6.- Thứ sáu là Ơn Đạo Đức (pietas)
Ơn này giúp cho chúng ta biết
tôn thờ và tin tưởng thâm sâu vào Thiên Chúa là Cha chúng ta
như đứa con thảo, và tôn kính mến yêu các
thánh, trên hết là Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu
Chúa Giêsu. Ơn này còn giúp chúng ta liên hệ với mọi
người như con cái của cùng một Cha chung,
chịu đựng những tính nết xấu của
họ, dễ dàng tha thứ những lỗi lầm, sỉ
nhục và xúc phạm họ làm cho mình ; rồi cũng
khiến chúng ta có tấm lòng thương yêu và bác ái
đối với tha nhân, cách riêng những người
nghèo khó và những người bị gạt ra ngoài lề
xã hội…
Lòng tôn thờ
và tin tưởng Thiên Chúa ở đây là một tâm tình
vừa rất đơn sơ, hồn nhiên, vừa cụ
thể, chẳng khác chi đứa trẻ chạy
đến với ba má nó cách tự nhiên, không câu nệ,
không đắn đo, không tính toán…Tài tình của Chúa Thánh
Thần là làm chúng ta trở nên đơn sơ với
Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã mách bảo :
“Thầy bảo thật anh em : nếu
anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì
sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này,
người ấy sẽ là người lớn nhất
Nước Trời.” (Mt 18.3-4)
Nhưng
để được thế, điều kiện tiên
quyết là chúng ta phải khám phá ra tình phụ tử
tuyệt vời của Thiên Chúa
nhờ đọc và học hỏi Thánh kinh, đặc
biệt nhờ Chúa Giêsu Thầy thánh của chúng ta mặc
khải ra cho ta, như chính Người đã hứa : “Cha Tôi đã giao phó mọi sự
cho Tôi. Và không ai biết rõ người Con, ngoài Chúa Cha ;
cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, ngoài người Con và
kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt
11.27)
Một khi
đã khám phá được và cảm nghiệm
được tình Cha của Thiên Chúa, thì niềm tin yêu, tôn
thờ sẽ hồn nhiên bộc phát. Chính trong lúc cầu
nguyện mà tâm tình ấy biểu lộ ra rõ nét nhất,
bởi vì lúc đó chính Thần khí Chúa Giêsu – Thần khí
đã làm chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa – sẽ khiến
ta kêu lên : “Áb-ba ! Cha ơi !” (Rm 8.15).
Ơn
Đạo Đức khiến tâm hồn ta nhạy cảm
với những gì liên can đến danh dự Thiên Chúa, cách
riêng nó làm ta thống hối những tội lỗi đã
xúc phạm đến Thiên Chúa, đau đớn vì thấy
Thiên Chúa tốt lành đã khứng chịu đựng
những xấu xa của ta ; nhất là khi suy gẫm
thấy lòng thương xót vô bờ bến của Chúa
Cứu Chuộc, đã
chịu bao đau đớn nhục nhã vì phần
rỗi của ta, do đó ta ra sức đền tạ
những sỉ nhục xúc phạm đến Chúa, và ra công
đem các linh hồn tội lỗi trở về với
Chúa.
Ơn huệ
này làm cho chúng ta chấp nhận trong vui vẻ và yêu mến
thánh Ý Thiên Chúa trong cuộc đời ta, hăng hái thi hành
tất cả bổn phận liên quan đến việc phụng
sự Thiên Chúa, chẳng hạn như thích đọc và
học Lời Chúa, cẩn thận thực hành Lời Chúa
truyền dạy ; vâng phục lời Mẹ Hội Thánh
thay mặt Chúa dạy dỗ ta ; sốt sắng tham
dự phụng vụ, lãnh các Bí Tích ; chuyên cần kinh
nguyện ; vui vẻ hy sinh hãm mình ; siêng năng làm việc
thiện.
Như thế,
ơn Đạo Đức hoàn thiện nhân đức công
bình, theo nghĩa là nó cho ta khả năng chu toàn những
bổn phận đối
với Thiên Chúa, không vì bị bắt buộc phải
làm do đức công bình đòi hỏi (nghĩa là
Người là Tạo Hóa đã dựng nên ta, ta phải
trả ơn), hay vì lệnh truyền, song vì tình yêu Cha
trên trời ; cũng như khi đối với đồng loại, ta chu toàn
nghĩa vụ yêu thương không chỉ vì điều
răn bó buộc.
Vì thế, kẻ
thù nguy hiểm nhất phá hoại ơn huệ này là sự
sợ hãi Chúa, không tin Chúa là Cha yêu thương,
chỉ coi Chúa như ông quan tòa sẵn sàng kết án xử
phạt ta, hoặc cho rằng Thiên Chúa vẫn còn ghi nhớ
những tội lỗi quá khứ của ta, hoặc sẽ
trừng phạt vì ta làm sai chuyện nọ, hỏng
chuyện kia, hay vì ta lười biếng không đọc
kinh, đi Lễ v.v…
7.- Thứ
bảy là Ơn Kính Sợ Thiên
Chúa (timor Domini).
Ơn này
nhiều khi bị hiểu lầm do chữ “sợ” gây ra.
Sợ tức là khiếp hãi những gì gây đau khổ hay
thiệt hại cho mình, ví dụ sợ rắn cắn,
sợ tai nạn, sợ thất nghiệp v.v…Trên mặt tôn
giáo, ơn Kính Sợ đây không phải cái sợ đó, vì
Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu không hề làm
hại ai. Cũng không phải sự sợ có tính cách nô
lệ, chỉ phụng sự Thiên Chúa để
khỏi bị Thiên Chúa trừng phạt, bằng những
hình phạt tạm thời ở đời này, hay hình
phạt đời đời trong Hỏa ngục.
Quan hệ chân
chính của chúng ta với Thiên Chúa đặt trên cơ
sở tình yêu chứ không trên sợ hãi. Bởi vậy,
ơn Kính Sợ đây là lòng kính yêu tôn trọng của
người con thảo đối với Cha mình, khiến
họ thi hành thánh Ý Thiên Chúa, và tránh phạm tội vì yêu
mến Thiên Chúa trọn tốt trọn lành, và đáng yêu
mến trên hết mọi sự, cho nên ơn này không bóp
nghẹt tình yêu, trái lại nó gạt bỏ những
chướng ngại cản trở tình yêu phát triển.
Cũng như khi hai người yêu nhau, thì luôn lo lắng
để ý xem nhỡ có làm điều gì mất lòng nhau
để tránh xa, mà bảo vệ tình yêu được
vẹn toàn.
Bởi
vậy, Ơn này giúp chúng ta biết tôn kính Chúa trên hết
mọi sự, nhìn nhận tình trạng thụ tạo
của mình và sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa,
và làm cho chúng ta sợ hãi lánh xa tất cả những gì
xúc phạm tới Người, giữ mình thanh sạch
không phạm tội làm mất lòng Cha Trên Trời, và không bao
giờ muốn lìa xa Thiên Chúa đáng mến. Thiên Chúa thì
thánh thiện và đầy Lòng Thương Xót, nhưng Người
cũng là Đấng Công minh Chính trực, do đó thái
độ của ta trước nhan Người là vừa kính vừa sợ :
trước là kính Chúa, sau là sợ xúc phạm đến
Người. Phải, chỉ có một sự sợ hãi,
đó là sợ phạm tội, vì tội xúc phạm
đến Chúa và sẽ đưa ta sa Hỏa ngục.
Ơn Kính Sợ
có thể được coi như nền tảng của
tòa nhà thiêng liêng, không có ơn này, chẳng có sự tốt
lành nào sẽ trổ sinh và phát triển, tất cả
sẽ sụp đổ tan tành : “Ai
không bền lòng kính sợ Đức Chúa,
cửa nhà người đó sẽ sớm bị sụp
đổ”. (Hc 27.3).
Ơn Kính
Sợ đến hỗ trợ cho nhân đức
tiết độ, khiến ta biết cách sử
dụng mọi sự vật một cách khôn ngoan và
điều độ, không đi quá trớn, đặc
biệt trong những thú vui giác quan. Nhân đức
tiết độ sẽ kết hợp với lý trí mà kiểm
soát các dục vọng, song
nếu chỉ dừng lại ở đó là chưa hoàn
hảo, phải nhờ ơn Kính Sợ đến
trợ giúp, ta mới nhận thức được
sự thánh thiện của Thiên Chúa mà đem lòng tôn
trọng, để từ đó, trong tư thế là
tạo vật, ta sẽ sống tiết độ, trong
hành động cũng như trong các ham muốn, ngõ
hầu đem lại vinh quang cho Thiên Chúa. Xin lấy ví
dụ : đức thanh tịnh là một nhân đức
của tiết độ, nó làm người ta tôn trọng
sự tốt đẹp của tính dục của mình, sự
thánh thiện của hôn nhân và của tình yêu vợ chồng
(như chính Thiên Chúa đã truyền dạy, St 1.27-28; Ep
5.21-33). Nhưng chỉ dừng
tại đó là chưa hoàn hảo, nó phải
được thúc đẩy bởi ơn Kính Sợ mà
nỗ lực sống đời thanh tịnh trong sạch,
chỉ vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên những
điều tốt lành ấy, và sống như thế,
họ đem đến vinh quang cho Thiên Chúa và ngợi khen
Người.
Chướng
ngại chính cản trở
Ơn Kính Sợ là đánh mất hay chưa có ý thức
về sự cao cả siêu việt tuyệt đối
của Thiên Chúa. Nhiều người tín hữu ngày nay, do
nhiễm tinh thần dân chủ, tự do, tự lập
đang thống trị thế giới, họ cho rằng
kính sợ Thiên Chúa làm mất giá trị của con người,
làm mất phẩm giá cao quí của họ…
Có một
số người khác lấy cớ là Chúa Giêsu đã
đến thay đổi bộ mặt của Thiên Chúa, làm
cho Thiên Chúa bây giờ trở nên dễ tính, không còn khắt
khe đáng sợ như thời Cựu Ước nữa,
thế là họ coi Thiên Chúa như một “đồng chí”
của họ, riết rồi đâm ra coi thường
Thiên Chúa, lờn quen không còn kính tôn Người cho xứng
đáng. Thường thấy nhiều người vào nhà
thờ nơi có Mình Thánh Chúa ngự trong nhà chầu, mà
điệu bộ thì nghênh ngang, đi đi lại lại,
nhâng nhâng nháo nháo, cười nói thoải mái, không còn chút tôn
kính gì ; người khác thì dự việc cầu nguyện,
nhưng hai tay chắp sau lưng, coi như trên đầu
trên cổ chẳng có ai đáng họ kính nể… Hiểm
họa ấy, chúng ta chỉ được cứu
chữa khỏi, khi hạ mình xuống cầu xin Chúa Thánh
Thần ban cho chúng ta ơn Kính sợ mà thôi.
Lời
nguyện xin bảy ơn Chúa Thánh Thần
(Sáng tác của Thánh Anphongsô
Ligori)
Lạy Chúa Thánh Thần, là Chúa hay an ủi, con thờ lạy Chúa
là Thiên Chúa thật của con, cùng thờ lạy Chúa Cha, và
Chúa Con. Con chúc tụng Chúa, hợp với các lời chúc
tụng của thần thánh trên trời dưới
đất hằng dâng lên Chúa.
Con xin hiến
dâng trái tim con cho Chúa, và dâng lên Chúa những lời cảm
tạ tri ân nồng nhiệt nhất, vì tất cả
những ơn huệ Chúa đã ban xuống và còn không
ngừng ban xuống cho trần gian.
Là Tác giả
tất cả những ơn huệ siêu nhiên, Chúa đã
đổ tràn đầy tâm hồn Đức Maria hồng
phúc, Mẹ Thiên Chúa, vô vàn
những hồng ân, vậy con cũng xin Chúa viếng
thăm con với Ân Sủng và Tình Yêu của Chúa, và xin Chúa
ban cho con :
- Ơn Kính Sợ, để cầm giữ con không bao
giờ còn sa ngã lại trong những lỗi lầm quá
khứ, mà bao lần con đã xin Chúa thứ tha.
- Ơn Đạo Đức, để từ nay trở đi con có
thể phụng sự Chúa cách tận tình hơn, để
con nghe theo các sự soi sáng thánh thiện của Chúa cách nhanh
chóng hơn, tuân giữ các huấn lệnh thần linh
của Chúa cách trọn vẹn hơn.
- Ơn Suy Biết, để con hiểu tường
tận những điều của Thiên Chúa trên trời, và
nhờ những sự chỉ dẫn thánh thiêng của Chúa,
con sẽ vững bước không bao giờ lạc lối
trên con đường cứu độ đời
đời.
- Ơn Sức Mạnh, để con can đảm vượt
thắng tất cả những tấn công của ma
quỉ, tất cả những hiểm nguy của thế
gian bày đặt làm cho linh hồn con vấp ngã mất phúc
cứu độ.
- Ơn Lo Liệu, để con biết chọn lựa
những gì giúp con tiến bộ trên đàng thiêng liêng, và
khám phá tất cả những cạm bẫy và mưu mô cám
dỗ của Ác Thần.
- Ơn Thông Hiểu, để con cảm nhận
được các mầu nhiệm thần linh và, nhờ
chiêm ngắm những sự trên trời, con không còn nghĩ
tưởng hay lưu luyến những xa hoa phù phiếm
của thế gian xấu xa này nữa.
-
Ơn
Khôn Ngoan, để
con có khả năng điều khiển tất cả hành
động của con, mà hướng chúng về Thiên Chúa là
cứu cánh đời con, ngõ hầu sau khi đã yêu mến
và phụng sự Chúa cho phải đạo ở
đời này, con được hạnh phúc hưởng
Nhan Chúa muôn kiếp ở đời sau. Amen.
***
|