Dại dột
Bài Tin
Mừng Chúa Giêsu đưa ra hai cảnh đối
nghịch nhau một cách chát chúa, đó là số phận
của nhà hộ phú và của người nghèo khổ
Ladarô, ở đời này và đời sau. Ở
đời này, người phú hộ ăn sung mặc
sướng, lụa là gấm vóc, yến tiệc linh
đình mỗi ngày, sống trụy lạc và danh vọng,
còn người nghèo khổ Ladarô thì không ai đoái hoài,
một người hành khất khốn cùng và bất
lực, hằng ngày ngồi chầu chực trước
cổng nhà người giàu có kia, hy vọng kiếm
được chút gì để độ thân cho qua ngày.
Hai nhân vật này không phải
ở hai chân trời xa cách nhau, nhưng ở kề bên nhau:
người nghèo nằm ngay trước cổng nhà
người giàu. Ở kề bên nhau nhưng
không có quan hệ với nhau. Cuộc
sống cứ kéo dài như thế cho đến khi
người nghèo chết và người giàu cũng
chết. Người nghèo chết, không
thấy nói có ai chôn, chỉ có thiên thần đến
đưa người ấy vào thiên đàng. Còn người giàu chết thì được chôn
cất đàng hoàng. Chắc chắn đám tang của
ông ta lớn lắm, có nhiều người đi
đưa, có nhiều vòng hoa, vòng cườm, chắc
cũng có nhiều người khóc nữa, nhưng không thấy
nói có thiên thần đến đón ông ta. Như vậy,
số phận của hai người đã đảo
ngược: Ladarô được thưởng sung
sướng, hạnh phúc. Còn nhà phú hộ
bị phạt khổ cực, bất hạnh.
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu
muốn dạy hai điều: thứ nhất, giàu có không
phải là một tội và nghèo khổ cũng chưa
hẳn là có phúc, nếu người ta không có tinh thần
nghèo khó thực sự. Thứ hai: mối quan hệ
giữa cách chúng ta sử dụng tiền của
đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Trước
hết, giàu có có phải là một tội trọng không và
nghèo khó có phải là có phúc không? Chúng ta thấy dụ ngôn
không đề cập tới một tội rõ rệt nào
của nhà phú hộ, thế mà ông ta đã sa
hỏa ngục, điều đó làm cho chúng ta có cảm
tưởng nguyên việc giàu có đã là một tội. Không, giàu có tự nó không xấu cũng không
phải là một tội, nếu không ai mà dám làm giàu
nữa. Nhưng nếu những
người giàu có coi tiền của, thay vì là đầy
tớ đã trở nên ông chủ, thay vì là thụ tạo
đã trở nên thần tượng, thay vì là phương
tiện đã trở nên mục đích. Hoặc
những người giàu có chỉ biết ăn
chơi phung phí mà không một chút động lòng trắc
ẩn trước những người nghèo khổ xung
quanh mình. Hoặc những người giàu coi
tiền bạc là trên hết, hơn cả tình nghĩa.
Những người giàu như thế thì
tiền của có thể chỉ đem lại cho họ
đầy đủ, sung sướng ở đời này
mà không ích gì cho họ ở đời sau. Hơn nữa, lại là một ngăn trở làm
cho họ khó vào nước trời hay không vào
được nước trời. Đó
là trường hợp của nhà phú hộ trong dụ ngôn.
Ông ta bị phạt, không phải vì ông ta là phú
hộ, nhưng vì ông ta đã không phú hộ cho nên. Mặc dầu chúng ta có thể nghi ngờ về
nguồn gốc tài sản của ông ta. Nhưng
tội của ông ta không phải chỉ ở cách làm giàu
bất chính, cũng không phải vì ông ta là người giàu,
nhưng vì ông ta đã sử dụng tiền của một
cách xa xỉ, ích kỷ, không biết chia sẻ,
thương giúp người hành khất đói rách, nghèo
khổ.
Ngược
lại, nghèo khổ có phải là có phúc không? Có, chắc chắn có và cũng có thể là không.
Thực vậy, nghèo khổ, nhất là nghèo
đến cùng cực, có thể trở thành mối tội
đầu thứ tám, thêm vào số bảy mối tội
đầu đã có. Bởi vì nghèo túng quá có thể làm
cho người ta mắc nhiều tật xấu và tội
ác: nghèo đưa đến tham nhũng, trộm cắp,
láo xược và ngang tàng; nghèo làm cho người ta ghen
tuông, bất mãn, xa cách Chúa, coi nhẹ linh hồn mình… Như vậy, nghèo đâu có phải là phúc. Rồi có biết bao người, bên ngoài nghèo nàn,
túng thiếu, nhưng trong lòng họ mơ ước, tham
lam đủ thứ. Những
người như thế chưa chắc đời sau
sẽ được hạnh phúc. Do đó, không
phải nguyên tình trạng nghèo khổ đã là công phúc, mà
cần phải cóp tinh thần, có tâm hồn nghèo khó và
biết chấp nhận tình trạng đó nữa. Như
chúng ta thấy: công phúc của người hành khất
Ladarô nghèo khổ, hệ tại ông ta biết chấp
nhận cảnh nghèo khổ, bệnh tật, tuân theo thánh ý Chúa. Dĩ nhiên, sự
chấp nhận này không ngăn trở người nghèo
khổ cố gắng hành động phải lẽ, làm
việc chính đáng đề thoát khỏi cảnh nghèo và bệnh
tật.
Đàng
khác, dụ ngôn còn nhằm nói lên mối quan hệ giữa
cách chúng ta sử dụng tiền của với hạnh
phúc vĩnh cửu. Tiền của vật chất
Chúa ban cho chúng ta hưởng dùng để xây dựng,
thăng tiến cuộc sống của mình, đồng
thời phát triển tình người, xây dựng yêu
thươnggiữa người với người. Ai biết sử dụng như thế không
những được ấm no hạnh phúc ở
đời này mà còn bảo đảm cho cuộc sống
hạnh phúc vĩnh cửu mai sau nữa trên nước
trời.
Ngược lại, ai khư
khư hưởng dùng một mình, không bao giờ muốn
giúp đỡ hay chia sẻ cho người khác, nhất là
những người nghèo khổ, dù là một chút thôi, thì
sẽ bị Thiên Chúa xét đoán nghiêm ngặt. Bởi vậy, nếu ông phú hộ biết đem
tiền của chia sẻ cho ông Ladarô, thì ông đã sắm
cho mình kho tàng trên trời, và khi chết ông sẽ
được thiên thần rước vào thiên đàng.
Nhưng ông đã không hành động như
vậy, nên ông đã mất tất cả và bị phạt
muôn đời.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở
chúng ta hai diều: thứ nhất, Chúa dạy chúng ta hãy
sống theo đạo trung dung của
trời. Chúng ta giàu có ư? Chúa bảo
chúng ta: đừng coi tiền của trọng hơn nhân
nghĩa. Nếu chúng ta nghèo khổ ư?
Chúa bảo chúng ta: đừng lo lắng quá mà dùng những
phương thế bất chính để có tiền
của và cũng đừng buồn chán, vì chúng ta đang
ở trong một tư thế thuận lợi để
vào nước trời. Thứ hai, Chúa dạy chúng ta:
chỉ có một mục đích cho việc sử dụng
tiền của vật chất, đó là sử dụng
để đạt tới sự sống vĩnh cửu;
và chỉ có một cách sử dụng đúng là sử
dụng để đem lại hữu ích cho mình và cho người
khác. Vì thế, dụ ngôn hôm nay mời gọi
mỗi người chúng ta hãy xét lại cách mình sử
dụng tiền của và cách mình đóng góp tiền của
trong việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha
nhân.
|