Ngài đến bất ngờ như kẻ
trộm
--- Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1.
Chúng ta có thể nói gì về những
bất ngờ xảy đến khi Đức Giê-su quang
lâm? Có thể có những bất ngờ nào khác ngoài
phương diện thời gian?
2.
Sự công minh của Ngài khi xét xử
trần gian có siêu việt không? Những kẻ gian ác
nhưng biết ngụy trang một cách khéo léo có bị
lật tẩy không?
3.
Phải tỉnh thức như thế
nào trước những bất ngờ của ngày Chúa
đến? để vẫn có thể
đứng vững trước mặt Thiên Chúa?
Suy niệm
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho
biết Ngài sẽ trở lại trần gian để xét
xử nhân loại và cho biết một số điều
về ngày ấy như sau:
1) Ngài đến bất ngờ như kẻ
trộm:
Đức Giê-su cho biết: “Chính giờ phút
anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt
24,44; Lc 12,40), “Ngày của Chúa sẽ
đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2; 2 Pr
3,10). Sự bất ngờ của kẻ trộm có thể
về mặt thời gian – nghĩa là không thể xác
định được ngày nào, giờ nào – mà cũng có
thể bất ngờ về cách thức: không biết
được trộm đến theo cách thức nào, vô nhà
bằng lối nào, lấy trộm thứ của cải
nào, trộm sẽ giả dạng như thế nào, v.v…
rất có thể kẻ trộm lại là người
rất quen thuộc với ta, thậm chí là người nhà
của ta nữa.
Hãy rút ra bài học
từ quá khứ. Mặc dù việc Đức Giê-su
đến trần gian đã được báo
trước cả mấy trăm năm trước, và
được toàn dân Ít-ra-en mong đợi, thế mà khi
Ngài đến, chẳng mấy ai nhận ra Ngài. Tệ
hơn nữa, họ còn kết án và
giết chết Ngài một cách tàn ác. Cách Ngài
đã đến khác hẳn với cách mà hầu hết
mọi người nghĩ tới trước đó.
Cách Ngài đến thật bất ngờ mà
người thường không ai có thể tưởng
tượng ra nổi. Lời Kinh Thánh
báo trước cả mấy trăm năm đều
được ứng nghiệm, nhưng ứng nghiệm
cách khác hẳn với cách giải thích hay cách hiểu
truyền thống.
Ngày Chúa đến lần thứ hai
để xét xử nhân loại cũng có thể có
nhiều điều hết sức bất ngờ mà con
người không thể đoán trước được,
không chỉ về thời gian, mà còn về nhiều mặt
khác nữa. Có như thế, sự công chính hay gian tà
mới lộ diện rõ rệt, vì ở thế gian, sự
gian tà rất nhiều trường hợp lại
được ngụy trang bằng sự công chính, và
tội lỗi lại mang những bộ mặt hết
sức thánh thiện. Con mắt thế gian không thể nào
khám phá được, nhưng không ai qua mặt
được Thiên Chúa. Đức Giê-su đã từng nói
về “các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên
mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói
dữ tham mồi” (Mt 7,15). Thánh Phao-lô
đã từng vạch mặt những hạng người
ấy: “Những kẻ đó là tông đồ giả, là
thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của
Đức Ki-tô. Lạ gì đâu! Vì chính Xa-tan cũng
đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy
có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó
đội lốt người phục vụ sự công
chính. Chung cục, chúng sẽ lãnh nhận hậu
quả công việc chúng đã làm” (2 Cr 11,13-15).
2) Cách phán xử của Ngài công minh không ai
ngờ trước được
Nếu Đức Giê-su đến để
xét xử trần gian mà không vạch mặt được
những giả hình gian dối ấy, nếu Ngài cũng
bị hạng người này qua mặt như đã
từng qua mặt mọi người trần, thì sự
phán xử của Ngài còn gì là công minh nữa? Với
tư cách là vị phán trần gian, cách xét đoán của
Ngài sẽ phải hết sức công minh, công minh
vượt hẳn và khác hẳn cách suy đoán của
mọi người. Ngày ấy, biết bao
điều bị che dấu thật khôn khéo và kỹ
lưỡng, đến nỗi chưa hề có ai biết,
sẽ bị đưa ra ánh sáng: “Không có gì che giấu mà
sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà
người ta sẽ không biết” (Lc 12,2),
và “những việc tốt thì đã rành rành; mà cả
những việc không tốt cũng chẳng che giấu
được” (1 Tt 5,25). Chính vì thế mới có những
chuyện bất ngờ như: “nhiều kẻ
đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn
những kẻ đứng chót sẽ được lên
hàng đầu” (Mc 10,31; x. Mt 20,16; Lc
13,30).
Nhiều kẻ tưởng mình là công chính
hoặc được mọi người tưởng là
như thế nhưng lại bị Ngài xét là gian ác,
ngược lại có nhiều kẻ tưởng mình
thuộc loại xấu đáng kết án hoặc bị
mọi người tưởng là như thế, nhưng
lại được Ngài xét là công chính. Dụ ngôn
người biệt phái và người thu thuế lên
đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14)
là một thí dụ điển hình cho sự trái
ngược ấy. Còn bao nhiêu chuyện trái ngược
như thế được biểu lộ trong Thánh Kinh:
“Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương
tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước
Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị
quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó
người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,11-12; nên xem thêm Rm 9,30-32; 10,20). Vì thế,
tới lúc ấy, chẳng ai dám tự hào mình công chính, vì
càng tự hào thì càng dễ trở nên bất chính do chính
sự tự hào ấy: “Ai tưởng mình đứng
vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).
Ngày ấy, sẽ có rất nhiều
người tưởng mình công chính vì tự thấy mình
chưa bao giờ làm một điều gì xấu, lại
làm được biết bao việc phúc đức,
nhưng lại không được coi là công chính, mà
thậm chí ngược lại, vì:
·
biết bao nhiêu lần họ đã
bỏ qua không làm những việc quan trọng và cần thiết
mà đấng bậc họ buộc phải là
·
họ có thói quen thờ ơ
trước những đau khổ cùng quẫn của
người chung quanh, họ không làm gì cả mà lương
tâm chẳng hề cắn rứt
·
họ thường xuyên nhắm mắt
làm ngơ để mặc bất công hoành hành đang khi mình
có khả năng can thiệp hoặc chặn đứng
lại được
·
họ hay tự hào về những
việc tốt lành của mình đồng thời lên
mặt khinh chê người khác
Và cũng biết bao người tỏ ra khô
khan nguội lạnh nên tưởng mình là bất chính
nhưng lại được Chúa xét là công chính, vì:
·
đã thực tình sám hối và quyết
tâm không bao giờ tái phạm
·
khi đụng
chuyện cần phải hy sinh cho tha nhân thì đã hy sinh
một cách quảng đại, không tính toán, biết quên
mình thật sự.
·
biết mình yếu
đuối, nên luôn luôn tỏ ra khiêm nhường, biết
cảm thông với những yếu đuối, sai lầm
của mọi người.
3) Số phận con người khi ấy
được định đoạt khác nhau
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cho
biết: “Bấy giờ, hai người đàn ông đang
làm ruộng, thì một người được đem
đi, một người bị bỏ lại; hai
người đàn bà đang kéo cối xay, thì một
người được đem đi, một
người bị bỏ lại”. Chúng ta chưa biết ý
nghĩa chắc chắn của hai từ “được
đem đi” và “bị bỏ lại”, nhưng qua đó, ta
biết được số phận mỗi người
lúc ấy được định đoạt một
cách khác nhau: kẻ “bị” người “được”,
kẻ khổ người sướng. Tất cả
đều tùy thuộc vào cách sống, cách cư xử và
hành động của mỗi người ở trần
gian: Ngài “cứ theo công việc mỗi người mà xét xử”
(1 Pr 1,17; Kh 20,12-13), “sẽ thưởng
phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27; x. Rm
2,6). Thánh Gia-cô-bê còn cho biết: “Đừng ham làm thầy
thiên hạ, vì anh em sẽ bị xét xử nghiêm khắc
hơn” (Gc 3,1).
Đó là ngày của
công lý.
Những kẻ gây bất công sẽ phải đền
tội: “Thiên Chúa sẽ trả báo, nghĩa là bắt
những kẻ gây gian truân cho anh em phải chịu gian
truân” (2 Tx 1,6), “Ai ăn ở bất công
sẽ được trả theo điều bất công
mình làm; không có chuyện thiên vị” (Cr 3,25). Còn những
kẻ đã phải đau khổ và chịu bất công vì
Thiên Chúa, vì tha nhân, sẽ được đền đáp:
“Anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự
Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em
chịu đau khổ” (2 Tx 1,5).
4) Cần phải tỉnh thức
Vì không ai biết
được ngày quang lâm của Chúa xảy đến lúc
nào, và xảy ra thế nào, nhưng có điều chắc
chắn là sẽ có nhiều điều rất bất ngờ,
không ai dè trước được. Chính vì
thế, Đức Giê-su đề nghị với chúng ta
một thái độ khôn ngoan, đó là phải tỉnh
thức. Tỉnh thức có nghĩa là
phải sống làm sao để dù Chúa đến vào
bất kỳ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức
nào, hoặc xét xử công minh đến đâu, thì ta
vẫn có thể đứng vững trước mặt
Ngài. Vậy cần phải tỉnh
thức cách nào?
Thái độ
tốt nhất trước mặt Thiên Chúa là thái
độ tự hủy và yêu thương. Tự hủy là coi
nhẹ cái tôi của mình, không coi mình là cái gì quan trọng,
không tự hào, không tự cho mình hơn ai, không kết án ai,
và cũng không coi ý riêng của mình là sáng suốt, khôn ngoan
hơn người. Yêu thương là thể hiện tinh
thần tự hủy một cách tích cực hơn, ích
lợi hơn cho tha nhân: sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi
ích và hạnh phúc của tha nhân. Yêu
thương đòi hỏi phải tự hủy như
một điều kiện cần thiết. Không thể yêu thương đích thực nếu
không tự hủy. Sống tinh thần tự hủy
và yêu thương như thế là cầu nguyện đúng
nghĩa nhất: cầu nguyện bằng chính cuộc
sống, là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa
nơi tha nhân, một sự kết hiệp thực tế
và bằng hành động cụ thể. Đó
là cách tích cực để ta nên công chính trước
mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa xét xử ta khoan hay nghiêm tùy thuộc
rất nhiều vào sự khoan nghiêm của ta đối
với tha nhân: “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử
kẻ không biết thương xót. Còn với ai biết
thương xót, thì Người chẳng quan tâm đến
việc xét xử” (Gc 2,13). Ngài
không thể không tha thứ cho những ai luôn luôn tha thứ.
Ngài sẽ phải tha thứ vô điều
kiện cho những kẻ luôn luôn tha thứ vô điều
kiện. Chắc chắn Ngài không thể thua con
người về lòng khoan dung. Vả lại chúng ta đã
hợp đồng với Chúa như thế khi đọc
kinh Lạy Cha, theo sự chỉ dạy của Đức
Giê-su: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những
người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12;
x. Lc 11,4). Khốn cho chúng ta nếu đã hợp
đồng với Chúa như thế mà lại không biết
tha thứ: “Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh em
mình, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ
đối xử với anh em như vậy” (Mt 18,35). Như thế, luôn luôn tha thứ cho
mọi người một cách vô điều kiện, dù
lỗi họ có nặng đến đâu, không cần
họ phải hối hận hay xin lỗi, là một bí
quyết giúp ta hoàn toàn trắng án trong
ngày đó, cho dù tội lỗi ta có nặng đến
đâu.
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con
biết sống yêu thương, quên mình, đồng
thời biết cảm thông với những đau khổ
cũng như những yếu đuối của tha nhân,
để con biết ra tay cứu giúp, biết tha thứ
những lầm lỗi của họ. Con nghĩ đó là
cách tỉnh thức đón chờ Đức Giê-su
đến một cách khôn ngoan nhất.
Xin cho con thực
hiện được những điều ấy,
để ngày ấy Cha sẽ hài lòng về con và ngày ấy
cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất của con. Amen.
|