Niềm hy vọng của nhân loại
(Suy niệm của Lm. Bùi Quang Tuấn)
"Kẻ đói nghèo Chúa ban
của đầy dư; người giàu có lại
đuổi về tay trắng" (Lc 1:52-53). Lời kinh
Magnificat của Đức Maria trong ngày thăm viếng
chị họ Elisabet đã được Chúa Giêsu làm rõ nét
hơn qua dụ ngôn "Phú ông và Lazarô."
Hai con người rất
gần nhau trong không gian, nhưng lại rất xa nhau trong
cảnh sống. Phú ông mặc toàn gấm vóc, lụa là;
người ăn mày Lazarô nghèo nàn, rách
nát. Phú ông ở nơi nhà cao cửa rộng;
Lazarô lê lết bên cổng nhà giàu. Phú ông
ngày ngày yến tiệc linh đình; Lazarô không một chút bánh
cầm hơi. Phú ông sống trong thiên
đàng dương thế; Lazarô chịu cảnh hoả
ngục trần gian.
Thế
giới của hai người chỉ cách nhau bằng
một chiếc cổng, ấy thế mà vẫn như xa
nhau vô cùng. Người nhà giàu
chẳng khi nào bước qua chiếc cổng đó
để đi vào thế giới người nghèo.
Ông ta chôn mình trên nhung lụa và hưởng thụ mê say. Đang khi kẻ bất hạnh nằm chờ
chút bánh rơi mà không được; anh ta thèm thuồng nhìn
những miếng bánh "lau tay" đi vào miệng
bầy chó. Mấy con chó này còn "có lòng" hơn
phú ông khi không "cắn gậy ăn
mày," nhưng đến liếm các mụn ghẻ cho anh
ta.
Thời xưa, trên các bàn ăn
của người Do thái chưa hề có dao, muỗng,
nĩa và khăn lau tay như ngày nay.
Người ta dùng tay để lấy
và cầm thức ăn. Tại nhiều nhà sang trọng hay
trong những nơi quyền quí, người ta có thói quen
lau tay ngay trên những miếng ruột
bánh mì mà sau bữa ăn sẽ được vứt
đi. Đây là thứ bánh "lau tay" mà
Lazarô khao khát trông chờ. Song hoài công! Phú
ông vẫn làm ngơ, vô tình.
Nhưng
rồi cái chết ập đến làm đổi thay
tất cả. Kẻ từng lê lết
dưới chân bàn ăn thì
được đưa lên mây trời; còn người
ngồi nơi cao ráo lại bị tống xuống vực
sâu. Lazarô được hưởng phúc thiên
đàng; còn Phú hộ thì trầm luân hoả ngục.
Phải chăng Kinh thánh muốn nói: hễ sung túc
đời này sẽ bất hạnh đời sau và
khốn khổ hôm nay sẽ được hạnh phúc ngày
mai? Không hẳn thế, vì giàu sang không phải là tội và
nghèo khổ cũng chưa chắc là tấm vé thiên đàng.
Ân phúc là
việc người nghèo biết tựa nương,
cậy trông Thiên Chúa. Lazarô là danh xưng duy nhất mà Thánh
Luca đã đặt cho nhân vật "ăn
mày" trong dụ ngôn trên. Lazarô có nghĩa là
"Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi." Như
thế, kẻ ăn mày này đã biết
tin tưởng và phó thác đời mình cho Thiên Chúa dù
đang nghèo rớt mồng tơi. Chính niềm tin
tưởng và phó thác này đã mang lại cho anh ta ơn phúc
làm con tổ phụ Abraham--cha những kẻ tin.
Còn người phú hộ, ông ta
đâu có bóc lột hay ngược đãi gì kẻ khác; ông
đâu có ra lệnh tống cổ tên ăn mày khỏi
cổng nhà mình; ông cũng chẳng đánh đập hay
ăn chận gì của Lazarô, vậy cớ sao lại
bị đoạ đày trong chốn cực hình như
vậy?
Thái
độ đáng trách của Phú ông là đã làm ngơ
trước nỗi thống khổ của người bên
cạnh. Tội của ông là sự
dửng dưng, coi như không có sự hiện diện
của Lazarô. Chẳng phải vì
người phú hộ đã làm điều gì thất nhân ác
đức, nhưng vì ông ta đã không làm gì cả cho kẻ
khốn cùng.
Không
phải chỉ có làm điều xấu mới là tội,
nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự
đưa mình xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Mắt không chút xót thương, lòng không hề
vương vấn đã làm cho hố sâu ngăn cách
giữa ông và Lazarô rộng lớn đến nỗi không
thể qua được.
Người nghèo phải đau
khổ vì sự bần cùng đã đành, nhưng
người giàu cũng sẽ phải khốn nạn vì
sự giàu sang, nếu trong đó không có tình yêu và xót
thương.
Một nhà tư tưởng
đã chỉ ra hai nguy cơ của sự giàu có thiếu
tình thương như sau:
-
Một là nó khép kín lòng mình
với Thiên Chúa: người ta bằng lòng
với những lạc thú trần gian mà quên đi
đời sống vĩnh cửu là điều tối quan
trọng.
-
Hai là nó khép kín lòng mình
với tha nhân: người ta không còn nhìn
thấy người nghèo nằm ngay bên cổng nhà mình.
Hoả ngục chính là sự kéo
dài của tình trạng khép kín này: người ta vẫn mãi
xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Hố ngăn cách càng
được đào sâu và rộng bao nhiêu, đời sau
người ta sẽ hết phương trở về
bấy nhiêu. Thế nên thật chí lý khi nói rằng:
"Con người đã tự phán xử chính mình ngay
ở đời này"(Noel Quesson).
Nếu tôi yêu mến và liên
kết với Thiên Chúa qua tha nhân, ngày kia
tôi sẽ hiệp hoan Nước Trời. Trái
lại, nếu tôi ích kỷ trong hưởng thụ riêng
tư, chẳng hề quan tâm đến việc chia sẻ
phúc lộc mình có, thì nỗi đơn độc và khổ
đau sẽ là sản nghiệp đời đời cho
tôi.
Dụ ngôn "Phú ông và Lazarô"
là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn
thờ vật chất, say hưởng trần gian, quên
đi tình Chúa tình người. Nó còn là lời
kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng liên đới
với tha nhân, nhất là người nghèo.
Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: "Ngay
trong giờ phút lâm chung, bạn và tôi, bất kể chúng ta
là ai, đã từng sinh sống nơi nào, Kitô hữu hay là
lương dân, tất cả chúng ta, những người
được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên
Chúa bằng bàn tay yêu thương của Ngài, chúng ta sẽ
phải đứng trước nhan Giavê và được
xét xử tuỳ theo những gì đã sống và làm cho
người nghèo. Chính lúc này các cân lượng mẫu
mực cho việc phán xét sẽ được đưa
ra."
"Chúng ta phải càng ngày càng ý
thức hơn rằng người nghèo chính là niềm hy
vọng của nhân loại, bởi vì chúng ta sẽ
được xét xử theo cách thức
mà chúng ta đã cư xử với họ. Chúng
ta sẽ đối đầu với thực tế khi
được triệu về trước ngai Thiên Chúa.
Và Ngài sẽ nói: "Xưa ta đói, ta trần truồng,
ta không nhà cửa. Và những gì ngươi đã làm cho
một trong những kẻ bé mọn chính là đã làm cho
Ta."
"Kẻ
bé mọn" không chỉ là những người đang
nghèo nàn về vật chất, nhưng còn là những ai
đang thiếu thốn về tinh thần. Có
người nghèo cơm ăn áo mặc,
nhưng cũng không ít người nghèo giáo lý, kiến
thức, cảm thông, an ủi, thứ tha. vì
chẳng ai trao ban.
Thế
nên, hôm nay, sau khi nghe tiếng Chúa, bạn và tôi, chúng ta
đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy rộng mở
cho yêu thương và sẻ chia.
|