Các Thánh Tử
Đạo Việt Nam
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo
Hội Việt Nam
vui mừng mừng kính các anh hùng Tử Đạo Việt Nam
của chúng ta. Trong bầu khí linh thiêng và cảm
động này tôi muốn chia sẻ với anh chị em
một vài tâm tình của tôi.
1. Tâm tình
thứ nhất là tâm tình tự hào.
Các thánh Tử đạo Việt Nam
của chúng ta làm cho chúng ta tự hào.
Chúng ta phải tự hào vì chúng ta đã
có được những vị tổ tiên anh hùng thật
xứng đáng. Các Ngài đã được sinh ra, đã
làm việc, đã cùng sống với những người Việt
Nam chúng ta
ngay trên mảnh đất quê hương thân yêu này. Các Ngài
đã sống như biết bao nhiêu những con nguời
khác đã sống, nhưng các Ngài đã sống hơn
hẳn rất nhiều người khác ở chỗ các
Ngài đã biết sống anh hùng, không để cho mình
bị mua chuộc, không để cho mình bị khuất
phục. Tiền bạc không làm cho các Ngài mù tối. Khổ
đau không làm cho các ngài chùn bước, nhục hình không làm
cho các ngài ngã qụy, và cả cái chết cũng không
uốn cong được lòng trung tín của các Ngài.
Chúng ta hãy đọc lại sắc
dụ cấm đạo được ban hành ngày 18-9-1855 để chúng ta
thấy được một phần nào những hình
khổ mà các Ngài phải chịu như thế nào: "Các
quan theo đạo Giatô tại triều đình Huế
hạn cho một tháng phải bỏ đạo. Các quan
tỉnh thì ba tháng. Lính tráng và người dân thì sáu tháng,
bằng không thì phải kể là trọng phạm.
Các người theo đạo Giatô không
được thi cử, không được giữ
chức tước gì.
Ai đưa đường hay chứa
chấp đạo trưởng thì bị xử tử.
Đạo trưởng Tây phương thì chém đầu
vất xác xuống sông. Các giáo đồ giúp các đạo
trưởng thì phải chém đầu.
Các cụ đạo bản quốc
cũng phải chém đầu. Các giáo đồ theo các
cụ đạo này thì phải thích chữ vào mặt và
phát lưu.
Phải đốt cho sạch các nhà
thờ nhà xứ "
Lịch sử còn ghi lại những hình
phạt mà người ta đã nghĩ ra và đã dùng
để phạt những người theo đạo
như sau:
- Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị
xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh
đòn, bị bỏ đói cho tới chết.
- Nặng hơn một chút thì bị voi
dầy, bị trói ném xuống sông, bị chôn sống,
bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà
đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem
phơi nắng.
- Quyết liệt hơn một chút thì
bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) và
thiêu sống.
- Ác liệt nhất là bị xử
lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị
xẻo từng mảnh thịt cho tới chết)
Tôi xin trích ra đây một đoạn
trong bản báo cáo về việc xử Cha cố Du tại
Thợ Đức ngày 30-11-1835:
"Họ cột chân tay Ngài vào một
cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Sau hồi
chuông báo hiệu, tên lính cầm kìm đã được nung
đỏ kẹp vào ngực kéo ra hai miếng thịt
nơi vú liệng xuống đất. Tên khác cầm dao
xẻo thịt phía sau hông - rồi đến dùi thì chúng
lấy kìm kéo thịt ra rồi dùng lưỡi dao xẻo
đứt từng miếng. Cha ngất đi, đầu
rũ xuống và Ngài tắt hơi về chầu Chúa lúc
17giờ.
Cha chết rồi, lính chặt
đầu Ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi... đoạn
họ cởi trói lật úp xác xuống, phân thây ra từng
khúc bỏ vào thùng vôi. Tiếp theo họ lấy đầu
đầu của ngài treo giữa chợ ba ngày... rồi
lấy xuống nghiền nát ra bỏ vào thùng đựng
xác rối vất tất cả xuống biển cho mất
tích"
Vâng, kính thưa anh chị em,
Gian khổ có cao, hình phạt có nặng
nhưng lòng thành của các Ngài còn cao hơn. Cái chết
của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự
hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử
đạo Việt Nam ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo
XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm
phục như sau: "Đây là những chiến sĩ
trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến
sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyênh của
Giáo Hội Chúa Kitô".
2. Tâm tình
thứ hai là lòng biết ơn.
Việc mừng lễ hôm nay làm tôi
nhớ lại những lời rất cảm động
sau đây của Chúa Giêsu: "Kẻ gieo người
gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người
kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con
không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó
nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc
của họ" (Jn 4,36-37).
Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn
lại những năm trời Giáo Hội bị bách
hại và những cuộc trở lại đạo hàng
loạt sau đó, ông đã phải viết lên những
lởi rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như
thế này: "Những hạt máu của những vị
tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh
ra những người Kitô hữu khác"
Hàng trăm ngàn các anh hùng Tử Đạo
Việt Nam của chúng ta đã vất vả khó nhọc
gieo vãi. Các Ngài đã gieo vãi không phải là những hạt
giống thông thuờng nhưng bằng những giọt máu
của các Ngài. Và chính nhờ những giọt máu này mà chúng
ta mới được như ngày hôm nay.
Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa
đã cho chúng ta có được những con người
anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng
phải biết ơn các Ngài vì chính nhờ các Ngài mà hạt
giống đức tin đã nảy mầm và lớn lên
trong chúng ta.
3. Tâm tình
thứ ba là bổn phận phải sống làm sao cho
xứng đáng với danh nghĩa con cháu của những
anh hùng.
Châm ngôn Việt Nam có câu rất hay: "Con
nhà tông không giống lông cũng giống cánh"
Phải sống xứng đáng
để những thế hệ mai sau khi nhìn vào thế
hệ này, họ cũng cảm thấy tự hào.
Năm 1934 khi nhắn nhủ một
số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của
mình nhà bác học bổi danh nhất của thế kỷ
thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những
lời cảm động như sau: "Các cháu nên nhớ
rằng những điều kỳ diệu các cháu
được học ở trường là do công lao
của biết bao thế hệ trên khắp thế
giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi
làm việc không ngừng rồi truyền lại cho các cháu
như một di sản để cho các cháu tiếp
nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó
các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các
cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người
hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong
những vật trường tồn mà chúng ta tạo chung
với nhau"
Chúng ta đang thừa hưởng
một di sản vô cùng quí giá do cha ông chúng ta để
lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với
các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các
thế hệ mai sau.
Nhưng truyền lại bằng cách nào?
- Thưa bằng chính cuộc sống mà
tổ tiên của chúng ta đã sống.
Văn hào Tagore khi bàn về cái chết
của Thánh Gandhi, đã nói: "Có lẽ thánh Gandhi không thành
công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức
Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã
thất bại vì chưa hủy diệt được
lòng ác độc của loài người. Nhưng loài
người luôn nhớ tới thánh vì thánh đã đem
đời mình ra để làm bài học cho muôn thế
hệ mai sau"
a- Bài học đầu tiên mà mỗi
người chúng ta phải noi gương bắt chước
đó là phải trung thành với niềm tin.
Đức tin là ơn nhưng không Thiên Chúa
ban cho chúng ta. Hãy bảo vệ lấy, đừng
để cho nó bị hao mòn đi.
Phaolô Mợi bị bắt, bị
giải đến quan. Quan dụ:
- Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ
cho anh một nén bạc.
-..........................?
- Vậy một nén vàng!
- Bẩm quan chưa đủ.
- Vậy anh muốn bao nhiêu?
- Bẩm quan lớn, quan lớn muốn
cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để mua
được một linh hồn khác.
Nguyễn văn Lựu: "Đạo
đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể
bỏ được."
b- Bài học thứ hai phải can
đảm sống niềm tin đó.
Trong một bài diễn văn đọc
cho binh lính trước khi họ lâm trạn. Hitler đã nói:
"Thế giới này sẽ thuộc về những
kẻ gan dạ"
Victor Hugo: "Đồi Calvario ở đầu
đường và hào quang cũng xuất hiện ở
đó"
Chúa Giêsu: "Nước Trới
phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy"
Không có chiến thắng cho những
kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng.
Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.
Phần thưởng càng lớn, vinh quang
càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.
Phải xử dụng sức mạnh
mới chiếm hữu được Nước
Trời.
Lời cuối cùng của tôi. Tôi xin
mượn lời của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu
Roma. Ngài gửi những lời này cho họ vào lúc cơn
bắt bớ đạo giáo tại đó bắt
đầu trở thành khốc liệt. Ngài muốn dùng
những lời này để khích lệ họ, để
họ can đảm, để họ tin tưởng vào
chiến thắng cuối cùng: "Ai có thế tách chúng ta ra
khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ,
gươm giáo?
Ngài nói tiếp như một xác tín: “Trong
mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ
Đấng đã yêu mến chúng ta" Và Ngài kết
luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự
chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ
lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất
cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay
bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì
tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa
được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa
chúng ta" (Rom 8,35-39). Amen.
|