Chia sẻ – Lm. Giuse Trần
Việt Hùng.
Truyện kể: Nhà Vua kia không có con
nối dòng, đã niêm yết mời những bạn
trẻ điền đơn dự xét để
được nhận làm con nuôi trong hoàng tộc. Hai
phẩm chất cần có là mến Chúa và yêu tha nhân. Có
một cậu bé nhà nghèo muốn điền đơn, nhưng
cậu không có thể, vì cậu ăn mặc rách
rưới nghèo nàn. Được tin, cậu đã cố
gắng làm việc chăm chỉ kiếm tiền mua bộ
đồ mới và vội vã lên đường tìm dịp
may để được nhận nuôi trong gia đình
của vua. Tuy nhiên, đi dọc đường, khi
gặp một người nghèo bên vệ đường
đang chết lạnh. Anh bạn trẻ tỏ lòng
cảm thương và tráo đổi bộ quần áo cho
lão ăn xin. Thật khó khăn cho anh bạn trẻ này
để được diện kiến nhà vua, vì bây
giờ anh chỉ có bộ quần áo rách tả tơi. Vì
đã đi được quãng xa, anh nghĩ phải
cố gắng hoàn thành được hành trình. Khi anh
tới dinh thự của nhà Vua, mặc dầu bị khinh
rẻ và cười chê bởi các cận thần của
vua. Cuối cùng anh được diện kiến Vua. Anh
thật ngạc nhiên thấy vua chính là người ăn
xin bên vệ đường và đang mặc bộ
quần áo mà anh đã tặng cho ông. Nhà Vua bước
xuống khỏi ngai vàng, ôm lấy anh bạn trẻ và nói:
Chào đón, hỡi con của ta.
Sự
giầu sang phú túc là ân phúc Chúa ban. Người sang giầu
hay nghèo hèn cũng chẳng khác gì nhau về sứ mệnh.
Người giầu có nỗi khổ của người
giầu, kẻ nghèo có nỗi đau của kẻ nghèo. Cách
thế tìm kiếm và sử dụng của cải
đời này mới là điều quan trọng.
Người đời thường chúc nhau làm ăn
được phát tài phát đạt, của cải
đầy dư, an cư lạc nghiệp và gia đình
hạnh phúc. Của cải sinh lợi là dấu hiệu
được chúc phúc. Giầu có không phải là cái
tội, cái tội do tâm ý con người. Tiên tri Amos đã
lên tiếng cảnh cáo những người giầu sang phú
quí tự kiêu đã hoang phí tài sản: Đây Chúa toàn năng
phán: "Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý
ở Sion và tự kiêu trên núi Samaria”(Am 6, 1a). Những người giầu
có hay lạm dụng quyền thế để chèn ép
những người bé nhỏ thấp kém. Chúng ta nhận
biết Thiên Chúa luôn đứng về phía những
người nghèo bị đối xử bất công.
Người
giầu được hưởng thụ mọi sự
sung sướng trên đời. Một số người
giầu còn dung dưỡng xác thịt thỏa mãn mọi
nhu cầu đòi hỏi của bản năng. Họ
được hưởng nếm mọi của ngon
vật lạ. Sự thụ hưởng qúa độ
sẽ làm cho thân xác ươn lười, tinh thần
yếu đuối và con người hư hỏng. Amos
vạch trần những thói đời xa hoa: Các
ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê
đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo
trong đàn (Am 6, 4). Chúng ta biết rằng không phải
ăn nhiều, uống nhiều và hưởng thụ
nhiều là hạnh phúc. Bất cứ cái gì cũng có cái giá
phải trả. Ăn nhiều sẽ béo phì, uống quá
độ sẽ xay sưa và hưởng thụ nhiều
sẽ gây bệnh hoạn yếu liệt. Thật vậy,
chẳng béo bở gì khi ngày nào cũng có yến tiệc linh
đình. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng cần có những
bữa tiệc vui, những món ngon và rượu nồng
để vui thỏa lòng người.
Chúa
Giêsu đã dùng dụ ngôn ông Phú hộ giầu có và
người hành khất Ladarô nghèo đói để giúp chúng
ta suy nghĩ về cách đối xử với
đồng loại. Ông phú hộ ngày ngày yến tiệc
linh đình, còn Ladarô bệnh hoạn đói khổ ngồi
cạnh cổng và chẳng ai đoái hoài. Một
người thì sung sướng, tiệc tùng vui vẻ và
hưởng phước cuộc đời. Một
người cô thân cô thế, không nơi cậy dựa và
chịu thiệt thòi khổ đau. Khi mãn cuộc
đời dương thế, mỗi người đi
theo một hướng. Kẻ được chúc phúc,
người bị luận phạt. Vậy cuộc
sống của người giầu và người nghèo có
liên đới với nhau. Không ai có thể nói rằng tôi
chỉ có nhiệm vụ lo cho chính tôi và người hàng xóm
thì mặc kệ họ. Không phải thế, chúng ta
sống là sống cùng, sống với và sống hỗ
tương nhau. Cùng giúp nhau hoàn thành sứ mệnh của
đời người.
Nhìn
xem gương của người phú hộ, dụ ngôn
không nói về cách thế làm giầu của ông. Cũng không
nói ông phạm tội ức hiếp, khinh bỉ
người nghèo hay làm thiệt hại ai điều gì. Ông
xây tường cao vui hưởng cuộc sống trong sang
giầu cho riêng mình. Có một điều là ông thiếu
trách nhiệm với người hàng xóm. Mắt ông không nhìn
thấy được sự khổ đau của
người khác. Tâm ông không cảm được nỗi
cô đơn sầu khổ của người bên cạnh.
Ông đã không đoái hoài đến số phận đen
đủi hẩm hiu của tha nhân. Kết qủa của
cuộc đời, khi phải đối diện với
sư thật: Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt
đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô
gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô
được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu
khốn khổ (Lc 16, 25). Phần thưởng không nằm
ở sự giầu sang hay nghèo hèn, mà là thái độ
đối với tiền của và trái tim biết cảm
thông chia sẻ với tha nhân.
Sự
giầu có tiền bạc của cải có thể làm chúng
ta bị mù lòa. Khi giầu có, chúng ta dễ quên mất
sự nghèo khổ. Khi chúng ta đi ngang qua người
ăn xin, tại sao chúng ta thường ngó sang hướng
khác? Có lẽ vì chúng ta sợ tiếng nói của
lương tâm làm phiền. Chúng ta giả vờ như không
nhìn thấy họ. Thường thì người nghèo không
van xin, nhưng họ có đôi mắt với cái nhìn rất
tha thiết. Có khi người ăn xin giơ tay van nài và
chúng ta phải rất tôn trọng khi bố thí. Đừng
quăng ném tiền cắc vào cóng long của người
ăn xin như là vất bỏ một vật gì. Thái
độ cho đi quan trọng hơn qùa được
cho. Có lần mẹ Terêxa đã nói: Bệnh ghê tởm
nhất của thế giới hôm nay là cảm thấy
bị bỏ rơi và sự dữ lớn nhất trong
thế giới là thiếu vắng tình yêu và tỏ ra dửng
dưng với những nhu cầu cần thiếu của
tha nhân.
Chúng
ta không cần đợi người chết hiện
về để nói với chúng ta cách thế sống
đạo. Lời Chúa dạy quá đủ để chúng
ta học hỏi và thi hành. Ông phú hộ xin Abraham cho
người đã chết về loan tin. Abraham đáp
rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'.
(Lc 16, 29). Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại rất
nhiều lần rằng dù chỉ một bát nước,
chúng ta làm cho người nghèo vì danh Chúa, chúng ta sẽ không
mất phần thưởng. Đôi khi chúng ta dửng
dưng và nghĩ rằng dụ ngôn Chúa nói là để dành
cho những người giầu sang phú quí. Còn chúng ta là
những người nghèo, người lao động
đầu tắt mặt tối và còn đang hưởng
tiền trợ cấp của chính phủ, lấy đâu ra
mà giúp đỡ người này người kia chứ.
Biết rằng chúng ta không giầu có về tiền tài
của cải, chúng ta vẫn có cái để chia sẻ mà.
Chúng ta có một trái tim đấy ắp tình thương.
Chia sẻ sự cảm thông, sự hiểu biết và tình
người còn quan trọng hơn. Một nụ
cười, một lời nói nhẹ nhàng, một thái
độ khoan dung và sự cảm mến cũng đủ
nguôi lòng người đang trong cơn sầu khổ.
Mang
danh là Kitô hữu, chúng ta là mộn đệ của Chúa
Giêsu. Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Hỡi người
của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng
đạo hạnh, đức tin, đức ái,
đức nhẫn nại, đức hiền lành (1Tm 6,
11). Các nhân đức là những bông hoa thơm hương
tô điểm cho đời sống đức tin. Các
đức tính tốt làm cho đời sống đạo
được trổ sinh hoa trái. Đức ái là cao
trọng vì đức ái sẽ mở cửa tâm hồn giúp
chúng ta đến với tha nhân. Tha nhân giúp chúng ta tiến
tới trên con đường trọn lành. Không phải
những người giầu có đưa chúng ta tới
cửa thiên đàng, nhưng nhờ chính những
người bé nhỏ, thấp kém, nghèo hèn và khổ đau.
Họ là những ân nhân quí báu nhất của chúng ta trong
cuộc hành trần thế này.
Bước
vào cuộc đua, chúng ta không thể bỏ cuộc.
Phải chiến đấu anh dũng cho đến cùng
đường. Đừng khi nào nản chí về
việc bác ái giúp người. Bao lâu Thiên Chúa còn ban ân
huệ cho chúng ta, bấy lâu chúng ta còn có cơ hội chia
sẻ khả năng, thời giờ và của cải
của chúng ta với người chung quanh. Người
nghèo là hiện thân của Chúa Giêsu giữa dòng đời.
Chúng ta đừng khinh rể họ, vì họ đang
được chia sẻ sự nghèo hèn thiếu thốn
của Chúa Kitô. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: Con hãy
chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính
nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy
sự sống đời đời mà con đã
được kêu gọi tới và cũng vì đó, con
đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin
trước mặt nhiều nhân chứng (1Tm 6, 12).
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con quá
nhiều hồng ân. Nhiều khi chúng con cứ khư khư
giữ lại làm giầu cho chính mình mà quên những nhu
cầu cần thiết của anh chị em chung quanh. Xin cho
con biết mở mắt, mở tai và mở rộng tâm
hồn để cùng chia sẻ niềm vui với mọi
người.
|