Tỉnh
thức
Một người
thuộc bộ lạc miền núi cả đời như
chưa từng thấy ánh sáng văn minh. Một
hôm ông được đưa xuống thăm một
đô thị. Ngay đêm đầu tiên, ông giật
mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp
đô thị. Sau khi được người chung quanh cho biết đó là tiếng
trống báo động về một cuộc hỏa
hoạn vừa xảy ra tại một khu phố.
Người dân miền núi nhìn ngọn lủa đang
bốc cháy tại một góc trời, rồi ông trở
lại giường ngủ tiếp.
Trở về làng,
ông báo cáo với các chức sắc trong làng như sau:
Người dân thành thị có một hệ thống
chữa cháy rất kỳ diệu. Khi có
hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh
trống là ngọn lửa được dập tắt
ngay tức khắc. Nghe nói thế, các chức sắc
liền sai người đi mua đủ các loại
trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hòa hoạn
xảy đến trong làng, tất cả dân làng đều
đem trống ra khua inh ỏi vì tin
chắc tiếng trống sẽ xua đuổi
được thần lửa. Thế nhưng ngọn
lửa cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này
đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng và
thất vọng của mọi người.
Tình cờ ghé thăm
bộ lạc và được nghe kể lại diễn
tiến cơn hỏa hoạn, một người dân thành
thị mới giải thích cho dân làng như sau: Các
người thật ngây ngô, các người tưởng
tiếng trống có thể dập tắt được
ngọn lửa ư? Không phải thế
đâu. Tại thành phố, người ta đánh
trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi
họ tích cực tham gia chữa cháy, chứ không ngồi
đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.
Qua đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói
đến sự tỉnh thức không có nghĩa là ngồi
đó khoanh tay mà chờ đợi. Để nói lên sự tỉnh thức đích
thực, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy
tớ đêm ngày trung thành với công việc
được chủ trao phó. Sự tỉnh thức
mà Chúa Giêsu kêu mời là một sự tỉnh thức tích
cực đòi hỏi lao tác và phấn
đấu. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở
cho các tín hữu Thessalonica về thái độ tích cực
tỉnh thức ấy. Trong những năm
đầu của Kitô giáo, một số tín hữu
tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong
một sớm một chiều, nên họ ăn không
ngồi rồi và dây mình vào chuyện người khác. Thánh
Phaolô khuyên nhủ họ hãy tỉnh thức bằng cách
hăng say lao động và thực thi
bác ái.
Tỉnh thức là
thái độ cơ bản của người Kitô hữu. Toàn
bộ thánh kinh là một lời mời gọi tỉnh
thức, bởi vì Thiên Chúa là đấng đang đến
trong từng phút giây cuộc đời, trong từng
biến cố và trong mỗi con người. Tỉnh
thức để nhận ra Ngài và nhất là đáp trả
một cách tích cực tiếng gọi của Ngài,
Ước gì cuộc sống đức tin của chúng ta
không chỉ là tiếng trống khua inh
ỏi trong bốn bức tường nhà thờ, mà
phải được thể hiện bằng những
gặp gỡ để cảm thông và phục vụ.
|