Chúa Giêsu, Vua Yêu thương
(Suy niệm
của Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Sau khi Chiến tranh Thế giới
thứ Nhất chấm dứt, cả châu âu rơi vào
cảnh hoang tàn đổ nát. Balan cũng không tránh khỏi
thảm hoạ. Đất nước bị quân
Đức và Nga thay nhau cày xéo. Bao thanh niên ngã gục trên
chiến trường. Nhiều làng mạc, thành phố
bị bom đạn thiêu rụi. Trước tình hình
đó, Toà thánh muốn tìm một giáo sĩ xứng hợp,
có thể đảm trách vai trò đặc sứ tại
quốc gia này. Linh mục Ambrose Ratti người Ý đã
được đề cử và tuyển chọn. Ngay sau
đó, cha Ambrose lên đường đi nhận nhiệm
sở mới với bao sứ mạng nặng nề.
Thế nhưng công việc của cha
Ambrose tại Balan đã tiến triển tốt
đẹp. Toà thánh nhận ra điều đó. Rồi
chẳng bao lâu sau, ngài được triệu về Rôma và
được tấn phong Hồng y coi sóc tổng giáo
phận Milan.
Đến năm 1922, sau khi Đức Benêđictô XV qua
đời, Hồng y Ambrose Ratti được bầu làm
Giáo hoàng với danh hiệu Piô XI.
Năm 1925, Đức Thánh Cha Piô đã
thiết lập ngày lễ Chúa Giêsu Vua, đồng thời
ban sắc lệnh truyền dạy Dân Chúa khắp nơi
mừng lễ này vào Chúa nhật cuối cùng của tháng
Mười. Trong một bản tông huấn, Đức
Thánh Cha cho biết lý do ngài thiết lập ngày lễ Chúa
Kitô Vua: thế giới cần một nền hoà bình chân
thật, nhưng hoà bình đó chỉ có được
dưới triều đại của Đức Kitô là Vua
Tình Thương và là Hoàng Tử Bình An. Về sau, khi có
cuộc cải cách phụng vụ, một số ngày
lễ được thay đổi, một số khác không
còn lưu lại trong lịch. Riêng lễ Chúa Kitô Vua
được dời qua Chúa nhật cuối cùng của
năm phụng vụ, tức Chúa nhật thứ 34,
trước khi bước vào mùa Vọng, khởi
đầu một chu kỳ mới. Một linh mục
đã nhận xét: Suy tôn Chúa Giêsu Vua là việc làm hoàn toàn
chính đáng và mang nhiều ý nghĩa, vì quả thực, Ngài
đã chào đời như một quân vương và lìa
đời như một đức vua.
Nhớ
lại ngày Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, ba đạo
sĩ phương Đông đã tìm đến dâng các lễ
vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược. Vàng
là món quà tượng trưng cho vương quyền.
Thế nên, từ thuở ấu thơ, Ngài đã
được nhìn nhận như một đức vua. Và
rồi, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc
sống làm người, Đức Giêsu cũng
được suy tôn như một vị quốc
vương cao cả.
Thói
thường khi quân Rôma đóng đinh ai cũng đều
kèm theo một tấm bảng ghi rõ tội danh của
kẻ phạm pháp. Riêng trường hợp Đức
Giêsu, quan Philatô muốn chế nhạo người Do thái
bằng cách cho treo trên đầu Ngài tấm bảng có hàng
chữ “Đây là Vua Dân Do thái”. Việc làm này đã vô tình
khẳng định tính cách vô tội và vương
quyền thực sự của Đức Giêsu: Ngài không có
tội để ghi và Ngài chính là hoàng đế (x. Thomas
Kemp, Homilies on the Sunday Gospel).
Việc
làm vô tình của Philatô lại được một tên
tội phạm nhận biết và tuyên xưng.
Số
là trên đồi Gôlgotha lúc bấy giờ có hai tên trộm
cướp cùng chịu đóng đinh với Đức
Giêsu. Các thủ lãnh và đoàn thể dân chúng cười
nhạo Ngài. Quân lính thì mắng nhiếc chế diễu.
Cả một trong hai tên gian phi cũng khiêu khích sỉ
nhục. Trong mớ âm thanh hỗn độn, hằn
học, và thù nghịch ấy lại dội lên một vài
ngôn từ đáng suy nghĩ.
Ngay
trên khổ giá của mình, người gian phi thứ hai
đã quan sát Đức Giêsu và suy nghĩ về những
ngôn từ đó. Anh ta thấy trong bao lời trách mắng
về Ngài đều hở ra những câu như: “Nếu
là Đức Kitô”, “Nếu là Đấng Thiên Chúa tuyển
chọn”, “Nếu là Vua Do thái”. Anh ta ngước nhìn và
đợi chờ những lời nguyền rủa đáp
trả hay những tia nhìn hận thù giáng xuống đoàn
lũ dưới kia. Thế nhưng, những gì anh
thấy được lại là “Đức Giêsu
ngước mắt lên trời”, và những gì anh nghe
được lại là “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng
không biết việc chúng làm”.
Chính
việc “thấy” và “nghe” kia đã hình thành trong anh một
cảm xúc kính phục chân thành. Anh thương người
chịu đóng đinh bên cạnh. Anh thấy mình bị
khổ nhục là đích đáng. Nhưng con người
kia đâu có hận thù, tham lam, độc ác gì. Trái lại,
dù trong cảnh thê lương sầu thảm, dù khổ
đau đang giằng xé từng hơi thở, dù mặt
mũi hình hài tan nát mất hết hình tượng, nơi
con người Giêsu đó vẫn toát lên tình thương và
lòng khoan dung tha thứ. Thế rồi anh can đảm lên
tiếng bênh vực cho Ngài: “Ông này đâu có làm gì sai trái”(Lc
23: 41). Và xa hơn, anh còn khám phá ra vương quyền
của Ngài khi thành khẩn nài xin: “Lạy Đức Giêsu,
xin nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước
của Ngài”(Lc 23: 42).
Làm
sao trong cảnh hấp hối tột cùng của
Đức Giêsu và của chính mình mà anh “trộm lành” lại
cất lên được lời thỉnh cầu như
thế? Phải chăng khi rơi vào vòng xoáy của sự
chết, anh đã cố bám víu bất cứ thứ gì có
thể bám được? Điều gì đã giúp anh, ngay
giữa lằn ranh của sự sống và sự chết,
gặp thấy dung mạo của một quốc
vương, Đấng đang bước vào vương
quốc của mình ngay trên thập giá?
Một
nhà thần học trả lời: tình thương đã giúp anh khám phá Vua Giêsu. Chính lòng
yêu người, xót thương cho kẻ bị oan ức,
đã giúp anh gặp gỡ Vua Tình Yêu.
Mà
tình yêu sẽ tồn tại muôn đời, anh xác tín như
thế. Cho nên, dù vật vã với đớn đau của
thân xác, anh vẫn nhận ra tình yêu đang hiện hữu
bên mình. Tình yêu đó đang rộng lòng tha thứ, xoá tan
hận thù, và mang lại bình an. Niềm xác tín gia tăng
cường độ khiến miệng anh bật lên
lời nài van: “Xin Ngài nhớ đến tôi”.
“Ngày
hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một
với Ta”(Lc 23: 43). Không lời nào yên ủi cho người
sắp chết bằng lời đó. Hận thù đã gây
nên chiến tranh, phân ly. Nhưng tình thương lại luôn
bắt cầu liên kết. Anh trộm lành chỉ xin Chúa
Giêsu nhớ đến mình, nhưng Ngài lại hứa
ở cùng anh. Nói đến nhớ là nói đến cách xa.
Vì yêu nhau nhưng không được gần nhau nên sinh ra
nỗi nhớ. Tình yêu có nỗi nhớ là tình yêu chưa
được vuông tròn. Còn khi “ở làm một với nhau”
thì tình yêu đã thật sự lên ngôi. Trong tình yêu của
Thiên Chúa luôn là “nên một” và “ở cùng”.
Trên
thánh giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi. Ngài bộc bạch chính mình là
Đức Kitô, Người Thiên Chúa tuyển chọn,
Đấng Cứu Thế, Vua Tình yêu.
Suy
tôn Chúa Giêsu là Vua Yêu thương, nài xin Ngài “nhớ”
đến mình trên mọi hành trình dương thế, can
đảm bênh vực cho chân lý tình yêu, là ta đang tìm
thấy hoà bình và sự sống phong phú nơi tâm hồn,
gia đình, và thế giới.
|