“Người Là
Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn”
Tính Cách của
Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên
Chúng ta đều biết Mùa Phụng Vụ Thường
Niên được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn
sau Mùa Giáng Sinh và giai đoạn sau Mùa Phục Sinh. Mùa Thường Niên Hậu
Giáng Sinh bao giờ cũng ngắn hơn Mùa Thường
Niên Hậu Phục Sinh. Cách đây hơn ba tuần lễ,
Giáo Hội mới cử hành biến cố Chúa Kitô Giáng
Sinh, nay cử hành việc Người đã xuất thân
loan báo Tin Mừng Nước Trời. Phải nói là Chúa
Giêsu lớn quá mau theo tiến trình phụng
niên. Tuy nhiên, nếu hiểu ý nghĩa Phụng
Vụ Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh và Hậu Phục
Sinh khác nhau thế nào, chúng ta cũng sẽ hiểu
được về thời gian dài ngắn của Mùa
Thường Niên được chia làm hai giai đoạn
này.
Theo tôi, nếu
Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm
Chúa Kitô, thì trong Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, Giáo Hội
cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô Thừa Tác, tức Mầu
Nhiệm Chúa Kitô tỏ mình ra cho thế gian biết Người
thực sự là Đấng Thiên Sai, Đấng đến
không phải để làm theo ý mình song ý Đấng đã
sai (x Jn 6:38). Và nếu Chúa Kitô “đến để làm chứng
cho chân lý” (Jn 18:37), làm chứng về mình là Đấng Thiên
Sai như thế, thì Mầu Nhiệm Chúa Kitô Thừa Tác này
đã thực sự được kết thúc ở Mầu
Nhiệm Vượt Qua, một Mầu Nhiệm Chúa Kitô
được Giáo Hội long trọng cử hành trong Mùa
Chay, Tam Nhật Thánh, Đại Lễ Phục Sinh và Mùa Phục
Sinh. Vậy nếu giai đoạn thứ hai của Mùa
Thường Niên được Giáo Hội sắp xếp
sau Mùa Phục Sinh thì chắc chắn phải có một liên
hệ mật thiết về ý nghĩa với Mùa Phục
Sinh, như liên hệ ý nghĩa của giai đoạn Mùa
Thường Niên Hậu Giáng Sinh với Mùa Giáng Sinh vậy.
Theo tôi, nếu ý nghĩa hay chủ đề của cả
Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh là việc Chúa Kitô tự
chứng về mình, thì ý nghĩa và chủ đề của
cả Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là việc
Chúa Kitô được Thánh Thần làm chứng về
Người qua Giáo Hội, cho đến khi Người lại
đến trong vinh quang, thời điểm kết Mùa
Thường Niên nói riêng và Phụng Niên nói chung ở Lễ
Chúa Kitô Vua. Như thế, chúng ta có thể suy ra, sở
dĩ Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh ngắn, là vì Mầu
Nhiệm Chúa Kitô Thừa Tác hay Tự Chứng chỉ xẩy
ra có 3 năm, trong khi Mùa Thường Niên Hậu Phục
Sinh dài, là vì Mầu Nhiệm Chúa Kitô ở cùng Giáo Hội bằng
Thần Linh của Người kéo dài “cho đến tận
thế” (Mt 28:20).
Tuy nhiên,
Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh được mở
màn chẳng những với Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa,
như chúng ta đã cử hành tuần trước, mà còn
được tiếp nối bằng một Chúa Nhật
chuyển tiếp nữa là Chúa Nhật Thứ Hai hôm nay
đây. Tại sao lại nói Chúa Nhật Thứ
Hai Mùa Thường Niên hôm nay đây là Chúa Nhật chuyển
tiếp?
Thưa,
là vì Giáo Hội đã xen kẽ ba bài Phúc Âm theo Thánh Gioan vào cả
ba chu kỳ phụng vụ A, B, C thay cho Phúc Âm riêng của mỗi
chu kỳ, Phúc Âm Mathêu cho Năm A, Marcô cho Năm B và Luca cho
Năm C. Mà nội dung của ba bài Phúc Âm theo Thánh Gioan cho
Chúa Nhật Thứ Hai của cả ba chu kỳ A, B, C là gì,
nếu không phải là những bài mang ý nghĩa chuyển tiếp
từ Cựu Ước sang Tân Ước, chuyển tiếp
liên tục nhau một cách rất khít khao từ năm A tới
năm C. Thật vậy, bài Phúc Âm Thánh Gioan của Chúa Nhật
Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm A hôm nay cho thấy
Gioan Tiền Hô, tiêu biểu cho các tiên tri thời Cựu
Ước, đã xác nhận Chúa Giêsu “là Đấng Thiên
Chúa tuyển chọn”. Mà “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”
này, trong bài Phúc Âm cũng theo Thánh Gioan ở Năm B, sau khi
hai người môn đệ của Gioan Tiền Hô đến
ở với Người, đã được họ cảm
nhận là “Đấng Thiên Sai”. Và “Đấng Thiên Sai”
như họ cảm nhận đây, trong bài Phúc Âm cũng theo Thánh Gioan ở Năm C, đã “tỏ vinh
quang của Người ra để các môn đệ tin vào
Người”. Từ đó, từ việc bắt đầu
tỏ mình ra trước hết cho các môn đệ tiên khởi
của mình này, Chúa Giêsu mới chính thức công khai tỏ
mình ra, như được các Thánh Ký Nhất Lãm đề
cập đến ở ba bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ
Ba Mùa Thường Niên tuần tới.
Đề
Tài của Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên
Chủ
đề của bài Phúc Âm theo Thánh Gioan
cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm A hôm nay
thực sự là lời của Thánh Gioan Tiền Hô chứng
nhận về Đấng đến sau mình, “Đấng
Thiên Chúa tuyển chọn”. Thật ra, Chúa Giêsu
cũng có thể tự làm chứng về mình. Tuy
nhiên, trước mắt thế gian, nhất là vì thiện
ích thiêng liêng cho dân Do Thái, Người cũng cần đến
cả chứng của loài người nữa, như chính
Người đã minh định với người Do
Thái trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 5 câu 34 như thế
này: “Quí vị đã sai người đến với Gioan,
vị đã làm chứng cho sự thật. (Bản
thân Tôi không cần đến một thứ chứng từ
như thế, song chỉ vì phần rỗi của quí vị
mà Tôi nhắc đến những điều này mà thôi)”.
Đúng thế, “để danh chính ngôn thuận”, nhân vật
Giêsu Nazarét vô danh tiểu tốt (x Jn 7:52) trước mắt
dân Do Thái mới xuất đầu lộ diện bấy
giờ cần phải có một người đỡ
đầu cho, một người có thế giá lớn,
được dân chúng kính phục như một vị tiên
tri, chẳng hạn Gioan Tẩy Giả, giới thiệu
cho thì mới được công nhận và đáng tin. Và, một khi đã được Gioan Tiền Hô
giới thiệu thế nào, Chúa Giêsu phải đóng đúng
vai trò của mình như thế. Bằng
không, một là chứng của Gioan là chứng dối, hai
là Chúa Giêsu chỉ là một kitô giả. Tuy nhiên, nếu
Gioan Tẩy Giả làm chứng Chúa Giêsu “là Đấng Thiên
Chúa tuyển chọn” thì ngài phải có bằng cớ khiến
cho ai cũng phải công nhận.
Vậy bằng
cớ của vị tiền hô để ngài có thể làm
chứng về Chúa Giêsu thực sự “là Đấng Thiên
Chúa tuyển chọn”, tức là Đấng Thiên Sai, Đấng
dân Do Thái mong đợi đây là gì, nếu không phải,
như ngài thành thực cho biết trong bài Phúc Âm hôm nay:
“Như tôi nói là Tôi không hề biết Người. Đấng sai tôi làm phép rửa bằng nước
bảo tôi biết rằng ‘Khi nào ngươi thấy Thần
Linh xuống đậu trên ai thì vị ấy chính là Đấng
rửa trong Thánh Thần’”.
Đúng
thế, “là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, theo Mạc
Khải Cựu Ước, trước hết phải là
Đấng được tràn đầy Thần Linh, qua sự
kiện được “Thần Linh đậu xuống”
trên mình, và sau nữa, nhờ đó, nhờ Thần Linh và bởi
Thần Linh, vị này có cả tư cách lẫn khả
năng “rửa trong Thánh Linh”, tức có thể thực hiện
những việc Thần Linh sai khiến. Đó là lý do, trong
bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên Năm C
tuần tới, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tuyên bố ứng
nghiệm nơi trường hợp của mình lời tiên
tri Isaia nói về vị được Thần Linh Chúa chẳng
những “đậu xuống”, ở chỗ ngự trị
và xức dầu, mà còn có khả năng “rửa trong Thánh Thần”,
ở chỗ được sai đi rao giảng và loan báo
năm hồng ân của Thiên Chúa. Trong Phụng Vụ Lời
Chúa hôm nay, nếu Tiên Tri Isaia trong bài đọc một nói
đến ý định của Đấng tuyển chọn
là: “Ta sẽ làm cho ngươi trở thành ánh sáng soi các dân
nước, để ơn cứu độ của Ta chiếu
đến tận cùng trái đất”, thì Thánh Vịnh 40
trong bài Đáp Ca cũng cho thấy phản ứng
tương hợp của một vị thực sự là
“Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, ở chỗ: “Lạy
Chúa, này tôi xin đến để thực thi ý Chúa”, bằng
việc “tôi đã loan truyền đức công minh của
Ngài nơi đại hội; Ôi Chúa, Chúa biết rồi, tôi
chẳng hề ngậm môi”.
Vấn
đề thực hành sống đạo:
Bài đọc
Thứ Hai hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở Kitô hữu giáo
đoàn Corintô qua bức thư thứ nhất
của ngài về ơn gọi và vai trò cao quí của họ
là: “những người được thánh hiến trong
Chúa Giêsu Kitô và được kêu gọi là một dân thánh”.
Tuy nhiên, được “Thiên Chúa tuyển chọn” “trong Chúa
Giêsu Kitô” như thế, Kitô hữu chúng ta đã có một
tâm hồn như câu Đáp Ca thứ ba của bài Thánh Vịnh
40 tuyên tụng hay chưa: “Ôi Chúa Trời ơi, tôi hân hoan thực
thi ý Chúa, luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng tôi!”?
Nghĩa là chúng ta đã hết sức nỗ lực để
sống như Chúa Giêsu Đấng Thiên Sai hay chưa, ở
chỗ, có luôn sẵn sàng làm theo ý Đấng
đã tuyển chọn để sai phái mình đi sinh hoa
trái (x Jn 15:16) hay chưa?
Hoa trái của chúng ta là những gì? Vì chỉ
có sinh hoa kết trái Thần Linh, chúng ta mới thực sự
chứng tỏ chúng ta chẳng những đã được
“rửa trong Thần Linh” (Jn 3:5) khi lãnh nhận Bí Tích Rửa
Tội, mà còn như Chúa Kitô thực hiện được
cả việc “rửa trong Thánh Thần” nữa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|