Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.
(Bài giảng của
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Lễ Đức
Maria Mẹ Thiên Chúa, 01.01.2010)
Trong ngày đầu
năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta
vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh,
Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra
khi chúng ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, sinh hạ
bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực
của chúng ta! Hướng về tất cả anh chị
em đang qui tụ nơi đây, đại diện cho
mọi dân tộc trên thế giới, đại diện
cho Giáo hội Rôma và Giáo hội hoàn vũ, đại diện
cho các linh mục và tín hữu, cũng như tất cả
mọi người đang hiệp thông với chúng ta qua
các phương tiện truyền thanh, truyền hình, tôi
muốn lặp lại lời cầu chúc của Cựu
Ước: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban
bình an cho anh chị em (x. Ds 6,26). Dưới ánh sáng Lời
Chúa, hôm nay, tôi muốn triển khai đề tài: dung
mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con
người, đề tài này cống hiến cho chúng ta chìa
khóa để giải thích những vấn nạn hòa bình
trên thế giới.
Trong bài đọc I
– trích từ sách Dân số và trong Thánh vịnh đáp ca, chúng
ta đã nghe một vài cách diễn tả ẩn dụ
về dung mạo của Thiên Chúa: “Nguyện Đức Chúa
tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ
lòng thương anh chị em (Ds 6,25); “Nguyện Chúa Trời
dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng
ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết
đường lối Chúa, và muôn nước biết
ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66/67,2-3). Dung mạo
diễn tả rõ ràng nhất về con người, qua
đó tình cảm, suy nghĩ và những ý định sâu kín
trong tâm hồn được bày tỏ. Thiên Chúa vô hình, theo
bản tính của Ngài, nhưng Kinh Thánh vẫn ‘gán’ cho Ngài
một “dung mạo”. Trong Kinh Thánh, kiểu nói “tỏ dung
nhan” diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa, trong khi
cách nói Thiên Chúa “ẩn mặt” ám chỉ Thiên Chúa nổi
giận. Sách Xuất Hành nói: “Đức Chúa đàm
đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai
người bạn với nhau” (Xh 33,11), Ngài hứa sẽ
luôn luôn ở bên ông: “Dung nhan của Ta sẽ đi cùng
ngươi, và Ta sẽ cho ngươi được
nghỉ ngơi” (Xh 33,14). Các Thánh Vịnh diễn tả, các
tín hữu là những người tìm kiếm dung nhan Thiên
Chúa (x. Tv 26/27,8; 104/105,4). Trong cử hành phượng
tự, các Thánh Vịnh diễn tả nỗi khát khao
của con người được chiêm ngắm dung nhan
Thiên Chúa (Tv 42,3), “người chính trực” sẽ
được “chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa” (Tv 10/11,7).
Có thể đọc
toàn bộ Thánh Kinh như là một quá trình tiệm tiến,
qua đó Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài ra cho con
người và Ngài đã bày tỏ một cách trọn
vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. “Khi đến thời viên mãn –
trong bài đọc II thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta – Thiên
Chúa đã sai Con của Ngài (Gl 4,4) và ngay lập tức thánh
Tông Đồ nói thêm “sinh bởi người phụ nữ
và sinh dưới chế độ lề luật”. Thiên
Chúa đã nhận lấy dung mạo của một con
người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong
Người Con của Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do
đó, chúng ta tôn kính Đức Maria với tước
hiệu cao trọng nhất “Mẹ Thiên Chúa”. Đức
Maria đã gìn giữ trong tâm hồn mầu nhiệm thiên
chức làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ là người
đầu tiên được chiêm ngưỡng dung mạo
Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người phàm trong
lòng Mẹ. Người mẹ có mối tương quan
đặc biệt, duy nhất và đôi khi độc
quyền với đứa trẻ mới được
sinh ra. Dung mạo đầu tiên mà đứa trẻ nhìn
thấy là người mẹ, cái nhìn này quyết
định mối tương quan của đứa
trẻ với cuộc sống, với chính nó, với
người khác và với Thiên Chúa. Cái nhìn này cũng
quyết định tại sao đứa trẻ có thể
trở thành “người con của hòa bình” (Lc 10,6).
Trong truyền
thống Bizantinô, giữa nhiều bức họa
Đức Trinh Nữ Maria, có một bức họa
được gọi là Đức Maria “ngọt ngào, êm
dịu”, trong bức họa đó gương mặt
của Hài Nhi Giêsu áp sát gương mặt Đức Maria.
Hài Nhi Giêsu nhìn Mẹ Maria. Đối với chúng ta, bức
họa này qui chiếu về Đức Maria, người
đã cầu nguyện liên lỉ và hằng tuân giữ
Lời Chúa, qui chiếu về sự “êm ái, ngọt ngào”
của Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và
cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong
Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Trong bức
họa này, chúng ta có thể chiêm ngắm một vài nét phác
họa nào đó về chính Thiên Chúa: dấu chỉ tình yêu
vô biên, vì tình yêu đó Thiên Chúa đã “ban Người Con duy
nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Nhưng bức
họa này cũng cho chúng ta biết, trong Đức Maria,
dung mạo của Giáo hội chiếu tỏa ánh sáng
của Chúa Kitô cho chúng ta và cho toàn thế giới; qua
Đức Maria, Giáo hội gửi đến mỗi
người Tin Mừng: “Anh em không còn là nô lệ nữa,
nhưng là con cái” (Gl 4,7) – như chúng ta nghe đọc trong
thư của thánh Phaolô.
Anh em Giám mục, Linh
mục, quí vị Đại sứ và các bạn thân
mến! Suy tư về mầu nhiệm dung mạo của
Thiên Chúa và dung mạo của con người là con
đường ưu tiên dẫn đến hòa bình.
Thật vậy, con đường này khởi đầu
bằng cái nhìn tôn trọng con người, nhìn nhận
phẩm giá của người khác dù người đó
thuộc bất cứ mầu da, chủng tộc, ngôn
ngữ hay tôn giáo nào. Nhưng ai, nếu không phải là Thiên
Chúa có khả năng bảo đảm một cách “sâu xa
nhất” dung mạo của con người? Thật ra,
chỉ khi nào chúng ta có Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta
mới có thể đón nhận dung mạo của
người anh em xứng hợp với phẩm giá của
họ, nghĩa là không phải như phương tiện
nhưng như là mục đích, không phải như
đối thủ hay kẻ thù nhưng như một “cái
tôi” khác của chính tôi, một khía cạnh không cùng của
mầu nhiệm con người. Nhận thức của
chúng ta về thế giới, đặc biệt về anh
chị em đồng loại, căn bản phụ
thuộc vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần
trong chúng ta. Đây là một sự “cộng hưởng”:
Ai có tâm hồn vô cảm, người ấy không thể
nhận ra những giá trị cao cả nơi anh chị em
của mình. Trái lại, nếu chúng ta cư ngụ trong
Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện
diện của Ngài trong thiên nhiên, đặc biệt nơi
anh chị em, mặc dù, đôi khi dung mạo của con
người đã bị méo mó do sự dữ, do
đời sống khó khăn, khiến chúng ta không thể
nhận ra sự “hiển dung” của Thiên Chúa nơi dung
mạo anh chị em của mình. Hơn nữa, để
hiểu nhau và tôn trọng nhau như là anh chị em, chúng ta
cần phải liên hệ đến dung mạo của
Thiên Chúa, cha chung của tất cả chúng ta, Đấng
đã yêu mến tất cả chúng ta ngay cả khi chúng ta
còn nhiều sai lỗi và bất toàn.
Khi còn nhỏ
tuổi, điều quan trọng đối với trẻ
em là được giáo dục biết tôn trọng
người khác, ngay cả sự khác biệt của
họ. Trong các lớp học phổ thông qui tụ trẻ
em đến từ nhiều quốc gia, ngay cả trong các
lớp học mà các em cùng chung một quốc gia, dung
mạo của các em như là một lời tiên báo về
viễn ảnh một nhân loại mà chúng ta gọi là: gia
đình của mọi gia đình, hay gia đình nhân loại.
Những em nhỏ tuổi hơn trong số những em này
lại là những em gợi lên trong chúng ta mối tình huynh
đệ ngọt ngào, êm dịu nhất dù giữa các em có
sự khác biệt, chúng khóc cười như nhau, chúng có
nhu cầu như nhau, chúng liên kết với nhau một cách
tự nhiên, chúng chơi chung với nhau… Dung mạo của
trẻ thơ như là một phản ánh dự phóng
của Thiên Chúa đối với thế giới. Tại
sao chúng ta làm mất đi nụ cười của chúng?
Tại sao chúng ta làm vẩn đục trái tim của chúng?
Rất tiếc, bức họa Đức Maria “êm dịu”
đang hiện diện giữa hình ảnh của biết
bao nhiêu trẻ em cũng như mẹ của các em đang
đau khổ vì chiến tranh và bạo lực. Họ
bị biến thành những người lưu vong, tị
nạn, bị bó buộc phải di cư. Dung mạo
của họ bị hủy hoại vì đói khát và bệnh
tật, bị biến dạng vì đau khổ và thất
vọng. Dung mạo của các trẻ em vô tội là hồi
chuông báo động không lời đối với trách
nhiệm của chúng ta. Đối diện với hoàn
cảnh của trẻ em vô phương tự vệ,
tất cả những lý lẽ sai trái biện minh cho
chiến tranh và bạo lực không có lý do đứng
vững. Chúng ta phải xây dựng hòa bình bằng cách
loại bỏ mọi loại vũ khí, cùng nhau xây dựng
một thế giới xứng hợp hơn với nhân
phẩm con người.
Trong sứ
điệp của tôi nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới lần
thứ XLIII: “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình,
bạn hãy bảo tồn thiên nhiên”, sứ điệp
đặt trọng tâm trên phương diện dung mạo
của Thiên Chúa và dung mạo của con người.
Thật vậy, chúng ta có thể khẳng định, con người
có khả năng tôn trọng thiên nhiên bằng cách thấu
hiểu thiên nhiên, nếu không con người sẽ không tôn
trọng chính mình và những sự vật chung quanh mình,
không tôn trọng môi trường sống và không tôn trọng
thiên nhiên. Ai biết nhận ra trong vũ trụ, những phản
ánh dung mạo vô hình của Đấng Tạo Hóa,
người đó sẽ yêu mến thiên nhiên và nhận ra
được những giá trị biểu tượng
của chúng. Đặc biệt, trong các Thánh Vịnh,
chứa đựng những chứng từ rất phong phú
về mối tương quan giữa con người
với thiên nhiên: trời đất, biển khơi, núi
đồi, sông ngòi, sinh vật….Tác giả thánh vịnh
đã thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình
vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn
ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất”
(Tv 104/103,24).
Đặc biệt,
phương diện “dung mạo” mời gọi chúng ta
dừng lại trên đề tài mà trong sứ điệp
Ngày Hòa Bình Thế Giới, tôi đã gọi là “môi sinh
của nhân loại”. Có một mối liên hệ mật
thiết giữa việc tôn trọng con người và
bảo tồn thiên nhiên. “Trách nhiệm đối với
thiên nhiên bắt nguồn từ trách nhiệm đối
với từng người và đối với toàn
thể nhân loại” (số 12). Nếu con người không
được tôn trọng, môi trường sống của
con người cũng không được tôn trọng;
nếu văn hóa hướng đến chủ nghĩa
hư vô, nếu không đề ra những chương trình
cụ hành động cụ thể, nếu như không
thực hiện những chương trình đã đề
ra, thiên nhiên sẽ bị hủy hoại. Thật vậy,
có một mối liên hệ hỗ tương giữa dung
mạo của Thiên Chúa và “dung mạo” của môi sinh: “Khi môi
sinh của nhân loại được tôn trọng trong
đời sống xã hội, môi trường sinh thái
được bảo tồn” (nt; Bác Ái Trong Chân Lý, s. 51).
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh
đến tầm quan trọng của việc giáo dục
về môi sinh, cũng như thúc đẩy truyền thông
một cách sâu rộng hơn về “trách nhiệm
đối với môi sinh”, đặt nền tảng trên
việc tôn trọng con người, quyền lợi và
những nghĩa vụ căn bản của họ.
Chỉ có như thế, nỗ lực đối với
môi sinh mới có thể thực sự mang lại hòa bình và
xây dựng hòa bình.
Anh chị em thân
mến, trong mùa Giáng sinh, chúng ta nghe một thánh vịnh,
giữa nhiều thánh vịnh khác, diễn tả việc
Chúa đến đã biến đổi thiên nhiên và khai
mở một lễ hội của vũ trụ. Thánh
vịnh này khơi mào với lời mời gọi toàn
thể vũ trụ hãy dâng lời ca ngợi Chúa: “Hát lên
mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi
toàn thể địa cầu” (Tv 95/96,1). Nhưng có một
điều chắc chắn, lời kêu gọi này
hướng đến niềm vui của toàn thể nhân
loại: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển
gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng
hoa trái, nào hoan hỷ, hỡi cây cối rừng xanh (Tv
95/96,11-12). Ngày lễ của đức tin trở thành ngày
lễ của con người và của thiên nhiên. Lễ
giáng sinh diễn tả ý nghĩa đó, qua việc trang trí
cây cối, đường xá, nhà cửa. Tất cả trở
nên rực rỡ vì Thiên Chúa đã hiện diện giữa
chúng ta. Đức Trinh Nữ Maria tỏ Hài Nhi Giêsu cho các
mục đồng đang vui mừng, hân hoan ca tụng
Thiên Chúa (x. Lc 2,20). Giáo hội tiếp tục giới
thiệu mầu nhiệm đó cho con người mọi
thời, bày tỏ cho họ dung mạo của Thiên Chúa,
với ân phúc của Ngài, họ có thể tiến
bước trên con đường hòa bình.
+ Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI
|