Thời
gian
(Trích ‘Sợi Chỉ
Đỏ’)
Trong kho tàng văn hóa phong
phú của Trung Quốc, người ta đọc thấy
một câu chuyện răn đời sau đây: “Ngày
xửa ngày xưa có một vị hoàng đế, tuổi
đã quá bát tuần, mà vẫn chưa đọc
được một quyển sách nào của các bậc
thánh hiền. Bộ sách mà nhà vua tthèm khát được
đọc là Bộ sách Lịch sử loài người.
Nhưng khốn nỗi
cuộc đời nhà vua, từ mái đầu xanh
đến lúc tóc đã bạc phơ, răng đã long,
không lúc nào được rảnh rỗi thư nhàn. Cuộc
đời nhà vua luôn luôn sống trên lưng ngựa,
nằm sương gối tuyết trên bãi chiến
trường của thời chinh chiến loạn lạc.
Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn
nước kia xâm lăng. Đôi mắt của nhà vua
chỉ nhìn thấy có gươm giáo và máu lửa. Nhà vua
rất ân hận vì trong suốt cuộc đời chưa
có hân hạnh được đọc một trang sách
của các bậc thánh hiền.
Nay chiến tranh đã
tạm yên, đất nước đã thanh bình. Nhà vua
muốn dành thời gian còn lại để đọc cho
kỳ được Bộ sách Lịch sử Loài người,
để tìm hiểu xưa nay con người sống
để làm gì, chết đi về đâu?! Nhưng
phiền một nỗi, tuổi của nhà vua đã quá cao,
mà bộ sách lại quá dầy. Biết sức mình không
thể đọc hết bộ sách, nhà vua ra lệnh cho
viên quan ngự sử làm thay mình công việc khó khăn
ấy. Với sự giúp đỡ của một ủy
ban 50 người, viên quan ngự sử bắt đầu
miệt mài đọc sách.
Sau mười năm
cắm cúi đọc, viên quan ngự sử và ủy ban
đã có thể tóm tắt Bộ sách Lịch sử Loài
người thành 10 cuốn và mang vào triều đình dâng lên
nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 cuốn sách và đo
lường tuổi tác sức khỏe của mình, nhà vua
lại cảm thấy không còn đủ sức đọc
hết bộ sách, dù đã được rút ngắn thành
10 cuốn! Nhà vua bèn ra lệnh cho viên quan ngự sử và
ủy ban tiếp tục làm việc thêm một thời gian
nữa.
Sau 5 năm làm việc thêm,
viên quan ngự sử và ủy ban đã tóm lược
Bộ sách Lịch sử Loài người thành 5 cuốn.
Nhưng khi ủy ban và viên quan ngự sử mang 5 cuốn
sách vào cung ra mắt nhà vua thì cũng chính là lúc nhà vua đang
hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không
còn sống bao lâu, cũng không thể nào đọc
được dù chỉ một trang sách, nhà vua mới
thều thào nói với viên quan ngự sử hãy tóm tắt
Bộ sách Lịch sử Loài người chỉ trong
một câu thôi.
Lúc đó viên quan
trưởng ban tu sửa mới tâu trình nhà vua như sau:
“Hạ thần xin vâng lệnh. Lịch sử loài
người từ khai thiên lập địa đến
giờ là con người sinh ra để khổ rồi
chết!” Nhà vua gật đầu… đôi môi khô héo của
nhà vua bỗng nở một nụ cười mãn nguyện
rồi tắt thở! Giữa lúc ấy, viên quan ngự
sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi
thở cuối cùng!
Nhìn lại một năm
sắp qua, với biết bao nhiêu biến cố vì khổ
đau, bệnh tật, tai nạn, động đất,
lũ lụt, chiến tranh, chết chóc đã xảy ra
với loài người cũng như cho gia đình và
bản thân, có lẽ nhiều người trong chúng ta
cũng muốn đi đến kết luận bi quan
như viên quan ngự sử của nhà vua trong câu chuyện
răn đời trên đây: “Con người sinh ra
để khổ rồi chết!”
Chúng ta có bi quan nhìn
đời như viên quan ngự sử không? Hoàn toàn không!
Chúng ta không chối bỏ thực tại của khổ
đau, của bệnh tật, của chết chóc. Nhưng
chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng nên thế
giới, tạo nên chúng ta là để cho chúng ta
được sống và sống dồi dào. Cho nên
hướng đi lịch sử của loài người
không phải là ngõ cụt của sự chết mà là sự
sống. Bên kia của thất bại khổ đau, bên kia
của bệnh tật chết chóc, cuộc sống vẫn
còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Vì thế không có tâm tình nào
thích hợp cho chúng ta trong những ngày cuối năm này cho
bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác
tất cả cho Thượng đế, vì Ngài là Cha
của chúng ta, luôn yêu thương và quan phòng cuộc
đời chúng ta. Cảm tạ và phó thác vì Ngài là
Thượng đế của tình thương, của
sự sống. Cảm tạ và phó thác vì Ngài là
đường, là sự thật và là lẽ sống
của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Thượng
đế, vì nhờ Ngài cuộc sống này vẫn tiếp
tục có ý nghĩa và đáng sống.
Trong muôn vàn khổ đau
của cuộc sống, chúng ta hãy hân hoan lập lại: Thượng
đế yêu thương tôi như chỉ có một mình tôi
trên cõi đời này. Đừng bao giờ chúng ta quên
một chân lý căn bản soi sáng cho đời ta: “Chúng ta
không chỉ sinh ra cho cuộc sống đời tạm này
mà cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau”. Đó
chính là niềm tin của bạn, của tôi và của
mọi người.
|