Gần đèn thì rạng!
(Suy niệm của Lm
Giuse Nguyễn Hữu An)
Thi
sĩ Xuân Ly Băng (Đức Ông JB Lê Xuân Hoa) viết bài
thơ “Đừng thích làm mặt trời”. Lời
thơ thật nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nhiều hình
ảnh so sánh rất gần gũi thân
thương của đời thường.
Khoan mộng làm mặt trời.
Đừng mơ làm sao sáng.
Hãy cố gắng con ơi.
Làm những điều nhỏ mọn
Chỉ vì mến Chúa thôi.
Tặng người con không thích
Một nụ cười thế thôi.
Đôi mắt nhìn trìu mến
Để chia sẽ tâm tình
Với một người đau
khổ.
Viếng thăm và giúp đỡ
Người bệnh tật già nua.
Đừng ngại nắng ngại
mưa.
Thấy Chúa trong người họ
Không mắng la nạt nộ.
Đừng giận dữ một ai.
Chút mật bắt nhiều rồi
Hơn giấm chua từng hũ.
Hiền lành và tha thứ
Biết rộng rãi khoan dưng.
Theo Chúa ở khiêm nhường
Và sẵn sàng phục vụ.
Việc làm tuy bé nhỏ
Giá trị thật vô cùng
Làm mặt trời đừng mong.
Cũng đừng mơ làm sao sáng…
Đọc thơ, tôi liên tưởng
đến hình ảnh Muối và Ánh Sáng của Tin Mừng
Chúa Nhật hôm nay.
Khoan mộng làm mặt trời.
Đừng mơ làm sao sáng.
Chỉ mong làm muối đất.
là ánh sáng Chúa thôi.
Hiến chương Nước
trời được Chúa Giêsu công bố trong Tin mừng Chúa
nhật vừa qua.
Tiếp theo bài giảng trên núi, Chúa Giêsu
xác định sứ mạng của các môn đệ: “Anh
em là muối cho đời... anh em là ánh sáng thế gian”.
1. Anh em là
muối cho đời, một định nghĩa tuyệt
vời về Kitô hữu.
Sử
gia Pliny viết: "Không gì bằng hữu dụng bằng
muối và ánh sáng". Không có ánh sáng, cỏ cây sẽ úa tàn. Không có muối, sơn hào hải vị cũng
sẽ ra nhạt phèo. Chúa Giêsu ví các môn đệ
của Ngài như muối đất và ánh sáng của
trần gian. Đây là một vinh dự cho các môn đệ
vì họ được mời gọi tham dự vào sứ
mệnh làm muối đất, ánh sáng của Chúa Kitô.
Chúa
Giêsu Kitô chính là Ánh Sáng soi chiếu trần gian u mê (Mt 4,16; Pl 2,15; Ep 5,8). Ngài đến để
giảng dạy cho thế gian biết đâu là hạnh phúc
chân thật: "Ta là Đường, là Sự Thật và
là Sự Sống" (Ga 14,6). Chúa Giêsu đã chữa lành những kẻ bị
tật nguyền, xoa dịu những tâm hồn đau
khổ. Như muối đất, tình
yêu của Ngài được biểu lộ qua những
nghĩa cử bác ái và cái chết, đã làm cho trần gian
tẻ nhạt và khổ đau thêm mặn mà, ý vị.
"Muối đất". Muối được dùng để
khử trùng, gìn giữ thức ăn và
để nêm vào các món ăn cho thêm hương vị
mặn mà. Nếm một món ăn
thiếu muối sẽ thấy nhạt nhẽo. Nhưng
chỉ cần thêm vài hạt muối, món ăn
trở nên đậm đà và dễ ăn. Người
bị bệnh cao huyết áp phải ăn
lạt nên thường mất ngon khi ăn. Người
Việt thường dùng nước mắm để nêm
các món ăn, nhưng vẫn phải thêm muối, món ăn mới hấp dẫn.
Vào thời Chúa Giêsu, muối
tượng trưng cho tính hiếu khách. Khách đến nhà
thường được tặng bánh mì và muối,
biểu hiệu sự tiếp đón nồng hậu.
Ngày xưa, khi chưa khám phá ra phân bón hóa học,
người ta dùng muối để làm đất đai thêm phì phiêu. Khi chưa có
tủ lạnh, muối còn được dùng để
ướp cá, thịt và thức ăn, cất giữ
được lâu ngày hơn. Chúa Giêsu sai các môn
đệ đến trong thế gian như người ta
nêm muối vào thức ăn để
thêm hương vị và giữ được lâu. Vị mặn của muối là yếu tố quan
trọng. Mặn thuộc về bản
chất của muối.Vị mặn, đó là lòng yêu
mến Chúa mặn nồng. Vị
mặn là tình yêu tha nhân mặn mà. Yêu Chúa
mặn nồng, yêu tha nhân mặn mà, đời sống Kitô
hữu sẽ ướp hương vị tình yêu mặn
mòi cho cuộc đời.
2. Anh em là
ánh sáng cho trần gian, một định nghĩa quá cao
trọng về Kitô hữu.
Chỉ
Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga1,5), chỉ
Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). “Anh
em là ánh sáng” vì anh em gần Thầy “gần đèn thì sáng”.
"Ánh
sáng thế gian". Một hình ảnh rất
quen thuộc với người Việt đó là đèn
dầu. Một căn nhà có đèn sáng báo hiệu
đang có người ở, có sự sống. Một
người đi lạc trong đêm tối hẳn sẽ
rất sung sướng khi thấy có ánh đèn. Ánh đèn
đem lại niềm vui và thu hút mọi người.“Các con là ánh sáng thế gian”, đây là lời
mời gọi truyền giáo, qua đời sống, qua
lời nói và hành động, Kitô hữu được
mời gọi làm ánh sáng hy vọng cho những ai đang
lần bước trong bóng tối tuyệt vọng,
dẫn dắt họ đến với Chúa. Trong
bóng đêm mịt mùng, một ánh lửa nhỏ cũng có
thể được nhìn thấy từ xa.
Chúa
Giêsu không nói: các con hãy cố gắng làm muối đất
và trở nên ánh sáng cho thế gian nhưng lại nói: “Các con
là muối đất và là ánh sáng thế gian”, bởi vì các
con là môn đệ của Thầy, vì các con đã lãnh nhận
Bí tích Thánh tẩy.
"Các
con là sự sáng thế gian", sự sáng này không phải
do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô:
"Ta là sự sáng thế gian" (Ga 8,12).
Chúa Giêsu muốn chúng ta như tấm gương phản
chiếu ánh sáng của Ngài, cho mọi người và cho mọi
nơi. Do đó, ánh sáng được chiếu tỏa không
phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh
quang của Chúa: "Sự sáng của các con phải
chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để
họ xem thấy những việc lành của các con mà
ngợi khen Cha các con trên trời".
Muối
đất, sự sáng thế gian: hai hình ảnh cùng
diễn tả một lời mời gọi. Tiên tri Isaia,
trong Bài đọc 1 đưa ra những phương cách
để giữ muối khỏi "lạt" và
ngọn đèn luôn chiếu sáng. Đó là sống bác ái, chia
cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, tiếp đón
những kẻ bất hạnh vô gia cư, cho quần áo
những người không đủ mặc... Khi ấy,
"ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng
tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban
ngày".
Có
lẽ nhiều người sẽ tự nhủ: làm sao mình
có khả năng và xứng đáng làm muối đất và
sự sáng cho mọi người? Nắm muối gồm
những hạt muối nhỏ dồn lại, đèn sáng
được nhờ những giọt dầu góp lại.
Những hạt muối nhỏ đó, những giọt
dầu đó là những việc bé nhỏ mà chúng ta thực
hiện trong đời sống hằng ngày: những
nụ cười, lời nói lịch thiệp, những cử
chỉ bác ái khiêm nhường, thái độ biết
lắng nghe, sống tha thứ biết nghĩ đến
người khác...
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến
chứng từ muối đất và ánh sáng trần gian
của Kitô hữu. Nếu chúng ta thương yêu nhau như
Chúa đã yêu thương thì chính đời sống,
việc làm, việc bác ái sẽ mang lại hương
vị cuộc đời, hương thơm cho mọi
người, chiếu tỏa ánh sáng giúp nhiều
người đến với Chúa là "nguồn ánh sáng và
ơn cứu độ" (Tv 2,1). Kitô
hữu tiếp nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu để
rồi chiếu lên làn ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh
sáng công bình bác ái. Những chứng tá đức tin cậy
mến, những gương sáng đời sống gia
đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc
Âm chính là muối thêm hương vị đức ái cho
đời, là những ánh sáng đức tin soi
đường truyền giáo.
|