Giải
quyết một vấn đề nhờ đức tin
(Trích trong
‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Nếu đây không
phải là một bài Thánh Kinh, người ta sẽ có
thể rút ra từ bài tường thuật của thánh
Matthêu những yếu tố của một thảm
kịch lạ lùng. Song ở Thiên Chúa gọi ta suy
nghĩ sâu xa, một suy tư vượt quá óc phân tích,
vượt quá nghệ thuật. Những cõi lòng
đơn sơ, nghĩa là những ai không vướng
mắc vào một hệ thống tư tưởng
phiền phức, nhận ra trong biến cố
tường thuật lại đây một ‘phát minh’ của
tình yêu Thiên Chúa. Một trong những hậu quả lớn lao nhất của mọi mối tình, và
dấu hiệu của nó, là làm cho trí khôn phải sửng
sốt. Ở đây là tình yêu của Thiên Chúa;
nó còn làm trí khôn sửng sốt gấp bội. Nó làm cho
trí khôn chưng hửng không phải
để hạ thấp trí khôn, song là để nâng cao nó
lên nếu nó biết khiêm tốn.
Tác giả Phúc Âm báo
trước Chúa Giêsu sẽ sinh ra bởi một
người mẹ đồng trinh. Sự
kiện đó không phải là không gây ra vấn đề cho
hai người trong cuộc, là Maria và Giuse. Thánh Giuse bị đặt ở điểm then
chốt của một hoàn cảnh bi đát.
Trước hết, cũng như Maria, Người
được Chúa mời giải quyết vấn
đề của mình, từ ‘trên cao’ nghĩa là bởi
một hành vi đức tin. Điều
đã nói về Maria: bà có phúc vì đã tin, cũng
áp dụng cho Giuse.
Thử rút ra từ
đoạn Phúc Âm này hai ý tưởng:
1) Maria đã để cho Thiên Chúa làm việc
báo tin cho Giuse biết tình trạng của Người.
Có những kinh
nghiệm tinh thần liên quan tới kẻ khác mà
người ta vẫn không thể nói tới, bởi vì chúng
xảy ra ở một bình diện quá sâu xa. Chúng tôi không nói: Maria
và Giuse không hề nói với nhau về việc thụ thai lạ lùng, chẳng hạn sau khi Thiên Chúa
can thiệp với Giuse, nhưng Đức Trinh Nữ phó
thác cho Chúa việc khai triển ‘cái lý’ của biến
cố và các phương tiện của biến cố. Ở những trình độ khiêm tốn hơn
nhiều, cũng xảy ra như vậy trong đời
sống, nhất là đời sống giữa vợ
chồng Kitô hữu. Mọi Kitô hữu ý thức,
đều có những ơn sủng riêng tư, nhưng
không ơn nào chỉ dành cho mình mà thôi; ơn sủng của
Chúa, dù riêng tư nhất, vẫn có một chiều kích
hiệp thông huynh đệ. Tuy thế
loại ơn này cần phải được giữ gìn
kín đáo. Vừa phải đón nhận
nó trọn vẹn, vừa phải phó thác cho Chúa công việc
làm cho kẻ khác hiểu biết, nhìn nhận nó.
Người ta có thể mang trong mình một ơn Chúa làm cho
người khác thắc mắc: nếu đó là ơn
đích thực, phải để mặc cho Chúa
phương tiện giải đáp thắc mắc ấy,
hay nói đúng hơn: hãy giao cho Chúa trước đã;
phần việc ta có thể sẽ tới sau.
2) Ta nên lưu ý tới tình hình rất cao
đẹp của thánh Giuse.
Người đã có
thể chiều theo luật lệ sơ
đẳng của xã hội đương thời mà
tố giác Maria. Một sự ngay thẳng căn bản
khiến người hành động cách khác. Qua
hành động này ta thấy một giá trị nhân bản
sâu xa, vượt xa mặt chữ của lề luật.
Lúc đó Thiên Chúa can thiệp. Sự kiện này gợi cho
ta một câu hỏi: ta có xác tín rằng các hồng ân cao cả nhất Chúa ban, cái mà ta gọi là
các ơn siêu nhiên, cần được dựa trên nền
móng các nhân đức tự nhiên như: tính ngay thẳng,
lương thiện, can đảm, tinh thần phục
vụ, tấm lòng cởi mở… hay không? Sau
Đức Mẹ, thánh Giuse nêu cho ta tấm gương
đầu tiên trong Hội Thánh về sự thánh thiện
được phát triển từ những nền tảng
nhân bản rất cao quý.
|