Mọi sự trên đời đều chóng qua,
đều có ngày cùng tận --- Suy niệm của JKN
Câu hỏi
gợi ý:
1. Có gì trên đời tồn tại mãi,
không có ngày cùng tận không?
2. Trong bản thân ta, trong cuộc
đời ta, những gì sẽ chóng qua và những gì
tồn tại lâu dài? Giữa hai thứ ấy,
người khôn ngoan nên quan tâm tới thứ nào? Bản
thân ta thường quan tâm đến thứ nào?
3. Thế giới này có tồn tại
vĩnh viễn không? Có những dấu hiệu nào báo
trước ngày cùng tận của nó không? Thời của
chúng ta đã có những dấu hiệu ấy chưa?
Nếu có thì chúng ta nên có thái độ nào?
Suy tư
gợi ý:
1. Mọi sự trên đời
đều chóng qua, đều có ngày cùng tận
Chúng ta đang sống trong một
thế giới vô thường, tạm bợ, mọi
sự đều thay đổi, mọi sự đều
qua đi (x. 1 Cr 7,31b; 1 Ga 2,17). Không một điều gì
sự gì thuộc thế giới này tồn tại mãi, cho
dù hiện tại chúng có vẻ kiên cố vững chắc
tới đâu đi nữa. Đức Giêsu đã nói lên chân
lý ấy trong bài Tin Mừng hôm nay: «Nhân có mấy
người nói về Đền Thờ được
trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những
đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: "Những gì
anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn
phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá
nào"». Lúc ấy, người Do Thái không thể nào
tưởng tưởng được Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem đẹp và quí giá như thế, kiên cố và
vĩ đại như thế, chỉ 40 năm sau (từc
năm 70), lại có thể trở thành bình địa.
Đây là chân lý quan trọng mà chúng ta cần phải suy
gẫm để sống cho phù hợp và khôn ngoan.
«Đời sống con người chóng
qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng,
một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích» (Tv 103,15-16).
Đời sống chóng qua như thế, nếu ta cứ
tìm và thu gom cho mình những thứ vô thường tạm
bợ, thì khi đời sống này qua đi, ta sẽ hoàn
toàn trắng tay khi bước vào đời sống
vĩnh cửu. Coi chừng kẻo ta chỉ
được giàu có trong chốc lát để rồi muôn
đời phải nghèo khổ! Còn gì dại dột
bằng? Người khôn ngoan biết dùng những thứ
chóng qua này để làm cho mình giàu có trong đời
sống vĩnh cửu (xem dụ ngôn người quản
lý bất trung, Lc 16,1-13). Đừng vội chóa mắt vì
sự vinh quang hay hạnh phúc mà những cái chóng qua này
đem lại. Vinh quang hay hạnh phúc ấy cũng rất
chóng qua! Hãy suy nghĩ: «nếu cái chóng qua mà còn
được vinh quang như thế, thì cái tồn tại
mãi mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?» (2 Cr 3,11).
2. Cái gì trong ta và trong cuộc
đời ta tồn tại vĩnh cửu?
Chỉ những gì thuộc về
thế giới vĩnh cửu mới tồn tại. Cái
vĩnh cửu ấy đã được gieo mầm trong
tâm hồn chúng ta từ khi chúng ta bắt đầu
hiện hữu. Đó là bản tính thần linh và thứ
tình yêu phù hợp với bản tính ấy: «Thiên Chúa đã
ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng
đại Người đã hứa, để nhờ
đó, anh em được thông phần bản tính Thiên
Chúa» (2 Pr 1,4). Trong thế giới vô thường này chúng ta
có thể vun trồng và làm cho bản tính thần linh và tình
yêu cao cả ấy lớn lên bằng những tư
tưởng, lời nói và việc làm cụ thể phù
hợp với bản tính và tình yêu ấy. Nói cách khác,
bằng cách làm theo ý của Thiên Chúa: «Còn hễ ai giữ
lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên
Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào
đó, chúng ta biết được mình đang ở trong
Thiên Chúa» (1 Ga 2,5). Bản tính hay tình yêu thần linh ấy
sẽ mất đi nếu ta cứ hành động
ngược lại những gì mà bản tính hay tình yêu
ấy đòi hỏi: «Nếu ai có của cải thế
gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng
động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở
lại trong người ấy được?» (1 Ga 3,17).
3. Chúng ta đang hành động
thế nào? kiểu khôn hay kiểu dại?
Người khôn thì nhắm lợi ích lâu
dài, còn kẻ dại chỉ nhắm lợi ích trước
mắt. Nguyên tắc ấy ai cũng biết, nhưng trong
thực tế người ta vẫn sống ngược
lại nguyên tắc khôn ngoan ấy do bị lóa mắt vì
những lợi ích trước mắt. Chẳng hạn, ai
cũng biết câu: «Quan nhất thời, dân vạn
đại». Nhưng trong xã hội, biết bao kẻ
sẵn sàng luồn cúi, nịnh bợ những ông tham quan,
những thủ trưởng bất tài thất đức
vốn chỉ tại chức một thời gian nào đó,
chỉ để họ ban phát cho mình chút ân huệ mà
sẵn sàng làm hại anh em, bạn bè mình, bất chấp
mình phải sống cả đời giữa những
người thân yêu ấy. Biết bao kẻ sẵn sàng ca
tụng, nịnh hót những ông vua, những chế
độ bạo tàn, chỉ vì chút quyền lợi nay còn
mai mất của mình, bất chấp sự nịnh hót
đó bất lợi cho toàn dân, trong đó có biết bao
người thân mình đang phải sống với,
phải gặp mặt hằng ngày, và sẽ có lúc trong
đời mình phải cần tới họ, phải
nhờ họ cưu mang! Những kẻ dại dột
ấy sợ bị thất sủng trong hiện tại
trước mặt kẻ quyền thế hơn sợ
bị miệng đời nguyền rủa mãi mãi! Kinh
nghiệm cuộc đời cho thấy những kẻ
sẵn sàng bán đứng anh em mình, những kẻ sống
không có hậu ấy thường kết thúc cuộc
đời trong đau khổ, cô đơn, và nhục nhã! Cũng
vậy, thật dại dột những người
chỉ biết có lợi ích chóng qua đời này, không
nghĩ gì đến hạnh phúc lâu dài đời sau!
Của cải, quyền lực, địa vị, danh
vọng… tất cả đều sẽ qua đi như
lời Thánh Gio-an: «Thế gian đang qua đi cùng với
những dục vọng của nó. Chỉ những ai thi
hành ý muốn của Thiên Chúa mới tồn tại mãi mãi»
(1 Ga 2,17). Chỉ những gì vĩnh cửu mới tồn
tại lâu dài!
4. Ngày cùng tận của thế
gian
Mọi sự trong thế gian đều
có ngày cùng tận, và ngay cả chính thế gian cũng có ngày
cùng tận của nó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu
nói về ngày cùng tận của thế gian và những
điềm báo trước ngày ấy. Điềm Ngài nói
tới trước hết là các ngôn sứ giả
đội lốt chiên (x. Mt 7,15) mạo danh người
của Thiên Chúa (x. Lc 21,8) để lường gạt
nhiều người (Mt 21,11), nhờ thế họ
được thế gian trọng vọng và ưu đãi
(x. Lc 6,26). Điềm kế tiếp là chiến tranh
giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, cùng với các
thiên tai (động đất, bão lụt, dịch tễ,
đói kém…). Trong thời gian ấy, những người
công chính hay các ngôn sứ thật bị bắt bớ,
ngược đãi, bách hại, cầm tù, hãm hại… Theo
lời Đức Giêsu, thời này là một cơ hội
tốt để người Ki-tô hữu làm chứng cho
Thiên Chúa, cụ thể là làm chứng cho công lý và tình yêu
của Ngài. Chính vì làm chứng như thế mà họ
«bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu
bắt nộp», kết án, làm mặt lạ, «bị mọi
người thù ghét», bỏ rơi, thậm chí bị
giết. Nhưng không một sự gì xảy ra ngoài thánh ý
Thiên Chúa: «dù chỉ một sợi tóc trên đầu anh em
cũng không bị mất đâu!». Hãy tự hỏi ta có
quan tâm đến việc làm chứng cho Ngài, cho công lý và
tình thương không? Cứ xem thời điềm thì
biết được thời đó sắp đến hay
chưa. Người khôn ngoan thì luôn tỉnh thức vì
biết rằng «ngày của Chúa sẽ đến như
kẻ trộm ban đêm» (1 Tx 5,2). Do đó, «hãy sống
như giữa ban ngày» (Rm 13,13), «sống trong ánh sáng» (1 Ga
1,7), «không sống trong bóng tối kẻo ngày ấy như
kẻ trộm đến bất chợt không hay biết»
(1 Tx 5,4). «Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều
sắp xảy đến và đứng vững
trước mặt Con Người» (Lc 21,36). «Ai bền chí
đến cùng, người ấy sẽ được
cứu thoát» (Mt 10,22; 24,13; Mc 13,13).
Cầu
nguyện
Lạy Cha,
biết bao điềm mà Đức Giêsu nói về ngày cùng
tận của thế gian đang xảy ra trước
mắt con, nhưng dường như chúng không ảnh
hưởng gì đến thái độ nội tâm của
con và của bao người chung quanh con. Con vẫn sống
như thể con sẽ tồn tại mãi, như thể
địa vị và hoàn cảnh tốt đẹp của
con sẽ tồn tại mãi, như thể thế gian và
mọi sự trong đó sẽ tồn tại mãi! Xin cho con
ý thức được thái độ như thế
thật là ngu xuẩn. Xin cho con biết tỉnh thức
như Đức Giêsu đã cảnh báo, để khi ngày
cùng tận ấy xảy đến, con vẫn luôn
đứng vững trước mặt Cha. Amen.
|