Tại sao Chúa Kitô lại phải làm chứng về Tiền Hô Gioan Tẩy Giả - ngược đời như thế?
Đúng như những gì đã chia sẻ về Bài Phúc Âm hôm qua: 1- về lý do tại sao Chúa Kitô trong suốt tuần này đóng vai chủ động trong bài Phúc Âm liên quan đến việc Người nói về vị tiên hô của mình, như thể chính Người là tiền hô của Gioan Tẩy Giả, dọn đường cho nhân vật đến trước Người vậy, và 2- về lý do tại sao Chúa Kitô lại phải cần đến một vị tiền hô chứ tự mình Người không thể tự tỏ mình ra là Đấng Thiên sai Cứu Thể của riêng dân Do Thái cũng như của chung nhân loại. Bài Phúc Âm hôm nay không phải là một bài Phúc Âm thuộc bộ Phúc Âm Nhất Lãm, như của Thánh ký Mathêu, Thánh ký Luca hay Thánh ký Marco, mà là một bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô vẫn tiếp tục đóng vai chính, đóng vai làm chứng về vị tiền hô Gioan Tẩy Giả của Người, để nhờ đó Người cho dân chúng thấy chính Người đã được Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả chứng thực Người là Đấng "rửa bằng Thánh Linh" (Gioan 1:33) và cũng đã được vị này trực tiếp giới thiệu Người là "Chiên Thiên Chúa" (Gioan 1:29), là "Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Gioan 1:34). Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã nhắc lại cho "dân Do Thái rằng: 'Các ngươi đã sai người đến hỏi Gioan và ông đã làm chứng cho sự thật'", sự thật về Người là Đấng đến sau vị tiền hô này. Cho dù bấy giờ Người "có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta", Người vẫn nhắc lại cho họ nhớ chỉ vì "để các ngươi được cứu thoát". Thật vậy, họ đã tưởng lầm chính vị tiền hô Gioan Tẩy Giả này là Đấng Thiên Sai vì vị này đã làm phép rửa (xem Gioan 1:25), nhưng chính vị này đã phủ nhận, vì ngài quả thực không phải như vậy, trái lại, lợi dụng dịp ấy để giới thiệu với họ về Đấng đến sau mình mới là chính "Đấng Thiên Sai" (Gioan 1:41)mà hai môn đệ của ngài đã nhận ra và làm chứng sau thời gian vắn vỏi đến mà xem và ở lại với Người (xem Gioan 1:37-41). Và vì thế nên Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay đã khẳng định với dân Do Thái rằng họ đã được vị tiền hô này làm sáng tỏ sự thật về bản thân vị này cũng là sự thật liên quan đến bản thân Người: "Gioan là đèn cháy sáng, và các ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh sáng đó". Trong khi Bài Phúc Âm hôm nay chú trọng đến riêng dân Do Thái thì Bài Đọc I và Bài Đáp Ca lại nhắm đến chung Dân Ngoại nhiều hơn: Bài Đọc 1: "Người ngoại bang tin theo Chúa sẽ không nói: Chúa sẽ tách tôi ra khỏi dân Ngài. Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Ngài, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta. Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện, Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa là Thiên Chúa đã tập hợp những người Israel tha hương, phán rằng: Ta sẽ tập hợp, những người khác lại với chúng". Bài Đáp Ca: Chư dân, hãy ca tụng Chúa, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài!
1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng tôi, xin tỏ ra cho chúng tôi thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ.
2) Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.
3) Ðấng đã chúc phúc cho chúng tôi, Ðức Thiên Chúa, Chúa chúng tôi. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng tôi, để cho khắp cùng bờ cõi đất kính sợ Ngài. Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy ngay trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Kitô đã nói đến một chi tiết liên quan đến Dân Ngoại cũng là liên quan đến toàn thể nhân loại, đó là câu: "Ta có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta". Đúng thế, Cha của Người sai Người xuống trần gian này, tuy theo huyết nhục Do Thái và tại Đất Do Thái, nhưng Người lại mặc lấy bản tính chung của nhân loại để có thể cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết chứ không phải chỉ cứu dân Do Thái khỏi bị đế quốc Roma đô hộ bấy giờ. Bởi thế, Người làm theo ý Cha là Đấng "muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Timotheu 2:4) nên đã sai Người đến "không phải để luận phạt thế gian mà để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Gioan 3:17), nhờ Người đã "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28), ở chỗ: "Cho dù là Con nhưng Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu để khi thành toàn Người trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|