Vô ơn, biết
ơn – Lm Giacôbê Phạm
Văn Phượng
Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, theo thánh Lu-ca.
đây là lần thứ ba Chúa đến đây và cũng
gần tới ngày Chúa chịu nạn. Khi đi tới
gần biên giới Samari và Ga-li-lê, thì gặp 10 người
phong hủi van xin Chúa cứu chữa. Chúa không chữa ngay,
nhưng bảo họ đi trình diện các tư tế.
Đây là luật của người Do Thái, không phải các
tư tế làm cho họ khỏi bệnh, nhưng là
để xác nhận họ đã khỏi bệnh. Nghe
lời Chúa, họ ra đi, và khi đi dọc
đường, cả 10 người đều
được khỏi, nhưng chỉ có một
người trở lại cám ơn Chúa, tỉ lệ
một phần mười, thật là đáng buồn.
Đây cũng là điều chúng ta chú ý tìm hiểu và suy
nghĩ: vô ơn và biết ơn.
Có người nói: “Con người
thường hay ích kỷ: muốn người khác phải
trả ơn mình, biết ơn mình, còn mình không để ý
cám ơn ai”. Hơn nữa, người ta dễ quên ơn
hoặc mau quên ơn, cũng như cả năm ngàn người
được ăn bánh hóa nhiều lần thứ
nhất và bốn ngàn người lần thứ hai; bao
nhiêu người được hưởng sóng gió yên
lặng, mẻ cá lạ, được chữa lành
bệnh tật…Nhưng đến khi Chúa vác thập giá thì
chỉ có một người vác đỡ Chúa, đó là ông
Si-mon, nhưng là do quân lính bắt vác chứ không phải ông
tự nguyện; chỉ có một phụ nữ cảm
thương trao khăn cho Chúa lau mặt, đó là bà
Vê-rô-ni-ca; rồi khi Chúa bị đóng đinh trên thập
giá thì chỉ có một người dám lên tiếng xưng
đức tin, biện hộ cho Chúa là vô tội, đó là
một người ăn trộm.
Đời là thế. Lẽ ra phải “ăn
quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước
nhớ nguồn”, “có đi có lại mới toại lòng
nhau”, lẽ ra phải “ăn cây nào rào cây ấy”, “hòn
đất ném đi hòn chì ném lại”… Đó là phép xã giao,
lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình
thường, và phải cư xử như vậy mới
là người biết điều. Lẽ ra phải như
vậy, thì lại “ăn cháo đá bát”, “vắt chanh bỏ
vỏ”,
“có trăng phụ đèn”, “ăn mật trả gừng”,
“ăn sung trả ngải”… Kẻ muốn được
ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn, hàm ơn thì
lại quá ít, đếm số người biết ơn
thì dễ hơn số người vô ơn, vì số
người này quá lớn, có những con cháu vô ơn, có
những học trò vô ơn, có đủ thứ
người vô ơn, thậm chí có người nói một
cách chua chát: “Ném cho con chó một khúc xương, nó vẫy
đuôi tỏ vẻ cám ơn, còn làm ơn cho một
người, thì rồi bạn sẽ thấy người
ấy làm gì cho bạn?”.
Chúng ta nhìn nhận rằng: làm ơn thì không
đòi trả nghĩa, nhưng đã chịu ơn thì
phải biết ơn: “có đi có lại mới toại
lòng nhau”. Tuy nhiên, nếu làm ơn mà mong người sẽ
trả ơn lại mình thì đó chỉ là một việc
bình thường và tầm thường, nếu không
muốn nói là xấu, tính toán, ích kỷ và vụ lợi.
Nhưng nếu làm ơn mà không đòi trả nghĩa thì
đó mới là tấm lòng vàng, cao quý, cao thượng.
Ngược lại, nếu đã chịu
ơn thì phải biết ơn. Bổn phận biết
ơn không có nghĩa là đổi chác, bồi hoàn, nhưng
là một sự bày tỏ điều mình nhận biết
về giá trị tinh thần và vật chất đã
nhận được. Một món quà chúng ta nhận
được, không những có một giá trị vật
chất bằng tiền của trong đó, nhưng còn gói
ghém bao tình thương, tình cảm quý mến và hy sinh
của người cho hay tặng món quà ấy. Có những
món quà mà vật chất chỉ là vỏ, còn ruột là tình
yêu. Nhận ra được như thế, hiểu
được như thế mới thấy, mới
biết ơn huệ là gì. Dĩ nhiên, chúng ta đừng
chỉ coi những gì lớn lao mới là ơn, bất
cứ những gì người khác đem lại cho chúng ta:
một niềm vui, một sự bình an, một sự
thăm hỏi…đều là ơn và chúng ta phải biết
ơn. Chúng ta hãy nhớ: biết ơn người khác làm
cho tấm lòng họ càng mở rộng thêm ra, đúng
như câu nói: “một lần cám ơn là hai lần xin
ơn”, một lời cám ơn được nói ra, không
mất mát gì, không tốn kém gì, nhưng sẽ làm phát sinh
nơi người làm ơn cũng như người
thụ ơn một niềm vui lan tỏa. Một câu cám
ơn trên môi miệng có giá trị như vậy, nên nếu
chúng ta không biết ơn thì giá trị con người chúng
ta chẳng hơn gì chín người phong hủi kia: “ai mà
phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng
chẳng thơm”. Biết ơn là một tập quán mà
mọi người phải học tập, có nghĩa là
chúng ta quý mến những gì người khác làm cho chúng ta và
không coi chúng là những chuyện dĩ nhiên phải thế,
không nhận nhưng không. Khi người khác làm gì cho chúng
ta, nhất là những việc chúng ta không có quyền hy
vọng được làm, thì việc tối thiểu chúng
ta phải làm là nói “cám ơn”. Những người phong
hủi không có quyền được chữa lành, nhưng
chỉ có một người tỏ ra biết điều
trở lại cám ơn Chúa.
Sống với nhau, chúng ta còn phải
biết đối xử với nhau như thế, còn
phải biết ơn người làm ơn cho mình, thì chúng
ta lại càng phải biết ơn Thiên Chúa nhiều hơn
nữa. Lòng biết ơn Thiên Chúa là thái độ làm con mà
Chúa Giêsu đã làm gương, Ngài luôn luôn cảm tạ Chúa
Cha thay cho chúng ta; thánh Phao-lô không ngừng tạ ơn Thiên
Chúa thay cho các tín hữu và kêu gọi họ sống tâm tình
biết ơn này. Lòng biết ơn Thiên Chúa còn là thái
độ sâu xa nhất của lòng tin, đồng thời
làm tăng thêm lòng tin vào Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ: tạ
ơn Chúa là dấu tỏ lộ lòng tin vào Thiên Chúa, là tuyên
xưng lòng tin của mình.
Tóm lại, đời chúng ta là kết tinh
của bao công ơn, chúng ta phải biết ơn, cám ơn
mọi người có liên hệ gần xa với chúng ta,
tất cả đều là những ân nhân của chúng ta.
Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải
biết ơn và cảm tạ Chúa luôn luôn, bởi vì tất
cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có
đều là những ơn Chúa ban. Cảm tạ Chúa là
một sự công bằng, hợp lý, không bao giờ
đủ, cả đời sống dương thế
để mà tạ ơn Chúa cũng không đủ,
huống chi chúng ta chỉ thỉnh thoảng cám ơn,
thậm chí quên bẵng luôn những việc tạ ơn,
thì thật là bất hiếu, bất kính biết bao.
|