Tạ Ơn Chúa – Logos
Vào ngày 07/9/2004,
hai người phụ nữ Ý tên Toretta và Pari đã bị
một nhóm người vũ trang bắt cóc khi họ
đang làm công tác từ thiện tại Irắc. Hai
người phụ nữ này đều thuộc gia
đình Công Giáo rất sùng đạo. Cả nước Ý
đã lo lắng cho số phận của 2 con tin. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra
lời thỉnh cầu với nhóm người bắt cóc
xin hãy vì lòng nhân đạo mà thả 2 người phụ
nữ ra. Vơí mọi cố gắng của chính
phủ Ý trong việc đối thoại và thương
lượng với nhóm người bắt cóc, cuối cùng
2 người phụ nữ đã được thả
tự do vào ngày 28/9/2004, sau 3 tuần bị giam giữ.
Vào ngày 05/10/2004
vừa qua, cô Toretta và Pari đã cùng gia đình đến Vatican xin triều yết Đức Thánh Cha. Họ quỳ
gối trước mặt ngài để cám ơn ngài
đã cầu nguyện và lên tiếng can thiệp để
họ được trả tự do. Trước tin vui
này, Đức Giáo Hoàng đã cùng với gia đình 2 người
phụ nữ dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Hai người phụ nữ đã cám ơn
Đức Giáo Hoàng và tạ ơn Thiên Chúa vì những ân huệ đã lãnh nhận. Đó cũng là
thái độ của mọi người trước
những hồng ân cao cả của Thiên
Chúa. Nhưng đáng tiếc, nhiều
người đã quên nói lời cám ơn trước
những ơn lành mình nhận được.
Bài Tin Mừng theo thánh Luca
hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành
mười người phong cùi, nhưng chỉ có một
người trở lại để tạ ơn Chúa. Và
thật trớ trêu, đó lại là một người
xứ Samaria, một
người dưới mắt người Do thái là
một kẻ ngoại giáo! Đó là một điều
đáng buồn, đến nỗi Chúa Giêsu phải thốt
lên: “Chớ thì không phải cả mười người
được lành sạch cả sao? còn
chín người kia đâu?”. Có lẽ đó
cũng là lời chất vấn dành cho những ai không
nhận biết ơn Thiên Chúa để cảm tạ Ngài.
Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu đã nên mẫu
mực cho chúng ta về lòng biết ơn Thiên Chúa và cả
cuộc đời của Ngài luôn vang lên lời tạ
ơn Thiên Chúa Cha.
Cuộc đời Chúa Giêsu là bài
ca tạ ơn.
Chúa Giêsu thường tìm
đến nơi thanh vắng để cầu nguyện
với Chúa Cha. Nhưng khi biểu lộ
tâm tình tạ ơn thì Ngài lại thực hiện công khai
trước mặt mọi người. Chúa muốn dạy mọi người bài học
về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.
Trước khi làm phép lạ hóa
bánh ra nhiều, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ
ơn rồi phân phát cho mọi người (Ga 6, 11).
Trong bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài
cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao
cho các môn đệ (Lc 22, 19). Đứng
trước nấm mồ Lazarô, trước khi làm cho anh ta
sống lại, Chúa Giêsu đã dâng lời cảm tạ
Thiên Chúa (Ga 11, 41).
Cả cuộc sống của
Chúa Giêsu là một lễ tạ ơn liên lỉ. Ngài đã hy sinh mạng sống làm hy tế dâng lên
Đức Chúa Cha. Vì thế, ngày hôm nay,
khi dâng lễ tạ ơn mỗi ngày, chúng ta cử hành
mầu nhiệm cuộc đời Chúa, chúng ta sống
lại tâm tình tạ ơn của Chúa, là tâm tình của
Người Con dâng lên Chúa Cha.
Cuộc đời của Chúa
là bài ca tạ ơn luôn vang lên những giai điệu vui
tươi trong những giây phút hân hoan và trong cả
những giờ khắc bi thảm. Bài ca tạ ơn
đó đã ngân lên từ môi miệng của Mẹ Maria
(Magnificat), ông Zacaria (Benedictus) và vẫn tiếp tục ngân
vang trong tâm hồn những người tín hữu hôm nay.
Lời cám ơn, bông hoa đẹp của cuộc
sống.
Ngạn ngữ Pháp nói: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Đúng vậy, lời tri ân cảm tạ là lời nói của con tim. Lòng biết ơn là nghĩa cử của tâm
hồn. Chỉ có những trái tim
gỗ đá mới không nhận biết ân huệ
được trao tặng. Vì vậy, lòng
biết ơn là bông hoa đẹp tô điểm cho cuộc
đời. Chính những lời cám ơn sẽ làm cho
cuộc sống tăng thêm hương vị ngọt ngào
và làm cho cuộc đời này thêm ý nghĩa vì mọi
người biết liên đới với nhau hơn.
Ngạn ngữ Anh nói: “Cho người có lòng
biết ơn là cho vay”. Quả thật,
cuộc sống hiện tại của mọi người
sẽ đẹp biết bao khi mọi người
biết chia sẻ tình thương cho nhau. Mỗi cử chỉ yêu thương sẽ
được đánh dấu bằng lời “cám ơn”,
sẽ làm giàu thêm tình người. Mọi
người sẽ sống trong tình huynh đệ với
những “món nợ tình thương” trao trả cho nhau.
Lời tạ ơn Thiên Chúa
của chúng ta còn là những bông hoa đẹp đẽ
nhất của tấm lòng mà chúng ta dâng cho Chúa mỗi ngày.
Những bông hoa ấy trang điểm cho tâm hồn chúng ta
thêm xinh đẹp nhờ những ân
sủng Thiên Chúa tặng ban. Vì “thật ra, Chúa không cần
chúng ta ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa
lại là một hồng ân cao cả, vì
những lời ca tụng của chúng ta chẳng thêm gì cho
Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu
độ muôn đời” (Kinh Tiền Tụng Chung, IV).
Đúng vậy, những lời tạ ơn của chúng ta
như làn hương tỏa bay lên cao và kéo thêm nhiều
cơn mưa hồng phúc xuống cuộc đời chúng
ta, vì thế, khi người Samaria
quay trở lại tạ ơn Chúa, Chúa nói: “Ngươi hãy
ra về, vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa
ngươi”. Người Samaria không những
được ơn lành bệnh mà còn được
ơn cứu rỗi nữa. Cũng
thế, sau khi được tiên tri Êlisê chữa khỏi
bệnh cùi, tướng Naaman người xứ Syria
đã trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên
Chúa. Từ đó, ông nhận
được niềm tin vào Thiên Chúa (bài đọc 1, trích
sách Các Vua Quyển thứ hai).
Một ngày kia, có hai thầy trò đi dạo trên con
đường miền quê. Đang đi,
họ chợt nhìn thấy một đôi giày cũ kỹ
để bên vệ đường. Đó
là đôi giày của người nông dân nghèo khó đang làm
ruộng bên cạnh. Cậu học trò tinh nghịch
định giấu đôi giày đi để trêu chọc
người nông dân, nhưng ông thầy đã ngăn
cản cậu: con đừng tìm niềm vui qua việc trêu
chọc một con người nghèo khổ như thế,
nhưng hãy tìm niềm vui khác to lớn hơn: con hãy bỏ
vào mỗi chiếc giày một đồng tiền xem ông ta
phản ứng ra sao?”. Sau khi bỏ tiền vào đôi giày, hai
thầy trò trốn vào một bụi cây để xem
người nông dân xử sự thế nào. Khi
xỏ chân vào đôi giày để ra về, người
nông dân phát hiện ra hai đồng tiền. Ông ta
rất ngạc nhiên nhìn chung quanh,
nhưng không thấy ai, ông ngắm nghía hai đồng
tiền thật lâu rồi bỏ vào túi. Với sự xúc
động tràn ngập trong lòng, người nông dân quỳ
xuống, ngước mặt lên trời dâng lời tạ ơn
Thiên Chúa đã dùng bàn tay vô hình nào đó đem đến cho
ông một món quà thật đúng lúc trong hoàn cảnh khốn
khó hiện tại của gia đình ông.
Chúng ta bắt chước người nông
dân kia luôn cảm tạ Thiên Chúa
trước những ân huệ Ngài ban. Chúng ta cũng hãy
học lấy hành động yêu thương của hai
thầy trò: hãy luôn biết cho đi bằng những “bàn tay
vô hình” đầy ắp tình thương. Đó
là cách tạ ơn Chúa tốt đẹp nhất của
chúng ta.
|