Nước Thiên Chúa
đã đến gần
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 3,1-12) bắt
đầu bằng sự kiện ông Gioan “đến”.
“Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao
giảng trong hoang địa miền Giuđê” (c.1). Tác
giả Tin Mừng không cung cấp các thông tin chính xác về
thời điểm ông Gioan xuất hiện, nhưng
cẩn thận cung cấp thông tin về nơi chốn:
“trong hoang địa miền Giuđê”. Đây không chỉ là
một ghi chú địa dư, mà chính yếu là một ghi
nhận thần học. Quả thực, trong truyền
thống Thánh Kinh, “hoang địa” là nơi chốn lý
tưởng của những cuộc gặp gỡ với
Thiên Chúa, và chính trong hoang địa, Thiên Chúa đã nói
lời của Ngài với ông Môsê, với ông Êlia và với
Israel (Xh 3; 1V19; Xh 19).
Vậy, trong nơi chốn đặc
biệt như thế, ông Gioan rao giảng. Động
từ “rao giảng” là một thuật ngữ của Tân
Ước để chỉ việc công bố Tin Mừng.
Chủ từ của động từ này là ông Gioan (3,1),
Chúa Giêsu (4,17) và các tông đồ (10,7). Nội dung lời
rao giảng của ông Gioan là: "Anh em hãy hối cải,
vì Nước Trời đã đến gần" (c.2).
“Nước Trời đã đến gần” là thông tin
được công bố, và điều kiện để
có thể “đi vào” Nước đó chính là sự hoán
cải đời sống (metanoia). “Nước Trời” là
một kiểu nói sêmít để tránh đọc tên Thiên
Chúa, vì thế, có ý nghĩa như kiểu nói “Nước
Thiên Chúa” trong các Tin Mừng khác. Để gia nhập
Nước Trời, người ta phải hoán cải
(metanoeô), tức là thực hiện một sự thay
đổi con người mình, từ nội tâm bên trong
đến thái độ bên ngoài, hoàn toàn quy hướng
về Thiên Chúa. Sự hoán cải đời sống hay
cuộc metanoia đó có nền tảng trong lời giảng
dạy ngôn sứ, như được trình bày trong Is
1,16-17: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt
bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi
chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác
nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm
lẽ công bình, sửa phạt người áp bức,
xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ”.
Trong niềm trông chờ Nước Thiên Chúa,
vốn rất mãnh liệt suốt lịch sử Israel, dân
chúng nói chung nghĩ rằng Nước ấy sẽ
được thực hiện nhờ Đấng Mêsia,
vị Vua thuộc dòng dõi Đavít, Đấng sẽ
chiến thắng muôn dân và đem lại vinh quang vĩ
đại cho Israel. Tuy nhiên, khi rao giảng về sự
hoán cải đời sống như là một điều
kiện để được gia nhập Nước
Thiên Chúa, ông Gioan đã cho thấy rằng Nước Thiên
Chúa không chỉ là kết quả can thiệp của Thiên
Chúa, mà còn đòi hỏi sự cộng tác của con
người.
Tác giả Mt quy chiếu lời rao giảng
của ông Gioan về một bản văn ngôn sứ Isaia.
Ông viết: “Ông [Gioan] chính là người đã
được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng
người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con
đường cho Đức Chúa, sửa lối cho
thẳng để Người đi” (c.3). Đây là
lời trích từ Is 40,3tt theo bản LXX, khác biệt
một chút với bản văn Hípri. Bản văn Hípri
viết: “Có tiếng người hô: ‘Trong hoang địa
hãy dọn sẵn một con đường cho Đức
YHWH; trong hoang giao, hãy san bằng một lối đi cho
Thiên Chúa chúng ta”. Lời ngôn sứ này nói đến cuộc
giải thoát và hồi hương từ chốn lưu
đày của dân Do Thái. Tác giả Tin Mừng áp dụng
lời này vào sự kiện ông Gioan rao giảng và công cuộc
Đức Giêsu sắp khởi sự. Ngoài ra, cả
bản Hípri lẫn bản LXX đều không xác
định ai là người cất tiếng hô, nhưng Mt
gán vai trò đó cho ông Gioan, và thay thế hạn từ “Thiên
Chúa” trong bản văn Is bằng đại từ
“Người” để áp dụng cho Chúa Giêsu. Kiểu nói
“hô trong hoang địa” không có nghĩa là tiếng hô vô
vọng trong nơi hoang vắng không người, mà là
tiếng hô từ hoang địa, nhưng vọng vang ra bên
ngoài hoang địa, vang đến tận Giêrusalem và
khắp miền Giuđê (c.5).
Thần học của các rabbi Do Thái, dựa
trên Ml 3,23 (“Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các
ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA
đến, ngày trọng đại và kinh hoàng”), đã khai
triển sâu rộng một quan điểm, theo đó, ngôn
sứ Êlia sẽ đến như người tiền hô
của Đấng Mêsia, để thanh luyện Israel và
chuẩn bị cho dân đi vào Vương quốc Mêsia.
Chính với hậu cảnh thần học đó mà ông Gioan
được miêu tả trong hình dung của chính ngôn
sứ Êlia: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt
lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong
rừng làm thức ăn” (c.4). Quả thực, hình ảnh
ông Gioan mặc áo dệt bằng lông lạc đà và
nhất là thắt lưng bằng dây da, khiến
người đọc nhớ đến ngôn sứ Êlia (x.
2V 1,8; chú ý: chỉ Êlia và Gioan mới được Kinh
Thánh mô tả là thắt lưng bằng dây da). Có thể nói,
trong ý hướng của mình, tác giả Mt có ý khẳng
định ông Gioan chính là ngôn sứ Êlia. Mà nếu như
thế, thì có nghĩa là biến cố sắp xảy
đến chính là “Ngày của ĐỨC CHÚA đến,
ngày trọng đại và kinh hoàng”, vì nhiệm vụ
của ngôn sứ Êlia quy chiếu về chính Thiên Chúa, và ông
không chuẩn bị cho biến cố “đến” của
bất cứ ai khác.
Đáp lại lời rao giảng của ông
Gioan là một sự kiện đặc biệt.“Bấy
giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền
Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến
với ông Gioan” (c.5). Rõ ràng đám đông kéo đến bao
gồm hai “cánh” khác nhau: một bên là những người đến
từ trung tâm quyền lực tôn giáo – chính trị
(Giêrusalem) và bên kia là từ khắp vùng xung quanh “hoang
địa miền Giuđê”. Đám đông dân chúng, như
vậy, đã tỏ rõ thái độ không hài lòng đối
với các thiết chế tôn giáo – chính trị
đương thời và đối với những nhà
lãnh đạo thuộc về các thiết chế đó.
Đám đông đó kéo đến với ông
Gioan, đoạn “họ thú tội, và ông làm phép rửa cho
họ trong sông Giođan” (c.6). Đương thời,
người Do Thái rất quen với những nghi thức
thanh đẩy theo luật lệ và thói tục. Nhưng
phép rửa của ông Gioan ở đây có những yếu
tố khác thường. Thay vì cử hành nghi thức thanh
tẩy cho chính mình tại một nơi do Luật ấn
định và nước phải được giữ
sạch theo quy định, ông Gioan lại làm phép rửa cho
những người khác và là trong dòng nước sông
Giođan . Đàng khác, phép rửa này được ban
với dấu chỉ của một sự hoán cải luân
lý, và có ý nghĩa đánh dấu sự thay đổi đã
hoặc sắp xảy đến nơi người lãnh
nhận.
Trong số những người kéo
đến với ông Gioan, có nhiều người thuộc
phái Pharisêu và phái Xađốc. Những người Pharisêu
thường tự hào về sự trung thành của họ
đối với Luật được giải thích theo
các truyền thống rabbi. Họ có ảnh hưởng trên
dân chúng và đại diện cho một thứ quyền bính
thiêng liêng. Những người Xađốc thì thuộc
về tầng lớp lãnh đạo, gồm phần
đông là những nhà quý tộc hoặc giới tăng
lữ quý tộc giàu có. Họ là những đại
diện cho quyền lực kinh tế, chính trị và tôn
giáo. Họ kéo đến với ông Gioan để chịu
phép rửa, nhưng lại không ý thức đầy
đủ về tình trạng bất chính của mình, trái
lại, hình như còn có thể làm cho dân chúng tưởng
rằng những hệ thống áp bức bất chính
đó không đối nghịch với hình ảnh ngôn
sứ của ông Gioan và biến cố mà ông công bố
rằng sắp xảy đến.
Vậy, “thấy nhiều người
thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu
phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn
độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn
thịnh nộ sắp giáng xuống? Các anh hãy sinh hoa
quả xứng với lòng hối cải” (cc.7-8). Ông Gioan
không chấp nhận họ, trái lại, còn thẳng
thắn và gay gắt khiển trách họ. Ông gọi họ
là “nòi rắn độc”, tức là ông xác định
bản chất gian ác của quyền bính chính trị - tôn
giáo mà họ có trong tương quan với dân chúng. Sau này,
chính Đức Giêsu cũng nặng lời như thế đối
với những người Pharisêu và các kinh sư (12,32;
23,33). Ông khẳng định rằng điều họ
cần phải làm là “sinh hoa quả xứng với lòng
hối cải”.
Rồi ông Gioan tiếp tục nói với
họ: “Đừng tưởng có thể tự nhủ
rằng: "Chúng ta có tổ phụ là ông Abraham."
Quả thật, tôi bảo các anh: Thiên Chúa có thể làm cho
những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham” (c.9). Họ
tưởng rằng để được cứ,
chỉ cần là con cháu ông Abraham là đủ. Ông Gioan cho
họ biết rằng không phải dòng dõi mà chính hành
động của người ta mới là yếu tố
quan trọng. Ông chơi chữ khi cho biết có là con cháu
(benayyâ’) của ông Abraham hay chỉ là những hòn đá (abenyyâ’)
thì cũng chẳng khác gì. Hơn nữa, “cái rìu đã
đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh
quả tốt đều bị chặt đi và quăng
vào lửa” (c.10).
Như thế, không phải sự tinh
tuyền về di truyền (là người Do Thái chính
hiệu), không phải sự thực hiện các nghi lễ
phụng tự tại đền thờ (phái
Xađốc), cũng chẳng phải sự trung thành
giữ những quy định chi li của Luật (phái
Pharisêu), mà chính thái độ sống với những
người khác trong thực tế, mới là yếu
tố làm cho người ta không “bị chặt đi và
quăng vào lửa”.
Cuối cùng, ông Gioan so sánh mình với
Đấng sắp đến. Ông nói: “Phần tôi, tôi làm
phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng
các anh hối cải. Còn Đấng đang đến sau
tôi thì quyền thế hơn (ischyroteros) tôi, tôi không đáng
xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho
các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm
nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì
sẽ thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không
hề tắt mà đốt đi” (cc.11-12). Ông Gioan tự
nhận mình không đáng xách dép cho Đấng đang
đến, tức là không đáng làm một công việc bình
thường mà người đầy tớ vẫn làm cho
chủ mình. Đồng thời, ông cũng cho thấy
Đấng đang đến có ba đặc điểm
quan trọng: (1) có “quyền thế”, (2) “làm phép rửa trong
Thánh Thần và lửa”, và (3) là thẩm phán cánh chung rất
nghiêm khắc “sẽ rê sạch lúa trong sân”.
Việc gắn tính từ “thánh” vào hạn
từ “Thần Khí”, trước hết, có nghĩa là phép
rửa trong Thần Khí mà Đấng đang đến
sẽ thực hiện chính là thực tại thuộc
về cảnh vực thần linh của Thiên Chúa. Thứ
hai, điều đó có nghĩa là hoạt động
của Đấng đang đến sẽ là hoạt
động thánh hóa, tức là đưa con người vào
cảnh vực thần linh của Thiên Chúa. Sự thông ban
sự sống thần linh từ bên trong sẽ biến
đổi con người, làm cho con người gắn
kết với Thiên Chúa và trung thành với Người (Ed
36,26t).
Gợi ý suy niệm
và chia sẻ:
Đọc bài Tin Mừng hôm nay trong khung
cảnh Mùa Vọng, chúng ta có thể suy niệm về ba
điểm quan trọng:
1. Đấng đang đến chính là
Đức Chúa.
Một trong những điểm nhấn quan
trọng của bài Tin Mừng hôm nay là việc giới
thiệu Đấng đang đến trong dung mạo
Đức Chúa. Sứ điệp của ông Gioan (“Anh em hãy
hối cải, vì Nước Trời đã đến
gần”: c.2) liên quan đến chính Đức Chúa. Việc
giới thiệu ông Gioan là ngôn sứ Êlia cho thấy
Đấng sắp đến sau ông sẽ chính là
Đức Chúa, vì ngôn sứ Êlia có nhiệm vụ chuẩn
bị cho Đức Chúa ngự đến chứ không
phải chuẩn bị cho một ngôn sứ khác xuất
hiện. Bằng việc cử hành phép rửa, ông Gioan
nhấn mạnh sự cần thiết phải thanh
luyện để đến gần Đức Chúa
đang đến. Khi so sánh mình với Đấng đang
đến, ông Gioan nhấn mạnh quyền thế hơn
hẳn của Đấng ấy, và nhất là ông khẳng
định rằng Thánh Thần (vốn là sự sống
và sức mạnh của chính Thiên Chúa) sẽ hiện
diện với Đấng đang đến; Đấng
ấy sẽ hành động trong quyền năng của
Đức Chúa và sẽ ban cho người ta sự sống
của Thiên Chúa. Với Đấng ấy, chính Thiên Chúa
đến để ban sự sống và đồng
thời để phán xét.
Đó chính là Đấng mà chúng ta đang
đợi chờ trong suốt Mùa Vọng này. Mùa Vọng
không phải là sự chuẩn bị và chờ đợi
một lễ hội lớn lao, hoành tráng và vui tươi
sẽ được cửa hành vào cuối tháng 12! Mùa
Vọng là thời gian đón chờ chính Đức Chúa,
Đấng đang đến.
2. Hoán cải là đòi hỏi khẩn
thiết.
Nội dung căn bản trong lời rao
giảng của ông Gioan là: "Anh em hãy hối cải, vì
Nước Trời đã đến gần" (c.2).
Hơn nữa, “cái rìu đã đặt sát gốc cây:
bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều
bị chặt đi và quăng vào lửa” (c.10).
Đấng đang đến là Thẩm Phán cánh chung, “tay
Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa
trong sân: thóc mẩy thì sẽ thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì
bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi””
(c.12).
3. Những nghi thức và hoạt động
bề ngoài không phải là điều chính yếu trong khi
chuẩn bị đón Chúa đến.
Những người thuộc phái Pharisêu và
phái Xađốc muốn tránh cơn thịnh nộ sắp
giáng xuống bằng cách đặt mình vào một nghi
thức bề ngoài nhưng không thực hiện đòi
hỏi nghiêm túc là phải hoán cải đời sống,
tức là không thay đổi hệ thống bất chính
đang kềm tỏa mình. Theo ông Gioan, những nghi thức
bề ngoài không đủ để người ta
được bước vào Nước Thiên Chúa; cần
phải thay đổi đời sống thật sự.
Đó cũng có thể là vấn đề
của chúng ta trong Mùa Vọng này. Tất nhiên những hành
động bề ngoài là cần thiết: trong bài Tin
Mừng hôm nay, việc hoán cải được thể
hiện qua việc để cho mình được dìm trong
một phép rửa tỏ lòng sám hối, tức là qua
một hành động bề ngoài. Nhưng chỉ những
hoạt động bề ngoài thấy được thôi,
thì chưa đủ. Điều chính yếu cần
phải làm là “sinh hoa quả xứng với lòng hối
cải”. Đó chính là điều quan trọng nhất trong
Mùa Vọng này.
|