Từ
bỏ lạc giáo Chứng Nhân Giê-ô-va
và
trở thành tín hữu Công Giáo đạo đức
Đức quốc : Nữ tài tử Katja Giammona (KG), 31
tuổi, được hàng triệu khán giả ở Đức biết đến qua bộ phim « Unser Charly »
được trình chiếu trên đài truyền hình ZDF và qua phim « Eine Liebe auf Kuba »
trên đài ARD, được sinh ra ở thành phố kỹ nghệ xe hơi VW Wolfsburg, thuộc bắc
Đức, trong một gia đình gốc Ý theo lạc giáo Giê-ô-va (Jehovas). Nhưng khi
người cậu của cô, do có quan hệ với một người phụ nữ Công Giáo, đã bị trục
xuất khỏi lạc giáo, thì toàn bộ gia đình cô cũng từ bỏ lạc giáo và đồng thời
chấm dứt tất cả mọi hình thức quan hệ với các tôn giáo. Nhưng giữa những
khủng hoảng nội tâm trầm trọng như thế, hoàn cảnh nào đã đưa đẩy nữ tài nử K.
Giammona trở thành tín hữu Công Giáo đạo đức. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự
sau đây của cô ta với ông Michael Ragg (MR), một cộng tác viên của cơ quan từ
thiện Công Giáo ‘Kirche in Not’ (Giáo Hội đau khổ) :
MR : Sau những kinh nghiệm tiêu cực với lạc giáo
Giê-ô-va, cô đã dứt khoát không muốn liên lạc với tôn giáo nữa. Tại sao cô lại chịu phép Rửa
Tội Công Giáo?
KG : Thật ra
tôi đã không muốn tin theo một tôn giáo nào nữa. Lý do đơn giản là tôi đã phải trải qua những kinh nghiệm không tốt.
Nhưng tôi lại yêu Chúa Giêsu, Đấng cũng đã chịu Phép Rửa, nên tôi đã chịu
Phép Rửa Tội Công Giáo. Trước đó tôi đã mắc phải bệnh trầm cảm, tôi luôn cảm
thấy đời thật vô nghĩa, tôi lại còn bị bệnh xuyễn và chứng đau đầu. Nhưng rồi
sau khi chịu Phép Rửa Tội, tôi cảm thấy mình như hoàn toàn được giải phóng
khỏi tất cả. Bổng chốc mọi đau khổ buồn phiền cũng như mọi bệnh tật đều biến
tan. Điều đó muốn nói rằng tôi như đã được thoát khỏi mọi xiềng xích từng
trói buộc mình, và tôi cảm thấy mình trở nên nhẹ nhàng như một chiếc lông
vậy. Phép Rửa Tội thực sự là cả một điều thần bí, mà chúng ta không thể lấy
lý trí ra để đo lường được.
MR : Mới mười 19 tuổi, cô đã làm mẹ rồi. Nhưng cô đã
sinh nở trong một tình trạng hết sức nguy hiểm…
KG : Quả thực là một phép lạ khi cháu gái tôi được sinh
ra mà còn sống và khỏe mạnh. Vì do bị nhiều biến chứng khác nhau, nên các bác
sĩ đã không còn hy vọng gì nữa. Họ đã nói với tôi là tôi phải chấp nhận rủi ro,
để mạng sống tôi không bị nguy hiểm, khi tôi đành phải bỏ đứa con. Nhưng tôi
đã trả lời họ : Xin các ông hãy để cho tôi được yên ! Con tôi sống ! Tôi đã
tìm kiếm an ủi trong Kinh Thánh. Tôi xác tín rằng Thiên Chúa luôn thương yêu
đưa mắt nhìn đến tôi và con tôi.
MR : Nhưng cô đã trở nên một người Công Giáo quá trể.
Tại sao?
KG : Một bà bạn của mẹ tôi đã rủ tôi cùng đi hành hương
với bà. Đối với tôi, Fatima và Lộ Đức là những thánh địa quá thời danh, trong
khi đó tôi chỉ muốn tìm cho mình một nơi nào đó thật yên tĩnh. Chúng tôi đã
quyết định đi hành hương ở Mễ-Du (Medjugorje). Ở đó tôi đã gặp gỡ những người
vô cùng dễ thương, dù họ là ai, làm nghề nghiệp gì hay đến từ đất nước nào,
đều không quan trọng. Tôi không hề có cảm giác là có ai đó đang theo dõi tôi,
để muốn biết tôi là ai, từ đâu đến, tôi làm nghề gì hay tôi quen biết ai. Ở
Mễ-Du tôi cảm thấy mình được làm con người thực sự : có thể khóc, có thể
thong thả đi khắp nơi mà không cần phải trau tria, không cần phải thoa son
đánh phấn gì cả. Khi đi hành hương tôi đã mang theo đủ thứ giày dép, nhưng
rồi tôi đã cởi bỏ hết và tôi cũng quên hết những thứ phù phiếm khác nữa. Đó
là lần đầu tiên ở Mễ-Du tôi cùng đi ngắm Đàng Thánh Giá với người khác. Và ở
phía trên đỉnh cao, tôi đã được đứng trước tượng Đức Mẹ. Ở đó, tôi đã nhìn
thấy được toàn diện đời mình và biết mình đã thiếu sót những gì. Tôi đã nhận
ra được rằng : Thiên Chúa vẫn sống, Người luôn hiện diện. Sự cảm nghiệm này
đã tác động một cách mạnh mẽ trên nội tâm của tôi.
MR : Đời cô đã được thay đổi như thế nào?
KG : Trước kia mọi tương quan của tôi hoàn toàn chỉ
hời hợt nông cạn. Cả đời tôi chỉ biết tiêu xài và ăn chơi. Nhưng sau khi đi
hành hương về, tôi cảm thấy rằng cuộc sống còn có nhiều giá trị khác nữa;
bừng lên trong tôi một nỗi khao khát nội tâm muốn đi vào chiều sâu cuộc đời
và được gặp gỡ những người cùng chung niềm tin vào Thiên Chúa như tôi. Bởi vì
trong môi trường sống hiện nay của tôi, có lẽ chỉ có tôi là người duy nhất đề
cập tới Thiên Chúa. Và do đó, tôi đã tìm đến với đức tin Công Giáo và với
những Kitô hữu sốt sắng và can đảm sống đức tin của mình. Đó là điều tôi đã
đạt được, và tôi thấy thật tuyệt vời khi có thể nói lên một cách công khai
những cảm nghiệm đó.
MR : Trước kia cô sống một cuộc sống hoàn toàn phóng
khoáng bay nhảy : nào là đi du hí khắp nơi, ăn chơi bè bạn, tiệc tùng. Còn
bây giờ cuộc sống của cô lại trở nên kém màu sắc hơn?
KG : Không, hoàn toàn không phải thế ! Những điều hay
và những cái đẹp của cuộc sống vẫn còn y nguyên, nhưng đức tin đã giúp tôi
biết thưởng thức chúng một cách sâu xa, một các đầy biết ơn và vui mừng hơn.
MR : Bây giờ cô đi nhà thờ xem lễ và đọc cả sách Giáo
Lý Công Giáo nữa…?
KG : Người ta phải đọc Sách Giáo Lý chứ. Đúng là tôi
đã trở thành nữ trinh thám rồi, và một cách rõ ràng dứt khoát. Tôi cũng đọc
các Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng. Thật ra, sống giữa một xã hội đầy dẫy bao
lạc thuyết, thì người ta phải làm gì hơn là tìm hiểu giáo lý Công Giáo ?
Vâng, Giáo Hội luôn là thân mình Đức Kitô. Giáo Hội là quê hương của tôi, là
bến cho thuyền đời tôi cập vào. Và tôi cố gắng đi xem lễ mỗi ngày. Đó là điều
mà các đồng nghiệp tôi cũng đã ghi nhận khi chúng tôi đi quay phim bất cứ nơi
nào đó, kể cả ở Cu-ba. Mỗi khi công việc quay phim xong và không ai thấy tôi
đâu nữa, thì họ đã biết ngay : « Katja đang ở trong nhà thờ ». Và mọi người
đều cho đó là một điều hoàn toàn tốt. Tôi đã hoà nhập việc đi nhà thờ xem lễ
vào trong nhịp sống của tôi rồi. Đối với tôi đó làm một điều quan trọng như
hít thở không khí và ăn uống vậy.
MR : Còn vấn đề đi xưng tội đối cô ra sao ? Nhiều
người không tránh khỏi khó khăn trong vấn đề này…
KG : Nếu vấn nạn dù có phần khó khăn đi nữa, thì người
ta cũng có thể nhìn thấy trong đó được mặt tích cực của nó. Đó là người ta
cần phải lo cho đời sống nội tâm của mình và cần phải biết sống khiêm tốn
trước mặt Thiên Chúa. Nhưng cũng có thể là vấn đề trở nên khó khăn vất vả, vì
lý do là người ta đã coi thường và bỏ bê việc đi xưng tội. Nếu thế, thì đó
lại là vấn đề hoàn toàn khác.
MR : Đặc biết nhất là trong phim truyện « Unser
Charly » cô đã trở thành một khuôn mặt quá quen thuộc trên đài truyền hình.
Cô có cảm thấy bằng một cách nào đó, là với tư cách một người Công Giáo, mình
phải có trách nhiệm làm gương cho người khác không?
KG : Tôi cố gắng sống tốt và trung thành với Thiên Chúa,
nhất là qua việc lãnh nhận các Bí tích. Tiếp đến, chính công việc của tôi tự
nói thay cho tôi, chứ tôi nghĩ không cần phải làm gì thêm.
MR : Cô đã cho xuất bản cuốn tự thuật của mình với
tựa đề : ‘… hätte aber die Liebe nicht’ (…nhưng giá thử không có tình yêu).
Một phần trong số tiền thu được cô gửi giúp quỹ của tổ chức ‘Mano Amiga’, còn
phần khác cô gửi giúp quỹ của cơ quan từ thiện ‘Kirche in Not’. Cô đánh giá
thế nào về hai tổ chức từ thiện này?
KG : Hai tổ chức từ thiện này rất thân thương đối với
tôi. ‘Mano Amiga’ là một tổ chức nhắm giúp đỡ các trẻ em nghèo ở Châu Mỹ
La-tinh, để chúng có được điều kiện cắp sách đến nhà trường, và như thế có
được một viễn tượng đầy hy vọng cho tương lai. Tiếp đến, qua tổ chức ‘Kirche
in Not’, tôi biết được biết bao Kitô hữu đang phải sống trong cảnh đau khổ áp
bức về mọi mặt. Vì thế, người ta cần phải giúp đỡ họ và cần phải quảng bá
cũng như thông tin về tình trạng đó, để có nhiều người góp tay giúp đỡ hơn
nữa. Tôi đã kể cho các đồng nghiệp của tôi nghe, và tất cả họ đều chưa được
hay biết gì về những chuyện đó.
MR : Các phim cô đóng luôn luôn có phần kết tốt đẹp.
Cô có tin rằng điều đó sẽ đưa đến cho cuộc sống mỗi người cũng như của toàn
thể nhân loại một ‘Happy End’?
KG : Dĩ nhiên, vì như người ta đã đọc thấy trong Kinh
Thánh : Chắc hẳn phải có một ‘Happy End’ !
(Trích tuần báo ‘Paulus’ của Giáo phận Trier/Đức
quốc, sỗ 24, ngày 17.06.2007; năm thứ 133)
|