Nhẫn nại đón chờ
Chúa đến
(Suy
niệm của Lm. JB. Hoàng Văn Khanh)
1. Gioan dọn đường
Bên bờ sông Giođan, Gioan Tẩy
Giả xuất hiện, rao giảng và làm phép rửa sám
hối để dọn đường cho Đấng
Thiên Sai sắp đến, như lời ông tự giới
thiệu :“Tôi làm phép rửa trong nước để
giục lòng sám hối; Đấng đến sau tôi,
quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho
Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh
Thần và lửa”(Mt 3,11). Sứ điệp của ông
về sự hoán cải thật đanh thép và minh bạch:
“Lưỡi rìu đặt sẵn gốc cây; cây nào không sinh
quả tốt sẽ bị chặt đi và quăng vào
lửa” (Mt 3,10); “Người sẽ cam nia rê lúa, thóc tốt
sẽ thu vào kho và lúa lép sẽ quăng vào lửa” (Mt 3,12).
Theo ông, Đấng Thiên Sai mà ông có sứ mệnh dọn
đường sẽ xuất hiện như vị
thẩm phán chí công: tiêu diệt sự dữ, trả
lại công bình cho những kẻ bị ức hiếp,
cứu thoát những ai khốn khổ và khai mở thời
cánh chung tràn trề hoan lạc, như Isaia đã từng
loan báo (Is 35, 1-6.10). Ông nhiệt thành rao giảng và sung
sướng chờ đón ngày ấy chóng đến ! Và
này, Chúa Giêsu xuất hiện. Ông đã làm chứng về
Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Ga
1,34), là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,36) và chỉ cho mọi
người biết đó chính là Đấng mà ông đã
loan báo (Ga 1,29). Sau đó, ông bị bỏ tù (Mt 11,2) vì đã
can đảm làm chứng cho sự thật khi can ngăn
nhà vua Hêrôđê Agrippa không được lấy vợ
của anh mình là Philippê (Mt 14,3-12). Sứ vụ dọn
đường của Gioan chấm dứt với việc
ông vào tù, để bắt đầu sứ vụ của
Chúa Giêsu với việc Người chịu phép rửa và
được tấn phong Mêsia ngôn sứ và vương
đế (x. Lc 3,19.21). Giai đoạn chuẩn bị
kết thúc với Gioan Tẩy Giả, mở ra giai
đoạn mới: Chúa Giêsu đến loan báo Tin Mừng và
rao giảng Nước Thiên Chúa.
2. Chúa đã đến
Thật khác xa với những gì mà Gioan
đã quan niệm vì Chúa Giêsu đến không phải
để đoán phạt nhưng để cứu
chữa những gì hư mất; Người không
đến để kêu gọi người công chính, mà
để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9,13).
Người chính thật là Đấng Thiên Sai mà các ngôn
sứ đã từng loan báo, như chính Người, trong
buổi khai mạc sứ vụ tại Hội
đường Nadarét, đã áp dụng cho mình sấm ngôn
Isaia chỉ về Đấng Thiên Sai(Lc 4,16-21).
Người quan tâm và yêu thương hết mọi
người, đặc biệt những người khó
nghèo và tội lỗi là những hạng người
bị xã hội ruồng rẫy và bỏ rơi.
Người chữa lành các bệnh nhân; và mỗi khi
chữa lành bệnh phần xác, Người quan tâm hơn
đến việc chữa trị tâm hồn, nghĩa là
giải thoát họ khỏi sự thống trị tội
lỗi và đưa vào đời sống ân tình với
Thiên Chúa và tha nhân. Người hiền lành, khiêm tốn và
hết tình phục vụ: “Ta đến không phải
để được phục vụ, nhưng
để phục vụ và hiến mạng sống mình”.
Mọi người từ khắp nơi tuôn đến
để nghe Người giảng dạy và để
được Người chữa lành các thứ bệnh
tật.
3. “Ông có phải là Đấng phải
đến...?”
Ngồi trong tù, Gioan vẫn hướng
lòng về Đấng Thiên Sai và chờ đợi thời
mới. Khi được nghe biết về những
hoạt động của Chúa Giêsu, ông cảm thấy băn
khoăn và hoang mang. Đấng Thiên Sai mà ông có sứ
mệnh dọn đường phải là Đấng
đến để tiêu diệt sự dữ, tái lập
trật tự công lý và khai mở thời cánh chung. Đàng
này Chúa Giêsu mà ông đã từng làm chứng và chỉ cho
mọi người biết lại cư xử hiền
hoà, khiêm tốn, yêu thương và tha thứ. Ông sai các
đồ đệ đến hỏi Chúa Giêsu là
Đấng phải đến, hay còn phải đợi
một Đấng khác.
Gioan nóng lòng chờ đợi
Đấng Mêsia, nhưng lại là một Mêsia theo quan
niệm của các ngôn sứ thời chuẩn bị,
đồng thời cũng là quan niệm của người
đương thời về một Mêsia chính trị,
đến để phục hưng dân tộc. Còn Chúa
Giêsu, Người xác nhận mình là một Mêsia mà các ngôn
sứ đã từng loan báo: rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo, chữa lành các bệnh tật, xua trừ
ma quỷ ...., nhưng không phải là một Mêsia theo quan
niệm chính trị, mà là một Mêsia đến thiết
lập vương quốc sự thật và yêu
thương bằng năng lực tình yêu và phục
vụ, một Mêsia cứu độ nhân loại bằng
con đường đau khổ của người Tôi
trung. Và đó chính là điều gây cớ vấp phạm
cho nhiều người như ông Simêon đã từng loan
báo ngày Đức Maria dâng trẻ Giêsu vào Đền Thờ
(Lc 2,34). Cách trả lời gián tiếp của Chúa Giêsu
vừa là một trấn an Gioan, đồng thời xác
định cho ông biết Chúa Giêsu thực hiện công
cuộc cứu độ nhân loại không phải bằng
con đường vinh quang, nhưng bằng con
đường thương khó và tử nạn như Isaia
đã loan báo về người Tôi trung (Is 52,13-53,12).
Cần nhìn vào các việc Người đang làm mà coi đó
như là những dấu chỉ để có thể
nhận ra Người là Đấng Mêsia.
4. Nhẫn nại đón chờ Chúa
đến
Trong một thời đại mà xem ra
sự dữ đang lấn lướt, công lý không
được tôn trọng, người công chính
thường bị ghét bỏ và thua thiệt. Người
tín hữu mong chờ Chúa đến để tiêu diệt
sự xấu và kẻ gian ác, thiết lập lại
trật tự công bình, và khai trương thời
đại mới. Đó cũng chính là điều mà Gioan
hằng nóng lòng chờ đợi. Thế nhưng, Thiên Chúa
đã mạc khải Ngai là Thiên Chúa hay thương xót,
chậm giận và không chấp tội (Xh 34,6-7). Chúa Giêsu
đến loan báo Tin Mừng yêu thương và tha thứ.
Người thiết lập vương quốc tình yêu
bằng sự phục vụ và tình yêu tự hiến. Vì
thế, Người nhẫn nại chờ mong con
người hoán cải để ban ơn tha thứ (Lc
13,6-9). Thánh Phaolô coi sự nhẫn nại là hoa trái của
Thần Khí (Gl 5,20). Thánh Giacôbê khuyên dạy tín hữu hãy kiên
nhẫn đón chờ ngày Chúa đến, như
người nông dân mong chờ mùa gặt (Gc 5,7-10). Sự
kiên nhẫn giúp thanh luyện và biểu lộ lòng trung thành,
đồng thời tạo điều kiện và thời
gian cho kẻ tội lỗi biết hồi tâm sám hối.
5. Người nhỏ nhất trong
Nước Trời
Chúa Giêsu khen ngợi Gioan: “Trong số
những người nam đã lọt lòng mẹ, chưa
từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”(Mt 11,11).
Gioan cao trọng vì ông là vị ngôn sứ cuối cùng
của thời chuẩn bị cho Đấng Cứu
thế, như sấm ngôn Malaki đã loan báo: “Này Ta sai
sứ giả của Ta đến dọn đường
trước mặt Ta” (Ml 3,1). Không những dọn
đường, Gioan còn nhìn thấy, làm chứng và chỉ
cho người khác khi Đấng Cứu thế xuất
hiện. Gioan đã sẵn sàng từ bỏ tất cả,
chấp nhận cuộc sống khắc khổ trong hoang
địa, để chuẩn bị cho sứ vụ và
để có thể toàn tâm toàn ý thực hiện sứ
mệnh. Gioan đã can đảm làm chứng và sẵn sàng
chết để bảo vệ sự thật.
Gioan cao trọng thế đó, nhưng
Chúa Giêsu bảo: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước
Trời còn cao trọng hơn ông”. Dù cao trọng, Gioan
vẫn còn là người đang đứng bên
ngưỡng cửa Nước Trời, như Môsê xưa
đứng ở ngưỡng cửa Đất Hứa.
Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời cao trọng
hơn ông vì được diễm phúc tham dự vào
vương quốc do Chúa Giêsu thiết lập. Chỉ nhờ
lòng tin mà người ta mới có thể gia nhập
Nước Trời và cũng chính đức tin mới làm
nên sự cao trọng đó, như bà Elisabeth đã từng
khen ngợi Đức Maria: “Bà thật có phúc vì đã tin...
” (Lc 1,45).
|