"Miền
Galilê ngoại
giáo"
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu
An)
Địa dư Palestine
có ranh giới:
- Đông giáp sa mạc Syria
và Ả rập. - Tây giáp Địa Trung Hải. - Bắc
giới hạn từ thung lũng núi Liban chạy
đến núi Hermon. - Nam
giáp ranh Iđumê, miền đất hoang vu Bersabê và Biển
Chết.
Cựu ước thường dùng kiểu
nói "từ Đan đến Bersabê" để
chỉ miền đất Do thái cư ngụ. Chiều dài
từ chân núi Liban tới Bersabê là 230 km; chiều rộng
từ Địa Trung Hải đến sông Giođan là
37-150km. Diện tích phía tây Giođan là 15.643 km2, phía Đông
(Transjordanie) là 9482km2. Tổng cộng là 25.124km2.
Palestina thời Chúa Giêsu chia làm bốn
miền:
- Galilêa có thành Capharnaum, Nazareth.
- Samaria nằm giữa xứ Palestina với
những con đường nối liền Nam-Bắc.
- Giuđêa là miền núi có thủ đô
Giêrusalem và Pêrêa bên kia sông Giođan.
- Phía Bắc là miền Decapolis nơi dân
cư phần nhiều thuộc văn hoá Hylạp.
Palestina có địa lý đặc biệt:
Thung lũng Giođan chia Palestina làm hai miền: Palestina và
Transjordanie. Thung lũng này là hiện tượng
địa lý duy nhất trên địa cầu: bắt
đầu từ núi Taurus, ngang qua Celesyria, đến
Palestina, rồi tiếp tục theo phía Đông bán
đảo Sinai tới Biển Đỏ. Phía Bắc (thành
Đan) cao hơn Địa trung hải 550m; càng về phía
Nam càng thấp xuống. Tibêriade thấp hơn Địa
trung hải 208m; tới Biển Chết mực nước
thấp hơn 392m. Sông Giođan phát nguồn từ núi
Hermôn, chạy qua hồ El-Hule (dài 6000m, sâu từ 3-5m),
rồi qua hồ Tibêriade, đổ vào Biển chết.
Hồ Tibêriađê (gọi là Giênêzarét) dài 21km, rộng 12 km,
sâu 45m, nước trong xanh và nhiều cá. Biển chết
dài 85km, rộng 16km, nước biển nhiều độ
mặn nên không vật nào có thể sống được.
Miền Duyên hải từ núi Libanô đến núi Camêlô,
rộng từ 2-6km. Từ núi Camêlô đến Gaza phía Nam,
bờ biển rộng đều và thẳng với các
hải cảng Akko, Haifa và Jaffa (Joppé). Giữa Haifa và Jaffa,
vua Hêrôđê xây thêm hải cảng Cêsarêa. Từ núi Camêlô
đến Jaffa là bình nguyên Sharon phì nhiêu. Từ Jaffa
xuống phía nam là bình nguyên Sêphêla thuộc xứ Pelistin (danh
xưng Palestina xuất phát từ chữ này). Bình nguyên
Esdrelon từ phía Bắc núi Camêlô chạy theo hướng
Đông Nam, chia phần đất phía Tây sông Giođan làm hai
phần: Galilê phía Bắc, Samaria và Giuđêa phía Nam. Miền
Galilê: phía bắc nhiều núi, nam là bình nguyên Esdrelon, miền
duyên hải là đồng bằng, giữa là đối núi
thấp dần về phía sông Giođan.
Bên kia sông Giođan(Transjordanie)là miền
đồi núi, chia làm 3 phần:
- Trachonitide thuộc Đông-Bắc hồ
Tiberiade.
- Miền Thập tỉnh phía đông-nam
hồ.
- Pêrêa thuộc phía đông sông Giođan và
Biển chết, đối diện với Samaria và
Giuđêa.
Người Do thái không chiếm cứ hoàn
toàn miền bên kia sông Giođan. Trước thời kỳ
Hy hóa, đã xuất hiện tại mạn Bắc nhiều
bộ lạc Aram. Thời Hy hóa, từ sau cuộc chinh
phục của Alexandre đại đế, nhiều
người Hy lạp đến đây cư ngụ.
Thời Đức Giêsu, họ lập thành miền Thập
tỉnh, có khoảng 10 thành liên minh với nhau. Các thành
nổi tiếng hơn cả là Damascô, Hippos, Gadara, Gerasa,
Pella, Philadelphia.
Thủ đô Giêrusalem là trung tâm chính trị và
tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền
thờ Giêrusalem là trái tim của Dân tộc Do thái. Hàng
năm, khắp mọi miền đất nước
người ta đổ về Giêrusalem để dự
lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn
giáo, có dinh của Thầy Cả Thượng phẩm, có
các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Dân chúng ở
Giuđê coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất,
đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy
chay người Samari là dân ngoại vì dân Samari xây cất
đền thờ trên núi Garizim. Dân Giuđê không bao giờ
đi lại tiếp xúc với dân Samari. Họ cũng khinh
miệt dân Galiê vì đó là nơi pha tạp mọi sắc
dân là đất của dân ngoại. Giuđê là vùng có
đạo toàn tòng, là trung tâm của đạo Do Thái, còn
Galilê là miền giáp ranh giữa ranh vùng có đạo và vùng
ngoại đạo. Quả thực đây là vùng xôi
đậu. Về mặt chính trị, vùng này chịu
ảnh hưởng ngoại bang thật sâu đậm.
Về mặt chủng tộc, ở đây người Do
Thái sống lẫn lộn giữa dân ngoại. Về
mặt tôn giáo, Galilê thua xa Giuđê, bị coi là ở bên
lề của cộng đồng dân Chúa. Đối
với dân thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ, nhà
quê. Đối với người mộ đạo sùng
tín, miền Bắc thật đáng ngờ vực. Đó là
miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội
tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp, nông dân và
ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là
đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt
hằng ngày...
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa
Giêsu không chọn rao giảng ở Giêrusalem mà chọn Galilê.
Galilê không rộng lắm, từ bắc chí
nam dài khoảng 60 cây số, dân cư sống đông
đúc. Đất hẹp người đông. Thời
Josephus làm tổng trấn, ông đếm được 294
làng, mỗi làng không dưới 15.000 dân. Galilê không những
là khu đông dân cư nhưng dân ở đó cũng có
một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở
cửa đón những ý niệm mới. Josephus nói về
dân Galilê như sau: "Bao giờ họ cũng thích cải
cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo
động. Họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và
phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi
tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ
cũng là những người hào hùng nhất".
Đặc tính bẩm sinh của
người Galilê giúp việc truyền giáo cho họ
rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón
nhận những tư tưởng mới cũng góp
phần cho việc truyền giáo trở nên dễ dàng. Có
lẽ vì những yếu tố này mà Chúa Giêsu chọn Galilê
làm trung tâm truyền giáo. Những tín đồ chính
thống ở kinh đô chiêm ngưỡng sự siêu
việt của mình, chế diễu và tránh xa những
người bị loại trừ ở phía Bắc. Chúa
Giêsu rao giảng tại Galilê, xa thói ngạo mạn, tính
tự tôn và sự mù quáng của dân thành đô. Chúa chọn
Galilê vì ở đây mọi người biết chấp
nhận nhau chung sống hoà bình.
Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính
tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao
giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên
bố Luật mới. Các Tin mừng Nhất Lãm đã
kết thúc thời kỳ đầu rao giảng tại
Galilê của Chúa Giêsu bằng lời tuyên xưng của
Phêrô "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống" (Mt 16). Sự chọn lựa miền
đất Galilê có một ý nghĩa quan trọng theo Tin
mừng Matthêu. Để ứng nghiệm lời ngôn
sứ Isaia nói: "Này đất Dơvulun, và đất
Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả
ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất
của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh
tốt tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những
kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử
thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu
rọi". Matthêu khi trích dẫn Isaia, có ý nói rằng Chúa
Giêsu vâng phục theo ý muốn của Chúa Cha; Người
làm điều mà Thiên Chúa đã nói. Đây là sự vâng
phục cao cả, to lớn và kỳ diệu
được đảm nhận với tự do và tình
yêu. Thánh sử cũng nhấn mạnh đến sự
liên tục của Chúa Giêsu với toàn bộ lịch sử
của dân Người. Cuộc phiêu lưu vĩ
đại đã khởi đi từ một miền
đất bị nguyền rủa. Thế giới mới
đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế
nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ
của Thánh Thần. Chúa Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa
thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi
người, kể cả các anh em ly khai, những
người lạc giáo, những lương dân và những
người vô thần.
Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay kể lại
cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bốn môn
đệ đầu tiên ở biển hồ Galilê.
Chúa Giêsu đã gọi và chọn các tông
đồ là những người chài lưới tầm
thường. Đáng lý Chúa phải chọn những
người ưu tú trong đám trí thức và
được coi là đàng hoàng ở Giuđê mới
phải. Tại sao Chúa lại chọn những
người làm nghề chài lưới? Phải chăng
Người ngụ ý dạy các môn đệ phải luôn
luôn sẵn sàng rời bỏ đất liền và thế
giới riêng của mình, nghĩa là rời bỏ cái khung
cảnh an toàn và đóng kín của mình để ra khơi,
giữa đại dương mênh mông vô bờ bến và
đầy gian nguy, tức là đến với thế
giới rộng lớn và xa lạ để cứu
vớt thế giới?
Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ không
phải trong khuôn khổ một lễ hội tôn giáo
hoặc một hoạt động tâm linh... nhưng ở
giữa đời sống thường ngày của họ,
trong lúc họ đang làm công việc nghề nghiệp. Các
môn đệ ngư phủ tuy là những người ít
học, không giàu có, không địa vị, nhưng
đối với Chúa, họ có đủ tố chất
cần thiết để trở nên những người
cộng sự của Người. Chẳng hạn, sự
kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn
nại chờ đợi; sự hòa đồng giúp họ
chấp nhận nhau và làm việc chung; sự can đảm
trước sóng gió giúp họ đối diện với
nghịch cảnh; khả năng nhận ra khi nào và chỗ
nào nên thả lưới sẽ giúp họ khám phá những
vùng truyền giáo màu mỡ. Cuộc gặp gỡ này đã
làm thay đổi số phận của những con
người lênh đênh trên biển hồ ngày trước.
Cuộc gặp gỡ này là khởi đầu cho công
cuộc thay đổi thế giới. Cuộc gặp
gỡ làm nên những huyền diệu trong lịch sử
nhân loại.
Các ngài gặp gỡ và bước theo Chúa
để học nơi Chúa. Họ nhận ra rằng: Chúa
Giêsu, Thầy Dạy của các bậc thầy, không
những chỉ dạy Lời Chúa nhưng chính
Người là Lời Chúa. Người không những
chỉ dạy cho cách sống mới mà chính Người là
Sự Sống. Người không những chỉ cho
biết ý nghĩa của "Đường sự
Sống", mà chính Người là Đường Sự
Sống, là Ánh Sáng.
Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ. Các
ngài đáp trả chân tình. Các ngài được sống
thân mật với Chúa. Các ngài ra đi làm chứng cho tình yêu
Chúa. Đó là hành trình ơn gọi của các Tông Đồ.
Đó cũng là hành trình ơn gọi của mỗi Kitô
hữu.
Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói
chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm
trước tiên hay chủ yếu vào việc "chinh
phục các linh hồn" cho Chúa càng nhiều càng tốt,
(chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem
tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào
mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành
sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết
phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà
lấy chính môi trường sống của mình làm "vùng
đất ngoại bang", và noi gương của
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh
vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là
những vùng giáp ranh, những vùng biên giới, những
"vùng Galilê, miền đất của dân ngoại" mà
Chúa sai chúng ta đến. Và hơn nữa "miền Galilê
ngoại giáo" của ta là chính bản thân ta vì vẫn còn
những vùng tăm tối ngay trong tâm hồn và cuộc
sống của ta chưa được ánh sáng Chúa Kitô soi
chiếu và biến đổi. Chính Người vẫn còn nói
với ta hôm nay, những kẻ đã tin theo Người:
"Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1, 15).
|