Tán tụng
hồng ân- Lm.
Vũ Minh Nghiễm
Cách đây không
lâu, trong kỳ nghỉ hè, một thanh niên Trung học tình
nguyện đi làm việc xã hội ở Nicaragua. Chàng đi theo một nhóm y
tế đến một làng nhỏ trên miền núi
để chích thuốc ngừa bệnh tê liệt, bệnh
đậu mùa, cho các trẻ em nghèo ở đó. Chàng
thuật lại rằng:
“Cuối tuần
đầu, tôi cảm thấy rất chán nản, nhớ
nhà, nhớ bạn. Tôi đi ra ngoài trời, ngồi ủ
rủ trong bóng tối và tự hỏi: Tại sao tôi
lại tình nguyện đi tới một nơi xa lạ
nghèo khổ như thế nầy? Bỗng tôi nghe có
tiếng người nói trong đêm tối. Đó chính là
José Santos, một giáo viên cũng là gia trưởng của
gia đình tôi trọ. Ông kéo ghế ngồi gần bên tôi,
mắt ngước lên nhìn trời.
Sau một phút
thinh lặng, ông José bắt đầu nói:
“Thật là hùng
vĩ”
Tôi hỏi:
- Thưa
Thầy, Thầy nói gì vậy?
Ông José lại
nói:
“Thật là hùng
vĩ!”
“Đôi mắt
ông vẫn ngước nhìn lên trời. Tôi cũng nhìn lên
trời theo. Thì ra tôi đã không để ý rằng trên
đầu tôi, hằng hà sa số những ngôi sao lung linh
nhấp nháy, một quang cảnh rực rỡ vô cùng. Chúng
tôi cứ ngồi đó mãi, mắt nhìn lên trời hoài,
thưởng ngoạn sự huy hoàng của muôn vì sao trên
không trung lồng lộng.”
Cảm nghiệm
hôm đó, không bao giờ tôi có thể quên được.
Sáng hôm sau, tôi đi tới một ngọn suối
để tắm. Chung quanh tôi, cỏ cây mơn mởn
tươi xanh. Vạn vật điều yên tĩnh,
trừ ra tiếng nước chảy róc rách, hòa với
tiếng bầy chim ca hát líu lo trên ngọn cây. Bây giờ tôi
nhớ lại lời ông José nói trong đêm vừa rồi:
“Thật là hùng vĩ!” Những cảnh tượng Thiên
Chúa ban cho chúng ta thật là hùng vĩ. Và tôi cảm thấy
tâm hồn sảng khoái lạ thường. Chưa bao
giờ tôi cảm nghiệm được lòng biết
ơn đối với Chúa sâu sa như vậy. Chưa bao
giờ tôi cảm nghiệm được tình Chúa yêu
thương tôi bao la như vậy. Khi trở lại chích
ngừa cho các em trong làng, tôi luôn luôn vui cười, từ
đầu chí cuối, đến nỗi đau cả hai
gò má.”
Câu chuyện nầy nhắc chúng ta nhớ
đến hai hạng người mà Chúa Giêsu nói đến
trong Phúc âm hôm nay. Hạng người biết tri ân
đối với những ơn Thiên Chúa đã ban cho mình.
Và hạng người vô ơn bội nghĩa.
Câu chuyện trên cũng cho chúng ta thấy
rằng: Các em nào lớn lên mà hay vô ơn, là vì các em đó
đã không được ai chỉ vẽ cho biết cách
tri ân. Cậu sinh viên Trung học nói trên, sở dĩ
học biết lòng tri ân đối với các ơn Thiên
Chúa ban cho là nhờ có ông giáo viên José Santos dạy bảo cho.
Một hôm nà Ann
Landers nhận được một bài do người nào
đó cắt trong báo Wall Street Journal gởi cho bà. Bài đó
như sau:
“Một hôm, có
người hỏi một người miền Nam Hoa-kỳ rằng:
- Ranh giới
miền Nam thực sự bắt đầu từ chỗ nào?
Người
miền Nam kia đáp lại cách kiêu hãnh:
- Ranh giới
miền Nam bắt đầu từ chỗ người ta
thấy các trẻ em biết nói: ‘Dạ, thưa ông có’.
‘Dạ, thưa không’.
Thật ra, bài báo
nói tiếp, phép lịch sự không phải là vấn
đề địa dư. Nhưng phép lịch sự
đó, các học được nơi cha mẹ, không
phải nơi con dấu của bưu điện.”
Bài báo vừa rồi nhắc nhở cha
mẹ có bổn phận dạy bảo con cái biết ăn
nói lịch sự. Nhưng ăn nói lịch sự và có lòng
biết ơn cũng là một. Chỉ có những ai lịch
sự mới biết nói: “Cảm ơn”. Không phải
bất cứ lời cám ơn nào, nhưng là lời cám
ơn chân thành.
Một trong những phương pháp hữu
hiệu để dạy con phải có lòng biết ơn,
là phương pháp của José Santos
dạy cậu học sinh Trung học Chicago
nói trên. Đó là chia sẻ những lý do thúc đẩy mình
biết ơn Thiên Chúa về những ơn lành Ngài đã
ban cho.
Ông Byron, một
người sinh trưởng tại Nebraska, nói: “Khi lên 8
tuổi, tôi có một con ngựa nhỏ tên Frisky. Một
buổi sáng, khi tôi đang ngồi trên lưng, bỗng nó lồng
lên, chạy nhảy như điên khùng. Tôi hết hồn
hết vía, nhắm mắt cố ghì chặt lấy lưng
ngựa. Sau cùng, may quá, tôi được thoát nạn, an
toàn. Tối đó, trước giờ đi ngủ, ba tôi
lên phòng, bảo tôi quì xuống đất bên cạnh
người, rồi người lớn tiếng chúc
tụng tạ ơn Chúa vì đã cho tôi được qua
tai qua nạn khỏi. Đến nay đã 55 năm rồi,
tôi vẫn nhớ mãi đêm đó. Đêm mà ba tôi dạy tôi
biết tạ ơn Thiên Chúa về ơn lành Ngài đã ban
cho tôi như thế nào. Và từ đó, tôi coi việc tán
tụng hồng ân Thiên Chúa là bổn vụ thường
xuyên hằng ngày của cuộc đời tôi.”
Trở lại với Phúc âm hôm nay, chúng ta hãy
tự hỏi mình: Tôi thuộc hạng người nào? Tri
ân hay phụ ân?
Nếu là phụ huynh, là cha mẹ, tôi có lo
dạy bảo con em biết tạ ơn Chúa về các
ơn lành Chúa ban cho không?
Bài Phúc âm hôm nay nói trong số mười người
được chữa khỏi bệnh phong cùi, thì chỉ
có một người biết tạơn Chúa thôi. Mà
người nầy lại là người ngoại giáo. Còn
chín người thuộc dân riêng Chúa đều phụ
ơn.
Trước cảnh tượng nầy, Chúa
Giêsu lấy làm buồn, hỏi:
“Không phải tất cả mười
người đều được lành sạch cả
sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy trở
lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
bang nầy?
Chúa buồn không phải buồn vì bị
phụ ơn, cho bằng buồn vì thấy trong 10
người, chỉ có một người hiểu biết
tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên
Chúa.
Bệnh phong cùi là thứ bệnh nan y
thời bấy giờ. Chỉ có một phép lạ do
quyền năng của Thiên Chúa mới chữa lành
được. Vậy việc Đức Giêsu chữa
họ khỏi bệnh phong cùi là một lời tuyên bố
Ngài là ai. Ngài là Đấng Thiên Sai đã được các
tiên tri loan báo từ lâu đời về trước. Ngài
đến để thuyên chữa các tật bệnh,
đem hy vọng tới cho những người tuyệt
vọng, những tù nhân.
Trong mười người chỉ có
một đến tạ ơn Thiên Chúa, vì nhận biết
rằng loài người trước mặt Ngài chỉ là
những hành khất, những người đi xin bố
thí. Và người đó là người dân ngoại. Còn chín
người kia, những người thuộc dân Chúa
chọn, thì vô ơn, coi ân huệ Chúa ban cho họ như tất
nhiên. Như cha mẹ sinh con ra, tất nhiên phải lo
gầy dựng cho con cái. Họ là những người mù
lòa thiêng liêng, không nhìn thấy tình trạng thấp kém nghèo
hèn của mình trước mặt Thiên Chúa. Chính sự mù lòa
thiêng liêng của họ đây hơn là sự họ
phụ ơn Ngài, làm cho Đức Giêsu phải buồn
rầu.
Chúng ta biết rằng lòng biết ơn là
một nhân đức trong đạo. Người Việt
Nam gọi
là hiếu nghĩa, hay là chữ Hiếu. Điều răn
thứ IV dạy chúng ta phải có hiếu, phải biết
ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên, và trên hết là biết
ơn.
Chúa Trời, Đấng tạo thành vạn
vật. Thánh lễ, trung tâm điểm của việc
thờ phượng Chúa mà chúng ta đang cử hành trong
giờ nầy, là do tiếng Eucharistia, một danh từ
trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Tạ Ơn.
Dâng thánh lễ hay là dâng lời Tạ Ơn
Thiên Chúa cũng là một. Thể theo lời truyền
dạy của Chúa trong đêm Tiệc Ly, Giáo Hội dạy
chúng ta năng đi dâng lễ, tối thiểu một
tuần một lần trong ngày Chúa nhựt, hầu nhớ
lại những ơn lành hồn xác Ngài ban cho chúng ta là
những người mắc bệnh phong cùi một cách nào
đó, là những người thực sự đi ăn
xin bố thí trước cửa nhà Chúa.
Hội Thánh dạy chúng ta năng đi dâng
lễ là để Tạ ơn Chúa. Thánh lễ là trung tâm
điểm của việc thờ phượng Chúa.
Cảm tạ hồng ân Chúa cũng phải là trung tâm
điểm của đời sống tín hữu của
chúng ta.
Để tóm lược: nhân bài Phúc Âm có
giọng điệu u buồn hôm nay, mỗi một
người trong chúng ta hãy tự xét mình:
Trước hết, tôi thuộc về hạng
người nào trong hai hạng người của Phúc Âm.
Hạng người biết ơn như người
ngoại bang Samari? Hay hạng người vô ơn bội
nghĩa cùng Chúa như chín người Do-thái kia?
Sau nữa, nếu là cha mẹ, phụ huynh,
tôi có lo dạy vẽ cho con em biết cách xử thế
lịch sự cùng mọi người, biết tạ
ơn Chúa về những ơn Ngài đã ban cho, ít nhứt
trước khi lên giường nằm ngủ, như
cụ thân sinh của ông Byron nói trên chăng?
|