đổi ngay cả màu sắc tóc mình, theo nghĩa là không
thể làm mình trẻ hơn hay già hơn được.
KẾT LUẬN
Việc Chúa Giêsu tái
giải thích Lề luật luôn luôn được thực
hiện trong cùng một chiều hướng: khi triệt
để hóa Lề luật, vượt trên mọi toan tính
phân tích từng nổ nhằm giảm thiểu yêu sách
của nó, Người hoàn lại cho nó chiều
hướng nguyên thủy là làm cho con người trở
nên huynh đệ hơn, tôn trọng nhau hơn, trung thành
hơn với các lời cam kết và tình yêu, ngay chính hơn
đối với anh chị em mình.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Con người luôn luôn bị cám dỗ rơi
vào não trạng nệ luật, là não trạng bao giờ
cũng dễ dàng vì gây cho ta môi sự an
lòng: ta vững tâm cho rằng mình sống đúng luật
đối với Thiên Chúa và tha nhân, một khi làm tròn
một quy luật nào đó. Nhưng Chúa Giêsu mời ta
vượt qua các tính toán so đo ấy để đi vào
bình diện tình yêu. Và mức độ
của tình yêu là yêu không mức độ.
2. Chúa Giêsu không chỉ hài lòng với việc chu tất hay kiêng cữ bên ngoài. Người
đi tìm con người tận trong căn nguyên hành vi của họ, tận trong tư
tưởng, ước muốn, ý hướng của
họ: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi
hết lòng, hết sức hết linh hồn ngươi
".
3. Khi ban Thập điều cho Israel,
Thiên Chúa đã dẫn Israel
bước một bước dài trong quá trình tiến
bộ về mặt luân lý: so sánh với luật rừng
hay tình trạng man rợ, luật Môisen tượng
trưng cho một bước tiến đáng kể cho lương
tâm con người. Tuy nhiên Thiên Chúa cũng lưu ý
đến sự yếu đuối của dân Israel và
đến các phong tục hãy còn thô lậu của thời
đại: như một nhà sư phạm khôn ngoan, Ngài
đã thích ứng các yêu sách của Ngài với não trạng
hãy còn thô lỗ của dân, chấp nhận nhượng
bộ việc ly dị, trả thù v.v... Đó
là thời kỳ thơ ấu của Israel,
thời kỳ tập luyện. Nhưng
Thiên Chúa đã yêu thương tạo vật đến
nỗi không muốn duy trì nó trong sự sống tầm
thường. Vì thế Ngài đã sai phái Con Một Ngài
để Người hoàn tất công trình Ngài và dẫn
đưa con người đến tình yêu hoàn hảo. Đây là một sự liên tục đáng khâm
phục trong chương trình cứu rỗi của Thiên
Chúa.
|