Hiệp nhất trong Đức Kitô - Lm
Bùi Quang Tuấn
Chuyện kể
một nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu
vất vả làm ăn nhưng anh ta không
bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh.
Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta
càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội.
Động lòng
trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh
và nói: "Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta
không nỡ chối từ. Thôi thì bây giờ cứ cho ta
biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho... và
đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng
quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi
điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng
xóm của ngươi như thế... và có khi gấp
đôi luôn".
Nghe
thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui
mừng hân hoan qua sầu buồn lo lắng. Anh tự nhủ: "Nếu bây
giờ mình xin một chiếc Lexus thì mấy thằng
bạn...chúng nó sẽ được hai chiếc. Ái dà,
thế thì không được! Nhưng
nếu mình xin cho được trúng số 5 triệu thì
mấy nhà hàng xóm... họ sẽ được tới 10
triệu. Thế lại càng không được! Còn
nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng
đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp
đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là
chưa nói tới chuyện chúng nó được hai
vợ, trong mình chỉ có một... Thời
buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho
hơn người chứ. Nhưng xin
như thế thì làm sao mà hơn được".
Chàng thương
gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau,
chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú
vị. Anh đến quì xuống và thưa với
thần: "Lạy ngài, xin vui lòng cho tôi đui một con
mắt".
Quả là một lời khẩn cầu quái
lạ! Không xin cho mình được may mắn vì sợ
người khác trỗi hơn. Song lại xin
cho mình rủi ro để kẻ khác sẽ bị tổn
hại nhiều hơn. Xin cho mình đui một con
mắt để kẻ khác mù luôn. Đây
quả là tiểu nhân và quá dã tâm.
Thế nhưng, nếu thành thật rà soát
lòng mình thì không chừng tính chất dã nhân và tiểu tâm kia,
tức là những đố kỵ, ghen ghét, nhỏ nhen, tàn
bạo lại đang ẩn nấp đâu đó trong
người tôi, để rồi nếu được
thành công may mắn hơn ai thì nó sẽ nằm im bất
động. Thảng hoặc, nó còn tỏ ra "quảng
đại" và "thương xót" kẻ không may.
Nhưng nếu ai đó trổi vượt hơn mình thì
cái chất tiểu tâm và dã nhân kia sẽ
bùng lên khó lòng dập tắt.
Chính cái chất đố kỵ, ghen
tương, so bì kia đã là mầm mống của boa chia
rẽ, bè phái, tranh chấp, phân ly, giận hờn, đui
chột, mù loà trong cộng đồng nhân loại. Lắm người chẳng chịu nhường
bước ai; điều gì của mình cũng đúng
hơn, đẹp hơn, tốt hơn, và như thế
kẻ khác tất phải sai hơn, xấu hơn, và
dở hơn.
Tình trạng hơn thua làm nảy sinh phe nhóm
bè phái, cùng với bao tranh chấp ghét ghen, không chỉ
xảy ra ngoài đời, trong các đoàn thể chính
trị xã hội, nhưng phải đau lòng mà nói: có khi nó
còn xuất hiện trong những tổ chức manh danh có
đạo, hay thuộc về Giáo hội.
Và đâu phải chỉ có trong Giáo hội
của thời đại hôm nay, nhưng từ thời sơ khai, hiện tượng tranh chấp,
phe nhóm, cũng đã xảy ra: "Tôi, tôi về phe Appolo. Tôi, tôi về phe Phaolô. Còn tôi, tôi
về phe Kêpha Phêrô".
Sự phân chia phe nhóm trong cộng đoàn
thế kia, một phần là do các sở
thích và tình cảm cá nhân quá nặng. Một số thấy
Phaolô là con người cương trực, ăn
thẳng nói ngay, nên phục và mến lắm. Nhưng
số khác thì không chịu nổi tính khí đó, nên đã
chạy theo Phêrô, vị này vừa là
thủ lãnh tông đồ lại vừa "dễ dãi, sao
cũng được". Thơ Galat có kể rằng khi
vắng mặt các thành viên Do thái trong cộng đoàn thánh
Giacôbê, Phêrô đã ngồi ăn chung,
uống chung với dân ngoại, nhưng khi thấy họ
đến thì ông lại tránh đi. Thế nên một
lần kia Phaolô đã trách Phêrô trước mặt mọi
người: "Nếu ông, một người Do thái, ông
còn sống như người ngoại chứ không như
người Do thái, thì làm sao ông lại thúc bách người
ngoại sống như Do thái được?" (Gal 2:14).
Có lẽ vì Phêrô "dễ dãi" như
thế nên nhiều người thích và đi theo
ủng hộ. Trong khi đó một số
người khác lại khoái Apollo. Ông này ăn
nói lưu loát, có khả năng diễn thuyết hùng
hồn, bao biện luận để minh chứng Chúa Giêsu
là Đức Kitô thật là sắc bén và chí lý. Thế nên họ thích nghe hơn, và rồi cái gì
Apollo nói cũng đúng, cũng hay; còn Phaolô thì cứng quá,
và Phêrô lại mềm mỏng quá.
Những khuynh hướng lưu luyến và
tình cảm nặng tính cá nhân đó đã tạo nên phân
rẽ trầm trọng trong cộng đồng Dân Chúa
thời sơ khai, đến nỗi Phaolô đã kêu lên:
"Nhân danh Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho
được đồng tâm hiệp ý với nhau. Đừng chia rẽ, nhưng hãy đoàn kết
trong cùng một thần trí và một tâm tình". (1 Cor 1:10).
Thiết tưởng, lời
kêu gọi đó vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay,
trong mọi cơ cấu tổ chức của giáo xứ,
cộng đoàn, và gia đình. Hãy
đồng tâm ý hiệp với nhau. Đừng vì
khuynh hướng, sở thích, quan điểm, hay tình
cảm cá nhân chi phối mà ủng hộ, hợp tác với
người này người nọ hoặc chống
đối, chê bai, lạnh lùng với người kia.
Lời thánh Phaolô vẫn còn đó: Đức
Kitô bị phân chia rồi sao? Chân lý và Tin
mừng của Đức Kitô bị xé mãnh rồi sao?
Và Tin mừng làm sao có được trong ghen
ghét, tị hiềm, đố kỵ, phân ly, xâu xé. Có chăng chỉ là tin buồn thôi.
"Nhân danh Đức Kitô, tôi
nài xin anh em hãy liên kết trong cùng một thần trí và
một tâm tình". Thần trí đó là
thần trí yêu thương, và tâm tình đó là tâm tình khiêm
hạ. Chớ ao ước những
điều bất chính, khổ đau cho kẻ khác. Đừng muốn mình chột để
người ta bị mù. Nhưng hãy cầu cho nhau
những sự may lành. Hãy "vui với
người vui", vì điều đó đôi khi còn khó
hơn "khóc với người khóc". Hãy tạ ơn Thiên Chúa cho nhau. Và
điều quan yếu, hãy hiệp nhất với nhau.
Hiệp nhất chính là tinh
thần và sứ mạng của Chúa Giêsu mà những ai
tự xưng là môn đệ của Ngài phải tiếp
nối. Bởi lẽ Chúa Giêsu đến thế gian
không mục đích nào khác hơn là gieo trồng hiệp nhất:
hiệp nhất con người lại với Thiên Chúa,
hiệp nhất con người lại với nhau, hiệp
nhất bao tan vỡ tâm hồn hầu qua đó tình
thương của Thiên Chúa, bình an từ trời cao, và
niềm vui ơn cứu độ được tuôn trào
đến khắp trần gian.
Tình thương, bình an, và
niềm vui đó cũng chính là phần thưởng muôn
đời cho những ai can đảm bước trên con
đường mà Đức Giêsu đã đi.
|