Hãy nghe các ngài
(Suy niệm
của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Đoạn nầy có thể chia
thành ba phần: - Cuộc sống của người giàu có
và Lazarô trên trần gian (16,19-21); - Số
phận của hai người sau khi chết (16,22-23); - Tình
trạng cực hình của người giàu có (16,24-31). Ngoài
việc chia sẻ chủ đề chung
về việc sử dụng của cải, đoạn
nầy bàn thêm về hậu quả của việc sử
dụng ấy khi cuộc đời nầy qua đi.
Số phận của người giàu có và Lazarô đảo
ngược trong cuộc đời bên kia.
Luca nhấn mạnh rất nhiều về việc Thiên Chúa
đảo ngược số phận giữa người
khiêm hạ và người quyền thế (1,46-55), giữa
các Phúc Thật và Chúc Dữ (6,20-26), và ở đây giữa
người giàu và người nghèo (16,19-31).
Cuộc
sống của người giàu có và Lazarô trên trần gian
Trong hai câu dẫn nhập Luca mô
tả hai con người với hai cuộc sống hoàn toàn
tương phản nhau: một người giàu có (c. 19.21)
và Lazarô nghèo khó (c. 20). Sự giàu có của người
nầy được mô tả qua cách ăn
mặc: áo đỏ tía, porphyra, chỉ dành cho vua (x. Mc
15:17.20; Kh 18:12) và hàng
mịn, byssos. Cả hai thứ nầy được
kể là những đồ quí giá chung
với vàng bạc, đá quý và ngọc ngà (Kh 18:12). Động
từ “mang” ở thì quá khứ chưa hoàn thành cho thấy
ông thường ngày mang áo quần nầy, chứ không
phải chỉ một dịp lễ lạc trọng
thể nào đó. Việc ông “làm yến tiệc”,
euphrain#, cũng kiên tục, và việc nầy nhắc
đến thái độ tự hài lòng của người
giàu có trên của cải ông đã kiếm được,
ăn uống, hưởng thụ và chỉ dừng
lại ở đó (12:19).
Tương
phản với người giàu có là người nghèo Lazarô. Khi Luca
dùng cách nói “tên là” (1:5.13.26.27.31…), ông muốn ám chỉ đó
là người được ưu ái trước mặt
Thiên Chúa. Hơn nữa, tên “Lazarô” có nghĩa là
“Thiên Chúa trợ giúp”. Sự nghèo khốn của Lazarô
được diễn tả qua tình cảnh bệnh
tật của ông: nằm liệt do bệnh, ball#, và
nhức nhối (c. 20) do những vết thương
lở loét của ông (c. 21). Đến lúc
nầy, dụ ngôn không nêu lên một lỗi phạm nào
của người giàu có. Chỉ trong
câu 21, tình cảnh của Lazarô được mô tả thêm
và sai lỗi của người giàu có mới
được hình dung ra. Lazarô nằm ở
trước cửa nhà người giàu có: đói lả và
muốn được ăn no như
tình cảnh của người con hoang đàng (15:16). Động
từ “ước muốn” nầy ở thể phân từ
hiện tại diễn tả tình trạng kéo dài. Như thế, Lazarô ở đó mỗi ngày và
chờ đợi những mẩu bánh vụn từ trên bàn
rơi xuống. “Cái bàn” gợi lên
yến tiệc của người giàu có; qua đó, cho
thấy người giàu có không nghĩ gì khác ngoài việc
hưởng thụ cuộc sống giàu có của ông. Ông chỉ sống cho mình và không biết
đến Lazarô nghèo khó trước cửa nhà ông. Bởi lỗi phạm đó mà ông sẽ chịu
hậu quả sau nầy.
Số
phận của hai người sau khi chết (16:22-26)
Đoạn
nầy và đoạn kế tiếp (16:27-31) được trình bày dưới hình thức
đối thoại giữa người giàu có và Abraham.
Những gì được nói đến trong hai
đoạn nầy không nhằm mô tả cuộc sống
sau khi chết, mà sự khác biệt tận căn và sự
đảo ngược giữa cuộc sống của
người giàu có và Lazarô. Câu 22 là câu chuyển tiếp:
người giàu có cũng như người nghèo khó
đều chết như nhau (c. 22), nhưng số phận
họ lại khác nhau. Lazarô được các
thiên thần đem vào lòng Abraham; trong khi người giàu có
“được chôn cất”. Abraham,
tổ phụ của dân Do thái (1:55.73; 3:8). “Lòng Abraham” là phần trước ngực. Ngồi vào lòng ai có nghĩa là nằm dựa
đầu vào ngực người ấy. Đây là vị trí cận kề và thân thiết (x.
Gio 1:18; 13:23). Hình ảnh nầy gợi lên
bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, trong đó có Abraham
và tất cả các tổ phụ khác và các tiên tri (13:28). Như thế, Lazarô nghèo khó và thiếu
thốn của ăn nuôi sống trên
trần gian, nay được thông hiệp với Abraham. Và Thiên Chúa của Abraham là Thiên Chúa của sự
sống (20:37-38). Trong khi đó, người
giàu có “được chôn cất”, ám chỉ ông nằm
giữa những kẻ chết (x. 9:59-60). Điều nầy
được xác định rõ hơn trong cách nói “trong âm
phủ” (c. 23). “âm phủ” là giang
sơn của người chết và nơi của sự
hủy diệt (x. Cv 2:27.31), hình phạt (Kh 20:14). Đối
nghịch với “âm phủ” là trời, nơi cư ngụ
của Thiên Chúa (x. 10:15).
Tình
cảnh khốn khổ của người giàu có (16:24-31)
Nội dung của phân
đoạn nầy được trình bày qua hình thức
đối thoại với ba lần thỉnh cầu
của ông (cc. 24.27-28.30) và ba lần từ chối của
Abraham (cc.25-26.29.30). Qua cuộc đối
thoại ngắn nầy, tình cảnh khốn khổ
của người giàu có được trình bày thêm.
Lời thỉnh cầu thứ
nhất (c. 24): “xin thương xót tôi” (c. 24). Lời nầy trong Luca chỉ xuất hiện
trong trình thuật người mù thành Giêricô (18:38.39), và
mười người phong cùi. Người
giàu có đang ở trong tình trạng vô phương cứu
chữa như những người nầy. Hai yếu tố khác cho thấy tình cảnh
của ông đã bị đảo ngược. Trước đây ông chỉ mặc áo đỏ
tía và lụa là, giờ đây ông đang chịu cực
hình, odynaomai, giữa lửa cháy bao quanh ông, trong khi Lazarô
ở nơi mát mẻ. Trước
đây, ông nằm trên giường tiệc, Lazarô bên
dưới và chờ mong những mảnh bánh vụn
rơi xuống từ bàn tiệc của ông. Giờ
đây, ông phải nhìn lên mới thấy Lazarô, và nài xin
một giọt nước từ ngón tay
của Lazarô nhỏ vào liệng lưỡi ông.
Trong câu
trả lời của Abraham (cc. 25-26) Luca nhắc lại quá
khứ “hãy nhớ lại”. Ông nói
đến “điều tốt” và điều xấu”,
như là sự tương phản giữa hai người
(c. 25). “Điều tốt” ở đây
là của cải đời nầy (6:45; 12:18.19). Sau đó, Luca
khẳng định điều đang xảy ra, “bây
giờ” hai người. Động từ “an ủi” (c. 25) nhắc lại lời
“Khốn cho các người giàu có, vì các người đang
được an ủi” (6:24).
Người giàu có đã được an
ủi đời nầy, thì đời sau chịu khốn
khổ; trong khi Lazarô được an ủi đời
sau. Đây là một trong những cách hành
động của Thiên Chúa (1:52).
Tiếp theo Abraham nói đến sự
phân cách tuyệt đối và khách quan giữa hai
người (c. 26). Một “vực thẳm”
“được đặt ra” (ở thể thụ
động); không thể có hiệp thông giữa hai bên.
Không thể qua lại với nhau
được. Như thế
người giàu có bị loại hẳn khỏi sự
hiệp thông với Abraham.
Lời thỉnh cầu thứ
hai (cc.27-28.29): trong lời thỉnh cầu
nầy, ông không nghĩ đến bản thân nữa, vì ông
đã ý thức tình trạng khốn khổ không thể
cứu vớt của mình. Bởi đó, ông
kêu xin Abraham hãy nghe lời ông xin. Ông
nghĩ đến những người anh em của ông
đang còn sống trên trần gian, và muốn tránh cho họ
khỏi rơi vào nơi khốn khổ như ông. Lời đáp của Abraham là chỉ cho thấy
phương thế cứu khỏi nơi ấy, chính là
nghe lời Môsê và các ngôn sứ (c. 29; 24:44). Mệnh
lệnh “Hãy nghe” phải dẫn đến việc làm theo điều đã nghe. Mệnh
lệnh nầy cho thấy cách gián tiếp là người
giàu có đã không nghe lời Môsê và các ngôn sứ nên đã không
để ý đến những người nghèo (Lv 19:9-10;
Đnl 14:29; 15:7-11). Ông đã không quan
tâm nghe lời của Thiên Chúa, nên không biết ý muốn
của Người. Ông chỉ quan tâm
đến sự giàu có và sự thụ hưởng
của ông.
Lời thỉnh cầu thứ
ba (cc. 30.31): người giàu có cố gắng
nài xin thêm một lần nữa cho anh em nhà của ông. Ông nghĩ anh em của ông sẽ “hoán cải”
nếu như được người chết hiện
ra. Tuy nhiên sự hoán cải không được
thực hiện bởi phép lạ, mà bởi lời rao
giảng về Chúa Giêsu (x. 11:32; Cv 2:36-38; 3:18-19). Hoán cải là
mở lòng đón nhận, tin vào Thiên Chúa và thay đổi
cuộc sống. Do đó, nếu không nghe lời Môsê
và các ngôn sứ, không thể hoán cải được. Người chết có hiện ra chỉ vô ích mà
thôi.
Luca sẽ không dừng lại
ở việc mô tả hậu quả của việc
sử dụng của cải không đúng theo
ý Thiên Chúa. Ông sẽ nói đến cách hành
động tích cực đối với của cải.
Đó là phân phát cho người nghèo (4:18; 18:22; 19:8; 21:3). Cuộc sống
ở trần gian không là tất cả. Số
phận đời sau tùy thuộc cuộc sống hôm nay.
Muốn được an ủi
đời sau, phải thi hành ý Thiên Chúa hôm nay.
|