Các Thánh Tử
Đạo Việt Nam
(Bài giảng của Lm. Nguyễn Văn
Thuyết)
Sự hiện diện của chúng ta
trước bàn thờ các thánh tử đạo tại
Việt Nam hôm nay nói lên lòng hiếu kính của con cháu
đối với tổ tiên, nén hương trầm chúng ta
dâng lên biểu lộ lòng hiếu thảo đối
với các bậc tiền nhân. Và đây cũng là lúc
thuận tiện để chúng ta suy ngắm hình ảnh,
đời sống và đức hy sinh của các ngài cho
niềm tin.
Trước hết chúng ta thành khẩn
cúi đầu tạ ơn Thiên Chúa Cửu Trùng đã ghé
mắt đến dân tộc Việt bé nhỏ mà ban cho
được ơn đón nhận hạt giống
Đức tin.
Chúng ta không quên tri ân các vị thừa
sai, mà trong số đó có những vị đã
được phong thánh. Họ là ai? Về thân nhân gốc
gác? Là những người phương tây, chẳng
phải dốt nát hay hám lợi, hay thất nghiệp
thất tình để chọn đời truyền giáo mà
cái chết đã được tuyên trước và bản
án treo lơ lửng trên đầu họ. Một ông tây
mắt xanh mũi lõ, ngôn ngữ bất đồng,
thủy thổ không hợp, nơi lưu ngụ là một
chiếc thuyền gỗ lênh đênh.
Đặc biệt chúng ta nhớ
đến các vị tử đao tại Việt Nam.
Tại quê hương, cơn bách hại đến
sớm, nghĩ tưởng hạt giống đức tin
bị chết ngạt dưới những áp bức và
giết chóc; nhưng không, những con người Việt
tuy bé nhỏ về thân xác, niềm tin còn mới mẻ
nhưng đã kịp cắm sâu đức tin đời
mình dưới chân thập giá, trái tim đã kịp nóng
để đối diện cơn hồng thủy
của sự khước từ và loại bỏ. Như
vậy, từ các ngài, quê hương chúng ta có thể ví
được như một mảnh đất màu mỡ
chỉ đợi hạt giống đức tin chạm
đến thì vươn vai lớn lên. Minh chứng lòng tin
bằng máu tử đạo của các ngài chính là hoa
quả sau hơn hai thế kỷ kể từ việc
khởi đầu của giáo sĩ I-ni-khu năm 1533.
Thành phần tử đạo ngoài giám
mục, linh mục là những người chuyên lo về tôn
giáo, còn có các giáo dân như quan trường(T.Hy), quan án(T.
Khảm), chính tổng, lý trưởng.
Những cám dỗ sống bình yên đã
không thay thế được chọn lựa chịu
bắt bớ, gông cùm vì đức tin của các ngài như
thánh tử đạo Gioan Đạt, Annê Lê thị Thành…
Những cám dỗ sống trong ân huệ
này khác đã không thể thay thế được chọn
lựa chịu sống thiếu thốn khi bị giam
cầm vì đức tin như thánh tử đạo Garelin
Kính khi gửi thư về nhà người viết:
những thiếu thốn, những cực nhọc
đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám
khẳng định rằng: tôi được hạnh
phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp
trong hoàng cung của ngài; hay như thánh chủng sinh Tôma
Trần văn Thiện được hứa tặng cho
cả cô gái con quan huyện….
Những cám dỗ sống tự do không
thể thay thế được chọn lựa chịu
giam trong ngục thất vì đức tin như thánh Cuenot
Thể viết: dù chỉ còn một giáo sĩ chẳng làm
được gì ngoài việc đọc kinh thần
vụ, thì nguyên sự hiện diện của vị đó
cũng đủ nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt
cho các tín hữu rồi…
Và cám dỗ sự sống đời này
không thể thay thế được chọn lựa
chết vì niềm tin như thánh Hồ Đình Hy: Tôi cam
chịu mọi cực hình để nên giống
Đức Ky Tô; hay như thầy giảng Nguyễn
Cầm, khi được nói nhắm mắt bước
đại qua Thập giá thầy đáp: “thưa quan,
mắt thì nhắm được chứ lòng và trí khôn không
thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”.
Vậy đó, mỗi cuộc đời
tử đạo là một cuộc tự hiến. Cuộc
đời các chứng nhân đức tin chịu
đốt cháy trong lao khổ, trong nhục hình, và cả cái
chết đều như một hiến tế dâng lên Thiên
Chúa, sẽ trở nên hạt giống trổ sinh các Kytô
hữu cho ngàn muôn thế hệ. Hơn nữa, việc
chọn chết đi cho đức tin của các vị
tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm
đến cái chết vì cái chết nguyên nó chẳng có giá
trị gì hết, chính sự sống mới làm nên muôn
điều huyền diệu. Vì thế khi chọn lựa
mãnh liệt và dứt khoát trong mầu nhiệm tự
hủy và hiến tế chính là các ngài chọn lựa
sự sống muôn đời bất diệt.
Hạt giống đức tin mà ngày nào
các vị tử đạo chịu chôn vùi trong lòng
đất quê hương, thì ngày nay chính chúng ta cũng
đang được mời gọi chăm bón và vun
tưới trong một cơn bão miên trường, ngày
một khốc liệt. Có khác chăng là được
khoác bằng những chiếc áo hình thức khác nhau mà thôi.
Ngày hôm nay, không gì có thể ngăn
trở chúng ta hiến tế. Các thánh tử đạo
tại Việt Nam
được hồng phúc hiến tế sự sống
một lần làm hy lễ. Còn chúng ta cứ phải
hiến tế đời mình mỗi ngày và mọi ngày khi
chúng ta sống đời nhân chứng đức tin. Khi mà
chúng ta thiêu hủy đời mình như ngọn nến;
đốt hết những nhát đảm, những yếu
đuối, những toan tính thiệt hơn và những khô
cằn nội tâm. Can đảm làm chứng cho chân lý và Tin
Mừng.
Chúng ta nguyện xin các thánh tử
đạo tại Việt Nam nguyện cầu cùng Chúa cho
quê hương và con người Việt Nam để dòng
máu các ngài đã đổ xuống, đã tưới
gội, đã kiến tạo và đã đặt nền
móng cho tòa nhà Giáo Hội tại quê hương tiếp
tục lớn lên, trổ sinh ngàn vạn hoa trái mới
để ánh sang đức tin sẽ là bình minh, một bình
minh chiếu rọi rạng ngời trên đất Việt
cho đến thời viên mãn, ngày chúng ta đoàn tụ
với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.
|